PhotoStory

Báu vật bằng vàng, đồng của vua Hàm Nghi được hàng nghìn người rước

Thực hiện: Dương Nguyên

(Dân trí) - Sáng 28/1 (mùng 7 Tết), hàng nghìn người dân và du khách có mặt tại xã Phú Gia (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) để tham dự lễ hội Sơn Phòng - Hàm Nghi, rước sắc vua ban.

Báu vật bằng vàng, đồng của vua Hàm Nghi được hàng nghìn người rước - 1

Trong lễ hội này, chính quyền, người dân sẽ cùng rước báu vật của vua Hàm Nghi ban, từ nhà ông Trần Văn Nhung - nguyên cố đạo chủ năm Nhâm Dần 2022 (người trông coi, ở thôn Hòa Nhượng, xã Phú Gia) đến nhà ông Phan Hùng Vỹ - tân cố đạo chủ năm Quý Mão 2023 (thôn Phú Hồ, xã Phú Gia).

Báu vật bằng vàng, đồng của vua Hàm Nghi được hàng nghìn người rước - 2

Buổi lễ bắt đầu bằng việc bàn giao báu vật của vua Hàm Nghi ban (gồm voi bằng vàng, nghê bằng đồng, các thanh bảo kiếm, lục lạc bằng đồng đen, 48 đạo sắc phong do các triều vua ban tặng) cho gia đình tân cố đạo chủ Phan Hùng Vỹ (75 tuổi) - người mặc áo đỏ đang ngồi.

Báu vật bằng vàng, đồng của vua Hàm Nghi được hàng nghìn người rước - 3

Sau đó, trai tráng khỏe mạnh trong xã được chọn sẽ tham gia khiêng 3 kiệu, cứ 8 người khiêng một kiệu di chuyển.

Báu vật bằng vàng, đồng của vua Hàm Nghi được hàng nghìn người rước - 4
Báu vật bằng vàng, đồng của vua Hàm Nghi được hàng nghìn người rước - 5
Báu vật bằng vàng, đồng của vua Hàm Nghi được hàng nghìn người rước - 6

Ba kiệu tham gia lễ rước gồm: Di ảnh vua Hàm Nghi, báu vật và các đạo sắc phong.

Báu vật bằng vàng, đồng của vua Hàm Nghi được hàng nghìn người rước - 7

Người dân hai bên đường đặt bàn có bánh kẹo và rượu để tiếp sức cho đoàn rước kiệu. Việc được đoàn rước kiệu dừng lại nơi nào sẽ là một vinh dự rất lớn. Lúc đó, người dân sẽ được thắp hương, vái lạy kiệu có di ảnh vua Hàm Nghi.

Báu vật bằng vàng, đồng của vua Hàm Nghi được hàng nghìn người rước - 8

Trước khi đến nhà cố đạo chủ, đoàn rước đi qua đền Công Đồng, khu di tích Sơn Phòng - Hàm Nghi và đền Trầm Lâm. Tại mỗi địa điểm này, họ sẽ dừng lại khoảng 10 phút để làm lễ dâng hương. 

Báu vật bằng vàng, đồng của vua Hàm Nghi được hàng nghìn người rước - 9

Cũng tại 3 địa điểm trên, ban tổ chức sẽ mời những người làm nhiệm vụ, người dân và du khách vào trong đền cùng thắp hương, khấn nguyện.

Báu vật bằng vàng, đồng của vua Hàm Nghi được hàng nghìn người rước - 10

Quá trình di chuyển, lực lượng công an, biên phòng luôn đi bên cạnh bà Nguyễn Thị Liên (58 tuổi, vợ tân cố đạo chủ) để làm nhiệm vụ bảo vệ, giữ trật tự. Bà Liên đang cầm trên tay chiếc hộp đựng những báu vật.

Báu vật bằng vàng, đồng của vua Hàm Nghi được hàng nghìn người rước - 11

Khoảng 2 tiếng rưỡi đồng hồ sau, đoàn rước đã vượt quãng đường khoảng 5km về đến thôn Phú Hồ - nơi gia đình tân cố đạo chủ cư ngụ. Lúc này, bà con trong thôn đã đứng chờ sẵn hai bên đường để vẫy tay chào đón đoàn.

Báu vật bằng vàng, đồng của vua Hàm Nghi được hàng nghìn người rước - 12

Về đến nhà tân cố đạo chủ, báu vật và sắc phong sẽ được rước từ kiệu xuống và cho vào két sắt, tủ để cất giữ. Di ảnh vua Hàm Nghi được đặt vào giữa nhà để gia chủ thờ kính. Cố đạo chủ được giao nhiệm vụ giữ gìn, bảo quản báu vật trong mỗi năm là những vị cao niên trong xã. Họ được xét trên nhiều mặt gồm đạo đức, năng lực thờ phụng, kiến thức văn hóa dân tộc.

"Tôi cảm thấy vinh dự vì được tin tưởng, giao phó nhiệm vụ này. Với tôi, đây là một trọng trách vô cùng lớn. Tôi cầu cho tất cả mọi người luôn gặp nhiều may mắn, sức khỏe dồi dào trong năm mới", ông Phan Hùng Vỹ - tân cố đạo chủ, chia sẻ.

Theo sử sách, năm 1885, vua Hàm Nghi chọn xã Phú Gia, huyện Hương Khê làm căn cứ địa. Ông cho quân đắp lũy, xây thành Sơn Phòng, chiêu binh, tuyển tướng bảo vệ.

Cùng với đó, vua viết chiếu Cần Vương, kêu gọi toàn dân đánh đuổi giặc Pháp. Thời gian đó, nhà vua bị giặc vây bắt nhiều lần nhưng không thành. Trong một đêm nằm ngủ tại thành Sơn Phòng, vua được báo mộng. Khi tỉnh dậy, vua liền ban tặng sắc phong để thờ tại miếu Trầm Lâm. Đến nay, người dân xã Phú Gia vẫn giữ gìn nguyên vẹn các báu vật vua ban nêu trên.