Tâm điểm
Đỗ Cao Bảo

Tiềm năng chuỗi cung ứng Việt - Hàn về đất hiếm

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cùng phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao vừa có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam, từ ngày 22 đến 24/6.

Kết quả tốt đẹp của chuyến thăm đã được báo chí đưa đầy đủ, trong đó, theo tôi một trong những thỏa thuận quan trọng nhất giữa hai bên đạt được trong dịp này là biên bản ghi nhớ thành lập trung tâm chuỗi cung ứng Việt Nam - Hàn Quốc về đất hiếm và khoáng sản cốt lõi.

Chúng ta đã nói rất nhiều rằng Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lên đến 22 triệu tấn, đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc (44 triệu tấn). Thế nhưng việc khai thác, xuất khẩu đất hiếm của chúng ta trong nhiều năm qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Báo chí trong nước đã đưa tin hai mỏ được cấp phép khai thác đất hiếm ở Lai Châu và Yên Bái án binh bất động sau gần 10 năm. Chính vì thế nhiều người cho rằng đất hiếm có ý nghĩa rất thấp trong nền kinh tế Việt Nam.

Tiềm năng chuỗi cung ứng Việt - Hàn về đất hiếm - 1

Mỏ đất hiếm Đông Pao tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu (Nguồn ảnh: Huyện Tam Đường).

Thế nhưng thời thế giờ đã khác, với xu hướng dùng xe ô tô điện và chuyển đổi sang năng lượng xanh, điện gió, điện mặt trời trên toàn cầu, nhu cầu sử dụng đất hiếm tăng vọt.

Trước kia đất hiếm chỉ dùng cho điện thoại di động, màn hình máy tính, tivi, ổ cứng máy tính, tai nghe, loa, đèn huỳnh quang, laser, tên lửa, lò hạt nhân; thì nay đất hiếm là chất không thể thiếu trong xe ô tô điện, pin lưu trữ, tấm pin mặt trời và tua bin gió. Nghĩa là muốn chuyển sang năng lượng xanh, xe ô tô điện thì nhất định phải có đất hiếm.

Năm ngoái, các nhà nghiên cứu từ Đại học KU Leuven ở Bỉ ước tính rằng châu Âu sẽ cần lượng lithium gấp 35 lần, và lượng kim loại đất hiếm gấp 7 đến 26 lần so với mức sử dụng hạn chế hiện nay để đáp ứng mục tiêu năng lượng xanh.

Chưa kể trước kia là thời hợp tác kinh tế mở toàn cầu, giờ là thời chiến tranh kinh tế, các cường quốc kinh tế dùng công nghệ và nguyên vật liệu cốt lõi để khống chế và kìm hãm lẫn nhau. Việc Trung Quốc đang chiếm 90% về sản lượng và chiếm 36,7% về trữ lượng đất hiếm toàn cầu thì gần như Trung Quốc đã nắm một cái chốt quan trọng trong nền công nghiệp 4.0.

Nhìn trên toàn thế giới thì tổng trữ lượng đất hiếm của Trung Quốc, Việt Nam, Nga, Brazil và Ấn Độ chiếm đến 90%, trữ lượng của Mỹ và các nước phương Tây chỉ có 8% thôi. 

Gần đây giá đất hiếm đã tăng vọt lên gần 10 lần so với trước, từ cỡ giá chỉ 14.000 USD/tấn tăng lên 110.000 USD/tấn (Neodymium oxide 66.000 USD/tấn, Oxit Dysposi 274.000 USD/tấn).

Thử làm một bài toán đơn giản sẽ thấy đất hiếm của Việt Nam có giá trị cao hơn hẳn, nếu tính giá trung bình hiện tại 110.000 USD/tấn, thì đất hiếm của Việt Nam có giá trị lên đến 2.420 tỷ USD, một con số rất có ý nghĩa với sự phát triển kinh tế đất nước. Tất nhiên đây là giá trị theo tính toán, để khai thác và phát huy được giá trị của tài nguyên này thì chúng ta còn nhiều việc phải làm, nhiều nguồn vốn phải đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư. Có thể nói Việt Nam đang dần trở thành tâm điểm cung cấp đất hiếm mới của thế giới (ngoài Hàn Quốc, còn có Canada, Australia, Nhật Bản đang hợp tác).

Việc Hàn Quốc muốn thành lập trung tâm chuỗi cung ứng Việt - Hàn về đất hiếm và khoáng sản cốt lõi, chính là để Hàn Quốc (và các nước phương Tây) giảm sự phụ thuộc của họ vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu.

Tiềm năng và cơ hội của Việt Nam về đất hiếm không chỉ ở trữ lượng mà còn ở nhu cầu ngày càng cao của thế giới.

Tác giả: Ông Đỗ Cao Bảo là cử nhân Toán điều khiển, Học viện kỹ thuật quân sự; từng làm việc tại Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu và Viện Khoa học Việt Nam. Ông Bảo là một trong những thành viên sáng lập Tập đoàn FPT, hiện là Ủy viên HĐQT Công ty Cổ phần FPT.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!