Tâm điểm
Vũ Hà Văn

Tấm vé lên "chuyến tàu 4.0"

Thế giới đã bước qua ba cuộc cách mạng công nghiệp và đang trong giai đoạn khởi đầu của cuộc cách mạng lần thứ tư. 

Khi chuyến tàu 4.0 khởi động, Việt Nam dù là nước đang phát triển nhưng có những điều kiện và cơ hội khá thuận lợi để sở hữu tấm vé lên tàu. Đó là lực lượng lao động trẻ, có tính thích ứng cao, ham học hỏi… Nói như vậy bởi tấm vé này được quyết định chủ yếu bởi nguồn lực về con người và tri thức chứ không phải tài nguyên thiên nhiên. 

Đây là lần đầu tiên chúng ta thực sự có cơ hội đi cùng thế giới trong một cuộc cách mạng công nghiệp. Nhưng có cơ hội là một chuyện, nắm bắt được cơ hội hay không lại là chuyện khác. 

Chúng ta nói rất nhiều về "cách mạng 4.0", nhưng vẫn chưa hình dung được tầm mức quan trọng của cuộc cách mạng mới này, chưa nhìn thấy sự cần thiết đầu tư cho chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, hay khoa học dữ liệu.  Ở nhiều doanh nghiệp và các tỉnh, mức đầu tư vẫn rất dè dặt. 

Sự dè dặt đó có thể vì chúng ta chưa nhận thấy lợi ích của 4.0. Trong khi những lợi ích là rất cụ thể và thiết thực chứ không phải có gì quá cao siêu. Ví dụ, công nghệ nhận diện hình ảnh có thể giúp phân tích hành vi mua sắm của người tiêu dùng trong những khu vực nhất định, như trung tâm thương mại hay chợ, nhưng chúng ta hầu như chưa sử dụng công nghệ này. 

Gian hàng nào hay được khách hàng ghé thăm, thời lượng bao nhiêu, khách hàng độ tuổi nào, thái độ nhân viên ra sao.v.v… ? Những phân tích này giúp việc thu thuế ở các chợ có thể được thực hiện một  cách khoa học và chính xác hơn, hay việc vận hành cửa hàng trở nên hiệu quả hơn. Đây là phương pháp phổ dụng ở các nước phương Tây, nhưng ở ta phần lớn công việc tương tự vẫn được làm theo cảm tính, dựa trên số liệu thống kê thô.

Một ví dụ khác, hiện nay đa số các bệnh viện đều in ảnh, in phim các kết quả chụp chiếu cho bệnh nhân mang về, vừa khó lưu giữ vừa tốn kém. Từ lâu các nước phát triển trên thế giới đã không làm như vậy nữa, họ số hóa kết quả xét nghiệm, chụp chiếu lưu vào hồ sơ bệnh nhân, trở thành dữ liệu để bác sĩ biết được diễn biến của bệnh và có thể truy cập bất cứ lúc nào, ở đâu. Các bệnh viện cũng  kết nối với nhau để truy cập hồ sơ khi bệnh nhân đi khám ở nhiều nơi.

Cả hai phần mềm để thực hiện các công việc trong các ví dụ nói trên đều không quá khó, nhóm nghiên cứu trong viện nghiên cứu dữ liệu lớn (VinBigdata) đã hoàn thành và lắp đặt ở nhiều cơ sở trong hệ sinh thái của VinGroup. Nhưng việc khai triển ở các cơ quan khác thì chậm hơn rất nhiều. 

Những năm qua, nhà nước ngày càng quan tâm đầu tư cho khoa học công nghệ, tuy nhiên ngân sách còn khiêm tốn. Nhưng đôi khi lại có nghịch lý là không giải ngân hết. Khá nhiều địa phương hay tập đoàn lớn có một khoản ngân sách đáng kể dành cho khoa học công nghệ, nhưng hỏi ra thì nhiều nơi cho biết không có cách gì giải ngân hết số tiền đó cả. Một số lãnh đạo chia sẻ rằng họ rất muốn đẩy mạnh đầu tư vào khoa học công nghệ nhưng vướng thủ tục chồng chéo, "không dễ để tiến hành một dự án đầu tư vào công nghệ mà đúng với quy định". 

Quả thực, bản chất của đầu tư, nhất là đầu tư vào công nghệ mới luôn chứa đựng rủi ro. Vậy chúng ta có thể chấp nhận rủi ro tới mức nào? Một số nhà nghiên cứu cho hay, khi viết dự án họ thường gài những chủ đề đã có bài báo sẵn rồi, chỉ đợi khi đề tài được duyệt thì gửi đi cho các tạp chí chuyên ngành. Vấn đề họ đề phòng là khi nghiệm thu phải đủ bài báo, nếu không là vi phạm, sợ nhất là phải trả lại kinh phí. Cách đó để đối phó thì cũng được, nhưng để có các đột phá về khoa học thì khó. Các quỹ khoa học phương Tây thường chấp nhận rủi ro, trên cơ sở xét duyệt rất kỹ và công tâm năng lực của nhóm nghiên cứu và các công trình của họ trong 5, 7 năm đổ lại. Những nhóm nào thất bại nhiều thì họ không xét duyệt nữa, nhưng ít khi có chuyện phải hoàn lại kinh phí. 

Là một người làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, tôi thấu hiểu các nhà khoa học, nhất là những người nghiên cứu trẻ khó khăn như thế nào nếu không có "bệ phóng" từ các khoản đầu tư của nhà nước, của xã hội và các mạnh thường quân. Trong khi đó, việc  xây dựng  được một đội ngũ nghiên cứu tinh hoa, có kiến thức chuyên môn và trách nhiệm xã hội, là con đường khả dĩ nhất để phát triển Việt Nam hiện nay. 

Chúng ta đang đứng giữa một cuộc đổi mới công nghệ mà trong đó các kiến thức là tương đối mở. Trong nhiều lĩnh vực, một sinh viên đại học giỏi có thể lên mạng tìm hiểu và tạo dựng những thuật toán với độ chính xác không kém các thuật toán tốt nhất của các công ty công nghệ lớn là bao nhiêu. 

Quỹ đổi mới sáng tạo VINIF được tập đoàn VinGroup thành lập cách đây hơn 4 năm,  với mục đích quan trọng nhất là góp phần xây dựng nên đội ngũ tinh hoa này. Đây là một trong rất ít quỹ tư nhân  ở Việt Nam hiện nay, với mức hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng hàng năm, hoạt động hoàn toàn thiện nguyện cho mục đích này. Việc hỗ trợ nghiên cứu khoa học từ các tập đoàn lớn là một nét văn hóa đặc trưng ở các nước phát triển, và rất nhiều công trình đột phá đã được tạo ra từ các nguồn hỗ trợ này, thay bằng từ các nguồn của nhà nước. Nhưng ở Việt Nam thì chưa. 

Việc nước ta có bắt kịp các bước đi công nghệ của thế giới hay không, có trở thành những người sở hữu công nghệ hay không, phụ thuộc rất nhiều vào việc văn hóa này được các doanh nghiệp ở Việt Nam tiếp thu và thực hiện như thế nào. 

Khác với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, khi Việt Nam, vì nhiều lý do chủ quan hay khách quan, không thể tham gia. Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Việt Nam có thể đồng hành cùng với thế giới. Nhưng nếu đi chậm, khoảng cách giữa ta và các nước phát triển ngày càng xa thì lại "nhỡ tàu". Thật buồn nếu một ngày chúng ta phải mua lại các sản phẩm công nghệ được các hãng nước ngoài tạo dựng trên dữ liệu của chính chúng ta, thậm chí với nguồn lực do chính chúng ta đào tạo. 

Năm 2022 là năm đầu tiên Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) được tổ chức. Hy vọng rằng sự quan tâm của nhà nước và xã hội sẽ mang lại động lực mạnh mẽ hơn để chúng ta bắt kịp những bước tiến của thế giới. 

Tác giả: GS Vũ Hà Văn sinh năm 1970 tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp chuyên ngành toán lý thuyết tại Đại học Eotavos Lorand, Hungary; làm luận án tiến sĩ tại Đại học Yale, Mỹ.

Trước khi trở thành giáo sư khoa toán Đại học Yale vào năm 2011, ông từng nghiên cứu và giảng dạy tại IAS - Viện nghiên cứu cao cấp, Princeton; Microsoft Research; Đại học UC San Diego và Đại học Rutgers, Mỹ.

Hiện ông là Giám đốc khoa học Quỹ VINIF.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!