(Dân trí) - Sau khi phán khách xem bói nếu không làm lễ sẽ "đi cả người chứ không chỉ mất tiền", cô đồng Hương báo giá 270 triệu và nói "như thế này là quá ít, nhiều người còn cả tỷ" họ vẫn làm?
Chuyện bất ngờ về cô đồng " đúng nhận, sai cãi" và nghệ thuật làm giá "đúng 180 triệu"
Trong đơn gửi báo Dân trí, anh Xuân tại Hải Phòng cho biết, vì thấy "cô đồng" Trương Thị Hương (phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) có nhiều người đến xem bói, tài khoản trên mạng xã hội của cô này cũng có nhiều người theo dõi nên ngày 6/12/2022 anh cùng gia đình đến xem.
Anh chia sẻ, thời điểm đó, gia đình bị một số thành phần xã hội thường xuyên quấy phá, nên anh muốn bán nhà để giải quyết việc riêng. Sau khi cung cấp thông tin, "cô đồng" nói rằng, muốn giải quyết được vấn đề, muốn bán được nhà thì phải làm nhiều loại lễ, gồm: lễ giải tiến hình (tức là phải có hình nhân thế mạng), lễ di cung hoán số cho cả nhà, lễ để phù hợp hướng nhà và lễ cúng bái bát hương. Chi phí làm các loại lễ này hết 270 triệu đồng.
"Nếu không bán được nhà, không yên bề gia thất đừng quay lại cửa gặp cô", bà Hương khẳng định trong video.
Theo file ghi âm mà anh Xuân cung cấp cho phóng viên Báo điện tử Dân trí, sau khi báo giá làm lễ 270 triệu đồng, thấy gia đình anh Xuân im lặng, "cô đồng" đã gợi ý giảm giá: "nhà bác thích ghép hay thích đứng chủ đầu đài lễ, nếu ghép thì chỉ mất 220 triệu thôi, còn đứng chủ thì hết nhiều hơn nữa".
Thấy gia đình anh Xuân vẫn im lặng, "cô đồng" tiếp lời "nếu không có thì cũng phải nói cô giúp cho như thế nào để gia đình êm thấm là được, cái gì cũng phải có lời nói chứ..."
Lúc này, bà Hằng (mẹ anh Xuân) mới nhờ "cô đồng" ghép lễ giúp. Vừa nghe được nhờ, "cô đồng" nhanh chóng khẳng định sẽ làm được việc cho gia đình anh Xuân và báo giá "tôi sẽ ghép, vừa ghép vừa cho, nói sai mù mồm, đúng 180 triệu".
Theo phản ánh của anh Xuân, ngày đi xem bói, gia đình anh không mang đủ tiền nên bà Hằng đã chuyển khoản trước cho cô đồng Trương Thị Hương 10 triệu đồng để đặt cọc. Anh Xuân cho biết, để làm lễ gia đình đã đưa tiền mặt cho quản lý của "cô đồng" Hương là ông K.T.H.
Sau khi nộp tiền, gia đình anh Xuân được đưa đi làm lễ tại đền Chầu Lục (thôn Chín Tư, xã Hòa Lạc, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn) vào ngày 10/12/2022. Gia đình anh Xuân được cho làm chủ đài lễ, được ngồi trước những người đóng tiền ít hơn. Anh cho biết, cùng ghép lễ với nhà anh có 5 - 6 gia đình khác. Qua hỏi chuyện, anh biết mỗi nhà đóng không phải ít tiền.
Cũng theo anh Xuân, trước khi làm lễ, "cô đồng" hứa, gia đình anh Xuân sẽ bán được nhà vào ngày 6/12, nếu nói sai "cô đồng" sẽ bị "mù mồm" và anh Xuân không phải quay lại cửa nhà "cô đồng" nữa. Tuy nhiên, đến nay đã nhiều tháng trôi qua, chưa có khách nào hỏi mua căn nhà cần bán của anh.
Anh Xuân cho biết, bố mình suy thận giai đoạn cuối, một tuần chạy thận 3 lần, mỗi lần chạy liên tục 7 - 8 tiếng đồng hồ. Việc điều trị này rất tốn kém, anh Xuân đi bán cá ở chợ, nhặt từng đồng để nuôi 2 con nhỏ và nuôi bố trên giường bệnh.
"180 triệu không biết tôi phải kiếm đến bao giờ mới có" anh Xuân nói.
Chiêu trò để "thầy bói" thu được nhiều tiền làm lễ
Trao đổi với phóng viên báo Dân trí, luật sư Đ.N.D. cho biết, để thu được nhiều tiền làm lễ của người đến xem bói, các thầy bói có nhiều chiêu trò.
Thứ nhất, "thầy bói" phải làm cho người xem tin tưởng mình: Những người đi "xem bói" đa phần đều gặp những vấn đề riêng: như tình duyên, gia đạo, công việc, sức khỏe... và họ đang bị vướng mắc, bế tắc, không thể tự mình giải quyết, họ muốn tìm một người (nơi) nào đó mà họ cho rằng đủ lòng tin và năng lực để họ gửi gắm.
Khi đó, bản thân người đi xem bói đã xuất hiện sự không minh mẫn. Trước khi đi xem, người đi xem bói sẽ tìm hiểu trước về "thầy bói", có thể thông qua người quen, tự tìm hiểu (trên mạng internet hoặc tự mình hỏi thăm), từ đó quyết định đi xem. Khi đó, bản thân người đi xem đã có sự tin tưởng nhất định về "thầy bói".
Theo luật sư D., vị thế của hai bên cũng hoàn toàn khác nhau: người đi xem là người tâm lý đang không vững, còn "thầy bói" là "chuyên gia" - người có thể giải quyết vấn đề của người xem bói. Ngoài ra, "thầy bói" còn là người khai thác thông tin và dẫn dắt câu chuyện của những người cả tin.
Thông thường, trong một cuộc xem bói, người xem bói sẽ cung cấp thông tin, vấn đề mình đang gặp phải và mong muốn của mình là gì để "thầy bói" xem cho. Từ đó, "thầy bói" sẽ hỏi đáp để khai thác thông tin thêm như kiểu: "đúng nhận, sai cãi". Cùng với đó là những lời nói mang tính phổ quát chung, người nghe sẽ "tự luận giải". Với tâm lý tin tưởng người đối diện và trạng thái bế tắc, người đi xem bói sẽ "tự luận giải" theo hướng lời nói đó đúng. Trường hợp nếu sai thì đương nhiên "thầy" sẽ có phương án dự phòng.
Thứ hai, khi đã có sự tin tưởng của người xem thì "thầy bói" sẽ nói đến những lý do mang tính tâm linh mà không ai có thể chứng minh được. Ví dụ như: kiếp trước con có tội, kiếp này con phải trả nợ. Cùng với đó là những lời lẽ mang tính hù dọa như: sắp tới còn hạn nặng hơn, chú ý sức khỏe, chú ý người này, người khác.... khiến cho người xem bói càng thêm lo lắng, bất an. Vì những lý do đó họ không có gì chứng minh là sai và họ cũng không thể tự giải quyết.
Thứ ba, đưa ra phương án để giải quyết, đó là làm lễ. Đây là công đoạn cuối để thu tiền. "Thầy" bói sẽ cố gắng đưa ra một hậu quả rất khốc liệt nếu không làm lễ, kèm theo là lời nói: "tôi chỉ giúp chứ không lấy công".
Với một người đang gặp vấn đề bế tắc như vậy, thêm nguy cơ có thể hậu quả nặng nề hơn nữa, chỉ cần bỏ tiền ra là giải quyết được thì việc chấp nhận chi tiền là điều dễ dàng xảy ra.
Nhiều người gửi đơn trình báo tới cơ quan Công an
Hiện nay, nhiều người đã gửi đơn thư trình báo tới cơ quan công an và báo Dân trí liên quan đến sự việc nêu trên. Trong khi chờ thông tin của cơ quan có thẩm quyền, người dân không nên tự ý kết luận, đăng tải thông tin sai lệch. Nếu bạn đọc muốn phản ánh các thông tin tới báo Dân trí, vui lòng gửi vào Email: duongdaynong@dantri.com.vn
Nội dung: Cát Sinh
Video, hình ảnh: Cát Sinh