Chủ tịch Quốc hội thăm Trung Quốc: Cụ thể hóa 6 phương hướng hợp tác lớn
(Dân trí) - Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có ý nghĩa quan trọng trong định hướng chiến lược quan hệ song phương và cụ thể hóa 6 phương hướng hợp tác lớn giữa hai nước.
Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai khẳng định như vậy, khi trao đổi với báo chí trước thềm chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Nhận lời mời của Ủy viên trưởng Ủy ban thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 7 đến 12/4.
Nâng cao hiệu quả hợp tác giữa cơ quan lập pháp Việt Nam - Trung Quốc
Theo Đại sứ Phạm Sao Mai, đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của ông Vương Đình Huệ trên cương vị Chủ tịch Quốc hội, cũng là cuộc gặp gỡ trực tiếp đầu tiên giữa Người đứng đầu Cơ quan lập pháp hai nước sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Chuyến thăm cũng diễn ra ngay sau chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (12/2023), với việc hai bên ra "Tuyên bố chung về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược".
Đại sứ Phạm Sao Mai nhận định chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tới Trung Quốc lần này có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì giao lưu, tiếp xúc cấp cao, định hướng chiến lược cho quan hệ song phương, cụ thể hóa nhận thức chung giữa lãnh đạo cao nhất hai Đảng, hai nước.
Thông qua chuyến thăm, Việt Nam muốn khẳng định ưu tiên hàng đầu và lựa chọn chiến lược trong chính sách đối ngoại là phát triển quan hệ với Trung Quốc.
"Chuyến thăm lần này cũng nhằm cụ thể hóa 6 phương hướng hợp tác lớn giữa 2 nước, đặc biệt là thúc đẩy tin cậy chính trị cao hơn và củng cố nền tảng xã hội vững chắc hơn, góp phần nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc", Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc nhấn mạnh.
Không chỉ vậy, ông cho rằng chuyến thăm sẽ góp phần làm sâu sắc, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa cơ quan lập pháp hai nước, khẳng định vai trò rất quan trọng của đối ngoại Quốc hội đối với sự nghiệp phát triển đất nước.
Chia sẻ về mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, Đại sứ Phạm Sao Mai nhấn mạnh hai nước láng giềng có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, thể chế chính trị và con đường phát triển. Quan hệ hai Đảng, hai nước phát triển rất tích cực và đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, theo vị Đại sứ.
Dẫn chứng thành quả trao đổi cấp cao và các cấp được tăng cường, Đại sứ Phạm Sao Mai nhấn mạnh hai chuyến thăm lẫn nhau mang tính lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (10/2022) và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (12/2023) đã góp phần tiếp thêm động lực mạnh mẽ để hai Đảng, hai nước củng cố, nâng tầm quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện.
Điểm nổi bật nhất trong các cuộc tiếp xúc, hai bên đều khẳng định coi nước kia là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nước mình, theo Đại sứ.
"Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và là sự lựa chọn chiến lược, luôn mong muốn cùng Trung Quốc thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững. Trung Quốc nhấn mạnh kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam, coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng", Đại sứ Phạm Sao Mai chia sẻ.
Ông nhấn mạnh, Trung Quốc cũng khẳng định ủng hộ Việt Nam phát triển phồn vinh, nhân dân hạnh phúc, xây dựng nền kinh tế lớn mạnh, độc lập, tự chủ, thúc đẩy đồng bộ sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế toàn diện, phát triển quan hệ đối ngoại rộng mở, hữu nghị, phát huy vai trò ngày càng quan trọng hơn cho hòa bình, ổn định, phát triển và phồn vinh ở khu vực và trên thế giới.
Điểm sáng trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư
Về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, Đại sứ nhìn nhận đây là điểm sáng trong quan hệ hai nước thời gian qua.
Trung Quốc duy trì là đối tác thương mại lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga).
Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Trung Quốc đạt gần 172 tỷ USD, theo số liệu của hải quan Việt Nam, còn theo số liệu của hải quan Trung Quốc đạt 229,8 tỷ USD.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 27,3 tỷ USD (tăng 28%).
Về đầu tư, trong năm 2023, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 4,47 tỷ USD, tăng 77,5% đứng thứ 4 trong tổng số các quốc gia và vùng lãnh thổ, song dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 22,17%).
Trong quý I/2024, Trung Quốc dẫn đầu về số dự án FDI đầu tư mới vào Việt Nam (chiếm 27,8%). Hai bên cũng tích cực phối hợp từng bước tháo gỡ giải quyết vướng mắc tồn đọng trong một số dự án hợp tác kinh tế trước đây.
Về hợp tác văn hóa, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân, Đại sứ Phạm Sao Mai thông tin đến nay, đã có gần 60 tỉnh/thành phố của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương Trung Quốc.
Trung Quốc cơ bản khôi phục các chuyến bay thương mại với Việt Nam; hiện mỗi tuần có hơn 200 chuyến bay qua lại giữa hai nước. Trung Quốc cũng đã triển khai cấp lại visa cho lưu học sinh và người lao động Việt Nam quay trở lại nước này.
Trong năm 2023, có hơn 1,7 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam; 3 tháng đầu năm 2024 đạt gần 890.000 lượt khách, tăng 634,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đặc biệt, theo Đại sứ, hai bên đã đạt nhiều thành quả trong việc xây dựng đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc hòa bình, hữu nghị và hợp tác, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội các địa phương biên giới.
Chia sẻ kỳ vọng về chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt này, Đại sứ Phạm Sao Mai mong quan hệ hai Đảng, hai nước, hai Quốc hội được thúc đẩy, phát triển tích cực trong thời gian tới, góp phần cụ thể hóa các thành quả, nội hàm mới của quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.
Ông cũng kỳ vọng chuyến thăm sẽ đẩy mạnh giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về công tác lập pháp, cũng như củng cố nền tảng xã hội, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Từ chuyến thăm này, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc mong hai bên tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới, phối hợp trong bảo đảm thực thi các điều ước quốc tế mà hai bên cùng tham gia, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới.