Bài toán mở bầu trời cho máy bay "made in China"
(Dân trí) - Trong tham vọng đưa máy bay sản xuất tại Trung Quốc ra thị trường nước ngoài, Comac nhắm đến vùng trời Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
![Bài toán mở bầu trời cho máy bay "made in China"](https://cdnphoto.dantri.com.vn/sv_dt4kPmLZkQ54Rpo9Ceob9LA4=/2025/02/04/djifly202402261312021161708936733370photo-1709021628487-1738687201588.jpg)
Liên quan đến kế hoạch thuê 2 máy bay Trung Quốc để khai thác tại Việt Nam của hãng hàng không Vietjet, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam rà soát, sửa đổi một số quy định trong nước để giải quyết đề xuất hợp tác giữa 2 bên.
Việc này phải thực hiện trên cơ sở đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, đúng quy định pháp luật và quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Cục Hàng không đang xem xét
Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đang xem xét các quy định liên quan để giải quyết nhu cầu sử dụng máy bay Comac của Vietjet tại Việt Nam.
"Quá trình xem xét sẽ rút gọn thời gian nhất có thể. Mốc thời gian phụ thuộc nhiều yếu tố liên quan phối hợp của các cơ quan, đơn vị ngoài Cục", vị này cho biết.
![Bài toán mở bầu trời cho máy bay made in China - 1 Bài toán mở bầu trời cho máy bay made in China - 1](https://cdnphoto.dantri.com.vn/O6M3wIxqtWpmTtUAA7uEkQkcbcQ=/2025/01/26/z626603307347138611276177598bdee4332ddc6b66e94-1737899955834.jpg?watermark=v1)
Hãng sản xuất máy bay Trung Quốc đang cố gắng tham gia vào một thị trường hàng không vốn "độc quyền" bởi Airbus và Boeing (Ảnh minh họa: Ngọc Tân).
Một điểm bất lợi cho Comac là hầu hết máy bay do hãng này sản xuất chỉ hoạt động tại thị trường nội địa Trung Quốc - một thị trường mà chính họ cũng đang chiếm tỷ trọng thấp so với Airbus và Boeing.
Sau nhiều năm nỗ lực khai phá thị trường nước ngoài, mới có Indonesia là quốc gia đầu tiên chấp thuận "mở cửa bầu trời" cho máy bay Comac C909 hoạt động. Phải mất hai năm để C909 được chứng nhận tại Indonesia, với chuyến bay đầu tiên từ Jakarta đến Bali diễn ra vào tháng 4/2023.
Theo quy định trong Bộ Quy chế an toàn hàng không của Việt Nam, thủ tục cấp giấy chứng nhận loại tàu bay chỉ được thực hiện khi Việt Nam là quốc gia thiết kế và Cục Hàng không xây dựng ban hành các tiêu chuẩn, có đầy đủ nguồn nhân lực có trình độ để đảm bảo thực hiện quá trình phê chuẩn giấy chứng nhận loại.
Thời gian để xây dựng tiêu chuẩn, hoàn thiện quy trình và chuẩn bị đầy đủ nhân lực mất rất nhiều năm. Quá trình cấp giấy chứng nhận loại cũng sẽ cần rất nhiều thời gian. Đơn cử, EASA thực hiện trong vòng 8 năm đối với máy bay Airbus A350, FAA thực hiện trong vòng 8 năm đối với Boeing B787.
Để có thể sớm nhập khẩu máy bay Comac vào khai thác tại Việt Nam, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ cho sửa đổi quy định về nhập khẩu máy bay, đồng thời cho phép Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung quy định tại Bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng theo trình tự rút gọn.
"Vạn sự khởi đầu nan"
Đến nay, có thể khẳng định việc đưa máy bay Comac vào khai thác tại Việt Nam sẽ phải mất thời gian chờ đợi. Tuy nhiên, khó khăn này không nằm ở đặc thù pháp lý của Việt Nam, mà là khó khăn chung đã được dự báo trước khi nhà sản xuất Trung Quốc xuất khẩu máy bay sang các nước trong khu vực.
Từ thời điểm đặt mục tiêu xuất khẩu máy bay "made in China" ra nước ngoài, Comac đã phải đối diện với một thực tế khắc nghiệt. Họ thiếu chứng nhận quan trọng từ nhà chức trách hàng không Mỹ (FAA) và châu Âu (EASA). Điều này đã tạo ra những rào cản đáng kể cho Comac trong việc thâm nhập các thị trường nước ngoài.
![Bài toán mở bầu trời cho máy bay made in China - 2 Bài toán mở bầu trời cho máy bay made in China - 2](https://cdnphoto.dantri.com.vn/F1DT_cy-hiPmZXffPR-35EMvCas=/2025/02/07/c9ba5557-8416-4fdd-afc9-4967544decec6defb825-1738934222869.jpg)
Xưởng sản xuất máy bay Comac C909 tại Thượng Hải (Ảnh: AP).
Để chứng minh chất lượng và độ an toàn, Comac thực hiện bước đi đầu tiên là tiếp cận các khách hàng nội địa. Một loạt hãng bay Trung Quốc như Chengdu Airlines, Air China, China Southern Airlines, China Express Airlines... đang khai thác máy bay của Comac.
Với thị trường quốc tế, Comac đang thuyết phục càng nhiều quốc gia chấp nhận máy bay của mình càng tốt. Các chuyên gia nhận định Mỹ và châu Âu sẽ không dễ dàng chấp nhận do những căng thẳng địa chính trị. Tuy nhiên, Đông Nam Á có thể là một thị trường hứa hẹn.
Cuối năm 2022, Comac đã đạt được thành công đầu tiên tại thị trường Đông Nam Á, với việc bàn giao máy bay C909 cho hãng hàng không TransNusa của Indonesia. Đến tháng 4/2023, các thủ tục hoàn tất và dòng máy bay này chính thức được khai thác thương mại tại "xứ sở vạn đảo".
Đầu năm ngoái, Comac tiếp tục mang 2 dòng máy bay C919 và C909 của mình đến dự Singapore Airshow và thực hiện một tour trình diễn tại 5 nước Đông Nam Á gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia và Indonesia.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Võ Huy Cường, chuyên gia hàng không, đánh giá Comac có động cơ rõ ràng trong việc đưa các dòng máy bay của mình ra thị trường quốc tế.
"Một nhà sản xuất máy bay như Comac đang ở giai đoạn "vạn sự khởi đầu nan". Nhưng khi họ đã vươn lên được thì sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh với Boeing và Airbus. Giống như Embraer trước đây cũng chỉ sản xuất máy bay nhỏ, dần dần tạo dựng uy tín, sản xuất các máy bay chở khách cỡ lớn, được cả châu Âu và Mỹ công nhận", ông Cường nhận định.
Trước đó, ngày 8/1, Bộ trưởng GTVT Trần Hồng Minh đã có buổi làm việc với đại diện nhà sản xuất máy bay Comac. Lãnh đạo bộ bày tỏ coi trọng và hoan nghênh hợp tác với các doanh nghiệp hàng không của Trung Quốc. Bộ trưởng GTVT đánh giá cao việc hai bên đã thúc đẩy sớm việc hợp tác để có thể đưa 2 tàu bay Comac vào hoạt động trong đội tàu bay của VietJet tại Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay theo quy định pháp luật của Việt Nam còn một số quy định chưa thống nhất trong việc nhập khẩu tàu bay vào Việt Nam, do đó để có thể hỗ trợ VietJet đưa tàu bay Comac vào khai thác, phía Việt Nam cần phải sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật.