Tâm điểm
Quan Thế Dân

Quá tải bệnh viện, nhìn từ chuyện quán phở

Quá tải bệnh viện là căn bệnh lâu năm của ngành y, lâu năm đến nỗi nó thành quen thuộc, là tất nhiên. Quanh năm suốt tháng người bệnh phải chấp nhận tình trạng quá tải, nằm ghép nhiều người một giường mà không được kêu ca, phản đối. Người ta chịu đựng nó, thích nghi với nó và không còn ý chí để thay đổi nó nữa. Đó là điều nguy hiểm vì người ta không thấy sự quá tải bệnh viện đã làm hại ngành y như thế nào.

Tôi có nhiều năm tham gia quản lý bệnh viện. Trong quá trình đó, để truyền cảm hứng cho cán bộ, nhân viên và y bác sĩ, tôi ý thức rằng phải biến những lý thuyết phức tạp thành những điều giản dị để mọi người cùng hiểu, cùng làm.

Khi nói với nhân viên hiểu ngành y mất gì nếu bệnh viện bị quá tải, tôi thường lấy ví dụ hàng phở. Dù ví dụ không được cao sang cho lắm, nhưng tôi cho về bản chất thì cùng là ngành dịch vụ, phục vụ con người. Khách đến một cơ sở dịch vụ đều gặp phải những vấn đề nếu cơ sở đó quá tải.

Khi mới mở hàng phở, ông chủ nào chẳng mong ước hàng mình đông khách, ngồi tràn ra cả ngoài đường, rồi lãi nhiều mua luôn cả nhà bên cạnh để mở rộng, rồi phát triển thành chuỗi hàng phở, rồi mình giao cho nhân viên làm, mình chỉ ngồi thu tiền và đi đánh golf.

Thực tế cửa hàng mở ra lèo tèo có vài bộ bàn ghế, ngày bán được dăm cân bánh phở. 

Đột nhiên có một ngày đông khách, thịt gần hết, nước dùng gần hết, bàn đông khách không ai dọn. Thế là chủ và nhân viên cuống cuồng lau vội mặt bàn, gạt tất cả đồ thừa xuống đất, đổ thêm xô nước lạnh vào nồi nước dùng, thịt hết thì mỗi bát bớt đi một chút… Rút cục thì cũng xong. Khách vào ai cũng có phở để ăn. Doanh thu hôm đó tăng rõ. Đêm về chủ cửa hàng sướng âm ỉ, thời của mình đến rồi chăng.

Nhưng hôm sau cửa hàng vắng hoe, không có khách. Hôm sau nữa cũng vậy. Khách đã một đi không trở lại. Và hàng phở mãi suốt đời lèo tèo vài bộ bàn ghế, không lớn lên nổi.

Vì người khách một lần phải chờ đợi, phải ăn bát phở nhạt nhẽo trong cái quán bẩn thỉu, không ai muốn quay lại lần thứ hai nữa. Mất khách.

Bệnh viện quá tải dù không phải quán phở, nhưng cũng là cơ sở ấy thì theo quy luật, nếu số lượng bệnh nhân đông vượt công suất thiết kế, tiện ích mà mỗi người bệnh được hưởng sẽ giảm tương ứng với tỷ lệ quá tải. 

Khi bệnh nhân đông gấp đôi thì tôi chắc chắn chất lượng sẽ giảm một nửa. Đó là thực tế nhẹ nhàng nhất, nếu như không muốn nói nặng hơn. Sức bác sĩ khám 60 bệnh nhân một ngày, bây giờ phải khám 120 bệnh nhân thì đương nhiên thời gian dành cho mỗi người phải giảm xuống một nửa. Sự chú tâm quan sát còn giảm nhanh hơn.

Nặng hơn nữa thì các sai sót nhầm lẫn y khoa sẽ xảy ra, hậu quả khôn lường. Cùng với đó hệ thống phục vụ quá tải, nhà vệ sinh khai nồng không ai dọn; sàn nhà đầy đất cát, giường đệm xộc xệch; tất cả quy trình vệ sinh khử khuẩn có thể bị bỏ qua hoặc sơ sài; không gian đặc quánh hơi người, tiếng ồn… Trong khoa Nhi nếu quá tải sẽ là tăng nguy cơ lây nhiễm chéo giữa các trẻ, trong khoa Hồi sức cấp cứu nếu quá tải sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng bệnh viện, tăng nguy cơ kéo dài thời gian điều trị và tử vong… Nhiều ví dụ tương tự có thể kể ra ở tất cả các khoa. Tức là khi quá tải thì chất lượng phục vụ sẽ giảm xuống một cách hiển nhiên.

Sự việc tưởng chừng như hiển nhiên đó, ai cũng biết đó, lãnh đạo bệnh viện không thể không biết. Nhưng ở chỗ riêng tư mà nói, có không ít lãnh đạo bệnh viện thích quá tải, còn khoe với nhau rằng bệnh viện mình quá tải. Tại sao thích? Vì cũng từng ấy con người và từng ấy trang thiết bị mà tiền thu về nhiều hơn. Không phải đầu tư mà vẫn thu thêm tiền, ai mà chẳng thích. 

Ở mức độ nhẹ hơn thì đâu đó trong tâm lý lãnh đạo chưa thật sự bức xúc, chưa thật sự muốn giảm tải cho bệnh viện. Đâu đó còn pha chút kiêu hãnh rằng bệnh viện mình tốt thì dân mới đến đông, mới quá tải. Bởi vậy, mọi người mới thấy lãnh đạo bệnh viện cứ lên truyền thông là nói về quá tải, nhưng hành động thật sự thì còn quá ít. Tức là vấn đề chống quá tải bệnh viện còn cần thay đổi cả ở nhận thức nữa.

Cần phải biết rằng khi người bệnh đến bệnh viện trong tình trạng quá tải, sẽ mang về ấn tượng xấu về bệnh viện. Cũng như người khách đã một lần ăn bát phở lèo tèo thì sẽ vĩnh viễn có ấn tượng xấu về cái hàng phở ấy. Người khách ấy sẽ không bao giờ quay lại hàng phở ấy lần thứ hai. Nếu có chọn lựa, người bệnh sẽ không quay lại cái bệnh viện quá tải. Đấy là nguy cơ mà các lãnh đạo nên nhớ. 

Còn hiện nay người bệnh vẫn phải quay lại do "y tế độc quyền", do người bệnh không có điều kiện kinh tế để đưa ra sự lựa chọn khác, ví dụ như đến các cơ sở y tế tư nhân. 

Để người bệnh quay lưng với bệnh viện càng nguy hiểm hơn trong bối cảnh cạnh tranh trong y tế ngày càng cao như hiện nay. Nếu y tế được tự do cạnh tranh thì các bệnh viện quá tải sẽ không còn khách, dẹp tiệm. Để bệnh viện quá tải là bớt xén quyền lợi của bệnh nhân, là bóc lột sức lao động của nhân viên y tế. 

Muốn tránh quá tải bệnh viện thì lãnh đạo bệnh viện phải đón trước được nhu cầu của xã hội, mở rộng cơ sở vật chất, thuê thêm nhân viên y tế thì mới đảm bảo chất lượng phục vụ không bị giảm sút. Chứ không thể để bệnh viện quá tải rồi động viên nhân viên y tế cố lên, y đức cao lên…

Phải thấy rằng mỗi khi bệnh viện quá tải là một dịp may để quảng bá bệnh viện, dịp để bệnh viện đến được với nhiều khách hàng hơn, là cơ hội trời cho để làm marketing bệnh viện.

Gần đây truyền thông phản ánh, khi dịch Covid-19 hạ nhiệt, người dân tuyến dưới bắt đầu đổ lên các bệnh viện tuyến trung ương khám, chữa bệnh khiến nhiều cơ sở rơi vào quá tải trầm trọng. Có nơi bệnh nhân tăng tới gần 300%, phòng mổ sáng đèn suốt đêm, bác sĩ, nhân viên y tế phải tăng ca, tăng giờ làm lên đến 16 tiếng/ngày, bận rộn với guồng quay công việc từ 6h sáng đến 8-9h tối để phục vụ hết bệnh nhân.

Xét trên bình diện chung thì nhà nước, xã hội đã có nhiều nỗ lực đầu tư để giảm tải bệnh viện. Nhưng nhìn vào thực tế chưa thể nói những gì chúng ta đã làm là đủ đáp ứng yêu cầu. Ngoại trừ hai năm đại dịch, tình trạng quá tải bệnh viện đã kéo dài hàng chục năm nay và ở nhiều nơi ngày càng nặng nề hơn.  

Chống quá tải bệnh viện là một nhiệm vụ lớn của ngành y và toàn xã hội, cần nhiều nguồn lực, nhiều thay đổi về chính sách, nhưng chống quá tải bệnh viện còn cần bắt đầu ngay từ nhận thức của nhân viên y tế, mà cái hình ảnh quản lý quán phở là một ví dụ dễ thấy nhất.

Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!