PhotoStory

Cuộc sống ở con rạch ô nhiễm nhất Sài Gòn

(Dân trí) - Là một trong những khu "ổ chuột" còn sót lại ở Sài Gòn, rạch Xuyên Tâm bị ô nhiễm nặng do các loại rác thải của nhiều hộ dân sinh sống dọc hai bên rạch xả xuống mặt nước làm tắc nghẽn dòng chảy.

Cuộc sống ở con rạch ô nhiễm nhất Sài Gòn - 1

Nhằm chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường và tăng khả năng thoát nước, rạch Xuyên Tâm được UBND TPHCM phê duyệt dự án cải tạo từ năm 2002. Đến nay, gần 20 năm chờ đợi nhưng tiến độ cải tạo con rạch này vẫn bị treo khiến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân ở "xóm nước đen" này gặp rất nhiều khó khăn.

Cuộc sống ở con rạch ô nhiễm nhất Sài Gòn - 2

Anh Phạm Thanh Hào (23 tuổi, Bình Thạnh) sinh ra và lớn lên ở "xóm nước đen", vừa chèo chiếc ghe trên dòng nước đen kịt vừa nói: "Dưới đây cái gì cũng có, rác thải sinh hoạt, nhựa, xác động vật, kim tiêm... Khi thủy triều rút, con rạch trơ đáy lộ ra một lớp rác dày đặc. Vài năm nữa, chỗ này chắc chỉ có rác, chứ không thấy nước".

Anh Hào cho biết thêm, trước kia anh làm nghề phụ hồ, nhưng mất việc vì dịch. Giờ tranh thủ lúc nước lên, anh chèo ghe bắt cá để bán cho những người có nhu cầu phóng sinh.

"Mỗi ngày thu được khoảng 200.000 đồng đến 300.000 đồng. Cá sống trong nước ô nhiễm bắt lên chỉ để bán phóng sinh, chứ không ai dám ăn", anh Hào chia sẻ.

Cuộc sống ở con rạch ô nhiễm nhất Sài Gòn - 3

Ngoài các loại rác thải như bao nilông, hộp xốp, chai lọ... còn có nhiều xác động vật, gia cầm được người dân vứt xuống rạch bốc mùi hôi thối nồng nặc.

Cuộc sống ở con rạch ô nhiễm nhất Sài Gòn - 4

Rạch Xuyên Tâm đoạn qua địa bàn phường 15 (quận Bình Thạnh, TPHCM) là nơi có nhiều lao động nhập cư nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Họ sống trong những căn nhà sàn dựng lên bằng gỗ và tôn. 

Cuộc sống ở con rạch ô nhiễm nhất Sài Gòn - 5

Anh Phạm Quốc Toản (39 tuổi, quê Long An) gần 20 năm sống ở "xóm nước đen" cho biết: "Công việc chính của tôi là phụ hồ, tranh thủ những lúc nước lớn chèo ghe dọc con rạch vớt các chai lọ bán ve chai. Một ngày cũng kiếm thêm được vài chục nghìn đồng".

Cuộc sống ở con rạch ô nhiễm nhất Sài Gòn - 6

Bà Lê Thị Thanh (64 tuổi, quê gốc Thanh Hóa) vào TPHCM sống và mưu sinh ven con rạch này nhiều năm qua. Hiện tại, bà là chủ một khu nhà trọ gồm 10 phòng cho người dân lao động thuê. Đây là những phòng trọ có giá thuê thuộc loại "bèo" nhất Sài Gòn rồi nhưng cũng từ 1,2 triệu - 1,5 triệu/phòng.

"Những người sống ở đây đa số có hoàn cảnh khó khăn. Họ là lao động chân tay, bán vé số, nhặt ve chai… Dịch bệnh bùng phát, mọi người ở đây ai cũng nhiễm Covid-19, trừ tôi. May mắn là không ai trở bệnh nặng, hay qua đời. Tôi chủ động miễn tiền nhà 3 tháng, và kêu gọi chính quyền hỗ trợ tiền và lương thực cho mọi người khi ở nhà thực hiện giãn cách", bà Thanh chia sẻ.

Cuộc sống ở con rạch ô nhiễm nhất Sài Gòn - 7

Về việc người dân phải sống cạnh con rạch ô nhiễm nặng, bà Thanh cho biết, đã nghe nhiều về những kế hoạch, những dự án nạo vét cải tạo và di dời, nhưng tới giờ vẫn chưa thấy gì. 

"Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được cải tạo sạch sẽ nhiều năm rồi, không hiểu sao họ lại quên nhánh rạch này. Tôi chỉ mong con rạch sớm được cải tạo, để môi trường sống được tốt hơn. Hoặc sớm được nhà nước di dời đến một nơi sống sạch sẽ, an toàn hơn", bà Thanh hi vọng.

Cuộc sống ở con rạch ô nhiễm nhất Sài Gòn - 8

Cô Nguyễn Thị Ngọc Hương (55 tuổi) bế cháu ngoại một tháng tuổi tắm nắng trước hiên nhà. Cô cho hay, vừa sinh ra thì cháu bị vàng da nặng, nên phải tích cực phơi sáng buổi sáng. Cô cũng cho biết thêm, những khi phơi nắng vào buổi sáng, là lúc nước lên, nên cũng bớt mùi hôi thối.

Cuộc sống ở con rạch ô nhiễm nhất Sài Gòn - 9

Em Trần Gia Bảo (10 tuổi, học lớp 5 trường Phù Đổng) học online hơn 8 tuần qua trong nhà kho chật hẹp bên dòng nước đen hôi thối. Lớn lên từ nhỏ bên con rạch nên Bảo cũng đã quen với mùi xú uế nồng nặc, không ảnh hưởng nhiều lắm đến việc học của mình.

Cuộc sống ở con rạch ô nhiễm nhất Sài Gòn - 10

Bà Nguyễn Kim Hường (60 tuổi) là một trong những người dân sống lâu năm nhất trong "xóm nước đen". Nhiều thế hệ trong gia đình bà Hường vẫn tiếp tục sinh sống tại đây và gắn bó với nơi này, không muốn rời đi. Bà chỉ mong muốn dòng kênh được cải tạo để con cháu bà được hưởng môi trường sống xanh sạch, trong lành hơn.

Cuộc sống ở con rạch ô nhiễm nhất Sài Gòn - 11

Bà Lê Thị Nở (48 tuổi) sống trong một căn phòng trọ khoảng 3 mét vuông hơn chục năm nay bằng nghề bán vé số. Bà Nở lựa chọn thuê trọ tại khu này vì giá rẻ hơn rất nhiều các khu trọ có môi trường sống trong lành.

"3 tháng giãn cách không đi bán được vì vé số tạm nghỉ. May mắn là được chủ nhà miễn tiền trọ và nhận được đầy đủ gạo, lương thực và các đợt hỗ trợ tiền của Chính phủ", bà Nở phấn khởi.

Cuộc sống ở con rạch ô nhiễm nhất Sài Gòn - 12

Lựa chọn tương tự chị Nở, anh Mai (40 tuổi) sinh hoạt trong "căn phòng" vừa đủ chỗ ngã lưng của mình. Căn phòng chưa đến 2 mét vuông là nơi che mưa, che nắng cho anh suốt những tháng qua. Anh phải dùng chiếc điện thoại để thắp sáng mỗi khi đêm về.

Cuộc sống ở con rạch ô nhiễm nhất Sài Gòn - 13

Những người dân "xóm nước đen" như cô Thanh, anh Hào, anh Toản, … đều là những người đã sống lâu năm ở khu vực ven rạch Xuyên Tâm. Cuộc sống đầy khó khăn, buộc họ phải thích nghi với môi trường sống của mình. 

"Nhà trong khu dự án nên không được sửa chữa, tứ phía toàn là tôn, mùa nắng nóng không chịu nổi, mùa mưa ruồi muỗi nhiều lắm, ở đây nhiều người bị sốt xuất huyết. Người dân nơi đây luôn hy vọng có sự thay đổi lớn từ chính quyền, mong con rạch sớm được cải tạo và trở nên xanh sạch đẹp để bà con bớt khổ", anh Hào nói.

Cuộc sống ở con rạch ô nhiễm nhất Sài Gòn - 14

Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) đi qua địa bàn quận Bình Thạnh, quận Gò Vấp có tổng chiều dài tuyến là 8,2 km, trong đó tuyến chính từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến cửa sông Vàm Thuật là 6,42 km. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 9.000 tỉ đồng, tổng diện tích đất thu hồi là 500.000 m2. Dự kiến chi phí đền bù gần 5.000 tỉ đồng. Dự kiến, dự án sẽ khởi công và hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025.