PhotoStory

"Chợ báo giấy" độc nhất Hà Nội, họp từ tờ mờ sáng

Thực hiện: Nguyễn Hải

(Dân trí) - Tờ mờ sáng, dọc vỉa hè phố Đinh Lễ nhộn nhịp "họp chợ báo giấy" độc nhất Hà Nội. Hơn 20 người ngồi dọc vỉa hè phố Đinh Lễ và một phần vỉa hè phố Đinh Tiên Hoàng khẩn trương phân loại các đầu báo.

Chợ báo giấy độc nhất Hà Nội, họp từ tờ mờ sáng - 1

Nhiều năm qua, dọc phố Đinh Lễ và một phần vỉa hè phố Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), hình thành một "chợ báo giấy" hoạt động nhộn nhịp từ tờ mờ sáng.

Từ đây, các đại lý phát hành chia nhau các đầu báo để người phát hành vận chuyển, đưa báo đến các quầy bán báo lẻ, cơ quan, đơn vị trong thành phố trước khi trời sáng.

4h10 sáng, chiếc xe tải của đơn vị vận chuyển chở hơn 1 tấn báo giấy đỗ trước cổng Công ty phát hành Báo chí Trung ương (số 17 phố Đinh Lễ), đây là địa điểm tập kết báo in để phát hành của nhiều cơ quan báo chí.

Chợ báo giấy độc nhất Hà Nội, họp từ tờ mờ sáng - 2

Lúc này, ông Mười nhanh chóng vận chuyển từng xấp báo khỏi xe, để mọi người phân chia các loại báo.

Anh Dương Hoàng Đức có 27 năm chạy xe tải vận chuyển báo giấy chia sẻ, khoảng 5-7 năm gần đây, số lượng báo giấy phát hành suy giảm rõ rệt. Trước đây, nhiều báo lớn phát hành 60.000-70.000 tờ một số nhưng nay giảm chỉ còn một nửa.

4h20, hơn 20 người ngồi dọc vỉa hè phố Đinh Lễ và một phần vỉa hè phố Đinh Tiên Hoàng khẩn trương sắp xếp, phân loại các đầu báo để vận chuyển.

Chợ báo giấy độc nhất Hà Nội, họp từ tờ mờ sáng - 3

Anh Minh Tuấn (36 tuổi) có gần 5 năm phân loại, vận chuyển báo chia sẻ, công việc này cần sự tập trung, phân loại chính xác các đầu báo để khi vận chuyển đến sạp báo và cơ quan, xí nghiệp không bị nhầm lẫn, thiếu sót.

"Công việc diễn ra tất cả các ngày trong năm, bất kể mưa gió hay rét buốt. Đều đặn 4h sáng tôi ở nhà đi và trở về vào khoảng 7h30", anh Tuấn nói.

Hơn 10 năm trước báo giấy phát triển mạnh, thịnh hành, số lượng báo phát hành mỗi ngày lớn nên công việc của những người phân loại, vận chuyển khá vất vả nhưng bù lại thu nhập cao.

Song những năm gần đây với sự phát triển mạnh mẽ của báo điện tử, số lượng báo giấy phát hành suy giảm mạnh khiến thu nhập của những người phân loại, vận chuyển giảm theo. Anh Tuấn và nhiều người cho biết, tiền công mỗi tháng dao động 3-4 triệu đồng. Đây là công việc để anh kiếm thêm thu nhập.

Chợ báo giấy độc nhất Hà Nội, họp từ tờ mờ sáng - 4
Chợ báo giấy độc nhất Hà Nội, họp từ tờ mờ sáng - 5

Vận chuyển, phân loại báo nhìn tưởng dễ nhưng thực ra công việc đòi hỏi người làm phải thật sự chuyên tâm, tập trung để tránh nhầm lẫn, thiếu sót. 

Chợ báo giấy độc nhất Hà Nội, họp từ tờ mờ sáng - 6

Ông Sơn (áo phao đen) làm công việc này đã hơn 20 năm. Mỗi sáng, ông có mặt đều đặn tại số 17 phố Đinh Lễ từ 4h20, kết thúc vào khoảng 7h. 

Chợ báo giấy độc nhất Hà Nội, họp từ tờ mờ sáng - 7

Ông Sơn đánh giá, làm công việc này ngoài tập trung cao độ còn phải nhanh nhẹn để nhanh chóng mang thông tin mới, nóng hổi nhất tới độc giả.

"Việc phân loại phải cố gắng xong trước 6h để còn vận chuyển đến sạp báo và các cơ quan, đơn vị. Nếu muộn hơn việc vận chuyển sẽ rất vất vả vì tắc đường, các sạp không có báo mới để bán", ông Sơn chia sẻ.

Chợ báo giấy độc nhất Hà Nội, họp từ tờ mờ sáng - 8

Các cơ quan, đơn vị, sạp báo đều được ông Sơn đánh mã số riêng.

"Hơn 10 năm trước, các tờ báo giấy phát hành số lượng lớn từ 40.000 đến 70.000 tờ một số nên thu nhập của chúng tôi cũng ổn định. Hiện chỉ còn một số báo như Nhân dân, Hà Nội mới số lượng phát hành ổn định, còn các báo khác giảm mạnh, nhiều báo còn dừng phát hành" - ông Sơn cho biết.

Chợ báo giấy độc nhất Hà Nội, họp từ tờ mờ sáng - 9

Bà Liên cẩn thận dán tên, đóng gói từng đơn vị nhận báo để tránh nhầm lẫn, thiếu sót. "Tuổi cao nên trí nhớ không còn tốt như cánh thanh niên nên phải dán từng nơi nhận để tránh nhầm lẫn", bà Liên nói.

Chợ báo giấy độc nhất Hà Nội, họp từ tờ mờ sáng - 10

Sau gần một tiếng phân loại, ông Hà khẩn trương vận chuyển báo đến những cơ quan hành chính đặt báo để tờ báo có thể "đến đích" trước 7h.