Chó nghiệp vụ tập luyện tìm cứu người, tấn công tội phạm, phát hiện ma túy
(Dân trí) - Những chú chó được tuyển chọn vào Trường Trung cấp 24 Biên phòng sẽ được huấn luyện thành chó chiến đấu, chó phát hiện ma túy, chó phát hiện chất nổ, chó tìm kiếm cứu nạn, chó giám biệt nguồn hơi.
Nhắc tới Bộ đội biên phòng, chúng ta thường chỉ nghĩ đến những chiến sĩ quân hàm xanh bảo vệ biên cương Tổ quốc, phòng chống tội phạm. Nhưng họ còn là lực lượng tuyến đầu tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, trong đó có cả những chú chó nghiệp vụ.
Trường Trung cấp 24 Biên phòng (ở Ba Vì, Hà Nội), thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (Bộ Quốc phòng) là trường duy nhất trong Quân đội đào tạo huấn luyện viên, huấn luyện chó nghiệp vụ theo 5 chuyên ngành, gồm: Chó chiến đấu, chó phát hiện ma túy, chó phát hiện chất nổ, chó tìm kiếm cứu nạn và chó giám biệt nguồn hơi, hỗ trợ công tác điều tra hình sự.
Hàng năm căn cứ vào nhu cầu của các tỉnh và chỉ tiêu của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng giao mà Trường Trung cấp 24 Biên phòng đào tạo huấn luyện viên và huấn luyện chó nghiệp vụ với số lượng nhất định.
Việc đào tạo huấn luyện viên và chó nghiệp vụ phục vụ nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, tìm kiếm cứu nạn... là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Trường Trung cấp 24 Biên phòng.
Những huấn luyện viên mới nhận chó sẽ bắt đầu làm quen như cho chó ăn, gọi tên, dắt chó đi chơi, thành lập một số phản xạ đơn giản để tạo môi trường thân thiện của 2 "thầy trò".
Những chú chó được lựa chọn để huấn luyện thành chó nghiệp vụ chiến đấu đòi hỏi phải có thần kinh mạnh, linh hoạt, sẵn sàng sủa và cắn. Chó huấn luyện chiến đấu đòi hỏi phải có thể lực tốt thì mới có thể vượt qua những bài học khắc nghiệt như nhảy qua vòng lửa.
Khi được lệnh tấn công, chó chiến đấu sẵn sàng xông lên cắn đối tượng một cách rất dũng mãnh.
Chó chiến đấu ngoài môn huấn luyện thể lực thì những môn tiếp theo đào tạo cũng đòi hỏi thể lực. Ví dụ như truy vết, đường vết của những vụ án có thể lên tới 5km, chó vẫn phải chạy đảm bảo được. Ngoài ra, có những vụ việc chó chiến đấu phải lùng sục trong phạm vi khoảng vài chục nghìn mét, tuần tra trên cung đường vài kilomet để phát hiện đối tượng chia cắt nguồn hơi. Do đó, chó chiến đấu đòi hỏi thể lực phải tốt hơn cho chuyên ngành khác.
Một tình huống giả định trong bài học đối với chó huấn luyện chuyên ngành tìm kiếm cứu nạn là phải tìm kiếm vị trí nạn nhân bị vùi lấp bởi bê tông, đất đá. Khi nghe khẩu lệnh của huấn luyện viên, chó lập tức lùng sục, bới tung đất đá để tìm vị trí giả có người gặp nạn.
Chỉ sau ít phút, chú chó đã tìm thấy nguồn hơi vị trí giả định có người gặp nạn. Các huấn luyện viên cũng diễn tập khiêng người bị nạn ra khỏi đống đổ nát để bàn giao cho lực lượng y tế.
Chuyên ngành huấn luyện chó phát hiện ma túy gồm các bài học cơ bản: Huấn luyện chó phát hiện ma túy trên các phương tiện như tàu, ô tô, container,…; Huấn luyện chó phát hiện ma túy trong nhà và khu vực (cánh đồng, bến xe, đồi núi,...); Huấn luyện chó phát hiện ma túy cất giấu trên người.
Trong ảnh là chú chó nghiệp vụ đang tập luyện bài học phát hiện ma túy cất giấu trên xe ô tô.
Mỗi học viên khi vào Trường Trung cấp 24 Biên phòng học tập, đào tạo thành huấn luyện viên sẽ được giao một chó nghiệp vụ. Chú chó nghiệp vụ này sẽ theo huấn luyện viên từ khi đào tạo, huấn luyện trong trường, khi ra trường chú chó này sẽ theo huấn luyện viên về đơn vị ở các tỉnh để làm nhiệm vụ.
Mỗi huấn luyện viên sẽ chịu trách nhiệm huấn luyện, chăm sóc cho chú chó của riêng mình. Những chú chó thời gian huấn luyện trong trường phần lớn ăn cháo, nhưng khi trưởng thành và đi làm nhiệm vụ, chó được làm quen với đồ ăn khô như thịt hộp, vì khi ở hiện trường vụ việc rất khó nấu cháo.
Quá trình chăm sóc, huấn luyện chó, nếu phát hiện có dấu hiệu bất thường, huấn luyện viên sẽ dắt chó lên trạm thú ý của trường để bác sĩ thăm khám. Trong ảnh là huấn luyện viên đang dùng lược chải lông cho "người bạn trung thành" của mình và bác sĩ thú y truyền nước cho một chú chó bị ốm.
Em Cao Kiến Giang đến từ Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai cho biết, mới đầu nhận chó để thực hiện công việc huấn luyện cảm thấy vất vả, sau đó đã quen dần với công việc này.
"Khi nhận chó chúng em cho chó ăn để làm quen, gọi tên chó cho thân thiện với chủ hơn. Ban đầu em tập cho chó mấy động tác đơn giản như đi chơi, gọi lại, cho chó cắp đồ...", Cao Kiến Giang chia sẻ.
Thiếu tá Nguyễn Văn Hưởng - Huấn luyện viên Khoa giám biệt nguồn hơi cho biết, chú chó Pôka này đã bị thương khi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ vừa qua. Pôka bị thương trong hoàn cảnh dẫm vào mảnh kính vỡ. Lúc đó, Pôka đã được Thiếu tá Hưởng băng tạm cầm máu và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. Đến tối Pôka được rửa vết thương và bác sĩ cho thuốc uống.
Pôka được đánh giá là một trong những chú chó xuất sắc của đội tìm kiếm cứu nạn khi thực hiện nhiệm vụ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chuyên ngành của Pôka là tìm hơi người trong các vụ sập đổ công trình, sạt lở đất đá. Pôka cùng toàn đội đã từng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm nạn nhân trong vụ sạt lở ở thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) vào năm 2020.