DGallery
Vì sao món gỏi cá sống Yusheng thường được ăn vào dịp Tết Nguyên đán?

Vì sao món gỏi cá sống Yusheng thường được ăn vào dịp Tết Nguyên đán?

(Dân trí) - Tại Singapore, không chỉ hấp dẫn về hương vị, món gỏi cá sống Yusheng còn mang ý nghĩa sâu sắc về sự thịnh vượng và may mắn trong dịp đầu năm mới.

Tiến Bùi

GALLERY

6 ảnh

Vì sao món gỏi cá sống Yusheng thường được ăn vào dịp Tết Nguyên đán? - 1
Vì sao món gỏi cá sống Yusheng thường được ăn vào dịp Tết Nguyên đán? - 2
Vì sao món gỏi cá sống Yusheng thường được ăn vào dịp Tết Nguyên đán? - 3
Vì sao món gỏi cá sống Yusheng thường được ăn vào dịp Tết Nguyên đán? - 4
Vì sao món gỏi cá sống Yusheng thường được ăn vào dịp Tết Nguyên đán? - 5
Vì sao món gỏi cá sống Yusheng thường được ăn vào dịp Tết Nguyên đán? - 6

Yusheng (gỏi cá sống) có nguồn gốc từ Trung Quốc, được du nhập vào khu vực Đông Nam Á bởi những người nhập cư từ Quảng Đông và Triều Châu (Trung Quốc). Theo thời gian, món ăn này trở thành nét văn hóa đặc trưng, không thể thiếu trong các bữa tiệc Tết Nguyên đán.

Trước đây, cách phục vụ món Yu Sheng chưa đảm bảo vệ sinh khi cá thường bị để ngoài trời quá lâu. Để cải thiện điều này, 4 vị đầu bếp được mệnh danh là "Tứ đại thiên vương của ẩm thực Quảng Đông" đã quyết định nâng cấp công thức truyền thống.

Thay vì sử dụng cá nguyên con, các đầu bếp chọn thái lát miếng mỏng và trộn cùng phần nước sốt giúp hương vị hài hòa. Điểm nhấn quan trọng chính là việc thêm các loại gia vị, nguyên liệu sắc màu giúp món ăn trở nên bắt mắt và mang không khí lễ hội.

Món gỏi cá sống Yusheng vào ngày đầu năm mới (Biên dựng: Tiến Bùi)

Một phần Yu Sheng điển hình bao gồm các lát cá sống thái mỏng, cà rốt, củ cải, dưa leo bào sợi, vỏ cam hoặc dưa hấu sấy, múi bưởi tươi, lạc rang băm nhỏ, vỏ hoành thánh chiên giòn, bột ngũ vị hương, nước sốt mận, sốt hoisin và dầu ăn.

Mỗi thành phần trong món gỏi cá sống Yusheng đều gắn liền với một hoặc nhiều từ ngữ mang ý nghĩa tốt lành, lời cầu chúc may mắn cho năm mới. Có thể kể đến như:

Cá sống

Khi thêm cá sống vào món gỏi, câu chúc "nian nian you yu" sẽ được vang lên mang ý nghĩa "năm nào cũng dồi dào".

Vì sao món gỏi cá sống Yusheng thường được ăn vào dịp Tết Nguyên đán? - 1

Bột mè rang

Câu chúc "sheng yi xing long" hay "jin yin man wu" có nghĩa là "kinh doanh phát đạt, nhà cửa ngập tràn vàng bạc" sẽ được hô vang khi mọi người rắc thêm bột đậu phộng vàng hoặc bột mè lên.

Vì sao món gỏi cá sống Yusheng thường được ăn vào dịp Tết Nguyên đán? - 2

Dầu ăn

Khi cho dầu ăn lên món gỏi, mọi người thường nói "cai yuan guang jin", ngụ ý "tài lộc dồi dào khắp bốn phương".

Vì sao món gỏi cá sống Yusheng thường được ăn vào dịp Tết Nguyên đán? - 3

Bánh quy vàng

Khi thêm bánh quy vàng giòn tan, câu chúc "man di huang jin" được mọi người xung quanh đọc đồng thanh, biểu tượng cho "vàng bạc tràn đầy khắp nơi".

Vì sao món gỏi cá sống Yusheng thường được ăn vào dịp Tết Nguyên đán? - 4

Nước sốt mận

Khi rưới nước sốt mận, lời chúc "tian tian mi mi" thể hiện mong muốn về "ngọt ngào và yêu thương" trong các mối quan hệ.

Vì sao món gỏi cá sống Yusheng thường được ăn vào dịp Tết Nguyên đán? - 5

Gỏi cá sống Yusheng còn có tên gọi khác là Lo Hei (nghĩa là "tung lên cao" trong tiếng Quảng Đông) và gắn liền với nghi lễ tung gỏi tập thể được thực hiện trước khi thưởng thức.

Từng nguyên liệu của món gỏi cá Yusheng được lần lượt thêm vào chiếc đĩa lớn. Mỗi khi thêm một thành phần, mọi người sẽ đồng thanh đọc câu chúc may mắn tương ứng với ý nghĩa của nguyên liệu đó.

Khi tất cả nguyên liệu đã được chuẩn bị xong, mọi người cùng tụ họp quanh bàn, đồng loạt cầm đũa tung gỏi lên cao nhất có thể và hô vang "Lo Hei". Nghi thức này được lặp lại 7 lần, mang ý nghĩa gắn kết và hy vọng chung về một năm mới tràn đầy may mắn.

Vì sao món gỏi cá sống Yusheng thường được ăn vào dịp Tết Nguyên đán? - 6

Không có công thức cố định cho món Yusheng, nhưng phổ biến nhất là phiên bản 7 màu sắc với cà rốt và củ cải bào sợi làm nền tảng. Hàng năm, các đầu bếp tại Singapore, Malaysia không ngừng sáng tạo để mang đến những đĩa gỏi cá sống độc đáo như thay nước sốt hoặc đổi cá sống thành bào ngư, tôm hùm, nhím biển…

Trong bàn tiệc năm mới của các gia đình, món Yusheng cũng được biến tấu để phù hợp với khẩu vị riêng. Giống như sự đa văn hóa tại Singapore, bạn có thể tìm thấy những phiên bản gỏi cá sống mang phong cách Thái Lan, Nhật Bản để chiều lòng mọi thực khách.

Hiện nay, Yusheng trở thành món ăn đặc trưng và phổ biến tại khu vực phía Nam Malaysia và Singapore. Đặc biệt, món gỏi cầu may này còn được Cục Di sản quốc gia Malaysia công nhận là di sản văn hóa ẩm thực.

Sự kết hợp giữa hương vị độc đáo và ý nghĩa văn hóa sâu sắc đã giúp Yusheng trở thành món ăn không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán, mang lại cảm giác ấm cúng và lời cầu chúc thịnh vượng cho mọi nhà.

Ảnh: Misstamchiak