Thể thao Việt Nam trước đấu trường Olympic
Chỉ còn vài ngày nữa, tối 26/7, lễ khai mạc Thế vận hội mùa hè - Olympic Paris 2024 - sự kiện thể thao quốc tế lớn nhất trong năm - sẽ được tiến hành tại thủ đô Paris của nước Pháp. Đoàn thể thao Việt Nam gồm 39 thành viên, trong đó có 16 vận động viên (VĐV) của 11 môn thể thao đã tổ chức xuất quân hôm 17/7 và sẽ bước vào Đại hội với mục tiêu "có huy chương".
Từ hành trình gian nan tại biển lớn Olympic
Đoàn thể thao Việt Nam thống nhất lần đầu góp mặt tại Olympic tại Moskva năm 1980, sự kiện mà các VĐV tham dự không phải qua vòng đấu loại (được Ban tổ chức mời). Trong bối cảnh nền kinh tế trong nước còn khó khăn, ở lần đầu ra biển lớn, các VĐV của chúng ta đã không đạt thành tích nào đáng kể.
Tại Los Angeles (Mỹ) 1984, năm mà các nước XHCN đều không tham dự do bối cảnh cuộc "chiến tranh lạnh", đoàn thể thao Việt Nam cũng không tham dự.
Kể từ Thế vận hội từ năm 1988 tới nay, thể thao Việt Nam đã luôn góp mặt ở sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh. Tuy nhiên, do trình độ của các tuyển thủ hàng đầu Việt Nam ở các môn thể thao trong hệ thống thi đấu của Olympic còn thua quá xa so với ngay cả tầm cỡ châu lục, nên tại Olympic, mục tiêu đặt ra vẫn chỉ là câu nói quen thuộc "cọ xát và học hỏi" là chính.
Phải tới Sydney (Úc) năm 2000, chúng ta mới có tấm huy chương đầu tiên do công của nữ võ sĩ Trần Hiếu Ngân ở môn Taekwondo. Đấy cũng là năm đầu tiên môn võ có xuất xứ từ Hàn Quốc này được đưa vào chương trình thi đấu của Đại hội. Do còn khá mới ở đấu trường Olympic, nhưng chúng ta đã sớm đầu tư từ khoảng 10 năm trước đó nên Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có huy chương Taekwondo năm ấy.
Sau khi trắng tay tại Athens (Hy Lạp) 2004, tại Bắc Kinh 2008, đoàn thể thao Việt Nam giành được tấm huy chương, vẫn là huy chương bạc, do công của lực sĩ Hoàng Anh Tuấn ở môn cử tạ. Có thể nói chúng ta đã xác lập được thêm một thế mạnh nữa có khả năng cạnh tranh ở đấu trường đỉnh cao với hạng cân nhẹ của nam ở môn cử tạ.
Nhưng trong khi môn cử tạ tiến bộ thì Taekwondo lại có phần sa sút khi không có vận động viên nào giành vé dự Athens 2004, sau đó tiếp tục trắng tay ở Bắc Kinh 2008 dù có tới 3 đại diện (thành tích tốt nhất chỉ là vào tứ kết).
Ở London 2012, đoàn thể thao Việt Nam gần như trắng tay, ngoại trừ tấm "huy chương đồng muộn" sau đó 9 năm của Trần Lê Quốc Toàn khi một vận động viên trong nhóm xếp trên dính doping.
Chu kỳ 8 năm đã lặp lại tại Rio 2016 với cú đột phá thành tích từ sự thăng hoa của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh với tấm huy chương vàng lịch sử ở nội dung súng ngắn hơi 10m, sau đó là huy chương bạc cự ly 50m. Như vậy là phải mất đúng 9 kỳ Olympic và 36 năm chờ đợi, môn bắn súng (môn thể thao thế mạnh từng đem về tấm huy chương đồng Á vận hội đầu tiên vào năm 1982) mới được hưởng trái ngọt tại Thế vận hội cho thể thao nước nhà.
Nhưng tới Tokyo 2020, thì nỗi ám ảnh trắng tay đã trở lại khi đoàn thể thao Việt Nam với 18 vận động viên ưu tú góp mặt ở 11 môn thể thao đã không thể có huy chương nào. Người hùng Olympic Hoàng Xuân Vinh chỉ xếp thứ 22. Niềm hy vọng số 1 ở môn Taekwondo là Kim Tuyền thất thủ đúng… dự kiến người sau đó giành huy chương vàng là Panipak (Thái Lan).
Một niềm hy vọng khác là Thạch Kim Tuấn (cử tạ, thi đấu ở hạng 56kg mà Hoàng Anh Tuấn và Trần Lê Quốc Toàn từng giành huy chương bạc và huy chương đồng) thi không đúng sức, thậm chí còn không hoàn thành phần thi cử đẩy…
Có được tham gia, chứng kiến trực tiếp, chúng ta mới hiểu áp lực khủng khiếp mà các vận động viên đến từ các nền thể thao đang phát triển như Việt Nam phải đối mặt tại Olympic lớn thế nào. Vậy nên, việc sau 10 lần tham dự Olympic, thể thao Việt nam mới giành được 4 tấm huy chương (1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 1 huy chương đồng) ở 3 môn thể thao bắn súng, Taekwondo và cử tạ là thông số tuy đáng buồn, nhưng cũng dễ hiểu khi trong cả một hành trình dài, chúng ta tập trung nhiều hơn vào đấu trường SEA Games, và ngay cả một đấu trường gần hơn là Asiad (Á vận hội) thì thành tích cũng còn thua kém nhiều so với các quốc gia có nền thể thao tương đương trong khu vực Đông Nam Á.
Sự phấp phỏng trước Olympic Paris 2024
Sau Asiad 19, thể thao Việt Nam nói chung, lĩnh vực thể thao thành tích cao nói riêng đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích khi liên tiếp xếp thứ nhất ở SEA Games 31 và 32, nhưng chỉ đứng thứ 6 trong khối ASEAN về thành tích ở đấu trường châu Á. Đã có rất nhiều sự phân tích, "mổ xẻ" chỉ ra vô vàn bất cập mà ngành Thể dục Thể thao cần sự thay đổi, bên cạnh đó là những chính sách, sự hỗ trợ từ Chính phủ và các bộ, ngành khác để tạo nên sự đồng bộ trong tiến trình phát triển mới.
Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 70 về "Phát triển thể dục thể thao trong giai đoạn mới". Chính phủ cũng chuẩn bị ban hành "Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Tất cả đều được xem là điểm tựa quan trọng định hướng cho sự phát triển của thể thao nước nhà trong thời gian tới.
Mọi thứ đều cần thêm thời gian, nên không có gì lạ khi ngay tại vòng loại Olympic Paris lần này, thể thao Việt Nam đã từng có thời điểm lo ngại có thể không đạt chỉ tiêu (từ 12 đến 15 vận động viên) tham dự. Gần như mọi nguồn lực tốt nhất có thể đều đã được Cục Thể dục Thể thao dồn cho các vận động viên trọng điểm tham gia thi đấu các giải tích điểm và vòng đấu loại trong thời gian qua.
Cuối cùng, thể thao Việt Nam đã không những hoàn thành mà còn vượt chỉ tiêu với 16 vận động viên giành vé đến nước Pháp. Thật tiếc vì Taekwondo kỳ này không có vận động viên nào qua được vòng loại. Chẳng trách người ta bảo môn này chúng ta phú quý giật lùi, đi trước nhưng lại về sau.
"Số" thì đã đạt, nhưng "chất" sẽ ra sao? Việc chúng ta tiếp tục chỉ xếp thứ 6 Đông Nam Á về số vận động viên dự Olympic (sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore và Philippines) cũng không còn quá quan trọng. Điều công luận quan tâm nhiều hơn lúc này là liệu đoàn thể thao Việt Nam có thể giành ít nhất 1 tấm huy chương, thay vì trắng tay như tại Tokyo 2020 hay không?
Theo phân tích chuyên môn, những cái tên như Nguyễn Huy Hoàng, Võ Thị Mỹ Tiên (bơi), Nguyễn Thị Hương (canoeing), Phạm Thị Huệ (rowing) hay Trần Thị Nhi Yến (điền kinh) đều chỉ hy vọng vượt qua chính mình, bởi sự thua kém rõ rệt về đẳng cấp so với mặt bằng Olympic.
Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát (cầu lông) hy vọng có thể qua được vòng đấu bảng. Các võ sĩ Võ Thị Kim Ánh, Hà Thị Linh (boxing) và Hoàng Thị Tình (judo) đều chỉ hy vọng có trận thắng. Nguyễn Thị Thật (xe đạp) - tay đua từng tiến bộ nhờ có cơ hội thi đấu cọ xát cho một đội đua của Bỉ - cũng chỉ mong đạt thành tích tốt nhất có thể, khó cạnh tranh huy chương.
Hy vọng cạnh tranh huy chương thu hẹp còn lại với Trịnh Văn Vinh (cử tạ), Trịnh Thu Vinh, Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng) và Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Lê Quốc Phong (bắn cung). Phân tích sâu hơn nữa, hy vọng chủ yếu đặt vào 2 vận động viên cùng tên Vinh của môn cử tạ và bắn súng. Với thông số hạng 8-9 thế giới ở hạng 61kg hiện tại, Văn Vinh cần một sự đột biến thành tích mới hy vọng có huy chương đồng. Còn Thu Vinh cũng được kỳ vọng có thể làm nên bất ngờ, do đặc thù của môn bắn súng (ranh giới giữa thất bại và thành công rất mong manh) và cô đang được dẫn dắt bởi chuyên gia Park Chung-gun, người từng dẫn dắt Xuân Vinh giành "vàng" 8 năm trước.
Nhìn qua các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia hay Philippines đều có những hy vọng vàng tại Olympic lần này, nhờ những thế mạnh riêng được xây dựng và củng cố từ lâu. Trên thực tế, thể thao Việt Nam cũng từng có những thế mạnh và niềm hy vọng, nhưng sự đầu tư mạnh mẽ để giữ vững và phát huy vị thế lại chưa tương xứng.
Có thể thấy rằng, từ sự phấp phỏng trước thềm Olympic Paris 2024, thể thao Việt Nam cần sự thay đổi mạnh mẽ về công tác đầu tư, phát triển thể thao thành tích cao. Nói cách khác, có giành được huy chương hay không tại Paris 2024 sẽ không quan trọng bằng việc chúng ta sẽ làm gì để tạo nên sự phát triển bền vững ở một số môn mũi nhọn, hướng tới các đấu trường châu Á và Olympic trong tương lai.
Tác giả: Nhà báo Hữu Bình hiện công tác tại Trung tâm Thông tin - Truyền thông Thể dục thể thao (Cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch). Ông từng có nhiều năm phụ trách Ban nội dung của Báo Thể thao TPHCM và Tạp chí Thể thao; Ủy viên thường vụ Hội Thể thao điện tử và Giải trí Việt Nam.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!