Nói chuyện "nhạy cảm" với tân sinh viên, nên hay không?
Cách đây vài hôm, tôi tham gia điều phối một buổi tập huấn cho gần 100 tân sinh viên tại trường đại học Clark (Mỹ) về chủ đề "Consent" - đồng thuận trong tình dục và các mối quan hệ. Tại sao đồng thuận lại quan trọng? Việc hai người yêu nhau có đồng nghĩa với việc một người có thể quan hệ tình dục với người còn lại mà không cần xin phép? Khi nào một người không có khả năng đưa ra quyết định đồng thuận?
Sinh viên không ngồi nghe một cách bị động. Các bạn tích cực thảo luận, đưa ra quan điểm trong các tình huống thực tế.
Nội dung tập huấn được trình bày một cách sinh động thông qua bài giảng và video chia sẻ kiến thức, thảo luận nhóm. Với học sinh, sinh viên Mỹ, các chủ đề xoay quanh vấn đề tình dục đã được đưa vào giảng dạy từ bậc học phổ thông, phù hợp với từng lứa tuổi. Biết rồi không có nghĩa là không học nữa; trong môi trường đại học khi phải sống xa gia đình và tự lập hơn, sinh viên càng phải ghi nhớ các bài học về đồng thuận để sống có trách nhiệm hơn với bản thân và những người xung quanh.
Không nhiều trường đại học tại Việt Nam đưa câu chuyện trên vào giảng dạy cho tân sinh viên, dù đây là một vấn đề vô cùng quan trọng khi nhiều bạn trẻ 18 tuổi lần đầu tiên sống xa nhà, không còn sự giám sát chặt chẽ từ phụ huynh, cũng như bắt đầu có nhiều mối quan hệ xã hội hơn. Phải chăng các nhà trường cho rằng vấn đề trên không quan trọng? Hay thảo luận về tình dục vẫn là một vấn đề nhạy cảm không tiện nói trước đám đông? Hay các thầy cô tin rằng học sinh đều biết rồi?
Tôi không thể đưa ra kết luận khi không có đủ dữ liệu liên quan đến các câu hỏi trên. Nhưng trang bị kiến thức gì cho tân sinh viên, thiết nghĩ là một vấn quan trọng khi các em bắt đầu hành trình học tập khác với thời phổ thông, bắt đầu cuộc sống tự lập.
Nhiều năm trước, khi bắt đầu theo học một trường đại học ở Việt Nam, tôi đã chứng kiến trong phòng hội trường vài trăm người, nhóm tân sinh viên ngáp ngắn, ngáp dài với những thông tin phổ biến khô khan trong buổi sinh hoạt đầu khóa. Cái nóng tháng 9 khiến ai nấy mồ hôi mồ kê nhễ nhại, trên đầu chỉ ro ro tiếng quạt trần. Một vài sinh viên cũng chịu khó ghi chép vì sẽ phải làm bản thu hoạch đầu khóa. Số đông còn lại chờ một ai đó hoàn thành bài và "copy". Đó có lẽ là lần đầu tiên nhiều tân sinh viên chép bài bạn tại trường đại học.
Phòng hội trường ở các đại học giờ đây đã được trang bị điều hòa với bàn ghế khang trang. Nhưng qua tìm hiểu, tôi nhận thấy có một điều không thay đổi quá nhiều là những buổi tập trung đầu khóa tẻ nhạt. Rất nhiều nội dung cần thiết với tân sinh viên nhưng chỉ được đề cập một cách sơ sài, ví dụ như: Những thông tin cần biết trong việc tìm phòng trọ? Gợi ý cho sinh viên những điều cần và nên làm tại các thành phố? Vấn đề an toàn của sinh viên trong môi trường học đường? Những hỗ trợ tâm lý - tinh thần sinh viên có thể tiếp cận trong môi trường đại học?
Gần đây một số trường đại học tư thục đã đưa những nội dung trên vào chương trình đầu khóa, nhưng rất nhiều trường khác vẫn chưa thực sự cung cấp cho tân sinh viên những hành trang cần thiết khi bước vào một môi trường mới.
Với những bạn trẻ 18 tuổi lần đầu tiên chuyển đến các thành phố lớn như Hà Nội hay TPHCM, việc đối mặt với những rủi ro không hề dễ dàng. Đó có thể là lời mời tham gia đường dây đa cấp hay "việc nhẹ lương cao, thời gian linh hoạt", bị lừa đảo khi thuê nhà trọ, mất trộm tài sản…
Giờ đây nhớ lại việc cả lớp cùng nhau chép chung một bản thu hoạch đầu khóa, tôi tự hỏi liệu nhà trường có biết điều này không, và các thầy cô có nghĩ rằng, chính những buổi học tập đầu khóa hình thức ấy đã khiến các bạn trẻ có "cơ hội" thực hành gian lận lần đầu trong đời sinh viên không?
Sự đơn điệu trong các chương trình giáo dục đầu khóa phải chăng do các nhà trường còn khuôn mẫu, thiếu sáng tạo và chưa hướng tới những hoạt động, những kiến thức hỗ trợ đời sống xã hội, tinh thần cho sinh viên.
Với môi trường đại học ở Mỹ như tôi được trải nghiệm thì đồng thuận chỉ là một trong rất nhiều nội dung được đưa vào thảo luận cho tân sinh viên. Những thông tin về trường đại học, về chuyên ngành chỉ được giới thiệu qua trong các cuốn sổ thông tin (booklets) - chúng tôi hiểu rằng những thông tin đó chỉ cần sinh viên đọc và ghi nhớ, không cần thảo luận.
Một nội dung quan trọng khác các tân sinh viên cần ghi nhớ là câu chuyện đạo văn. Trong môi trường học thuật, đạo văn và gian lận trong học tập, thi cử là những điều cấm kỵ, không chỉ để đảm bảo chất lượng giáo dục cho nhà trường mà còn rèn cho sinh viên nhận thức đúng đắn về vấn đề tôn trọng chất xám của người khác; điều này rất quan trọng trong sự nghiệp của sinh viên sau này.
Không phải bất cứ mô hình giáo dục từ nước ngoài nào cũng có thể áp dụng tại Việt Nam nhưng có những nhu cầu của sinh viên, dù ở bất cứ nơi đâu trên thế giới, cũng cần được quan tâm và chú trọng, như việc được học tập trong môi trường an toàn, tránh xa những cạm bẫy xã hội. Kể cả ở các quốc gia phương Tây với tư tưởng khuyến khích sự tự lập ở trẻ vị thành niên - 18 tuổi đồng nghĩa với việc bắt đầu một cuộc sống trưởng thành, nhà trường cũng không thể buông tay sinh viên hoàn toàn và mặc định những kiến thức xã hội là điều các bạn trẻ nên tự tìm hiểu.
Khi giáo dục đại học giờ đây đã rộng mở, đôi khi chỉ một vài khác biệt nhỏ trong chương trình đầu khóa thể hiện sự quan tâm tới sinh viên cũng có thể đem lại lợi thế cạnh tranh cho một trường đại học, giúp nhà trường ghi điểm tốt hơn và thực sự mang đến những nội dung có giá trị cho tân sinh viên.
Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!