Tâm điểm
Hữu Bình

Asiad là "thước đo tương lai" của thể thao Việt Nam

Tối nay (23/9), Đại hội Thể thao châu Á (tên tiếng Anh là Asian Games, tên gọi tắt là Asiad) lần thứ 19 - sự kiện thể thao được chờ đợi nhất trong năm của thể thao châu lục - sẽ chính thức khai mạc tại sân vận động trung tâm của tổ hợp thể thao Olympic Hàng Châu (Trung Quốc).

Câu hỏi được nhiều người quan tâm lúc này, sau khi khẳng định vị trí số một Đông Nam Á, thể thao Việt Nam sẽ thể hiện ra sao ở sân chơi lớn nhất châu lục?

Áp lực thành tích

"Ký ức Giang Nam" là tên gọi chung bộ 3 linh vật (mascot) của Asiad 19. Trong đó, mỗi linh vật tượng trưng cho một sắc thái, không chỉ về văn hóa mà mang cả ý nghĩa xã hội rất sâu sắc của vùng đất Giang Nam (phía Nam của sông Trường Giang).

Được thiết kế bằng những đường nét hiện đại, linh vật Congcong (màu vàng) đại diện cho mùa vàng bội thu của văn hóa Lương Chử; linh vật Lianlian (màu xanh lá cây) tượng trưng cho cuộc sống gắn liền với thiên nhiên của người dân cũng như thắng cảnh Tây Hồ; còn Chenchen (màu xanh lam) đại diện cho sự năng động của một Hàng Châu mới, đồng thời được cho là gợi hình ảnh kênh Đại Vận Hà dài nhất thế giới.

Anh em phóng viên Việt Nam đang tác nghiệp tại Hàng Châu đều ấn tượng trước những gì Trung Quốc đã và đang làm để gây ấn tượng tại Asiad kỳ này. Công tác tổ chức rất chu đáo, chuyên nghiệp và kỹ lưỡng. Từ những tấm huy chương mang đậm các sắc thái văn hóa, lịch sử, "không một chi tiết thừa", tới cơ sở vật chất hiện đại hàng đầu thế giới.

Không những thế, như cam kết của Ban tổ chức, thì đây sẽ là kỳ Asiad đầu tiên áp dụng triệt để các công nghệ thân thiện với môi trường, qua đó tạo nên một kỳ "Á vận hội xanh" theo đúng nghĩa.

Asiad là thước đo tương lai của thể thao Việt Nam - 1

Lễ xuất quân tham dự Asiad 19 của đoàn Thể thao Việt Nam tại Hà Nội tối 16/9 (Ảnh: Quý Lượng).

Trong lịch sử Đại hội Thể thao châu Á, nếu tính từ sau khi đất nước thống nhất, chúng ta từng góp mặt tại Asiad 9 (năm 1982) và giành vỏn vẹn một huy chương đồng bắn súng của xạ thủ Nguyễn Quốc Cường.

Asiad 10 năm 1986 (Seoul, Hàn Quốc), Việt Nam không dự. Từ kỳ 11 ở Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 1990 tới nay, chúng ta góp mặt đầy đủ.

Asiad 12 ở Hiroshima (Nhật Bản) đánh dấu bước tiến mới khi Việt Nam lần đầu có huy chương vàng (Trần Quang Hạ ở môn Taekwondo), rồi đều đặn kỳ nào cũng có từ 1-4 huy chương vàng (riêng 2018 có thêm huy chương vàng thứ 5 của Quách Thị Lan sau khi vận động viên giành vàng 400m rào bị tước huy chương bởi doping).

Các môn võ thuật không hổ danh là một "mỏ vàng" của thể thao Việt Nam, vì luôn đóng góp tối thiểu một huy chương vàng ở các kỳ Asiad từ năm 1994 đến nay. Đến nay thể thao Việt Nam đã giành tổng cộng 18 huy chương vàng trong suốt lịch sử các lần tham dự Asiad; riêng các môn võ thuật thì Taekwondo (2), Karate (4), Wushu (1), Silat (2).

Có thể nhận thấy, sau 2 kỳ SEA Games liên tiếp đứng đầu bảng tổng sắp huy chương (có thể xem như sự xác nhận cho vị thế mới của thể thao nước nhà ở đấu trường khu vực Đông Nam Á), chắc chắn áp lực thành tích tại Asiad - đấu trường có độ khó cao hơn rất nhiều - với Đoàn thể thao Việt Nam sẽ vô cùng lớn. Chỉ tiêu từ 2-5 HCV thoạt nghe thì có vẻ ổn, vì chúng ta có nhiều niềm hy vọng, nhưng suy kỹ từng môn lại không đơn giản như vậy.

Trung tâm của định hướng thể thao thành tích cao

Đoàn thể thao Việt Nam sẽ tham dự 31 môn thể thao tại Asiad 19 với thành phần gồm 337 vận động viên. Hy vọng huy chương vàng (đều chỉ ở diện "50/50") hiện đặt ở một số nội dung thế mạnh như cầu mây (4 người nữ), cờ tướng (đồng đội hỗn hợp), điền kinh (4x400m nữ), bắn súng, cử tạ hay phần nào ở một số môn có thể tranh chấp (với một số vận động viên chủ lực) như Rowing, cờ vua, xe đạp, Karate, Taekwondo hay thể dục dụng cụ…

Tay bơi Nguyễn Huy Hoàng từng được kỳ vọng nhiều, tới nay xem ra cũng vẫn chỉ trong diện "tranh chấp huy chương vàng" khi đối thủ (nhất là vận động viên Trung Quốc) mạnh lên quá nhanh.

Và như đã nêu ở trên, thử thách với đoàn Thể thao Việt Nam kỳ này còn đến từ chính sự so sánh của công luận sau những thành công tại SEA Games. Trên thực tế, các nước trong khu vực Đông Nam Á đều có các vận động viên rất mạnh được đầu tư sâu nhằm tranh chấp ở đấu trường này, thậm chí có thể cạnh tranh huy chương Olympic.

Thái Lan có Taekwondo, boxing, cầu mây; Philippines có cử tạ nữ, thể dục dụng cụ; Indonesia có cầu lông, cử tạ; hay Singapore có bơi…

Nhìn lại Asiad 18, dù đã giành số huy chương vàng kỷ lục trong các lần tham dự (5 HCV), nhưng Đoàn thể thao Việt Nam cũng chỉ xếp thứ 16 chung cuộc, hạng 4 trong các nước Đông Nam Á (sau Indonesia, Thái Lan và Malaysia). Còn trước đó, tại Asiad 17, Việt Nam chỉ xếp hạng 21, hạng 6 Đông Nam Á (sau Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia và Myanmar). Tất nhiên, sẽ là khập khiễng và phiến diện khi lấy số huy chương vàng làm "thước đo" sức mạnh của cả một nền thể thao có định hướng đầu tư cả bề rộng lẫn chiều sâu với một vài quốc gia chỉ tập trung vài môn thế mạnh…

Dù vậy, Asiad chắc chắn vẫn sẽ là trung tâm trong định hướng phát triển thể thao thành tích cao của thể thao nước nhà. Bởi ở đấy, cùng với hệ thống môn thi gần với Olympic hơn, các tuyển thủ cũng sẽ có cơ hội tranh tài, cọ xát với các đối thủ đẳng cấp cao hơn hẳn so với khu vực Đông Nam Á. Nên việc cần đầu tư có trọng điểm hơn, cụ thể ở môn nào, với những vận động viên nào để có thể vươn tầm châu lục vẫn đang là bài toán khó của thể thao Việt Nam.

Bóng đá và đua thuyền Rowing đã cùng ra quân từ trước ngày khai mạc Asiad 19. Hãy cùng chúc cho đoàn Thể thao Việt Nam sẽ thi đấu thành công tại Á vận hội kỳ này!

Tác giả: Nhà báo Hữu Bình hiện công tác tại Trung tâm Thông tin - Truyền thông Thể dục thể thao (Cục Thể dục Thể thao, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Ông từng có nhiều năm phụ trách Ban nội dung của Báo Thể thao TPHCM và Tạp chí Thể thao; Ủy viên thường vụ Hội Thể thao điện tử và Giải trí Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!