"Chợ nhà giàu" giữa trung tâm TPHCM chuẩn bị giải tỏa
(Dân trí) - Nằm lọt thỏm giữa các tòa nhà cao tầng ở trung tâm TPHCM, chợ Tôn Thất Đạm đã tồn tại hơn 50 năm qua. Dự kiến trong quý 2 năm nay, chợ này sẽ chấm dứt hoạt động theo báo cáo đề xuất của UBND quận 1.
Nằm lọt thỏm giữa các khu cao ốc, trung tâm thương mại sang trọng, sầm uất, chợ Tôn Thất Đạm (phường Bến Nghé, quận 1), hay còn gọi là "chợ cũ", "chợ nhà giàu". Đây là một ngôi chợ ít nhiều có tên tuổi, ghi dấu ấn trong lòng nhiều người dân Sài Gòn.
Theo UBND quận 1, chợ Tôn Thất Đạm chấm dứt hoạt động do đây là chợ tự phát, không đúng quy hoạch. Bên cạnh đó, chợ cũng nằm trong quy hoạch giải tỏa giai đoạn 2011-2015 theo quyết định của UBND thành phố nhưng đến nay chưa thực hiện xong.
Hoạt động của chợ từ trước đến nay không được công nhận. Chợ không có nhà lồng, các hộ tự dựng các gian hàng bán kiên cố bằng vật liệu nhẹ, dễ cháy đặt trên vỉa hè, lòng đường Tôn Thất Đạm để bán các mặt hàng, không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, giao thông, vệ sinh môi trường.
Mặt khác, trong khu vực chợ có trường tiểu học Hòa Bình, hoạt động chợ gây ảnh hưởng nhiều đến môi trường sư phạm.
Những ngày cuối tháng 4, trước thông tin giải tỏa, không khí ở chợ trở nên đìu hiu, trầm lặng. Nhiều tiểu thương gắn bó với chợ hàng chục năm dù đã chuẩn bị sẵn tinh thần nhưng vẫn đầy tiếc nuối.
Sau đợt dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề tại TPHCM, không khí tại chợ trở nên ảm đạm, các tiểu thương luôn trong thế nhàn rỗi, ngồi đợi khách đến mua hàng.
Gọi là "chợ nhà giàu" vì nơi đây chuyên buôn bán các sản phẩm được nhập từ nước ngoài như bánh kẹo, rượu, sữa, xà phòng..., có giá thành phần nào cao hơn các chợ khác.
Ông Quang (47 tuổi), một tiểu thương buôn bán lâu năm ở chợ cho hay: "Khoảng 20-30 năm về trước là thời gian cực thịnh của chợ này. Những sản phẩm được bán ra đều là hàng hiếm, chỉ có thể tìm mua ở đây. Chợ Tôn Thất Đạm từng có thời gian dài là địa chỉ quen thuộc của giới thượng lưu Sài Gòn lui tới mua sắm".
Bà Trinh (64 tuổi) tiếp những vị khách hiếm hoi đến hỏi mua bánh kẹo ở sạp mình. Bà cho hay, gia đình đã buôn bán ở đây hơn 50 năm, thời gian đầu, sạp cần 4-5 người phụ bán vì đông khách. Nhưng về sau, khi siêu thị phát triển, lượng khách đi chợ thưa dần khiến cho việc kinh doanh của bà ế ẩm.
"Bây giờ tôi chủ yếu bán cho khách quen. Họ biết đến uy tín cửa hàng của gia đình nên tìm đến mua thường xuyên. Lượng khách mới là rất ít, hầu như không có. Giờ người ta đi siêu thị hết rồi, đâu còn ai đi chợ như xưa nữa", bà Trinh buồn bã nói.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách du lịch nước ngoài đến chợ giảm đáng kể. Đa số du khách đến đây thường là để đi dạo, tham quan là chính, hiếm khi mua sắm tại chợ.
"Năm 1988, gia đình tôi dọn về đây ở và bắt đầu buôn bán. Thuở ban đầu, việc kinh doanh khá thuận lợi. Nhưng 10 năm trở lại đây, số lượng khách đến chợ ngày càng giảm khiến gia đình không còn khả năng bám trụ nên chúng tôi quyết định sang nhượng lại gian hàng, chuyển đi nơi khác kinh doanh", ông Sáu Dân (59 tuổi), sống ở khu chung cư 90 Tôn Thất Đạm dọc khu chợ, chia sẻ.
Về thông tin chợ có thể bị giải tỏa trong thời gian tới, ông Sáu Dân trầm ngâm: "Cá nhân tôi tin đây là một bước đi đúng đắn cho sự phát triển của khu vực này, cũng như toàn thành phố. Tuy nhiên, để mất đi một biểu tượng như "chợ cũ" thì cũng thật là đáng tiếc".
Bà Thúy (38 tuổi) ngồi lặng lẽ trông khách ở quầy thịt của mình cho hay: "Chợ nằm giữa trung tâm thành phố, bao quanh bởi nhiều văn phòng nên vào giờ tan tầm có rất nhiều người ghé đây để mua đồ về làm thức ăn. Nhưng đó là chuyện của nhiều năm về trước. Bây giờ người ta đi siêu thị, hay mua hàng online hết rồi, vừa nhanh vừa tiện".
Tương tự, một tiểu thương bán rau quả gần quầy thịt của bà Thúy nói: "Chiều rồi mà hàng hóa vẫn còn bày ra tràn lan như thế này. Sau dịch cuộc sống đã khó khăn, nay buôn bán ế ẩm cảm giác thật ê chề. Còn việc chợ sẽ bị giải tỏa thì đa số ai ở đây cũng buồn, nhưng tôi hy vọng mọi thứ sẽ diễn ra ổn thỏa, để sớm ổn định việc làm ăn".
Những bé gái là con em của một tiểu thương đang ngồi chơi trên chiếc xe hàng của gia đình. Đa số các sạp kinh doanh, buôn bán ở chợ theo mô hình hộ gia đình, kinh doanh kế nối từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Đa số các hộ kinh doanh tự gia cố gian hàng bằng những vật liệu thô sơ, đặt cố định trên vỉa hè và lề đường, không đảm bảo an toàn phòng cháy. Các hộ kinh doanh ở chợ đã nắm rõ về thông tin giải tỏa chợ nên đã sẵn sàng tâm lý và kinh doanh cầm chừng chờ đến ngày chợ ngưng hoạt động.
Chợ Tôn Thất Đạm có hơn 200 hộ, sạp kinh doanh nằm hoàn toàn trên lòng đường Tôn Thất Đạm, kinh doanh các ngành hàng gồm thực phẩm, ăn uống, thời trang… Trong đó, hơn 90% hộ kinh doanh có mức doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm.
Nhằm đảm bảo lợi ích kinh doanh của các hộ kinh doanh, UBND quận 1 đề xuất vận dụng Quyết định số 06/2007/QĐ-UBND về bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí khi di dời, chấm dứt hoạt động hoặc cải tạo, đầu tư xây dựng lại chợ theo quy hoạch của thành phố.
Theo dự kiến, 169 hộ kinh doanh tại khu chợ này đủ điều kiện hỗ trợ theo Quyết định số 06/QĐ-UBND (có điểm kinh doanh cố định và trực tiếp kinh doanh, có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với nhà nước và có mã số thuế) sẽ nhận được 69 triệu đồng/hộ. Với 22 hộ không đủ điều kiện hỗ trợ theo Quyết định số 06 sẽ nhận được 29 triệu đồng/hộ. 21 hộ thuộc hai đơn vị là hợp tác xã sẽ nhận được 29 triệu đồng/hộ, trường hợp hai đơn vị không nhận tiền hỗ trợ trực tiếp (không hỗ trợ cho từng hộ kinh doanh thuộc hai đơn vị) thì mức hỗ trợ cho mỗi đơn vị là 69 triệu đồng/đơn vị.