Tâm điểm
Đặng Việt Trinh

Sinh viên ĐHBK phải ăn cơm canh thừa: Không thể chấp nhận được!

Sáng sớm hôm qua, một người bạn có con là sinh viên năm đầu ở Đại học Bách Khoa nhắn tin cho tôi với những tâm sự vừa buồn bã vừa giận dữ.

Con gái đầu lòng của anh năm nay đủ tiêu chuẩn du học ở Úc và tuyển thẳng vào Đại học Bách Khoa. Nhà có người thân bên đó nên gia đình muốn con qua Úc du học, thế nhưng cháu lại quyết định sẽ học tập trong nước vì thích ngành học mà cháu đã lựa chọn ở Đại học Bách Khoa, và vì yêu mến tên tuổi của ngôi trường giàu truyền thống, thành tích của nền Giáo dục nước nhà.

Tuần trước, cháu có than phiền với bố về suất ăn trong quá trình học Giáo dục Quốc phòng và An ninh, thì anh bạn của tôi động viên rằng "cơm sinh viên" như vậy là bình thường, "hồi bố đi học ăn uống còn kham khổ hơn nhiều". Anh bạn tôi đã hỏi cháu về bữa ăn, cháu nói cơm cứng, canh nguội và rất ít rau. Anh bạn chia sẻ "cứ nghĩ ít rau vì cơn bão Yagi vừa thổi qua", nhưng gia đình và cháu bất ngờ và sốc khi báo chí đưa tin nhiều sinh viên phải ăn cơm canh thừa, thậm chí có suất ăn còn xuất hiện dị vật.

Sinh viên ĐHBK phải ăn cơm canh thừa: Không thể chấp nhận được! - 1

Đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT, ĐH Bách khoa Hà Nội và cơ quan Y tế địa phương với tất cả các bếp ăn ở trường này (Ảnh: Duy Thành).

"Việc sinh viên phải ăn cơm canh thừa trong khi đóng đủ tiền ăn (không hề rẻ), không chỉ nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe các cháu, mà là hành vi xúc phạm phẩm giá của sinh viên, tạo cho các con ấn tượng rất không hay khi vừa mới bước chân vào cổng trường đại học", anh bạn của tôi thốt lên.

Đúng nghĩa là "cơm thừa canh cặn" theo cách nói thường ngày. Vì thường ngày các nhà bếp vẫn thường đổ cơm canh thừa vào thùng rác hoặc thùng nước gạo để nuôi gia súc, thì nhà bếp lại dành cho các sinh viên ăn sau, khi các em vừa trải qua những buổi tập luyện theo chương trình học.

Từng tham gia học môn Giáo dục Quốc phòng và An ninh thời sinh viên, tôi hiểu rõ các em sẽ phải rèn luyện tác phong quân đội, tính kỷ luật, nề nếp và thực hành vận động thể chất với nhiều động tác, tư thế,… Sau những buổi tập luyện đó, ở tuổi các em, việc nạp lại năng lượng là rất quan trọng.

Không chỉ gia đình anh bạn tôi sốc và dư luận cũng sốc vì tình trạng nêu trên.

Bước đầu lãnh đạo ĐH Bách khoa Hà Nội thừa nhận một số phản ánh (về cơm canh thừa sử dụng lại trong bữa ăn sinh viên) là đúng, đồng thời nhà trường nhận trách nhiệm và xin lỗi phụ huynh, sinh viên vì để xảy ra sự việc đáng tiếc.

Nhưng, sự việc này không thể chỉ một lời xin lỗi là xong. Không chỉ các em sinh viên, các vị phụ huynh mà có thể thấy dư luận đều bức xúc, đề nghị Đại học Bách Khoa làm rõ và có câu trả lời đầy đủ, trung thực và chắc chắn phải có ai đó chịu trách nhiệm, không chỉ riêng bộ phận nhà bếp. Ngoài vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, có hay không những tiêu cực khác?

Bất cứ nhà trường nào khi tiếp nhận sinh viên không chỉ chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo, mà còn phải chịu trách nhiệm về các hoạt động do trường tổ chức, quản lý, cụ thể ở đây là việc kiểm soát chất lượng bữa ăn sinh viên.

Trách nhiệm kiểm soát này đã được thực hiện đến đâu khi để xảy ra tình trạng cơm canh thừa như vậy? Đây không chỉ là chuyện một bữa ăn mà còn là sự tôn trọng tối thiểu mà sinh viên đáng được nhận từ nhà trường.

Nếu nhà trường đặt mình vào vị trí những sinh viên đã yêu mến, tin tưởng thương hiệu của nhà trường, và đặc biệt là đối với các phụ huynh đã gửi gắm kỳ vọng, nỗ lực đóng góp tài chính để con em họ có được điều kiện "ăn học" tốt nhất có thể, thì nhà trường sẽ cảm nhận được tâm trạng của họ.

Trong khi chờ làm rõ sự việc, thiết nghĩ đây là sự cảnh báo không chỉ với một cơ sở đại học cụ thể, mà là tiếng chuông để các nhà trường rà soát, siết chặt việc quản lý bữa ăn sinh viên.

Trước mắt cần tăng cường giám sát và cải thiện chất lượng suất ăn; thực hiện các biện pháp kiểm tra chặt chẽ từ khâu chế biến đến khi thức ăn được phục vụ; có thể sử dụng công nghệ như mã QR và camera giám sát để theo dõi toàn bộ quy trình.

Các đơn vị cung cấp suất ăn cần được lựa chọn cẩn thận, đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh và dinh dưỡng nghiêm ngặt.

Những cá nhân và tổ chức vi phạm trong sự việc bữa ăn sinh viên ở Đại học Bách khoa phải bị xử lý một cách nghiêm khắc, đảm bảo tính răn đe. Chỉ có như vậy, sinh viên mới có thể tin tưởng vào hệ thống quản lý của nhà trường.

Các nhà trường nên thiết lập kênh phản hồi nhanh chóng và minh bạch, nơi sinh viên có thể báo cáo những sai phạm một cách ẩn danh và được xử lý kịp thời.

Sự việc này không chỉ là bài học cho Đại học Bách Khoa, mà chắc chắn còn là lời nhắc nhở đối với tất cả các cơ sở giáo dục về việc đặt sinh viên làm trung tâm trong hoạt động của mình.

Tác giả: Chị Đặng Việt Trinh là cây bút trẻ có nhiều bài đăng ở các tờ báo, tạp chí trong nước; hiện là chuyên viên truyền thông trong lĩnh vực bất động sản và giáo dục.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!