Nhớ thương báo giấy...

(Dân trí) - Internet giá rẻ xuất hiện, báo giấy bị "co hẹp" vì sự cạnh tranh quyết liệt của các loại hình thông tin mới, nhưng không phải vì vậy mà tờ báo có thể rút ngay khỏi thói quen hàng ngày của nhiều người…

Giờ đây, chỉ với 15.000đ phí internet và chiếc điện thoại là mọi người đã có thể thỏa mãn nhu cầu thông tin trong vài ngày, khiến vị thế của báo giấy bị cạnh tranh dữ dội trong đời sống văn hoá của người dân.

Nhớ thương báo giấy... - 1

Những tờ báo được giao đến người đọc ngay cả trong dịp giãn cách xã hội vì Covid-19 tại Hà Nội.

Tuy nhiên, với giá bán hơn 5.000 đồng, hàng loạt ấn phẩm vẫn là sự lựa chọn của nhiều người vì thói quen khó bỏ hàng chục năm, của những người vẫn coi văn hoá đọc báo giấy như một niềm vui mà chưa chịu làm quen với màn hình điện thoại nhức mắt.

Niềm vui đó, không chỉ đơn thuần là nhu cầu của một bộ phận người dân, mà hơn thế nữa còn là động lực và là nguồn sống của nhiều tờ báo giấy đang hoạt động trên cả nước, bất chấp những khó khăn ngày càng tăng khi cuộc sống số phát triển mạnh mẽ…

Nhớ thương báo giấy... - 2

Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôn vinh các nhà báo nhưng cũng là một lời cảm ơn đối với những người làm nghề "Đưa đường" - Những người giúp những bài báo bổ ích tới tay người đọc.

Nhớ thương báo giấy... - 3

Vào thời kỳ phát triển rực rỡ, đã có khá nhiều đại lý phân phối báo tại Hà Nội hỗ trợ cho bộ máy phát hành của từng toà soạn báo.

Nhớ thương báo giấy... - 4

Tại Hà Nội, hẳn nhiều người trong nghề phát hành báo không lạ những cái tên như anh Chính - Nguyễn Khuyến, anh Long - Ngõ Trạm, anh Thắng - Hàn Thuyên, anh Hùng - Kim Giang... nhiều người nay đã "nghỉ hưu" trước cuộc cạnh tranh của internet.

Nhớ thương báo giấy... - 5

Mỗi buổi sáng hàng ngày, Hà Nội lại nhộn nhịp với hàng loạt chợ báo nho nhỏ tại Tràng Tiền, Nguyễn Khuyến..., nơi các đại lý phát hành chia nhau các đầu báo ngày để đưa tới các sạp báo lẻ khắp nơi trong thành phố.

Nhớ thương báo giấy... - 6

Hồ Gươm vào buổi sáng sớm luôn là địa điểm dễ dàng tìm thấy các chợ báo hàng ngày.

Nhớ thương báo giấy... - 7

Và nghề báo không chỉ trở thành nghề kiếm sống của nhiều người cầm bút...

Nhớ thương báo giấy... - 8

Những tờ báo mới còn nóng hổi từ nhà in được các đại lý nối nhau toả ra khắp Hà Nội, tới tay bạn đọc.

Nhớ thương báo giấy... - 9

Những phụ nữ từ các tỉnh xa như Thanh Hoá, Thái Bình... ăn vội bữa sáng để kịp nhận những tờ báo mới từ 6h sáng hàng ngày.

Nhớ thương báo giấy... - 10

Mỗi chuyến hàng không chỉ là niềm vui của người đưa báo mà còn là sự mong mỏi của người cầm bút.

Nhớ thương báo giấy... - 11

Báo hàng ngày được phân loại tại trung tâm phát hành báo chí Trung ương trên phố Trần Nhật Duật...

Nhớ thương báo giấy... - 12

... trước khi được đưa tới các tỉnh qua các bưu cục.

Nhớ thương báo giấy... - 13

Và cũng như các thói quen sinh hoạt khác, người sống ở Hà Nội có thể sẵn sàng mua được báo giấy ở bất cứ đâu trên phố cũ, nhờ những "người đưa đường" cần mẫn.

Như Phúc