Tâm điểm
Trần Văn Phúc

Phòng tránh bệnh do virus Adeno như thế nào?

Từ đầu năm đến ngày 22/9, Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận hơn 1.400 ca bệnh mắc virus Adeno với 7 ca tử vong, số bệnh nhân phải điều trị nội trú chiếm gần 2/3. Những thông tin này cho các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng, mạng xã hội cũng chia sẻ, bình luận nhiều về hiện tượng này.

Trên thực tế virus Adeno khá phổ biến trên thế giới, từ châu Âu, Mỹ, đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… đều có bệnh nhi nhiễm virus này, không có sự khác biệt rõ ràng về phân bố địa lí cũng như theo mùa, nhưng phổ biến hơn vào mùa thu, mùa đông và đầu mùa xuân.

Ở các nước ôn đới, bắt đầu từ mùa thu cho đến đầu mùa xuân thì tỉ lệ mắc virus Adeno tăng lên đáng kể, thường xảy ra tình trạng nhiễm virus tập thể và hay liên quan đến bể bơi. Ở nước ta, bệnh do nhiễm virus Adeno xếp vào nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Từ năm 1996-2000, tỉ lệ mắc trung bình là 23/100.000 dân, không có ca tử vong, do khí hậu nhiệt đới gió mùa nên bệnh thường tập trung vào những tháng xuân hè.

Đi qua đại dịch Covid, ý thức vệ sinh phòng bệnh của người dân đã tốt lên rõ rệt, nhưng với 7 ca tử vong và số ca nhiễm ở trẻ em gia tăng đột biến, việc nhiều người dân lo lắng là khó tránh khỏi.

Vậy vì sao virus Adeno lại có thể lây nhiễm hàng loạt như vậy? Câu trả lời là tình trạng vệ sinh cá nhân, có sạch sẽ hay không và ý thức phòng bệnh lây nhiễm.

Các phương thức lây truyền của virus Adeno cũng tương tự như SARS-CoV-2. Đầu tiên là lây truyền qua giọt bắn nước bọt, đặc biệt với nhóm viêm đường hô hấp trên tức là viêm mũi họng, cũng như nhóm viêm đường hô hấp dưới tức là viêm phế quản phổi. 

Phòng tránh bệnh do virus Adeno như thế nào? - 1

Triệu chứng viêm phổi do adenovirus rất dễ nhầm lẫn với viêm phổi do virus đường hô hấp khác hoặc vi khuẩn khác (Ảnh minh họa: Minh Nhân).

Người bệnh cười đùa, nói chuyện, ho, hắt hơi đều bắn ra những giọt mang virus. Chỉ cần nói chuyện với bệnh nhân trong phòng kín, sau hơn 15 phút, thì nguy cơ lây nhiễm rất cao.

Làm ở bệnh viện, mỗi ngày tiếp xúc không biết bao nhiêu bệnh nhân nhiễm virus Adeno, nhưng tôi không bị viêm mũi họng và viêm phổi. Ngay cả Covid đến giờ tôi vẫn chưa bị. Tại sao vậy? Tại vì tôi luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc với bệnh nhân, nhiều bệnh nhân có thói quen xấu khi nói chuyện là kéo khẩu trang ra nhưng tôi đều yêu cầu họ mang khẩu trang, hạn chế thời gian tiếp xúc, khi không cần thiết tôi sẽ giữ khoảng cách tối thiểu 1-1,5 mét.

Virus Adeno cũng lây truyền qua tiếp xúc bề mặt, qua đường miệng. Hiểu nôm na là khi tay chúng ta chạm vào các vật có nhiều người chạm vào, như nắm đấm cửa, tay vịn, bàn ghế, đồ dùng chung…, nhưng sau đó lười biếng không rửa tay, lại đưa lên ngoáy mũi, sờ mặt, dụi mắt, cho tay vào miệng… thì sẽ bị nhiễm virus.

Tiếp xúc với bệnh nhân xong, tôi luôn rửa tay bằng xà phòng thường dưới vòi nước chảy 20 giây, chỉ cần như vậy tôi đã phòng tránh được cơ bản những bệnh truyền nhiễm thông qua tiếp xúc.

Trên đây là những cách thức lây truyền chính của virus Adeno. Với nhóm gây viêm kết mạc mắt, viêm đường sinh dục như viêm âm hộ âm đạo, nguyên nhân chính là do tiếp xúc với nguồn nước ô nhiễm. Cụ thể là khi chúng ta tắm ở bể bơi không khử trùng đúng tiêu chuẩn, hoặc tắm ao hồ. 

Tôi nhớ ngày xưa ở quê, có một làng ai cũng bị mắt toét, đến nỗi dân nơi đó có câu cửa miệng "Mắt toét là tại hướng đình - Cả làng em toét chứ mình em đâu". Thời đó ngoài đau mắt hột, thì viêm kết mạc do virus Adeno cũng  phổ biến. 

Theo báo cáo của CDC Hoa Kỳ, quốc gia có điều kiện vệ sinh bể bơi tốt nhất thế giới, vậy nhưng mỗi năm vẫn có khoảng 15-20 hồ lây truyền virus Adeno. Để vệ sinh hồ bơi, ngoài sử dụng chất khử trùng Clo, thì việc thay nước là rất quan trọng. Muốn đánh giá hồ bơi có thay nước hay không chẳng khó. Chỉ cần xét nghiệm vi khuẩn và ure. Nếu chỉ số ure cao, nghĩa là có nhiều người tắm nên mồ hôi tiết nhiều, thậm chí những người tắm lâu sẽ tiểu ngay dưới nước.

Nói là thay nước, nhưng thực chất là lọc nước cho sạch và tiệt trùng cẩn thận, rồi bơm trở lại bể; công việc này được khuyến cáo nên làm hàng ngày. Nhưng ở nước ta, tôi cho rằng rất khó để các hồ bơi lọc nước trong 24 tiếng, nên chăng cơ quan chức năng kiểm định ngẫu nhiên đánh giá chất lượng nước theo mức a, b, c như một số quốc gia áp dụng, rồi công bố để người dân biết lựa chọn bể bơi an toàn. 

Như đã nói, virus Adeno là virus lưu hành, không phải là virus mới nên nếu bị nhiễm thì hầu hết rất đơn giản, chủ yếu thuộc ba nhóm bệnh gồm viêm đường hô hấp trên, viêm dạ dày ruột, viêm nhiễm đường sinh dục. Những trường hợp này, bác sĩ chỉ cần chữa triệu chứng hoặc không điều trị gì cũng khỏi.

Tuy nhiên đối với người thiếu kiến thức về sức khỏe, ở những nơi điều kiện vệ sinh và y tế không tốt, thì có thể sẽ gặp khó khăn. Đặc biệt, với nhóm bệnh nặng gồm viêm đường hô hấp dưới tức là viêm phế quản phổi, viêm cơ tim, viêm não, viêm gan, thậm chí chỉ là nhiễm virus trên bệnh nền suy giảm miễn dịch nặng làm thúc đẩy các bệnh nhiễm trùng phối hợp, thì có nguy cơ tử vong.

Các triệu chứng thường gặp khi nhiễm virus Adeno bao gồm sốt cao dai dẳng, đau sung huyết vùng hầu họng, amidan to ra, sổ mũi, sưng đỏ kết mạc mắt một bên hoặc hai bên. Các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, đau nhức cơ thể, chán ăn, đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy. Nói chung, bệnh sẽ tự khỏi trong vài ngày, có đi khám bệnh viện bác sĩ cũng cho về, khi đó cha mẹ không cần phải quá lo lắng, chỉ cần làm theo hướng dẫn của bác sĩ là được.

Trong một số trường hợp hiếm hoi, tình trạng bệnh sẽ nặng hơn, như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, viêm gan… nếu để muộn có thể tử vong như 7 ca mà báo chí đưa tin. Tôi nhấn mạnh các ca tử vong nếu tính xác suất để so với những bệnh khác thì vẫn xếp vào rất hiếm. Cha mẹ khi thấy con mắc bệnh, hãy quan sát tình trạng của trẻ, nếu có ít nhất 1 trong 3 biểu hiện sau, cần đưa con đi khám kịp thời: Sốt cao kéo dài (có thể trên 40⁰C); hơi thở nặng nề, da tái nhợt, lơ mơ; ho khan dữ dội.

Với những trường hợp bị nặng như viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não, viêm gan thì ở các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành mới thực hiện xét nghiệm PCR để tìm virus Adeno. Còn lại đa số trường hợp nhẹ thì không cần thiết xét nghiệm truy tìm virus, các bác sĩ chỉ cần khám lâm sàng, kê đơn thuốc cho về nhà điều trị và theo dõi.

Như vậy, điều quan trọng nhất là chúng ta đề phòng để không bị lây nhiễm virus bằng cách hướng dẫn trẻ hình thành thói quen rửa tay thường xuyên: Chú ý là rửa tay bằng xà phòng thường, rửa dưới vòi nước chảy, thời gian rửa 20 giây. Các gia đình cần khử trùng bát đũa và không dùng chung bát đũa với người khác. Các bà các mẹ khi cho trẻ ăn, phải bỏ ngay thói quen mút mát, nếm thức ăn, thổi thức ăn cho nguội trước khi cho vào miệng trẻ, đút thức ăn vào miệng mình trước rồi nhả ra thìa để đút vào miệng trẻ.

Trong mùa có tỉ lệ nhiễm virus Adeno cao, bố mẹ nên hạn chế đưa trẻ dưới 2 tuổi đến nơi đông người, khi tiếp xúc chú ý giữ khoảng cách an toàn, không tiếp xúc với người ốm.

Vệ sinh đúng cách và nếu không may nhiễm bệnh thì đến cơ sở y tế ngay, tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, chúng ta có thể yên tâm sống mạnh khỏe qua các mùa dịch bệnh.

Tác giả: Bác sĩ Trần Văn Phúc là một trong 10 thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2014. Anh hiện công tác tại bệnh viện Saint Paul, Hà Nội. Ngoài công việc trong ngành Y tế, bác sĩ Trần Văn Phúc còn là một nhạc sĩ với nhiều tác phẩm đã được giới thiệu trên sóng truyền hình quốc gia.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!