Chớ để mắc nghẹn vì ăn chặn miếng cơm của trẻ
Mới đây nhiều phụ huynh Trường American Montessori International School (AMIS), Hà Nội, bức xúc tố bữa ăn của học sinh giá 70.000 đồng/ngày nhưng quá ít ỏi, lèo tèo: cốc nước cam loãng như nước lọc, một quả nho chia làm đôi, một quả chuối chia 3-4 phần và mỗi con được 3 lát, 18 học sinh nhưng được 6 quả chuối… Nhìn mà ngao ngán!
Trao đổi với PV Dân trí chiều 3/4, Ban điều hành AMIS cơ sở Trần Hữu Dực đã đưa ra lời xin lỗi với phụ huynh, đồng thời nhận toàn bộ trách nhiệm đối với các nội dung sự việc được phản ánh.
Theo lãnh đạo nhà trường, cơ sở này đã có thiếu sót trong công tác vận hành và quản lý nhân sự, dẫn đến những trải nghiệm không mong muốn đối với phụ huynh.
Hiện sự việc liên quan đến khẩu phần ăn của các cháu tại trường mầm non nói trên đang tiếp tục được làm rõ. Tuy nhiên, trong khi chờ kết luận chính thức, người viết bài này xin nhắc lại là những chuyện ồn ào liên quan đến bớt xén khẩu phần ăn của trẻ, đáng buồn là từng xảy ra nhiều lần trước đây ở các địa phương khác nhau.
Năm 2019, hiệu trưởng một trường mầm non tại TP. Thanh Hóa bị kỷ luật cách chức, và một trong những lý do đến từ việc người này trực tiếp chỉ đạo giáo viên cắt xén 1.746 suất ăn trị giá gần 42 triệu đồng.
Cuối năm 2020, tại Khánh Hòa, UBND thành phố Nha Trang đã phải vào cuộc, giao phòng GD&ĐT xử lý các tập thể, cá nhân khi để xảy ra các sai phạm trong hoạt động bán trú của một trường tiểu học trên địa bàn.
2.000 đồng là con số bị bớt xén trên mỗi học sinh trong một ngày và số thực thẩm của hơn 900 học sinh bị bớt xén của ngày đó tạm tính hơn 1,8 triệu đồng. Vụ việc vỡ lở, gây ồn ào trong dư luận và như một lãnh đạo địa phương nhận xét, sự phẫn nộ của phụ huynh tựa như "cơn bão cấp 12" khi họ chứng kiến suất ăn của các con mình tại trường. Phụ huynh tập trung căng băng rôn yêu cầu nhà trường làm rõ chất lượng bữa ăn và đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc.
Có lẽ ai đó nghĩ vài ba nghìn đồng không đáng là bao, hơn nữa, phụ huynh cũng chẳng ở đó để mà giám sát, còn trẻ con - chúng biết gì mà nói? Nếu bàn về giá trị vật chất thì quả đúng là mất đi số tiền đó đâu thể làm ai nghèo đi được. Điều mà những bậc làm cha làm mẹ xót xa là sự gửi gắm, tin tưởng của họ dành cho nhà trường trong việc chăm sóc bữa ăn, giấc ngủ con cái khi xa rời vòng tay bố mẹ đã bị lợi dụng và trục lợi.
Quan trọng hơn, thời gian của trẻ ở trường nhiều hơn ở nhà. Nhiều gia đình đăng ký cho trẻ ăn ở trường cả bữa sáng, bữa trưa và những bữa phụ, thế nên chất lượng bữa ăn sẽ ảnh hưởng đáng kể đến sự phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ của trẻ.
Phụ huynh có thể không tiếc mấy nghìn đồng bị cắt xén, nhưng họ xót con và họ giận dữ vì bị lừa dối.
Ăn chặn, bớt xén suất cơm của trẻ, hành vi này nói thẳng ra là ăn cắp, đáng bị lên án và phải truy cứu trách nhiệm đến cùng. Bởi "nạn nhân" của những trò rút ruột đó là trẻ em, là những đối tượng yếu thế được cả xã hội bảo vệ, là mầm non, tương lai đất nước.
Đừng bao giờ nghĩ rằng, những việc làm sai trái sẽ luôn luôn trót lọt, đừng mong rằng chiếc kim sẽ được giữ mãi ở trong bọc, rằng có những điều "thâm cung bí sử" chỉ một vài cá nhân biết với nhau.
Thiết nghĩ, để đảm bảo sự minh bạch trong đảm bảo suất ăn của các cháu, nhà trường phải có trách nhiệm giám sát (có nhân sự kiểm tra, có camera giám sát) đối với quy trình của nhà bếp, từ khâu nhập nguyên liệu đầu vào đến chế biến.
Thực đơn bữa ăn cũng cần được công khai (có thể là dán trước cửa lớp học) để phụ huynh nắm bắt. Bản thân giáo viên đứng lớp cần kiểm tra chất lượng thức ăn khi nhận bàn giao. Còn hội phụ huynh học sinh nên thể hiện được vai trò của mình trong việc đồng hành với nhà trường đảm bảo quyền lợi cho trẻ.
Đương nhiên, lãnh đạo địa phương và các đơn vị quản lý cũng không thể chối bỏ trách nhiệm nếu đã cấp phép cho các cơ sở giáo dục hoạt động.
Chăm lo cho trẻ là trách nhiệm chung và hãy nhớ rằng, mỗi chúng ta đã từng là những đứa trẻ, rồi ai cũng có lúc làm bố mẹ, ông bà, là người thân của trẻ. Và nếu đã không yêu trẻ, xin đừng mở trường cũng đừng nên bước chân vào môi trường giáo dục!
Tác giả: Bích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; gia nhập báo Dân Trí từ năm 2012 và chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!