Thương mại xuyên biên giới không chỉ đo đếm bằng container
Tôi mua ít cổ phiếu của một công ty công nghệ Mỹ ba ngày trước, khi thị trường lao dốc trong tuần này. Đến cuối tuần, tôi đã có chút lời khi thị trường hồi phục. Việc mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ của những người đang sinh sống bên ngoài nước Mỹ như tôi, đã góp phần tạo ra một dòng vốn lớn (một nhà đầu tư là con số nhỏ, nhưng nhiều nhà đầu tư là con số đáng kể) "bơm" vào thị trường của cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.
Mỹ từ lâu được xem là nước nhập siêu lớn nhất thế giới, với mức thâm hụt thương mại hàng hóa hơn 1.000 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng hơn, không chỉ ở hàng hóa hữu hình như ô tô, nông sản, máy bay, hay máy móc thiết bị - hàng hóa được lưu chuyển xuyên biên giới bằng container - thì lại có thể nói rằng Mỹ đang thực sự xuất siêu.
Thế giới đang "mua" từ Mỹ cổ phiếu, trái phiếu chính phủ, phần mềm, bản quyền công nghệ, dịch vụ tài chính, luật pháp, hệ điều hành, dịch vụ đám mây, và cả quyền truy cập nền tảng trí tuệ nhân tạo.

Thương mại xuyên biên giới không chỉ đo đếm bằng container (Ảnh minh họa: CV)
Tổng vốn hóa thị trường chứng khoán Mỹ hiện vượt 55.000 tỷ USD. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ khoảng 13.000 đến 14.000 tỷ USD tài sản tài chính. Rất nhiều ngân hàng trung ương các nước trên thế giới đang dự trữ USD và mua trái phiếu chính phủ Mỹ.
Ngoài ra, Mỹ xuất khẩu hệ thống tài chính, công nghệ, tiêu chuẩn kế toán, tiêu chuẩn kỹ thuật, định giá tín dụng và tài sản trí tuệ. Việc các nước trả tiền định kỳ cho Apple, Microsoft, Amazon Web Services hay thuê các hãng luật, kiểm toán Mỹ cũng là một hình thức tiêu dùng các giá trị do Mỹ sản xuất.
Các nước trên thế giới bao gồm Việt Nam đã, đang và sẽ chuyển hàng nghìn tỷ USD vào Mỹ mỗi năm để đổi lấy những giá trị không hiện hữu dưới dạng container vận chuyển xuyên biên giới. Nói cách khác, những thứ này không phải là hàng hóa theo cách hiểu thông thường, nhưng tất cả đều có giá trị, có người tiêu dùng, và có dòng tiền thanh toán cụ thể. Đây là dòng tiền rất lớn, là một trong những giá trị cốt lõi hay trụ cột cho kinh tế Mỹ.
Những dòng tiền này tuy không được ghi vào thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu, nhưng rõ ràng là một phần không thể thiếu trong cán cân giá trị song phương.
Từ bối cảnh trên, trong đàm phán thương mại với phía Mỹ trong thời gian tới, bên cạnh việc cam kết tiếp tục nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Hoa Kỳ mà Việt Nam có nhu cầu, chúng ta cũng cần đề cập đến các hình thức hợp tác khác hiệu quả và phù hợp với định hướng đột phá phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đó là mở rộng mua phần mềm bản quyền, nền tảng số, dịch vụ điện toán đám mây… từ phía Mỹ.
Nhìn nhận vấn đề cân bằng thương mại không chỉ là hàng hóa đóng trong container, vừa phản ánh đúng bản chất dòng chảy giá trị giữa hai nền kinh tế, vừa có thể góp phần giúp cân bằng áp lực tăng nhập khẩu hàng hóa truyền thống.
Ngoài ra chúng ta có thể đề xuất tạo điều kiện cho các công ty tư vấn, kiểm toán, tài chính Mỹ tham gia vào hoạt động trong các dự án đầu tư công, hạ tầng, hoặc chuyển đổi xanh, các dự án hạ tầng năng lượng, chuyển giao công nghệ và giáo dục đào tạo. Đây là những lĩnh vực Việt Nam cần cho phát triển nhanh và bền vững.
Những đề xuất trên có thể vừa thể hiện thiện chí, và chủ động tạo ra dư địa đàm phán rộng hơn, phù hợp với các lợi ích của hai bên.
Thực tế, Việt Nam đã và đang mở rộng không gian tiếp nhận các dịch vụ công nghệ cao từ Mỹ. Đơn cử trong chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ vừa qua, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã có buổi gặp gỡ với Tim Hughes, Phó Chủ tịch cao cấp Tập đoàn SpaceX và trao quyết định thí điểm cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh Starlink tại Việt Nam cho hãng công nghệ này.
Doanh thu đổ về công ty Mỹ không đến từ hàng hóa vật chất, mà từ việc cung cấp hạ tầng số xuyên biên giới. Khi các dịch vụ Mỹ ngày càng hiện diện sâu hơn trong nền kinh tế Việt Nam, từ viễn thông, phần mềm đến bán lẻ, các dòng tiền phát sinh từ đây cũng nên được tính vào tổng thể quan hệ thương mại.
Một khi thương mại không còn giới hạn ở vật thể, thì đàm phán cũng cần vượt khỏi khuôn khổ container. Cách nhìn này khẳng định thực chất tổng quan kết nối giữa hai nền kinh tế, và vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tác giả: TS Bùi Mẫn, Giám đốc Phòng thí nghiệm GTC Soil Analysis Services tại Dubai, là chuyên gia cao cấp trong nghiên cứu đặc tính đất và thí nghiệm địa kỹ thuật tiên tiến, với trọng tâm về quản lý và kiểm soát chất lượng. Ông từng giảng dạy tại Đại học Bách khoa TPHCM và tham gia nhiều dự án hạ tầng lớn cùng các công ty tư vấn hàng đầu như Fugro, WS Atkins, và Amec Foster Wheeler.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!