Tâm điểm
Bích Diệp

Từ "con gà, cân gạo" đến những cọc tiền xếp đầy túi

Theo kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến bộ Quốc tế (AIC) và các đơn vị liên quan, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc AIC, bị cáo buộc có hành vi đưa hối lộ nhiều lần trong 10 năm với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

Kết luận điều tra nêu chi tiết những lần bà Nhàn đưa tiền cho một số cán bộ ở tỉnh Đồng Nai bằng những cọc tiền mệnh giá 500.000 đồng. Đơn cử, bà Nhàn đã 6 lần đưa tiền cho cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành với tổng số tiền 14,5 tỷ đồng; trong đó lần đưa nhiều nhất là 5 tỷ đồng, gồm 10 cọc 500.000 đồng xếp vừa đủ vào một túi du lịch đã qua sử dụng hình chữ nhật màu xám đen, có quai xách…

Đây là những thông tin ở giai đoạn kết luận điều tra, chúng ta chờ vụ án tiếp tục được làm rõ trong quá trình tố tụng tới đây. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, chúng ta được biết rằng các bị can như cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành, cựu Chủ tịch tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái… đã khai báo thành khẩn, mỗi người tự nguyện nộp lại toàn bộ số tiền 14,5 tỷ đồng đã nhận từ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn và người của Công ty AIC trước khi bị khởi tố.

Những thông tin trên khiến nhiều người giật mình, thậm chí choáng váng vì số tiền "khủng" mỗi lần các bị can đưa và nhận hối lộ; tính ra nó bằng tiền lương cả cuộc đời đi làm của một cán bộ bình thường.

Ở đây hành vi tham nhũng theo như cáo buộc liên quan đến một dự án hết sức nhân văn và tốt đẹp là xây dựng bệnh viện để cứu chữa các bệnh nhân, trong đó có các bệnh nhân nghèo. Với một dự án ý nghĩa lớn như vậy, nhưng một số cá nhân kể cả lãnh đạo cao nhất của địa phương vẫn để tay nhúng chàm. Rõ ràng, tội phạm về tham nhũng không chỉ gây ra những thiệt hại về mặt kinh tế mà còn ảnh hưởng xấu đến quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước.

Dõi theo một số vụ án vừa qua, chúng ta sẽ thấy rằng đây không phải vụ án đầu tiên số tiền đưa, nhận hối lộ theo cáo buộc lên đến nhiều tỷ đồng. Chẳng hạn như vụ án buôn lậu gần 200 triệu lít xăng xét xử sơ thẩm hồi tháng 7 vừa qua, một số bị cáo cũng đã tham nhũng tiền tỷ; trong loạt vụ án liên quan kit xét nghiệm Việt Á, chỉ đơn cử trường hợp ông Phạm Duy Tuyến - giám đốc CDC Hải Dương, đã bị cáo buộc nhận hối lộ 27 tỷ đồng; liên quan vụ án "chuyến bay giải cứu", điều tra ban đầu cho hay có những chuyến bay thu lợi vài tỷ đồng, số tiền tiêu cực có thể lên tới hàng chục tỷ đồng và hàng trăm nghìn USD…

Trên đây chỉ là một vài vụ án nổi bật trong số các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp được điều tra, xử lý theo quy định pháp luật và đưa ra trước ánh sáng công luận trong những năm qua. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu tại hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, "chưa bao giờ công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được thực hiện một cách mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, bài bản và hiệu quả như thời gian gần đây; để lại dấu ấn nổi bật, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước".

Công cuộc "đốt lò" đã được thực hiện theo đúng tinh thần "nói đi đôi với làm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, và không chịu sự tác động, sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào".

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các cấp có thẩm quyền cũng thẳng thắn nhìn nhận về những điểm còn hạn chế, tồn tại, đơn cử như: Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội… Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những "kẻ thù hung ác", nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, một trong những thách thức đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở nước ta hiện nay là nếu như trước đây, tham nhũng chỉ đơn giản là hành vi "ăn cắp vặt", nhận "phong bì", lợi ích vật chất nhỏ, tính chất riêng lẻ, đơn giản, manh mún, thì nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, tham nhũng đã "biến hình", khoản tiền tham nhũng ngày càng lớn hơn, hành vi có tính cấu kết, nhiều vụ có tổ chức, có biểu hiện "nhóm lợi ích"…

Xin dẫn ra đây một câu chuyện làm ví dụ cho nhận định "khoản tiền tham nhũng ngày càng lớn hơn". Trên trang cá nhân của mình, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc kể về một vụ từng được coi là án điểm về tham nhũng vào khoảng cuối năm 1970.

Lúc đó cơ quan chức năng phát hiện một cán bộ phó phòng của vụ Vật tư Thiết bị thuộc Ủy ban Kế hoạch nhà nước (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã đưa vào chỉ tiêu cung ứng thiết bị, cấp cho xí nghiệp in công tư hợp doanh một máy phát điện 50kw. Đổi lại, ông giám đốc xí nghiệp mời cán bộ phó phòng này đi nghỉ mát ở Tam Đảo…

Hồi đó chiến tranh, hay mất điện, máy phát điện là mặt hàng đặc biệt, chỉ được cung cấp cho các cơ sở sản xuất được ưu tiên; cấp cho xí nghiệp in là sai quy định. Vì vậy cán bộ phó phòng và ông giám đốc xí nghiệp in bị bắt. Điều tra thêm, hai người cùng khai, ngoài một ngày nghỉ mát ở Tam Đảo, Tết trước đó ông giám đốc có quà cho cán bộ phó phòng hai con gà, 10kg gạo nếp, 5 gói chè Thanh Hương, hai chai rượu Lúa Mới.

Tòa tuyên phạt hai người tội đưa và nhận hối lộ. Mỗi người nhận án 7 năm tù giam.

Khi nhắc đến vụ án "con gà, cân gạo" này, tôi không có ý so sánh vụ việc cụ thể giữa "xưa" và "nay" vì bối cảnh các thời kỳ là khác nhau, mà như nói ở trên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, tham nhũng đã "biến hình", khoản tiền tham nhũng ngày càng lớn hơn… Thực tế khách quan này đòi hỏi cuộc chiến phòng, chống tham nhũng phải được tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ, "không nghỉ", "không ngừng" với những giải pháp ngày càng mạnh mẽ, đồng bộ hơn.

Chúng ta phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng"; một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng"; và một cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng" như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; là phóng viên báo Dân Trí từ năm 2012. Chị chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán…, và gắn bó với mục Blog từ năm 2016.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!