"Thưởng tiền" sinh con thứ hai
Vợ chồng tôi vừa đón nhận đứa con thứ hai với những cảm xúc khó tả: Vui sướng vì gia đình có thêm thành viên mới, nhưng kèm theo đó là không ít lo lắng. Một năm trước, quyết định có con thứ hai đến với chúng tôi không hề dễ dàng, vì cả hai vợ chồng đều còn trẻ, thu nhập khiêm tốn và công việc còn nhiều khó khăn, thử thách. Khi có cháu đầu tiên, vợ chồng tôi đã rất nỗ lực để chăm chút và thấu hiểu vất vả của sự nuôi con trong lúc kinh tế khó khăn.
Thú thật, tôi và vợ từng xảy ra tranh cãi về chuyện nên có thêm con ở thời điểm này hay không. Trong thâm tâm, tôi rất muốn nhà đông con và đứa con đầu tiên lớn lên mỗi ngày chính là động lực để tôi "cày cuốc". Nhưng nhiều khi áp lực cơm áo gạo tiền khiến không khí gia đình nhỏ của chúng tôi rơi vào căng thẳng.
Vợ tôi quan niệm đơn giản "con là của", nhà có thêm con là thêm phúc phần, chỉ cần chịu cực chịu khổ một thời gian rồi mọi thứ cũng qua. Quan điểm này xuất phát từ việc gia đình bên vợ đông con, đông cháu và thật sự con cháu bên ngoại được nuôi dạy rất tốt, thành đạt.
Còn tôi quan điểm khác vợ, với tôi trước khi quyết định sinh thêm con thì phải nâng được chất lượng cuộc sống của gia đình và đảm bảo kinh tế cho đứa con sắp chào đời. Tôi hiểu rằng mình cần đưa ra một quyết định có trách nhiệm với việc trọng đại này, bởi từng chứng kiến những đứa trẻ nheo nhóc do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ bận mưu sinh nên không còn thời gian dành cho con; nhiều em vì cuộc sống thiếu thốn phải bỏ dở học hành để bươn chải phụ ba mẹ, thậm chí rơi vào tệ nạn xã hội…
Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Trong xã hội có gia đình muốn đông con, có gia đình thì ngược lại với muôn vàn lý do khác nhau. Xu hướng vợ chồng trẻ chỉ sinh một con hoặc có con muộn khá phổ biến ở các đô thị hiện nay. Đây chính là lý do mới đây khi soạn thảo Luật Dân số (sửa đổi), Bộ Y tế đã đưa ra chính sách nhằm khuyến khích sinh đủ 2 con tại những tỉnh, thành có mức sinh thấp.
Theo đó, Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ một lần bằng tiền khi phụ nữ sinh con thứ 2 tại 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp và rất thấp (tập trung ở vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải miền Trung); đồng thời, miễn, giảm, hỗ trợ chi phí cho học tập cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học ở các địa phương này.
Bộ Y tế cũng đề xuất các tỉnh, thành có mức sinh thấp rà soát, bãi bỏ chính sách khuyến khích sinh ít con mà cần khuyến khích sinh đủ 2 con. Các địa phương phải xác định thực trạng, xu hướng mức sinh của mình để có kế hoạch phù hợp thực tiễn.
TS.BS Hà Anh Đức, Chánh văn phòng Bộ Y tế, cho hay mức sinh tại khu vực Đông Nam Bộ giảm xuống rất thấp, còn 1,56; tại đồng bằng sông Cửu Long là 1,8. Nếu mức sinh này giảm xuống dưới 1,3 thì hầu như không có khả năng hồi phục về mức sinh thay thế.
Mức sinh thấp để lại rất nhiều hệ lụy về lâu dài. Cụ thể, chi phí chăm sóc sức khỏe và các chi phí xã hội khác cao hơn. Kéo theo đó là số lượng công nhân ít hơn, giảm khả năng cạnh tranh kinh tế, ít người tiêu dùng hơn. Hậu quả là tăng trưởng kinh tế thấp và mức sống giảm.
Nhìn tổng quan, Việt Nam là nước nằm trong nhóm có tốc độ già hóa dân số nhanh, già hóa kéo theo tuổi thọ trung bình tăng cao nhưng số năm sống khỏe lại giảm. Theo đó, những người từ 60 tuổi trở lên chiếm 11,9% tổng dân số vào năm 2019 và đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội "già hóa" sang xã hội "già".
Với các quốc gia có tỉ lệ sinh thấp và kinh tế phát triển (Nhật Bản, Hàn Quốc, một số nước châu Âu), việc Nhà nước dùng ngân sách hỗ trợ cho các gia đình khi sinh con và quá trình nuôi dạy là chuyện bình thường lâu nay. Còn ở Việt Nam, chính sách này từng được đề cập trên các diễn đàn về dân số nhưng đây là lần đầu tiên được đưa vào văn bản luật (dự thảo).
Sinh đẻ và nuôi con dù ở thời nào cũng không dễ dàng. Với thời hiện nay, như đã đề cập ở trên, có muôn vàn lý do khiến các vợ chồng trẻ chưa muốn có con ngay sau khi kết hôn. Thông thường những người trẻ mới đi làm, muốn dành thời gian cho công việc và sự nghiệp phía trước. Một người bạn của tôi đã quyết định chưa có con vì lý do đơn giản là "không muốn sinh con ra rồi mọi thứ giao cho người giúp việc, sợi dây liên kết giữa bố mẹ và con cái ngay từ những ngày đầu tiên rất lỏng lẻo". Bản thân tôi cũng phải bỏ qua cơ hội tìm công việc mới, thu nhập cao hơn, phù hợp với sở trường của mình hơn khi hai vợ chồng quyết định sinh con thứ hai, để ưu tiên ổn định và có thời gian cho gia đình.
Yếu tố quan trọng tiếp theo là áp lực kinh tế và hạ tầng xã hội. Nhiều bạn trẻ dõi theo các thông tin về chuyện thiếu trường, thiếu lớp một số nơi ở Hà Nội, TPHCM…, rồi chi phí giáo dục ngày càng tăng và hiểu rằng đó là những gì đang chờ đợi họ.
Có thể khẳng định chính sách hỗ trợ để phụ nữ sinh con thứ hai ở các địa phương có mức sinh thấp hiện nay là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở khoản tiền hỗ trợ một lần thì chính sách sẽ không đủ mạnh, không đủ sức khuyến khích. Đây là bài toán cần có giải pháp đồng bộ và sự quan tâm đầu tư của chính quyền địa phương cho y tế, giáo dục, xây dựng thêm trường lớp từ mẫu giáo cho đến các bậc học phổ thông, miễn giảm học phí, sách giáo khoa… Ngoài ra cần có các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân; bổ sung quyền lợi bảo hiểm y tế; ưu tiên mua nhà ở xã hội…; tăng thời gian nghỉ thai sản của phụ nữ; đa dạng hóa số ngày và buổi nghỉ chăm trẻ, nâng số ngày nghỉ phép…
Trong các giải pháp điều chỉnh mức sinh, theo tôi cần có sự đồng bộ giữa các địa phương, tránh tình trạng triển khai riêng lẻ, chỉ tập trung ở một vài thành phố lớn, mạnh ai nấy làm. Việc đảm bảo mức sinh hợp lý sẽ kéo dài được thời kỳ dân số vàng, làm chậm lại quá trình già hóa dân số và điều quan trọng nhất là các giải pháp phải xuất phát từ quyền lợi, nguyện vọng của chính người dân.
Tác giả: Mai Đức Dũng tốt nghiệp Đại học Luật TPHCM, hiện kinh doanh lĩnh vực Logistic và sinh sống ở TPHCM.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!