Món "bánh gạo gương" độc đáo mang đến may mắn trong văn hóa Tết Nhật Bản
(Dân trí) - Không chỉ đơn thuần là vật trang trí lễ hội, những chiếc bánh gạo Kagami mochi còn đóng vai trò quan trọng, biểu tượng cho năm mới thịnh vượng ở Nhật Bản.
Tại Nhật Bản, mỗi dịp năm mới, người dân khắp nơi lại thực hiện một nghi thức đơn giản nhưng đầy ý nghĩa với món bánh truyền thống mang tên Kagami mochi.
Kagami mochi (bánh gạo gương) là món ăn truyền thống của Nhật Bản vào dịp đầu năm mới. Bánh được làm từ hai chiếc mochi tròn với kích thước lớn và nhỏ, xếp chồng lên nhau bằng giá đỡ gỗ. Trên đỉnh, người ta trang trí thêm một quả Daidai (cam đắng Nhật Bản).
Kagami mochi xuất hiện từ thời kỳ Muromachi (khoảng thế kỷ 14-16) và được sử dụng như một vật phẩm dâng cúng các vị thần năm mới (Toshigami). Dù đã qua hàng trăm năm, hình dáng và ý nghĩa của món bánh này vẫn được giữ nguyên.
Từ "Kagami" trong tiếng Nhật nghĩa là "gương". Tên gọi của món ăn này xuất phát từ hình dáng tròn trịa giống với những chiếc gương cổ Amaterasu - một trong 3 báu vật thiêng liêng của hoàng gia Nhật Bản.
Hai lớp bánh gạo Kagami mochi mang ý nghĩa văn hóa sâu sắc, tượng trưng cho năm cũ và năm mới, cân bằng âm dương.
Trong khi đó, từ Daidai đồng âm với cụm từ "nhiều thế hệ". Quả cam đắng trên đỉnh đại diện cho sự thịnh vượng và tiếp nối của các thế hệ trong gia đình.
Ngày nay, nhiều người dân Nhật Bản tin rằng, món bánh gạo Kagami mochi có khả năng xua đuổi hỏa hoạn, vận rủi và trở thành biểu tượng bảo vệ gia đình trong năm mới.
Một trong những phong tục thú vị liên quan đến món bánh Kagami mochi là nghi thức phá vỡ bánh (Kagami biraki). Buổi lễ này thường diễn ra vào thứ bảy hoặc chủ nhật thứ hai của tháng 1.
Các thành viên trong gia đình sẽ dùng chiếc búa gỗ và đập vỡ từng lớp bánh mochi. Hành động này tượng trưng cho sự khép lại của năm cũ và đón chào khởi đầu mới.
Không chỉ phổ biến trong các gia đình, phong tục này còn được thực hiện trong giới võ thuật nhằm bày tỏ tinh thần mở lòng và đón nhận những thử thách mới.
Thưởng thức món bánh Kagami mochi đồng nghĩa với việc bạn đang nhận được phước lành từ Toshigami Sama - vị thần năm mới trong văn hóa Nhật Bản.
Phần bánh gạo sau khi được bẻ ra có thể được dùng để làm món canh truyền thống Zoni hoặc đem nấu cháo mochi với bơ và nước tương, khuấy đều trên lửa nhỏ để tạo nên hương vị thơm ngon.
Ngoài ra, những miếng mochi nhỏ chiên giòn, phủ lên trên củ cải bào nhuyễn, nước sốt Ponzu (làm từ nước tương và nước cam quýt) cùng hành lá thái nhỏ là món ăn hoàn hảo để thưởng thức cùng rượu sake Nhật Bản.
Những năm gần đây, Kagami mochi dần được bày bán rộng rãi ở các siêu thị và cửa hàng tiện lợi trên khắp Nhật Bản. Đối với nhiều người, việc mua bánh làm sẵn mang lại sự tiện lợi mà vẫn giữ được trải nghiệm văn hóa truyền thống.