Khoe con hay khoe mình?
Tôi từng rất dị ứng với việc cha mẹ khoe điểm số, thành tích của con trên mạng xã hội. Nhưng tôi cũng đã từng… khoe và tự nhủ với mình rằng: Tôi khác những cha mẹ kia. Rốt cuộc, khoe thành tích của con trên mạng xã hội có phải là một cha mẹ tốt?
Giờ đỡ hơn nhiều rồi, cha mẹ chỉ khoe thành tích của con vào cuối năm học. Chứ trước đây, cứ đến ngày toàn dân đi họp phụ huynh thì dù họp phụ huynh kỳ I hay giữa kỳ hoặc bất cứ dịp nào, con cứ có thành tích là cha mẹ lại khoe. Việc khoe thành tích con mình đạt được trên mạng xã hội của các cha mẹ luôn gây ra những cuộc tranh luận, thậm chí khẩu chiến.
Mạng xã hội chia nửa, vạch ranh giới và chiến đấu cho lý lẽ của mình. Một bên khoe con và một bên ghét những cha mẹ khoe con. Bên nào cũng có những lý lẽ đanh thép của mình. Như cha mẹ khoe con vô tình làm lộ thông tin cá nhân của con, nguy hiểm cho trẻ. Như chuyện tự do trên mạng xã hội, mỗi chủ tài khoản là một chủ nhà, họ có quyền làm bất cứ thứ gì trong "ngôi nhà" của họ. Hay cha mẹ cũng cần khích lệ con cái, một bài đăng ấy mang nhiều ý nghĩa. Rồi cha mẹ khoe con thực chất là khoe mình làm cha mẹ giỏi. Những người không thích đều là những người có con điểm số chưa tốt, họ xấu mặt nên họ chuyển sang đố kỵ, ghét bỏ.
Tôi cũng từng rất dị ứng với những bài đăng khoe con của nhiều bậc phụ huynh. Bởi tôi thấy ở đó quả thực có những sự huênh hoang của cha mẹ về tài làm cha mẹ của họ. Bởi có những người tốt khoe xấu cũng khoe, mới mấy hôm trước còn đăng bài "đau đầu vì con" nhưng mấy hôm sau đã khoe thành tích bao gồm cả kể lể sự vất vả của mình. Tôi đã từng thở dài bao phen khi thấy những cha mẹ biến con cái thành chiếc huân chương lấp lánh trên ngực họ.
12 năm làm anh Chánh Văn (báo Hoa Học Trò), tôi cũng nhận được cơ man nào là những tâm sự của trẻ khi chứng kiến cha mẹ ra ngoài hãnh diện khoe con điểm cao trong khi ở nhà thì quát mắng con ời ời. Lũ trẻ cảm thấy bất công với chúng. Áp lực để phải có điểm cao cho cha mẹ đem khoe với hàng xóm, đồng nghiệp khiến lũ trẻ phải viết tâm thư cho anh Chánh Văn. Rồi ngay gần đây thôi, những cuộc gọi con cấp cứu ở bệnh viện cũng là từ chính thói quen khoe con trên mạng xã hội đấy thôi.
Nhưng tôi cũng từng khoe con trên mạng xã hội. Tôi cũng giống như nhiều cha mẹ khác thôi. Có chăng tôi sẽ che hết những thông tin nhạy cảm về con mình. Dù chẳng thể nào che hết được. Tôi khoe con đạt thành tích có thể không phải để khoe mình làm cha mẹ giỏi mà chỉ đơn giản là một sự hưng phấn, tự hào và hãnh diện vì con mình làm được. Ghi lại như một dấu mốc trên hành trình trưởng thành của con. Để mỗi ngày, khi vào mục Kỷ Niệm của Facebook, tôi lại rưng rưng nhớ những năm tháng mình đã được lớn lên cùng con như thế. Lòng tự hào, hãnh diện về con mình là thứ rất dễ gây nghiện. Bởi tôi cũng giống như nhiều cha mẹ khác: Nghiện con mình. Là những cha mẹ sợ bỏ lỡ dù chỉ 1 giây, 1 phút nào lơ đễnh với con mình. Nỗi sợ bị bỏ lỡ (FOMO) có lẽ còn là thế nữa, từ chính các bậc làm cha làm mẹ. Bởi tuổi thơ của con trôi qua nhanh lắm.
Vậy, rốt cuộc là nên khoe hay không khoe đây? Hẳn mọi người chưa quên một câu chuyện về người cha tự làm giấy khen đăng lên mạng xã hội cho con mình. Là bởi con anh, cũng giống như một bức ảnh khác từng xôn xao mạng xã hội khi cả lớp đều khoe giấy khen, chỉ 1 bé không có giấy khen, chơ vơ, tủi thân.
Khoe hay không khoe là việc của mỗi người cha, người mẹ. Bạn có thể khích lệ con bằng việc khen con trực tiếp, không việc gì phải đưa lên mạng xã hội. Như tôi của những ngày sau này, khi qua cơn cuồng con, tự nhận ra việc đáng làm là trực tiếp thay vì trực tuyến. Bằng những bức thư tay gửi riêng con mình. Bằng đôi khi là mua 1 tấm thiệp, viết vào đó lời gan ruột mà cha muốn nói cùng con thay vì post chúng trên mạng. Dù biết rằng những bài viết như vậy cũng giúp ích được cho rất nhiều người cha, người mẹ đang lúng túng không biết làm sao để cha mẹ - con cái gắn kết với nhau sâu và chắc hơn.
Nhưng bạn cũng có thể bày tỏ cảm xúc của mình, một người cha, người mẹ đang rất yêu con mình. Điều đó sẽ chỉ sai khi bạn để lộ thông tin cá nhân của con mình. Là sai nếu như bạn khoe điều đó chứ không phải chia sẻ cảm xúc đó. Là bạn chỉ nhìn vào điểm số của con chứ không thấy những nỗ lực mà con mình đã cố gắng. Là sai nếu như chúng ta tự cho rằng mình là những cha mẹ hơn đứt các cha mẹ khác. Là sai nếu như điểm số ấy của con không cao, bạn sẽ bớt yêu con đi hoặc không yêu con mình nhiều đến thế.
Là bởi cô bé út nhà tôi, sau những điều tôi khoe về thành tựu của cô bé trên trang mạng xã hội của mình, cô bé đã chịu rất nhiều áp lực mà tôi không hề hay biết. Là cô bé đã phải cố gắng nhiều hơn nữa, chịu trách nhiệm với kể cả những thứ không thuộc quyền kiểm soát, chức năng, vai trò của mình.
Khi tôi tự hào vì con mình là một lớp phó văn minh, một thành viên của Hội Đồng Học Sinh trường, cô bé đã luôn nỗ lực giữ thành tích cho lớp, tham gia vào mọi hoạt động của trường và… thất vọng khi trong lớp có bạn phá tan thành tích của lớp, Hội Đồng Học Sinh của trường hoạt động nghèo nàn dù cô bé đưa ra nhiều ý tưởng. Sự thất vọng của cô bé không phải vì người bạn phá tan thành tích hay Hội Đồng Học Sinh nghèo nàn mà là thất vọng với chính bản thân vì mình không làm được những điều bố tự hào về mình. Tôi nhận ra điều đó khi những ngày cô bé về nhà trở nên trầm lắng hơn rất nhiều. Và khi đó tôi mới nhận ra, những thứ mình viết ra, về cô con gái mình yêu thương hết mực lại thành gây hại cho con mình như thế.
Khoe con trên mạng xã hội, điều đó chỉ có thể là sự đúng đắn khi chúng ta, những người làm cha, làm mẹ hiểu thấu được con mình, lắng nghe con mình, để tâm đến con mình ở ngoài đời thật. Là hành trình lớn lên cùng con chứ không phải một cuộc trình diễn nuôi dạy con thành công trên mạng. Và khi hiểu được ra điều đó, chúng ta sẽ biết mình nên viết gì về con trên mạng xã hội!
Tác giả: Nhà văn - nhà báo Hoàng Anh Tú từng là Trưởng ban biên tập báo Sinh viên Việt Nam, được biết đến dưới bút danh "anh Chánh Văn" trên báo Hoa Học Trò từ năm 2000 đến 2010. Hiện anh là một người sáng tạo nội dung có lượng theo dõi lớn trên mạng xã hội.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!