Từ chuyện "cô giáo cắt tóc học trò"
Nhân vụ việc "cô giáo cắt tóc nữ sinh" đang nóng lên trên mạng xã hội và các diễn đàn mấy hôm nay, tôi và nhóm bạn cũ lại có dịp chuyện trò, ôn lại một thuở đi học "nhất quỷ nhì ma" 20 năm trước.
Hồi đó, khối chúng tôi có một số bạn gái rất xinh và cũng rất sành điệu, thường xuyên bị nhắc nhở về vấn đề trang phục, thậm chí là liên tục bị bêu tên trong các buổi chào cờ đầu tuần. Một người bạn trong số đó sau này học đại học cùng tôi, bạn vẫn giữ cách phối đồ khác lạ và khiến hầu hết bạn bè trong khối mê mẩn về phong cách.
Cho đến bây giờ, trong những điều đọng lại về năm tháng ngồi ghế nhà trường, tôi vẫn ấn tượng về bạn gái ấy. Cách xa nhiều năm mới gặp lại, bạn đã là một người hoạt động rất tích cực trong lĩnh vực giáo dục và là "hot mom" (người mẹ nổi tiếng) trên mạng xã hội với những phương pháp dạy con mới mẻ.
Tiếp cận trên góc độ đó thấy rằng, việc chúng ta ăn mặc ra sao, đầu tóc thế nào thời đi học không quyết định việc chúng ta trở thành người tốt hay người xấu, cũng không ảnh hưởng đến nghề nghiệp chúng ta về sau này. Thật không công bằng khi vội vã phán xét những đứa trẻ nhuộm tóc màu sáng, ăn mặc không đúng nội quy và thích chú ý đến hình thức, diện mạo là "hư hỏng" hay coi các em là học sinh "cá biệt".
Tuy nhiên, ai cũng là con người xã hội. Đã là nội quy thì cần tuân thủ. Học sinh, giáo viên tuân thủ quy định của nhà trường, nhân viên văn phòng tuân thủ quy định công ty. Trong lực lượng vũ trang, bạn đã thấy ai mặc sai đồng phục đông - hè, không đeo phù hiệu, mặc đồ dân sự mà qua được cổng đơn vị hay chưa?
Ngay cả như tham gia hội họp, tiệc tùng, đi đám cưới, dự lễ tang cũng phải tuân theo những quy ước về ăn mặc sao cho phù hợp. Cũng không có ai mặc đồ tắm biển để dạo phố bao giờ… Sự tuân thủ "quy ước xã hội" và những quy tắc trong tập thể thể hiện thái độ tôn trọng của cá nhân với người khác, cũng chính là tôn trọng chính bản thân mình.
Tôi không ủng hộ việc cô giáo cắt tóc học sinh trước lớp như một biện pháp mạnh tay để "trấn áp" sự cứng đầu, ương bướng của những đứa trẻ độ tuổi mới lớn, nhưng tôi vẫn cho rằng, cần để các em nhận ra được trách nhiệm cá nhân trong quá trình hoàn thiện dần nhân cách và hình thành thái độ với cuộc sống.
Mấu chốt nằm ở cách tiếp cận và phương pháp giáo dục.
Tôi không ngạc nhiên khi trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, một bộ phận không nhỏ phụ huynh đứng về phía cô giáo. Những người sinh ở thế hệ 7x và đầu 8x không mấy ai lạ gì chuyện bị thầy cô, bố mẹ "xẻo" tóc, cắt ống quần, thậm chí là đòn roi vì để móng dài, sơn móng… Tuy nhiên, việc kỳ vọng (đúng hơn là đặt yêu cầu) những đứa trẻ phải "phục tùng" sẽ dễ phản tác dụng. Điều mà tôi lo ngại nhất của phương pháp "áp đặt mệnh lệnh" là tạo ra những đứa trẻ hoặc "lì đòn" hoặc "nhút nhát".
Một người quen từng chia sẻ với tôi nỗi đau "mất con" khi bị mất kết nối với con gái của mình. Đứa trẻ từng được đánh giá rất "ngoan", gọi dạ bảo vâng, rất lễ phép và… rất sợ bố. Cho đến học kỳ I của lớp 8, con gái anh vẫn giữ bộ tóc dài đen nhánh, không dám cắt vì bố không cho phép, nhưng chỉ vài tháng của học kỳ II, đứa bé bỏ bê học hành, trở nên cứng đầu và lì lợm, không nghe lời dù bị đánh, rồi bỏ đi theo các bạn quen qua mạng xã hội tới tận các tỉnh xa. Mỗi lần anh tìm được con gái về và nhốt vào phòng, đứa bé bằng cách nào đó vẫn trốn đi.
Độ tuổi dậy thì với cả trẻ trai lẫn trẻ gái đều rất nhạy cảm. Trẻ thường hướng đến việc khẳng định bản thân, nhu cầu thể hiện cá tính rất lớn. Tôi cho rằng, dù ở độ tuổi nào hay bất cứ mối quan hệ nào, dẫu là thầy trò hay bố mẹ con cái thì cũng đều cần sự tôn trọng. Phải tôn trọng trẻ, dành thời gian và tâm trí để đối thoại, lắng nghe ý kiến rồi từ đó mới thuyết phục trẻ.
Việc coi thường cảm xúc của trẻ, bỏ qua cảm nhận của trẻ sẽ khiến thầy cô và bố mẹ đánh mất sợi dây kết nối với trẻ, lúc đó, mọi hành vi cưỡng chế như cắt tóc, kỷ luật, đánh đập… (nếu có) cũng chỉ thu được sự phục tùng về mặt hình thức mà thôi.
Lúc con gái tôi 5 tuổi, cháu đã hỏi tôi "vì sao con không được nhuộm tóc, làm xoăn như bạn của con", tôi trả lời rằng, hóa chất làm tóc không tốt cho sự phát triển của trẻ. "Con có thể làm tóc khi con đủ 18 tuổi" - tôi nói. Tôi thường nhắc về mốc 18 tuổi con sẽ được tự quyết nhiều vấn đề, còn hiện tại thì chưa. Đặc biệt là vấn đề tài chính, vợ chồng tôi sẽ không chi tiền cho những nhu cầu không thiết yếu và không chính đáng, không đáp ứng mọi đòi hỏi của con một cách vô điều kiện.
Chúng tôi cũng nhắc nhở con về việc tôn trọng người khác, tôn trọng môi trường tập thể và tuân thủ nội quy nếu mình muốn nhận lại được sự tôn trọng. Ví dụ, không nói to, đùa giỡn khi đi thang máy, không làm ồn ở quán cà phê, không vì sự tùy tiện của bản thân mà gây ảnh hưởng đến tập thể lớp v.v.
Mỗi người đều có những quan điểm riêng về giáo dục con cái và sẽ rất tốt khi giữa phụ huynh và nhà trường có thể thống nhất và phối hợp được trong phương pháp giáo dục trẻ. Cá nhân tôi thì quan niệm, phụ huynh chúng ta chỉ có thời gian rất ít năm để bên cạnh và sát sao con (the nights are long, but the years are short - tính đêm thì dài, tính năm thì ngắn), phần lớn thời gian của các con đều ở trường và bên cạnh bạn bè.
Dù bận rộn, tôi vẫn hi vọng rằng chúng ta sẽ cố gắng để bên cạnh con, đồng hành cùng con, thậm chí là lớn lên cùng con ở những giai đoạn bước ngoặt, lúc con cần nhất sự hướng dẫn, dìu dắt của bố mẹ.
Tôi cũng hi vọng, thầy cô giáo dẫu chịu nhiều áp lực nhưng hãy luôn giữ sự tôn trọng, yêu thương học trò. Có thể nghiêm khắc song tuyệt đối đừng xâm phạm và xúc phạm các cháu - cả về thể chất lẫn tinh thần!
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; gia nhập báo Dân Trí từ năm 2012 và chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!