Tâm điểm
Phạm Hoàng Phương

Thêm 8 thành phố trực thuộc Trung ương: Thêm động lực phát triển?

Ngày 22/8/ vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 22/8/2024 phê duyệt Quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bên cạnh một số các nội dung quan trọng như: Nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển 5 đô thị đạt tầm cỡ quốc tế, phát triển 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM trở thành đô thị năng động, sáng tạo…, thì một thông tin rất đáng quan tâm chính là ngoài 5 thành phố trực thuộc Trung ương hiện nay (gồm: Thủ đô Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Đà Nẵng), quy hoạch cũng đề xuất dự kiến có thêm 8 tỉnh định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (gồm: Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Bắc Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Dương, Bình Dương).

Đây có thể xem là một tầm nhìn chiến lược mới rất quan trọng của định hướng quy hoạch lần này. Tuy nhiên, các câu hỏi nhiều người dân sẽ quan tâm, đó là có thêm 8 đô thị trực thuộc trung ương là nhiều hay ít, và quan trọng hơn: Hiệu quả sẽ có được và những thách thức phải giải quyết trong tương lai như thế nào?

Thêm 8 thành phố trực thuộc Trung ương: Thêm động lực phát triển? - 1

Một góc thành phố Hạ Long, Quảng Ninh (Ảnh: Nguyễn Dương)

Về số lượng, qua khảo sát tại nhiều quốc gia trên thế giới, số lượng thành phố trực thuộc Trung ương tại các quốc gia là rất khác nhau. 

Tại Trung Quốc - nền kinh tế số 2 thế giới, theo số liệu năm 2020 cũng cho thấy trong số 684 đô thị lớn nhỏ chỉ có 4 thành phố trực thuộc Trung ương với các chức năng và đặc thù khá rõ ràng gồm: Bắc Kinh - thủ đô; Thượng Hải - trung tâm kinh tế; Trùng Khánh - thành phố có diện tích lớn nhất và đông dân nhất; Thiên Tân -trung tâm sản xuất quan trọng nhất và là cảng biển hàng đầu tại miền bắc Trung Quốc. 

Nhật Bản, theo báo cáo về Hệ thống quy hoạch đô thị ở Nhật Bản của tổ chức JICA, tính đến tháng 3/2006, trên toàn quốc có 47 tỉnh và 1.827 thành phố trực thuộc trung ương hoạt động như các đơn vị hành chính chính quyền địa phương.  Tại CHLB Nga, ngoài 46 tỉnh và 9 vùng, 1 tỉnh tự trị, 4 khu tự trị, trên toàn quốc có 3 thành phố trực thuộc trung ương (thành phố liên bang) là Moskva, St Peterburg và Sevastopol với vai trò và lợi thế hiệu quả đóng góp riêng.

Có thể thấy việc mỗi quốc gia lựa chọn số lượng thành phố trực thuộc trung ương trong tổng thể hệ thống đô thị quốc gia hoàn toàn phụ thuộc vào những đặc thù về thể chế, định hướng phát triển kinh tế xã hội, phương thức tổ chức đơn vị hành chính, hình thức tổ chức bộ máy quản lý, nguồn lực đầu tư phát triển.

Về hiệu quả đạt được, các thành phố trực thuộc Trung ương ở Việt Nam có vị trí, vai trò rất quan trọng trong sự phát triển đất nước và thường đóng vai trò là các trung tâm, đầu tàu phát triển của cả nước, liên vùng, của vùng, thúc đẩy, dẫn dắt, tạo động lực phát triển cho các địa phương khác.  

Các đô thị để được công nhận là thành phố trực thuộc trung ương phải đạt được đồng bộ các tiêu chí như: đô thị loại đặc biệt hoặc đô thị loại I và được xác định là các đô thị trung tâm cấp quốc gia. Là các thành phố lớn, có nền kinh tế phát triển, khu vực quan trọng về quân sự, chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội là động lực phát triển cho cả quốc gia chứ không còn bó hẹp vai trò trong một tỉnh hay một vùng tỉnh.

Các đô thị này cũng phải có cơ sở hạ tầng và khoa học công nghệ phát triển, có nhiều cơ sở giáo dục bậc cao, dân cư đông, thuận lợi về giao thông vận tải. Quy mô dân số phải đạt từ 1 triệu người trở lên, diện tích tự nhiên từ 1.500km2 trở lên, số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc có từ 9 đơn vị trở lên. Tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện từ 60% trở lên, trong đó có ít nhất là 2 quận…

Ngoài ra, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế - xã hội phải đáp ứng những tiêu chuẩn định lượng và định tính như: Có khả năng tự cân đối đủ thu chi ngân sách; thu nhập bình quân đầu người năm bằng 1,75 lần so với cả nước; mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất đạt mức bình quân của cả nước; tỷ lệ hộ nghèo trung bình 3 năm gần nhất đạt mức bình quân của cả nước; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong cơ cấu kinh tế đạt 90%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp nội thành, nội thị, thị trấn, quận và phường đạt 90%.

Thêm 8 thành phố trực thuộc Trung ương: Thêm động lực phát triển? - 2

Quảng Ninh là một trong 8 địa phương định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (Ảnh: Nguyễn Dương)

Đồng thời, các đô thị này cũng phải đạt được nhiều các tiêu chí khác như: Tỷ lệ lao động qua đào tạo; tỷ lệ giường bệnh trên một vạn dân; tỷ lệ bác sỹ trên một vạn dân; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều…

Đây đều là các tiêu chí lớn và quan trọng, và nếu đạt được thì chắc chắn hiệu quả đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội chung, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân là rất đáng kể.

Tuy nhiên, trên cơ sở nguồn lực và định hướng phát triển, phù hợp với điều kiện, lợi thế và nhu cầu phát triển đô thị, đô thị hóa tại Việt Nam, việc định hướng để có thêm 8 thành phố trực thuộc trung ương ở Việt Nam cũng sẽ đặt ra một số các thách thức lớn phải giải quyết như:

(1) Việc nâng cấp đô thị đòi hỏi nguồn lực rất lớn. Trên cơ sở kinh nghiệm thực tiễn đã chỉ ra thời gian qua, các đô thị được nâng cấp lên thành phố trực thuộc trung ương phải đảm bảo đủ cả số lượng và chất lượng các tiêu chí theo quy định. Cần hạn chế tối đa tình trạng "nợ tiêu chí" như đã từng diễn ra đối với nhiều đô thị được nâng cấp, nâng hạng thời gian vừa qua.

(2) Bên cạnh đó, việc huy động và chuẩn bị nguồn lực đầu tư phát triển phục vụ nâng cấp đô thị là rất quan trọng. Trong số 8 tỉnh được đề xuất sẽ trở thành thành phố trực thuộc trung ương, bên cạnh một số tỉnh có quy mô diện tích vừa phải, mức độ phát triển hạ tầng đô thị và tiện nghi đô thị giữa các khu vực trong tỉnh khá đồng đều, thì một số tỉnh có quy mô diện tích lớn như Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh có mức độ đô thị hóa giữa các khu vực trong tỉnh rất khác nhau do bao gồm cả vùng núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa… thì việc đảm bảo nguồn lực và phát triển đồng bộ các tiêu chí khi nâng cấp, nâng hạng đô thị là điều cần có sự cố gắng và nỗ lực rất lớn.

(3) Về phát huy hiệu quả, trong quá trình nâng cấp đô thị, thay vì quy hoạch thành các đô thị tổng hợp, các thành phố trực thuộc trung ương mới cần được quy hoạch đồng bộ để phát huy các lợi thế đặc thù riêng, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế xã hội chung quốc gia. Quy hoạch và các kế hoạch quản trị vận hành đô thị cũng cần đạt được sự kết nối đồng bộ (theo mô hình hành lang kinh tế, tam giác kinh tế…) giữa hệ thống các đô thị trực thuộc trung ương, cũng như đảm bảo sự kết nối và vận hành chặt chẽ với tổng thể liên vùng và liên các đô thị trên toàn quốc.

(4) Về kiến trúc cảnh quan, để được nâng hạng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, các tỉnh phải thực hiện quy hoạch phát triển đồng bộ các khu chức năng của đô thị, và hạ tầng đô thị, đặc biệt là hệ thống các khu đô thị mới khang trang, hiện đại, có tính tự chủ và liên kết hữu cơ với đô thị hiện hữu chứ không thể chỉ là sự cấy ghép thêm theo kiểu "vết dầu loang" vào cấu trúc đô thị cũ. Đồng thời, việc nâng cấp, nâng hạng đô thị phải phù hợp với điều kiện, lợi thế và nhu cầu phát triển đô thị, tôn trọng các giá trị truyền thống - tự nhiên đặc hữu. Đô thị hóa nhưng không được làm biến đổi hệ thống giá trị cấu trúc cảnh quan, môi trường thiên nhiên đặc hữu vốn có, đặc biệt là với các tỉnh có nhiều tính chất di sản thiên nhiên và văn hóa như Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế.

(5) Sau cùng, về quản lý, cần nghiên cứu đổi mới mô hình phân cấp và quản lý đối với các thành phố trực thuộc trung ương, giải quyết hiện trạng hiện nay nhiều tỉnh đã có đô thị trực thuộc tỉnh, phải chuyển đổi, giảm cấp hay tổ chức lại thành quận khi nâng cấp, nâng hạng tỉnh thành thành phố trực thuộc trung ương sao cho phù hợp với hiện trạng thực tiễn, tránh các xáo trộn không cần thiết và tiết kiệm nguồn lực, cũng như tính khoa học trong quản lý vận hành.

Tác giả: Thạc sĩ, kiến trúc sư Phạm Hoàng Phương là chuyên gia nghiên cứu, lý luận phê bình về kiến trúc, quy hoạch và quản lý phát triển đô thị, với gần 25 năm kinh nghiệm; nguyên phó tổng biên tập Tạp chí Kiến trúc Việt Nam và hiện công tác tại Viện Kiến trúc Quốc gia (Bộ Xây dựng).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!