Cô đồng bổ cau xem bói "đúng nhận sai cãi": Tiền mất, họa mang!
(Dân trí) - Ranh giới giữa niềm tin tâm linh và mê tín dị đoan rất mong manh, nếu việc bói toán để trục lợi bị đẩy thành các trào lưu trên mạng xã hội là điều nguy hại.
Liên quan đến hàng loạt các video cô đồng bổ cau xem bói nở rộ trên mạng xã hội, ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VH,TT&DL cho hay, việc bói toán, lợi dụng mê tín dị đoan để trục lợi đã được pháp luật quy định cụ thể.
Điều 320 Bộ Luật hình sự 2015 quy định, người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.
Ngoài ra, Nghị định 38 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao, Du lịch cũng quy định nếu có hành vi bói toán, mê tín dị đoan sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
"Pháp luật quy định đầy đủ ở từng điều luật, tuy nhiên việc bài trừ mê tín dị đoan là trách nhiệm chung của cả người dân không chỉ của Bộ VH,TT&DL hay thanh tra các Sở, địa phương", ông Liêm cho hay.
PGS.TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo cho biết, việc bói toán tâm linh cũng giống như việc đốt vàng mã, dâng sao giải hạn đều gắn với đời sống người Việt từ xa xưa.
Chưa có nghiên cứu đầy đủ xác định hành vi hầu đồng là đúng hay sai, mà tùy theo quan niệm của từng người. Tuy nhiên, nếu những người tự xưng là "cô đồng", dùng mạng xã hội để lan truyền, quảng bá hiện tượng mê tín, dị đoan, trục lợi thì cần bị xử lý theo quy định pháp luật.
"Ranh giới giữa niềm tin và mê tín dị đoan rất mong manh. Nếu bói toán online mà thương mại hóa và trục lợi là điều không nên, tác động xấu đến đời sống xã hội", ông Tuấn nêu quan điểm.
Trong khi đó, PGS-TS. Lê Quý Đức - nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa Việt Nam cho biết, chúng ta đang ở thời đại 4.0 nên thông tin rất nhanh nhạy, mọi thứ đều được đưa lên mạng kể cả bói toán, tâm linh.
"Trước đây, xem bói là phải đến nhà, đến điện, nhưng việc bói toán bây giờ rất khác, họ lên mạng xã hội để làm chuyện đó.
Tôi cho rằng, việc này không hợp với văn hóa truyền thống của Việt Nam. Việc bói toán đã có từ lâu đời, có thể đúng với người này, sai với người kia… Tuy nhiên, dù thực hành tôn giáo, tín ngưỡng cũng đều phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Ở ta, hoạt động xem bói không được công nhận, các cô đồng vẫn là 'làm chui', nếu họ vi phạm các quy định của pháp luật chắc chắn sẽ bị xử lý. Chúng ta nên lành mạnh hóa đời sống xã hội, để người dân tin vào chính mình chứ không phải tin vào thần thánh, các thế lực siêu nhiên…", PGS -TS. Lê Quý Đức thẳng thắn.
Chuyên gia này cũng cho rằng, vì tin lời của các cô đồng, bà cốt mà nhiều người tiền mất nhưng "bệnh tật" "tai ương" thì vẫn gánh. Bởi lẽ, tương lai, vận mệnh của con người phải do chính sự nỗ lực, cố gắng của bản thân chứ không phải là những lời phỏng đoán mơ hồ.
Theo đó, thời gian gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện video của một phụ nữ được cho là cô đồng vừa bổ cau, vừa bói với câu nói cuối "đúng nhận, sai cãi" trở thành "trend" thu hút hàng triệu lượt người xem.
Trong các video này, cô đồng T.H luôn xưng với người xem bói là cô và con, chuyên xem về đường tình duyên, đất cát, nhà cửa, công danh sự nghiệp, vận hạn… Với những người ở xa có nhu cầu xem bói, cô đồng T.H nhận đặt lịch và sẵng sàng gửi định vị địa chỉ nhà.
Câu nói "đúng nhận, sai cãi" đã trở thành trend giới trẻ học theo trên nền tảng TikTok, Facebook. Chỉ trong 3 ngày 6-8/2, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều clip từ bổ dưa, nho, bưởi, thanh long… ăn theo trend cô đồng T.H với nhiều tình tiết hài hước, gây cười.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cô đồng T.H toàn nói dựa, nói nước đôi, phán những điều không có căn cứ. Những lời lẽ trong video của cô đồng T.H thiếu chuẩn mực, thậm chí còn văng tục, chửi bậy trên mạng xã hội. Những video nhảm nhí này cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý, gỡ bỏ trên mạng xã hội, tránh ảnh hưởng xấu đến giới trẻ.