(Dân trí) - Những căn nhà gỗ ẩm thấp, cơ sở vật chất thiếu thốn ở điểm trường mầm non Nà Kiềng (Cao Bằng) được thay thế bằng các căn phòng khang trang, sạch đẹp, vì thế học sinh đã "đua nhau" đến trường.
Trẻ em miền núi "đua nhau" đến trường sau khi có phòng học Dân trí
Những căn nhà gỗ tạm bợ, cơ sở vật chất thiếu thốn ở điểm trường mầm non Nà Kiềng, xã Quảng Lâm (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) dần được thay thế bằng các căn phòng khang trang, rộng rãi, sạch đẹp, cở sở vật chất dần được hoàn thiện.
Trường Mầm non Nà Kiềng cách trung tâm xã Quảng Lâm gần 10 km, đường xá đi lại rất khó khăn, các học sinh đều là con em dân tộc thiểu số. Vào tháng 5/2018, Báo điện tử Dân trí cùng các nhà hảo tâm đã chung tay sửa chữa và xây dựng công trình phòng học và nhà công vụ thứ 16 tại đây với số tiền gần 900 triệu đồng, trong đó đơn vị Thẩm mỹ Hoàng Tuấn tài trợ qua hoạt động Nhân ái của báo Dân trí là 825 triệu đồng. Nhờ đó, chất lượng học tập được nâng cao, đời sống các thầy cô giáo được cải thiện đáng kể.
Ngôi trường Mầm non Nà Kiềng thuộc xã Quảng Lâm (huyện Bảo Lâm) được xây dựng sát vách và có lối vào chung với trường Tiểu học Nà Kiềng. Cách đây 2 năm về trước, các phòng học chỉ là những căn nhà gỗ lụp xụp, ẩm thấp, mái lợp bờ rô xi măng, cơ sở vật chất thiếu thốn. Giờ đây, với khuôn viên rộng rãi, các căn phòng được xây dựng kiên cố, khang trang trẻ em trong xã tới trường ngày một đông đúc hơn.
Đồ vật trang trí dọc hành lang phòng học đều là các vỏ lon, vỏ chai nhựa tái chế do các cô giáo thu gom.
Cô giáo Sầm Thị Điệp – Phó Hiệu trưởng trường mầm non Nà Kiềng, công tác tại trường gần 11 năm cho biết, tại trường 100% các bé đều là dân tộc Mông. Gia đình các em sống xung quanh khu vực xã Quảng Lâm, có gia đình ở khá xa, mất 5 – 10km đi bộ.
"Từ ngày có phòng học Dân trí, số lượng các bé tới trường ngày một tăng. Trước đây chỉ có 50 bé theo học tại trường, đến thời điểm hiện tại số lượng đã tăng lên gần 90 bé. Đây là tín hiệu tích cực đối với trường mầm non Nà Kiềng nói riêng mà còn với nền giáo dục nơi miền núi xa xôi nói chung", cô Sầm Thị Điệp cho hay.
Độ tuổi các em từ 2 – 5 tuổi. Hầu hết, các bé đều được các cô giáo dạy dỗ tự lập sớm, tự giác làm mọi thứ từ ăn uống, sinh hoạt, ngủ nghỉ.
Hiện tại, trường Mầm non Nà Kiềng chỉ có chế độ bán trú, trẻ được bố mẹ hoặc anh chị đưa đi học từ sáng sớm tới chiều muộn mới đến đón.
Các phòng học được trang trí bắt mắt, sạch đẹp. Một số sản phẩm do các bé làm cũng được trang trí trên tường.
Bé Nhất (2 tuổi), người dân tộc Mông, tự giác cầm gối về phòng ngủ nghỉ khi ăn trưa xong. Ngoài dạy dỗ ở trường, các bé còn được bố mẹ chỉ bảo, tự giác làm nhiều việc ngay cả ở nhà.
Tuy nhiên, mặt sân trường vẫn bám rêu xanh, cỏ dại mọc do nhiều khu vực vẫn còn là nền đất.
"Nhân dịp kỷ niệm 15 năm thành lập, Báo Điện tử Dân trí xin gửi lời cảm ơn chân thành tới hàng triệu độc giả, tổ chức, doanh nghiệp gần xa; trong nước và quốc tế... đã tin tưởng, ủng hộ chúng tôi trong thời gian qua.
Đặc biệt, Báo Điện tử Dân trí xin gửi lời tri ân tới các Doanh nghiệp: Vingroup, VNPT, Ecopark, Sun Group, Agribank, VietinBank, SHB, Vietcombank, BV ĐKQT Thu Cúc, GHV, AIC, Tập đoàn Viettel, AnBinh Bank, Vietnam Airlines, Eco Pharma, Minh Tiến Coffee, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC...
Trân trọng cảm ơn các Đối tác, Doanh nghiệp đã luôn gắn bó bền chặt, góp phần phát triển Báo điện tử Dân trí trong hành trình 15 năm qua.”
Đỗ Quân - Vũ Đức Anh