(Dân trí) - Khi xem bói "cô đồng" nói gia đình chị T. phải làm lễ nếu không muốn gặp họa. Sau đó, "cô đồng" tự mua đồ lễ rồi bảo, nếu gia đình chị T. không làm lễ nữa thì phải trả 80 triệu đồng vì... đã mua rồi!?
Cô đồng "đúng nhận, sai cãi" thu đủ trăm triệu mới làm lễ
Khi xem bói "cô đồng" nói gia đình chị T. phải làm lễ nếu không muốn gặp họa. Sau đó, "cô đồng" tự mua đồ lễ rồi bảo, nếu gia đình chị T. không làm lễ nữa thì phải trả 80 triệu đồng vì... đã mua rồi!?
"Cô đồng" thu 70 triệu đồng tiền làm lễ như thế nào?
Ngày 13/2, trao đổi với phóng viên Dân trí, chị T. cho biết, mình cùng mẹ và em gái ngụ tại Hưng Yên đến nhà "cô đồng" Trương Thị Hương tại phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, Hải Dương xem bói vào ngày 10/7/2022.
Lúc đến nhà, chị T. gặp hàng chục người khác đang ngồi chờ đến lượt được "cô đồng" Hương xem bói. Trên đĩa cau của mỗi người đến xem bói thường đặt lễ bằng tiền có mệnh giá từ 100 đến 500 nghìn đồng.
Theo file ghi âm của chị T. ghi lại khi đi xem bói tại nhà "cô đồng" Hương cung cấp cho phóng viên Dân trí, "cô đồng" phán hai vợ chồng chị T. ở với nhau không hợp, thường xuyên khắc khẩu. Em gái của chị T. cũng bị phán vợ chồng nếu ở với nhau thì "99% là xáo trộn, mày sống với thằng này chỉ vì con". Mẹ chị T. bị phán là chồng có bồ bịch nên cần "xin cha mẹ cho thay tính đổi nết, chứ già rồi còn bồ bịch trai gái người ta cười cho".
Chị T. cho biết, bố mình không hề có bồ như lời cô đồng nói, nhưng vì mẹ chị là bà Y. bị bệnh trầm cảm, hoang tưởng, được bác sĩ kê đơn thuốc từ nhiều năm nay nên lúc nào bà cũng nghĩ chồng có bồ. Việc 3 mẹ con đến nhà "cô đồng" Hương xem bói cũng là chủ ý của bà Y.
Sau khi phán về các vấn đề của 3 mẹ con, "cô đồng" hướng dẫn gia đình này muốn làm lễ để được mọi việc như ý thì ghi họ tên, địa chỉ vào cuốn sổ đã được chuẩn bị trước. Chị T. cho biết, sau đó, 3 mẹ con chị được "cô đồng" yêu cầu mỗi người đặt cọc 2 triệu đồng, tổng là 6 triệu đồng để ngày hôm sau (11/7) sẽ làm lễ tại chùa Huyền Quang (thôn Huyền Tụng, phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, Hải Dương).
Khi gia đình chị T. hỏi làm lễ hết bao nhiêu tiền thì "cô đồng" nói "cái này nhà đền sắm lễ tôi cũng không biết thế nào. Mai bác cứ đến xem người ta sắm lễ như thế nào, lúc ấy mới nói tiền được".
Ngày 11/7, ba mẹ con chị T. đến chùa Huyền Quang để làm lễ. Đến nơi, chị T. hỏi "cô đồng" làm lễ hết bao nhiêu tiền thì "cô đồng" chỉ nói rằng "các bác đã đến đây rồi, đã nhìn thấy lễ rồi thì cứ yên tâm". Sau đó bà Y. vào nhà nói chuyện riêng với "cô đồng" và đưa tiền cho cô.
Lúc sau, "cô đồng" ra nói với gia đình chị T. rằng, "cả khóa lễ này hết 150 triệu nhưng tôi cho, chỉ lấy 120 triệu, nếu không có tiền làm lễ thì phải trả ít nhất 80 triệu đồng tiền đã sắm đồ cúng lễ".
Nghe vậy, gia đình chị T. rất lo lắng và nói không có số tiền như vậy để làm lễ. Lập tức, chị T. bị "cô đồng" mắng là không biết điều và bị "đám đệ tử" của "cô đồng" dọa nói: "cô ấy mà điên lên cô ấy cúng cho gia đình không ra gì, rồi điên dở...". Nghe vậy, chị T. hoang mang, sợ hãi gọi điện vay mượn thêm để đóng tiền cho "cô đồng", nhưng chỉ vay và chuyển khoản được thêm 70 triệu đồng.
Biên lai gia đình chị T. chuyển tiền làm lễ cho "cô đồng" Trương Hương. Ban đầu chị T. chuyển 70 triệu đồng (ảnh trái), sau đó em gái chị T. phải chuyển thêm 30 triệu đồng (ảnh phải) mới được "cô đồng" làm lễ (Ảnh: Chị T. cung cấp).
Theo chị T., số tiền gia đình chị đưa cho "cô đồng" Hương đã khá lớn, tuy nhiên, do chưa đủ theo yêu cầu nên "cô đồng" nhất quyết không chịu làm lễ. Do vậy, em gái chị T. lại phải chạy vạy, vay thêm tiền để chuyển cho "cô đồng". Khi đã nhận được tiền, lúc này dù đã muộn "cô đồng" mới bắt đầu trang điểm để làm lễ. Chị T. cho biết, từ khi làm lễ xong, mọi việc trong gia đình vẫn không có gì thay đổi, chỉ khác là gia đình chị T. phải nai lưng ra làm để kiếm tiền trả nợ.
Công an và chính quyền cần vào cuộc mạnh mẽ
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Trần Ngọc Vinh - Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII - Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Hải Phòng - cho biết: Việc hành nghề mê tín dị đoan nêu trên là không đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, hành vi dùng thủ đoạn để lấy tiền của người xem bói để làm lễ còn có dấu hiệu của tội lừa đảo, mang yếu tố hình sự.
Theo ông Vinh, cơ quan công an phải nhanh chóng vào cuộc để xử lý nghiêm hoạt động này sau khi nhận được đơn thư tố cáo của người dân để răn đe, làm gương cho cộng đồng. Được biết, hiện tại đã có nhiều đơn thư của người dân trình báo với Công an thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương phản ánh về việc "cô đồng" Trương Thị Hương nhận nhiều tiền của người xem bói nhưng không có được kết quả như lời đã hứa.
Còn TS Vũ Thế Khanh - Chủ tịch Hội đồng Khoa học kiêm Tổng giám đốc UIA - cơ quan cùng Viện khoa học hình sự có nhiệm vụ thẩm định về các khả năng đặc biệt - cho biết, hiện nay tình trạng đồng bóng "dởm" dùng nhiều thủ đoạn để lừa tiền người nhẹ dạ cả tin khá phổ biến. Theo ông Khanh, hiện tượng này phát triển rất mạnh trên mạng xã hội, do vậy các cơ quan chức năng cần có biện pháp cứng rắn để chấn chỉnh, ngăn chặn.
Ông Khanh đề nghị, phải xử lý nghiêm, phạt thật nặng đối với các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, ông cho rằng phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng ở địa phương đã không quản lý chặt chẽ với các trường hợp hành nghề mê tín dị đoan.
Theo ông Khanh, những người có khả năng đặc biệt thực sự phải được các cơ quan có trách nhiệm thẩm định và thông qua một Hội đồng khoa học, được cơ quan khoa học xét duyệt. Đồng thời phải có kiểm chứng của cơ quan quản lý thẩm định về tâm linh, trong đó có UIA và Viện Hình sự.
Nhiều người gửi đơn trình báo tới cơ quan công an
Hiện nay, nhiều người đã gửi đơn thư trình báo tới cơ quan công an và báo Dân trí liên quan đến sự việc nêu trên. Trong khi chờ thông tin của cơ quan có thẩm quyền, người dân không nên tự ý kết luận, đăng tải thông tin sai lệch. Nếu bạn đọc muốn phản ánh các thông tin tới báo Dân trí, vui lòng gửi vào Email: duongdaynong@dantri.com.vn
Nội dung, video, hình ảnh: Cát Sinh