DMagazine

Bài học từ "cuộc cách mạng" sắp xếp bộ máy chưa từng có tiền lệ

(Dân trí) - Dù không phải lần đầu tiên sắp xếp bộ máy, song với quy mô và quyết tâm "cách mạng" lần này, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Quang Nghị tin vào sự đồng thuận và hiệu quả của chủ trương tinh gọn.

Bài học từ cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy chưa từng có tiền lệ - 1

Cùng với việc chỉ ra những bất cập trong bộ máy cồng kềnh, nhiều tầng nấc, Tổng Bí thư Tô Lâm nêu yêu cầu hoàn thành sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong quý I/2025 theo phương châm "làm từ trên xuống", tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng".

Ủng hộ chủ trương này, Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh đã đến thời điểm chín muồi, cần thiết phải cải cách, tinh gọn bộ máy.

"Cái mới của việc tinh gọn bộ máy lần này là Trung ương quyết định làm bắt đầu từ bên trên, không tiến hành thí điểm, cũng không hội thảo, bàn bạc quá nhiều như mọi khi mà toàn bộ hệ thống chính trị bắt tay vào thực hiện ngay, định mốc thời gian hoàn thành từng việc rất rõ ràng", nguyên Bí thư Hà Nội nói trong cuộc trao đổi với phóng viên Dân trí.

Chia sẻ những câu chuyện, bài học kinh nghiệm 16 năm trước khi hợp nhất Hà Nội, Hà Tây, ông Phạm Quang Nghị cho rằng việc sắp xếp con người, chọn ai làm trưởng, ai làm phó, ai ở lại, ai phải điều động đi, thậm chí phải nghỉ việc, luôn là việc khó khăn nhất.

Bài học từ cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy chưa từng có tiền lệ - 3
Bài học từ cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy chưa từng có tiền lệ - 5

Cuộc cách mạng nào cũng có khó khăn. Nhìn lại thời điểm năm 2008, khi mở rộng địa giới hành chính của Thủ Đô, hợp nhất Hà Nội, Hà Tây, huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc) và một số xã của tỉnh Hòa Bình, ông có suy nghĩ và cảm nhận gì trên cương vị người đứng đầu Đảng bộ Hà Nội?

- Cảm nhận bao trùm thời điểm hợp nhất Hà Nội, Hà Tây, huyện Mê Linh - tỉnh Vĩnh phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình), là sự lo lắng. Lo vì khối lượng công việc không những lớn mà rất mới và khó, trong khi áp lực về thời gian thực hiện lại rất gấp.

Với vai trò người đứng đầu cấp ủy, tôi đã được tham gia bàn việc này từ trước đó nên khi bắt tay vào làm, trong đầu đã dự kiến những việc cần làm, cách làm cùng những khó khăn có thể phát sinh. Và cái khó nhất, chính là sắp xếp đội ngũ cán bộ.

Quyết định hợp nhất bộ máy chỉ là quyết định hành chính nên không khó lắm. Quyết định sắp xếp, bố trí cán bộ - những việc liên quan đến con người, đụng chạm đến tâm tư, tình cảm, quyền và lợi ích con người - mới khó. Phải sắp xếp khi "hai cấp trưởng còn một", số lượng cấp phó tăng gấp đôi, việc chọn ai làm trưởng, ai làm phó, ai ở lại, ai phải điều động đi, thậm chí nghỉ việc, là việc rất khó khăn.

Bài học từ cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy chưa từng có tiền lệ - 7

Những cái khó đó là biến số khó có khả năng dự báo, vì còn phụ thuộc vào việc vận hành sau khi ra quyết định và ý thức của người chấp hành. Bộ máy mới dù được sắp xếp tốt hơn nhưng nếu bố trí người không đúng, không phù hợp cũng không phát huy được hiệu quả.

Cho nên vấn đề bộ máy và con người cần phải được xem xét, đổi mới kịp thời, đồng bộ. Trong đó, nhân tố con người, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu, có vai trò quyết định.

Một điều trăn trở khác là lo ngại cán bộ hai địa phương hợp nhất nhưng phong cách, trình độ, kinh nghiệm làm việc không đồng nhất, không hợp tác được với nhau sẽ ảnh hưởng đến công việc. Do các phương án đều đã được dự trù nên mọi việc đều diễn ra trôi chảy.

Thời điểm đó, Hà Nội đã huy động toàn bộ đội ngũ cán bộ vào cuộc với phương châm "đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm".

Chắc hẳn khi đó ở Hà Nội cũng sẽ có ý kiến không ủng hộ hợp nhất vì không muốn san sẻ nguồn lực với địa phương khác?

- Đúng là tâm lý của một bộ phận cán bộ Hà Nội khi ấy cũng lo ngại, không muốn có việc hợp nhất này, vì sự chia sẻ nguồn lực sẽ làm hạ thấp chỉ số phát triển, ví dụ chỉ số về phát triển giáo dục, y tế, thu nhập bình quân đầu người, về xây dựng nông thôn mới... Ngoài ra còn có những mối lo khác nữa.

Là người đứng đầu cấp ủy, tôi giải thích cho anh em phải vì tương lai phát triển lâu dài của Thủ đô, vì trách nhiệm với cả nước. Là Thủ đô của một đất nước một trăm triệu dân, Hà Nội cần có diện tích, không gian rộng lớn hơn, không lẽ sau này xây dựng trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khu đô thị…, thành phố phải đi mượn đất của địa phương khác.

Lãnh đạo thành phố đã phân tích để mọi người hiểu không phải chỉ là chuyện hỗ trợ, hy sinh một chiều, mà bù lại, Hà Nội sau hợp nhất cũng có điều kiện tốt hơn để phát triển. Mọi người phải đặt lợi ích chung lên trên.

Bài học từ cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy chưa từng có tiền lệ - 9

Như ông nói, khi hợp nhất, điều áp lực nhất là sắp xếp cán bộ sao cho hợp tình, hợp lý. Đội ngũ lãnh đạo Hà Nội khi ấy đã bàn bạc, tính toán ra sao?

- Chủ trương hợp nhất các tỉnh, thành không phải lần đầu thực hiện. Trước đây chúng ta cũng từng có những lần sáp nhập 2-3 tỉnh làm một, nhưng nhìn chung, việc đó đem lại cảm giác không thành công, dẫn đến câu chuyện "nhập vào rồi lại tách ra".

Thực tế ấy gây tâm lý lo lắng khi bắt đầu thực hiện chủ trương hợp nhất Hà Nội và Hà Tây, vì nhiều người lo ngại sẽ lại đi theo vết xe đổ "nhập rồi tách". Đó vừa là lời cảnh báo, vừa là lời nhắc nhở với chúng tôi.

Bản thân tôi lúc ấy cũng nghe nhiều lời cảnh báo "nhập vào rồi sớm muộn cũng tách ra thôi", nên thách thức đặt ra cho Hà Nội khi đó là làm sao lần hợp nhất này phải thành công.

Vị thế chính trị của Hà Nội cũng là một áp lực, bởi Hà Nội là Thủ đô, sau hợp nhất nếu tình hình không ổn định thì không những ảnh hưởng phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, mà còn ảnh hưởng đến cả nước. Bởi vậy khi ấy, tâm trạng chúng tôi "đã lo càng thêm lo".

Nhưng trước khó khăn, tôi luôn suy nghĩ tìm những nhân tố tích cực để phát huy. Với vị thế chính trị cùng nguồn lực kinh tế lớn, đội ngũ cán bộ có năng lực, Hà Nội cũng có nhiều thuận lợi để thực hiện chủ trương mở rộng địa giới hành chính.

Bài học từ cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy chưa từng có tiền lệ - 10

Hà Nội cũng xác định khi hợp nhất phải chủ động, thấy cái gì tốt, cái gì đúng thì đề xuất, đặc biệt về cơ chế, chính sách trong sắp xếp cán bộ và tổ chức bộ máy.

Từ trước đến nay, việc tách ra thì dễ, nhập vào thì khó. Cái dễ - cái khó này đều có tính khách quan. Tách ra thì bộ máy nhân đôi, cán bộ được bổ sung, cấp trưởng, cấp phó  được đề bạt, bổ nhiệm nhiều hơn, còn nhập vào thì ngược lại, mọi thứ đều giảm, đều bớt.

Vì thế, trong tổ chức thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy có hai điều quan trọng cần phải làm. Một là, phải làm thật tốt công tác tư tưởng, giải thích, động viên đúng mức, kịp thời đi kèm cơ chế, chính sách thỏa đáng đối với cán bộ.

Hai là phương pháp, cách làm phải công khai, dân chủ, công bằng để tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ.

Bài học từ cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy chưa từng có tiền lệ - 12

Bài toán về sắp xếp đội ngũ cán bộ đặt ra cho những người có trách nhiệm ở thời điểm cách đây 16 năm những thách thức chưa từng có tiền lệ. Khi đó, Hà Nội áp dụng cơ chế, chính sách nào chưa từng có tiền lệ, thưa ông?

- Để thực hiện chủ trương hợp nhất, Hà Nội đã chủ động trong việc đề ra một số cơ chế, chính sách đặc thù. Khi ấy thuận lợi là chỉ có Hà Nội tiến hành hợp nhất nên không bị ràng buộc phải theo một khuôn mẫu nào. Thành phố tự đề xuất cơ chế, chính sách và hầu hết đều được Trung ương chấp thuận.

Ví dụ, khi hợp nhất Hà Nội và Hà Tây, hai cấp ủy và hai HĐND được giữ nguyên số lượng nhân sự. Trao đổi với Ban Tổ chức Trung ương, tôi nói phương án này tuy đông nhưng cấp ủy do Đại hội Đảng của hai địa phương bầu ra, HĐND do cử tri bầu, nên dù đông cũng phải giữ nguyên, chờ sang khóa sau mới giảm bớt được. Còn các sở, ban, ngành, hội… nhất định phải giảm cấp trưởng, cấp phó và giảm đầu mối.

Chính sách đặc thù thứ hai là những người là cấp trưởng nhưng do hợp nhất không làm cấp trưởng nữa được giữ nguyên lương và phụ cấp trách nhiệm cho đến hết nhiệm kỳ. Anh em không có sai lầm, khuyết điểm gì, vì thực hiện chủ trương hợp nhất, không nên cắt chế độ của họ.

Khi đó số lượng cấp phó nói chung đều tăng gấp đôi, có nơi hơn gấp đôi. Ví dụ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi ấy có 2 cấp trưởng và 13 cấp phó. Sau đó Thành phố phải điều động một số đồng chí về quận, huyện.

Thứ ba, những cán bộ đang làm việc ở thành phố nay điều động về địa phương, cơ sở, sẽ được phụ cấp xăng xe đi lại.

Bài học từ cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy chưa từng có tiền lệ - 14

Thứ tư, khuyến khích cán bộ xin nghỉ hưu sớm và được hưởng chế độ hưu trí tại thời điểm nghỉ hưu.

Ngoài cơ chế, chính sách về vật chất, rất cần sự động viên, kêu gọi sự gương mẫu,  hy sinh, nhường nhịn của đội ngũ cán bộ. Việc này quan trọng không kém gì hỗ trợ về vật chất, bởi tư tưởng thông thì cán bộ sẵn sàng chấp nhận hy sinh, thiệt thòi để thực hiện chủ trương chung.

Vậy vị trí của ông khi đó - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Hà Nội - với  Bí thư Hà Tây, hai lãnh đạo thỏa thuận như thế nào để cùng bắt tay vì công việc chung?

- Trong việc trao đổi, bàn bạc công việc, Hà Nội không đặt mình ở vị trí cấp trên, to hơn, cao hơn Hà Tây, nhưng Hà Nội là Thủ đô nên cần phải chủ động hơn.

Cuộc làm việc đầu tiên giữa hai Ban Thường vụ Hà Nội - Hà Tây, tôi nói với anh em trong Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội mình phải vào họp ở Hà Đông. Đây là việc nhỏ nhưng mang ý nghĩa chính trị lớn, làm cho anh em cảm thấy ngay buổi đầu đã có sự dân chủ, bình đẳng.

Trong cuộc họp, tôi khuyến khích mọi người phát biểu, thảo luận và đề xuất nhân sự trước khi bỏ phiếu phân công ai làm trưởng, ai làm phó trong bộ máy mới.

Bài học từ cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy chưa từng có tiền lệ - 16

Kết quả bỏ phiếu kín khi đó có gì bất ngờ không, thưa ông?

- Do có sự bàn bạc dân chủ, lại thêm việc bỏ phiếu kín nên kết quả rất tập trung, không nằm ngoài dự kiến. Tùy vào năng lực, kinh nghiệm, uy tín để phân công cán bộ.

Không phải Hà Nội là Thủ đô thì cơ quan nào cũng đều làm cấp trưởng.

Khi làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, tôi hiểu được tâm lý của cán bộ của một tỉnh đã trải qua hơn 20 năm hợp nhất. Đó là "tâm lý cấp phó", luôn có mặc cảm, dù mình có năng lực cũng chỉ làm phó. Khi hợp nhất Hà Nội với Hà Tây, tôi cố gắng khắc phục tâm lý ấy.

Làm một công việc lớn và khó, phức tạp như vậy, ông có bao giờ lo đến sự phán xét của thế hệ sau, rằng mình làm chưa đúng, làm không tốt?

- Có chứ. Và dù mình đã làm rất dân chủ, công tâm nhưng có thể vẫn có những trường hợp bố trí cán bộ không đúng.

Mình làm không vì mong được tuyên dương, khen thưởng mà để công việc chung được tốt hơn. Trong quá trình làm việc lúc nào cũng phải chú ý đến những vấn đề có thể phát sinh.

Nhận xét, đánh giá con người luôn là công việc khó, nhưng với tai mắt của nhân dân, mình nói hay mà làm dở thì cũng không thể che giấu được đâu. Mặt khác, một cá nhân dù tài giỏi đến đâu cũng không thể một mình làm được.

Bài học từ cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy chưa từng có tiền lệ - 18

Nhìn lại bức tranh toàn cảnh của Hà Nội bây giờ so với 16 năm trước, ông có cảm thấy thở phào nhẹ nhõm với những quyết định mình đưa ra khi thực hiện chủ trương hợp nhất?

- Không phải chỉ cá nhân tôi mà mọi người đều vui mừng khi thấy kết quả triển khai nghị quyết của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính Hà Nội. Đó là việc lớn, khó và mới nhưng Đảng bộ và đội ngũ cán bộ Hà Nội đã thực hiện rất tốt nhiệm vụ mà nhiều người khi ấy cho rằng rất khó khăn.

16 năm trôi qua là khoảng thời gian đủ để minh chứng cho kết quả trong thực tế. Trong các cuộc làm việc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với Hà Nội đều ghi nhận, biểu dương thành công của Hà Nội khi thực hiện mở rộng địa giới hành chính, trong đó đặc biệt là công tác sắp xếp, bố trí cán bộ.

Bài học từ cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy chưa từng có tiền lệ - 20

Khi ấy, một bộ phận cán bộ Hà Nội cũng e ngại việc mở rộng. Cán bộ Hà Tây cũng lo lắng, không biết nhập vào Hà Nội mọi người sẽ hợp tác ra sao, có được đối xử bình đẳng không? Việc giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa xứ Đông, xứ Đoài sẽ thế nào? Rất nhiều tâm tư, suy nghĩ…

Nhưng qua thời gian có thể khẳng định công tác cán bộ ngày ấy không có tiêu cực, không có chạy chức chạy quyền, không phải ai khéo ăn khéo nói thì được bố trí vị trí tốt. Làm được việc này không hề dễ vì đòi hỏi năng lực, sâu sát, công tâm, đạo đức. Đó là bài học kinh nghiệm lớn.

Hà Nội khi ấy rất dân chủ nhưng cũng rất nghiêm với những trường hợp không chấp hành sự phân công.

Tôi còn nhớ có một phó giám đốc sở được phân công đi làm phó chủ tịch một huyện, vì không muốn đi địa phương nên cán bộ đó nói "tôi không có năng lực làm lãnh đạo quản lý chính quyền nên xin phép cho tôi ở lại".

Khi họp Ban Thường vụ, tôi nói đồng chí này đã tự nhận mình không có khả năng làm công tác lãnh đạo quản lý thì ở lại cũng được, nhưng không được giữ chức vụ nữa. Ý kiến của tôi được truyền đạt lại và đồng chí đó lập tức nhận quyết định đi về huyện. Lúc ấy, nếu đồng ý cho cán bộ đó ở lại, bao nhiêu cán bộ khác cũng sẽ xin ở lại.

Bài học từ cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy chưa từng có tiền lệ - 22

Trước đây, Hà Nội sắp xếp bộ máy mới chỉ ảnh hưởng đến cấp giám đốc sở, ngành, giờ là cấp Bộ trưởng, ông nghĩ việc này sẽ khó hơn không?

Chắc chắn có khó khăn, nhưng nhìn theo góc độ khác, với các bộ trưởng, trưởng ban Trung ương thì ý thức trách nhiệm, tinh thần tự giác, tính tiền phong, gương mẫu, nêu gương cũng phải cao hơn.

Điều quan trọng tôi muốn nhắc lại là phương pháp, cách làm phải dân chủ, công khai; cơ chế, chính sách đi kèm phải khoa học, hợp tình, hợp lý.

Hiệu lực, hiệu quả của bộ máy mới không phải sắp xếp, tinh gọn là tự khắc tốt hơn, mà vấn đề quan trọng, quyết định hơn là bố trí đúng người, đúng việc.

Xin cảm ơn ông!

Nội dung: Hoài Thu

Thiết kế: Thủy Tiên