Kinh nghiệm từ mô hình tổ chức chính quyền độc đáo của Paris
Paris, thủ đô nước Pháp, không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp văn hóa và lịch sử mà còn với mô hình tổ chức chính quyền đô thị độc đáo. Thật vậy, không giống các thành phố khác ở Pháp, Paris mang một đặc thù hiếm có về tổ chức chính quyền đô thị tích hợp vừa là một xã (commune) vừa là một tỉnh (département).
Điều này tạo nên một hệ thống quản lý tập trung, hiệu quả, phù hợp với vai trò trung tâm kinh tế, chính trị và văn hóa của quốc gia. Trong khi đó, Hà Nội của chúng ta đang trong quá trình thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, bỏ cấp huyện, sáp nhập cấp xã để tinh gọn bộ máy. Nghiên cứu mô hình của Paris có thể mang lại những gợi ý giá trị cho thành phố Hà Nội.
Paris: Thành phố hai trong một
Thành phố Paris có diện tích khoảng 105km², dân số hơn 2,1 triệu người (tính đến năm 2023), nhưng không được tổ chức như một thành phố thông thường với các cấp hành chính phân quyền rõ ràng. Thay vào đó, Paris là một thực thể hành chính duy nhất, kết hợp chức năng của một xã (commune) và một tỉnh (département).
Với tư cách là một đơn vị cấp xã (commune): Paris có một chính quyền thành phố cấp cơ sở do một thị trưởng (Maire de Paris) đứng đầu. Thành phố quản lý các vấn đề của địa phương như trường tiểu học, công viên, vệ sinh đô thị và văn hóa. Paris được chia thành 20 quận (arrondissement), mỗi quận có một hội đồng quận và một quận trưởng, nhưng các quận này không phải là một đơn vị hành chính độc lập mà chỉ là đơn vị phụ thuộc dưới quyền thị trưởng Paris.
Với tư cách là một đơn vị cấp tỉnh (département): Thành phố Paris mang mã số 75 (Ville de Paris) và thực hiện các chức năng của một tỉnh, như quản lý trợ cấp xã hội, trường trung học cơ sở (collèges) và một số hạ tầng lớn. Điều đặc biệt là Paris không có hội đồng tỉnh riêng mà Hội đồng Paris (Conseil de Paris) kiêm nhiệm cả hai vai trò: vừa là hội đồng thành phố (conseil municipal) vừa là hội đồng tỉnh (conseil départemental).
Hội đồng thành phố Paris: Hội đồng Paris gồm 163 đại biểu, được bầu lên từ các quận. Paris được chia thành 20 quận và mỗi quận là một đơn vị bầu cử riêng. Số lượng ghế trong Hội đồng Paris được phân bổ dựa trên dân số của từng quận (dao động từ 3 -18 người). Ví dụ, quận 13 có khoảng 13.700 dân số, được bầu 39 đại biểu hội đồng quận và trong số 39 đại biểu hội đồng quận thì được 13 người (ghế) trong Hội đồng Paris.
Thị trưởng thành phố Paris: Thị trưởng được bầu bởi Hội đồng Paris. Thị trưởng Paris là người đứng đầu chính quyền thành phố. Vai trò này kết hợp quản lý cả cấp xã (commune) và cấp tỉnh (département), bao gồm điều hành dịch vụ công (trường học, vệ sinh, văn hóa…), hỗ trợ xã hội và giáo dục trung học cơ sở. Thị trưởng cũng đồng thời là chủ tịch Hội đồng Paris, định hướng chính sách và ngân sách, đồng thời đại diện cho thành phố Paris trong các sự kiện quốc gia, quốc tế. Với mô hình tích hợp, thị trưởng có quyền lực tập trung, giúp phối hợp hiệu quả các vấn đề đô thị và triển khai một cách hiệu quả các quyết định của Hội đồng Paris.

Một góc Paris (Ảnh: World Atlas/Shutterstock).
Sự kết hợp này xuất phát từ lịch sử và vai trò đặc biệt của Paris. Trước năm 1964, Paris nằm trong tỉnh Seine cùng các khu vực lân cận. Sau cải cách, Paris trở thành một tỉnh độc lập, đồng thời giữ nguyên tư cách commune để đảm bảo quản lý tập trung trong một đô thị đông đúc.
Từ ngày 1/1/2019, Paris trở thành một đơn vị hành chính đặc biệt kết hợp cả tỉnh và xã như vừa miêu tả ở trên.
Lợi ích của mô hình kết hợp
Mô hình kết hợp mang lại nhiều ưu điểm:
Tập trung quyền lực: Một chính quyền duy nhất giúp phối hợp hiệu quả giữa các lĩnh vực, tránh chồng chéo giữa cấp xã và cấp tỉnh.
Tinh gọn bộ máy: Không có sự phân chia giữa hai cấp chính quyền, Paris giảm được số lượng quan chức và cơ quan, tiết kiệm chi phí hành chính.
Phù hợp với đô thị lớn: Với mật độ dân số cao và nhu cầu quản lý phức tạp, mô hình này cho phép Paris phản ứng nhanh với các vấn đề đô thị như giao thông, nhà ở, và môi trường.
Tuy nhiên, nhược điểm là các quận (arrondissement) có ít quyền tự chủ hơn so với các xã (commune) ở nơi khác, dẫn đến việc người dân đôi khi cảm thấy xa cách với chính quyền thành phố.
Kinh nghiệm tham khảo từ mô hình Paris
Hà Nội hiện có diện tích hơn 3.300 km² và dân số khoảng 8,5 triệu người. Thành phố được tổ chức thành ba cấp chính quyền:
Cấp thành phố: Do Ủy ban Nhân dân (UBND) và Hội đồng Nhân dân (HĐND) thành phố quản lý.
Cấp quận, huyện: Hà Nội có 12 quận, 17 huyện và 1 thị xã, mỗi đơn vị có HĐND và UBND riêng.
Cấp phường, xã: Gồm 579 đơn vị xã, phường, thị trấn.
Mô hình ba cấp này phù hợp với một thành phố mở rộng, nhưng cũng bộc lộ nhiều bất cập: chồng chéo chức năng giữa các cấp, bộ máy cồng kềnh, và hiệu quả quản lý không đồng đều, đặc biệt ở khu vực nội đô. Chủ trương bỏ cấp quận, huyện nhằm tinh gọn bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã sẽ giúp thành phố Hà Nội tăng tính tập trung và hiệu quả trong quản lý.
Dù cách vận hành thể chế và phương thức quản trị của thành phố Paris khác với Hà Nội, nhưng về khoa học tổ chức thì chúng ta có thể tham khảo một số kinh nghiệm sau.
Thứ nhất, chúng ta thấy rằng Paris có mô hình tích hợp các cấp quản lý vào một chính quyền thành phố duy nhất, và quản lý rất tập trung, hiệu quả. Vì vậy việc Hà Nội chuyển từ mô hình 3 cấp chính quyền địa phương hiện nay sang 2 cấp là phù hợp với xu hướng mô hình quản lý tinh gọn, mỗi cấp quản lý kết hợp nhiều chức năng khác nhau, giảm thiểu trung gian của các đô thị hiện đại trên thế giới.
Thứ hai, khi tinh gọn bộ máy, bỏ cấp huyện thì vai trò chỉ đạo, điều hành, bao quát chung của lãnh đạo thành phố càng trở nên quan trọng. Chúng ta vừa phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền xuống cơ sở (cấp xã), nhưng đồng thời cũng cần có cơ chế giao quyền, giao trách nhiệm cho lãnh đạo thành phố, để lãnh đạo thành phố có đủ thẩm quyền trong các vấn đề chiến lược lâu dài, cũng như chủ động, linh hoạt phản ứng trước các vấn đề cấp bách hàng ngày của đô thị lớn, đông dân.
Paris kết hợp vai trò commune (xã) và département (tỉnh) vì quy mô nhỏ và tính tập trung cao. Hà Nội, với diện tích lớn hơn nhiều, nên có cơ chế phù hợp cho các phường ở khu vực nội đô, theo hướng cấp thành phố và cấp phường cùng tập trung quản lý các vấn đề đô thị hóa, giao thông, và nhà ở.
Ở khu vực ngoại thành, Hà Nội nên tăng quyền tự chủ nhất định cho các xã nông thôn, nhưng vẫn dưới sự điều phối của thành phố.
Như vậy mô hình chính quyền thành phố Paris cho thấy việc giảm cấp trung gian giúp tiết kiệm ngân sách và tăng tốc độ ra quyết định. Hà Nội có thể áp dụng nguyên tắc này bằng cách tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đồng thời đầu tư vào công nghệ (chính quyền điện tử) để nâng cao hiệu quả phục vụ người dân.
Tác giả: Ông Vũ Văn Tính tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Luật khoa Paris 2. Hiện ông làm công tác nghiên cứu và giảng dạy tại khoa Luật, Học viện Hành chính và Quản trị công (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh). Ngoài ra ông còn tư vấn pháp luật về thương mại và đầu tư cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!