Thấy gì từ tỷ lệ ca bệnh đột quỵ của người Việt?
Tôi có nhiều duyên nợ với các bệnh lý tim mạch, không chỉ với nhiệm vụ của thầy thuốc, mà tôi đã nhiều năm đối mặt với nhóm bệnh lý này với tư cách một người con có bố mẹ bị bệnh.
Bố mẹ tôi phát hiện mắc bệnh đái tháo đường từ khi mới bắt đầu nghỉ hưu, và kể từ đó gia đình chúng tôi đã chiến đấu và chung sống với nó cùng những biến chứng tim mạch của bệnh. Cuối cùng bố mẹ tôi vẫn mất vì căn bệnh này, sau 27 năm kể từ ngày phát hiện, kể ra cũng là một thành công về y học, nhưng tôi thì vẫn xót xa, vẫn muốn bố mẹ sống thêm nhiều năm nữa.
Từ lâu người ta đã biết bệnh lý tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên nên hiểu chính xác hơn bệnh tim mạch là gồm bệnh ở tim và bệnh ở mạch máu. Hai bệnh gây tử vong nhiều nhất trong nhóm bệnh tim mạch là bệnh mạch vành tim gây bệnh thiếu máu cơ tim (Ischemic heart disease) hay còn gọi là nhồi máu cơ tim và đột quỵ (Stroke) hoặc gọi là tai biến mạch não.
Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới (WHO), năm 2019, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới là do bệnh thiếu máu cơ tim, với 8,9 triệu ca tử vong. Đứng hàng thứ hai là đột quỵ, với 6,5 triệu ca.
Tuy nhiên ở Việt Nam và Trung Quốc thì ngược lại, số tử vong cao nhất do tai biến mạch não, cao hơn số tử vong do nhồi máu cơ tim. Đồng thời số người bị tai biến mạch não ở Việt Nam và Trung Quốc cao nhất thế giới, trên bản đồ phân bố bệnh được biểu thị bằng màu đỏ đậm, hơn 218 ca/100.000 dân.
Cụ thể hơn, theo số liệu của WHO, ở Việt Nam năm 2019 số người chết do tai biến mạch não là 165 người trên 100.000 dân, do nhồi máu cơ tim là 95 ca. Nhân với tổng dân số Việt Nam xấp xỉ 100 triệu, ta có khoảng 165.000 ca tử vong/năm do tai biến mạch não so với 95.000 ca tử vong do nhồi máu cơ tim. Ở Trung Quốc thì tỷ lệ tai biến mạch não là 142 ca/100.000 dân, nhồi máu cơ tim là 123 ca/100.000 dân.
Đây là một thách thức về sức khỏe mà khoa học hiện nay đang phải giải quyết. Câu hỏi tại sao người Việt Nam lại có tỷ lệ tai biến mạch não cao nhất thế giới hiện vẫn chưa có lời giải đáp một cách thỏa đáng.
Các nhà nghiên cứu đã chia các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch thành hai nhóm: các yếu tố nguy cơ không thể can thiệp được, như tuổi, giới tính, chủng tộc và nhóm các yếu tố nguy cơ có thể can thiệp được như tăng huyết áp, thừa cân, tăng đường máu, tăng mỡ máu, ô nhiễm không khí, hút thuốc lá, ăn mặn… Các thầy thuốc tăng cường can thiệp vào các yếu tố có thể thay đổi này để cải thiện tiên lượng bệnh.
Tăng huyết áp là nguyên nhân số một gây nên bệnh tim mạch. 78% số người bị đột quỵ là do tăng huyết áp. Nguyên nhân gây tăng huyết áp chủ yếu là do thành mạch máu xơ cứng, do tuổi tác và do xơ vữa động mạch, làm mạch máu kém đàn hồi, cản trở dòng máu. Khi ấy, tim tăng co bóp và áp lực trong lòng mạch tăng lên dẫn đến tăng huyết áp.
Với người trẻ, dưới 30 tuổi, nguyên nhân tăng huyết áp thường đa dạng hơn. Chẳng hạn, tổn thương bẩm sinh, tính di truyền, các bệnh lý về thận như suy thận mạn, bệnh của hệ thống nội tiết. Hiện nay tăng huyết áp ngày càng gặp nhiều ở người trẻ, dẫn đến số người trẻ tuổi mắc bệnh tim mạch ngày càng nhiều.
Các bệnh như béo phì, tiểu đường, lupus ban đỏ, viêm tắc động mạch, viêm mạch tự miễn... cũng thường đi cùng tăng huyết áp và là tác nhân gây bệnh. Tăng huyết áp còn một phần do lối sống ít hoạt động thể lực, tăng tiêu thụ đồ uống có cồn, tăng tiêu thụ thức ăn chế biến sẵn chứa nhiều muối natri, ít ăn rau củ...
Ăn nhiều muối gây giữ nước trong cơ thể, làm tăng thể tích máu. Đồng thời ion natri trong muối ăn làm tăng trương lực thành mạch... từ đó gây tăng huyết áp.
Tăng mỡ máu là nguyên nhân gây tình trạng xơ vữa động mạch do lắng đọng các mảng cholesterol trên thành động mạch. Các mảng xơ vữa này làm hẹp lòng mạch gây tăng huyết áp. Nhưng nguy hiểm nhất là các mảnh xơ vữa này khi bị nứt vỡ hoặc bong ra sẽ làm tắc động mạch, gây nên nhồi máu cơ tim hoặc nhồi máu não
Thừa cân, tăng mỡ máu, đái tháo đường, hút thuốc lá, không khí ô nhiễm… cũng gây hại theo cơ chế viêm và tổn thương lớp nội mạc động mạch làm cho mạch máu cứng lại, khó di chuyển trong lòng mạch… Phối hợp với tăng huyết áp sẽ gây nên tai biến mạch não.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, độ tuổi trung bình người dân Việt Nam hiện nay bị đột quỵ khoảng 65 tuổi; độ tuổi dưới 45 chiếm 7,2%. Điều đáng lưu ý là tỷ lệ nam gặp đột quỵ nhiều hơn nữ, gấp 1,5 lần so với nữ (ở nước ngoài là nữ bị đột quỵ nhiều hơn nam).
Về phân loại đột quỵ, ở các nước phát triển, tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não chiếm 85%, chảy máu não khoảng 15%, nhưng tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não là 76% chảy máu não là 24%.
Như vậy ở Việt Nam tỷ lệ chảy máu não khi bị đột quỵ cao hơn so với nước ngoài, tỷ lệ nhồi máu não thấp hơn và đặc biệt đáng lưu ý là tỷ lệ người trẻ dưới 45 tuổi, tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não chỉ chiếm 50%, còn chảy máu não chiếm đến 46%. Ở người trẻ, tỷ lệ chảy máu não gia tăng rất nhiều.
Các thống kê cho thấy tỷ lệ người Việt Nam mắc các yếu tố nguy cơ cũng tương tự như trên thế giới, nên trước mắt chưa thể lý giải tại sao tỷ lệ người Việt Nam mắc tai biến mạch não cao nhất thế giới. Trong khi chưa tìm ra điều gì làm cho tỷ lệ mắc đột quỵ Việt Nam khác biệt với thế giới, thì cách tốt nhất là chúng ta tuân thủ tất cả các khuyến cáo về phòng chống bệnh tim mạch nói chung, chắc chắn sẽ làm giảm số người tử vong do tai biến mạch não. Đồng thời cần đẩy mạnh việc cấp cứu và điều trị. Nhiều bệnh viện đã thành lập trung tâm đột quỵ, để tập trung nhân lực và trang bị cho điều trị bệnh này.
Tỷ lệ người bị đột quỵ thể nhồi máu não được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong 6 giờ đầu vẫn còn thấp, mới có 33% số người được nghiên cứu. Trong đó mới có 14% người bệnh vào cấp cứu được điều trị tái tưới máu hoặc sử dụng thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch, sử dụng các dụng cụ cấy nối đường động mạch.
Từ kết quả nghiên cứu sẽ giúp cho chiến lược điều trị, đầu tiên đó là vấn đề về cấp cứu chung, ngay tại các bệnh viện cũng cần rút ngắn thời gian đánh giá để làm sao có thể mang được nhiều cơ hội cho người bệnh cấp cứu đột quỵ có thể được điều trị tái tưới máu trong khoảng thời gian cửa sổ từ 4,5 - 6h. Với người đột quỵ thể chảy máu não, các điều trị như phẫu thuật hay chọc hút dẫn lưu máu tụ trong não cũng sẽ có kết quả tốt khi được thực hiện sớm.
Nhằm ngăn ngừa bệnh đột quỵ có thể xảy ra trong tương lai, cần thay đổi lối sống và điều trị để kiểm soát chỉ số huyết áp tốt, kiểm soát cân nặng, điều trị tình trạng đường máu cao, mỡ máu cao, hạn chế ăn mặn, hạn chế rượu bia, bỏ thuốc lá, ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, tăng cường vận động, giữ cuộc sống tinh thần thoải mái...
Từ kinh nghiệm đã chăm sóc bố mẹ già, tôi thấy những điều trên hầu như ai cũng biết, nhưng đưa vào thực hiện hàng ngày là cả một sự cố gắng bền bỉ để thay đổi lối sống.
Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!