Tâm điểm
Vũ Hoàng Linh

Ô nhiễm tiếng ồn ở thành phố đáng sống

Tuần vừa rồi, tôi có một chuyến đi nghỉ ở Đà Nẵng trong khoảng 1 tuần. Đó là một chuyến đi mà tôi chờ đợi từ lâu. Đà Nẵng luôn là thành phố mà tôi thích, nhưng trong những lần thăm Đà Nẵng trước đây, tôi thường chỉ ở khá ngắn, chủ yếu vì mục đích công việc chứ không phải là khách du lịch.

Những lần vào miền Trung nghỉ ngơi, tôi có xu hướng chọn Hội An làm nơi nghỉ dưỡng, vì thích không khí yên bình và nét văn hóa có tính đặc sắc lâu đời của vùng đất từng là chốn giao thương sầm uất của Đàng Trong thời chúa Nguyễn. Tôi ít khi nghỉ hay tắm biển ở Đà Nẵng vì không thích sự ồn ào hay xô bồ của nơi đây - đó là ấn tượng tôi từng có cách đây 20 năm, khi lần đầu đến thành phố này.

Thế nên, lần này khi chọn Đà Nẵng là nơi nghỉ ngơi cả tuần, tôi đã có được nhiều sự ngạc nhiên thú vị. Tôi chọn nơi nghỉ ở một khách sạn dọc đường Võ Nguyên Giáp, con đường tập trung các khách sạn lớn và nhiều nhà hàng hải sản từ bình dân tới cao cấp.

Tôi có các ấn tượng rất tốt với bãi biển Đà Nẵng: không khí sạch, bãi biển trải dài nhiều cây số, và rộng rãi, cát trắng, biển thoai thoải, nước ấm, phù hợp cho trẻ em và người không biết bơi.

Ô nhiễm tiếng ồn ở thành phố đáng sống - 1

Rạn san hô ở Đà Nẵng (Ảnh: Đào Đặng Công Trung/Hoài Sơn).

Hơn thế nữa, suốt dọc bãi biển luôn thường trực đội ngũ cứu hộ chuyên nghiệp, với các biển báo rõ ràng, tạo ra sự yên tâm cho người đi tắm biển. Bãi biển sạch, hầu như không thấy rác sinh hoạt như chai lọ, túi bóng; không có các hoạt động ăn nhậu, cho thuê ghế, bán hàng rong hay chèo kéo du khách như nhiều nơi khác ở Việt Nam. Các hoạt động thể thao trên bãi biển và trên mặt biển cũng rất sôi động: từ dù lượn tới chèo thuyền sup, tới bóng đá, bóng chuyền…

Những điều đó cho thấy chính quyền và người dân Đà Nẵng quả thực là rất yêu biển, và mong muốn gìn giữ biển như một tài nguyên quý giá bậc nhất của thành phố. Đà Nẵng cũng đang chuyển mình, để trở thành một thành phố thực sự đẹp, nơi tổ chức các sự kiện ngày càng được sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế như lễ hội pháo hoa quốc tế. Thế cho nên tôi không ngạc nhiên khi nhiều người bạn và người quen của tôi đã rời Hà Nội, nơi đang ngày càng trở nên ồn ào, ngột ngạt và đắt đỏ, để chọn Đà Nẵng làm nơi sinh sống lâu dài, và gần như tất cả họ đều tỏ ra hạnh phúc với sự lựa chọn đó.

Tất nhiên, vẫn có những điểm mà tôi nghĩ Đà Nẵng có thể làm được tốt hơn. Một ví dụ là các ca nô cho môn dù lượn chạy rất gần bãi tắm của người dân. Hãy hình dung bạn đang thả mình trên mặt nước ấm áp, mơ màng ngắm những đám mây trắng trên đầu mình thì vèo một cái, một chiếc ca nô phóng qua gần bạn, phả mùi xăng vào mũi bạn.

Thành phố nên có quy hoạch tốt hơn cho vị trí chạy của cano, tránh các bãi tắm đã được quy định.

Vấn đề thứ hai là trên con đường ven biển, Đà Nẵng có quá ít chốt đèn xanh đèn đỏ để qua đường cho người đi tắm biển. Nếu phải dắt người già hay trẻ em qua con đường này, hẳn phải có chút mạo hiểm không nhỏ (và lẽ ra không cần có).

Với cả hai nhược điểm trên, tôi nghĩ sẽ không quá khó khăn hay tốn kém để thành phố có thể khắc phục được để sạch đẹp và an toàn hơn.

Thế nhưng vấn đề khiến tôi thấy không thoải mái nhất xảy ra vào một buổi tối, khi tôi đang thư giãn trong phòng thì nghe tiếng nhạc rất ồn ào từ nhà hàng sát biển. Nhà hàng này không đối diện khách sạn nơi tôi ở mà cách chéo chừng 3-4 khách sạn nữa, thế nhưng tiếng nhạc ở đây (với rất nhiều âm bass) nghe rõ mồn một dù tôi ở trên tầng cao.

Không chỉ tiếng nhạc, khách lưu trú ở các khách sạn gần đó còn phải nghe một cách bất đắc dĩ tiếng hát karaoke từ những giọng hát không chuyên nhưng rất tự tin vào tài năng của mình. Khi tôi vào Google Map để xem các bài nhận xét (review) về nhà hàng thì hầu như toàn bộ review 1 sao đều đến từ khách cư trú tại các khách sạn bên kia đường, mà chủ yếu là khách sạn 5 sao của các thương hiệu lớn.

Ô nhiễm tiếng ồn ở thành phố đáng sống - 2

Khán đài xem pháo hoa với sức chứa 10.000 người "cháy" vé (Ảnh: BTC DIFF 2024).

Trong một bài nhận xét, trước lời than phiền của một du khách quốc tế, đại diện nhà hàng bày tỏ sự thông cảm và cho biết là họ thực hiện đúng quy định về tiếng ồn. Và họ đề nghị du khách hãy yêu cầu khách sạn họ ở lắp cửa sổ chống ồn vì đây là giải pháp khả thi nhất có thể có được! Tôi không rõ là nhà hàng này có thực sự đáp ứng được các tiêu chuẩn về tiếng ồn ngoài trời hay không. Và tôi cũng không chắc là sau khi đọc phản hồi đó, vị du khách còn có ý định quay lại Đà Nẵng trong lần tiếp theo không.

Cần phải nói rằng ô nhiễm tiếng ồn là hiện tượng xảy ra rất phổ biến ở các thành phố lớn (và đôi khi, cả các thành phố nhỏ hay vùng thôn quê) ở Việt Nam. Điều này có xu hướng càng phổ biến ở các tỉnh thành phía Nam hay vùng ven biển, nơi do trời nóng, nên nhiều sinh hoạt diễn ra ngoài trời. Chính quyền Đà Nẵng cũng đã nhận thức được vấn đề này và đưa ra nhiều biện pháp chấn chỉnh với hoạt động ô nhiễm tiếng ồn ở khu dân cư, đến từ các quán nhậu hay loa kẹo kéo. Thế nhưng còn vấn đề là ô nhiễm tiếng ồn tại các khu nghỉ mát, khách sạn, nhà hàng… nơi các hoạt động văn nghệ, hát karaoke hay nhạc sống diễn ra với volume to hết cỡ, dường như thể những người tổ chức nghĩ rằng phải như thế mới là vui, mới là chơi hết mình…

Tôi cũng có dịp dự một buổi tiệc gala trong chuyến đi này, đa số khách dự tiệc đều than phiền về sự ồn ào quá mức của người dẫn chương trình.

Sự ô nhiễm âm thanh như thế nếu không được kiểm soát sẽ khiến cho các điểm du lịch ở Việt Nam, dù tiềm năng rất nhiều, nhưng sẽ là những điểm đến một đi không trở lại của du khách quốc tế. Và đó còn là một bài toán về lợi ích - chi phí. Tôi không rõ một nhà hàng ngoài trời gây ồn ào có thể đóng góp cho ngân sách thành phố là bao nhiêu, nhưng những tổn thất từ hàng trăm du khách bị tra tấn bởi tiếng ồn hàng tối và lựa chọn rời đi hay không quay lại thành phố chắc chắn sẽ cao hơn số tiền thuế kia nhiều lần. Sự ô nhiễm tiếng ồn có lẽ là một lý do chính khiến nhiều du khách chọn Hội An thay vì Đà Nẵng làm nơi nghỉ ngơi.

Theo số liệu thống kê mới công bố của Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương, Thái Lan có tỷ lệ khách quốc tế quay trở lại đạt 80%, còn Việt Nam chỉ khoảng 10-40%. Đó là những con số đáng để chúng ta suy nghĩ và tìm ra giải pháp.

Trong các giải pháp nâng cao sức hấp dẫn của du lịch cũng như môi trường sinh sống của người dân, thì giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn cần được xem là một trong các ưu tiên về chính sách. Điều này cần đến sự quyết liệt của các cơ quan nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm về tiếng ồn, hạn chế các hoạt động gây ồn trong không gian mở.

Nhưng hơn thế, cần có được ý thức của các doanh nghiệp và người dân, để họ tự ý thức về những tác hại của việc gây ra tiếng ồn tới không gian công cộng và tới những người khác. Và trong nhiều trường hợp, câu châm ngôn "im lặng là vàng" có thể là một thứ đúng theo nghĩa đen. Một thành phố không còn tình trạng ô nhiễm tiếng ồn mới là một thành phố thực sự đáng sống.

Tác giả: TS Vũ Hoàng Linh nhận bằng Tiến sĩ về Kinh tế Ứng dụng tại Đại học Minnesota (Mỹ) vào năm 2008 và hiện là giảng viên Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông có nhiều năm làm việc tại Ngân hàng Thế giới và các trường Đại học ở Việt Nam. Ông cũng từng tham gia tư vấn và nghiên cứu cho nhiều tổ chức trong và ngoài nước, trong các mảng kinh tế phát triển, kinh tế vi mô ứng dụng…

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!