Tâm điểm
Bùi Minh Đức

Khi hoa hậu được "sản xuất hàng loạt"

"Lạm phát" hoa hậu là từ nhiều người dùng để chỉ sự xuất hiện ồ ạt của các người đẹp nhiều năm nay, với ước tính trung bình mỗi năm có 30 cuộc thi các cấp độ khác nhau.

Như báo Dân trí đưa tin, hôm 5/8 chỉ trong một đêm, với hai cuộc thi hoa hậu cùng diễn ra, Việt Nam đã có thêm 2 hoa hậu và 6 á hậu, chưa kể còn hàng loạt các giải thưởng phụ khác.

Đây cũng là thời gian Olympic 2024 gần kết thúc, đoàn thể thao Việt Nam ra về trắng tay không một tấm huy chương nào. Đâu đó trên Facebook, vài người bạn tôi chia sẻ bài báo với dòng trạng thái: Hoa hậu nhiều để làm gì, trong khi điều hy vọng là huy chương ở Olympic thì không có.

Tất nhiên tôi hiểu đó chỉ là dòng trạng thái chia sẻ cảm xúc chứ không có ý liên hệ hay so sánh, vì đặt các cuộc thi nhan sắc bên cạnh thể thao là một so sánh khập khiễng, không dựa trên cùng hệ quy chiếu.

Khi hoa hậu được sản xuất hàng loạt - 1

Dù công chúng kêu ca nhiều về chuyện "lạm phát" hoa hậu, nhưng các cuộc thi vẫn diễn ra với xu hướng ngày càng nhiều hơn (Ảnh minh họa: CV)

Trong khi nhiều nước từ lâu đã không còn mặn mà với các cuộc thi hoa hậu do sự hờ hững của công chúng, thì ở Việt Nam các cuộc thi nhan sắc bùng nổ, mở ra một ngành công nghiệp hoa hậu mạnh mẽ. Con số hoa hậu, á hậu lên đến hàng nghìn với các giải thưởng lớn nhỏ qua các năm mà công chúng không thể nào biết là từ cuộc thi nào.

Đằng sau các cuộc thi hoa hậu là những diễn ngôn truyền thông như "tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam". Nhưng dựa vào thực tế được phản ánh trên báo chí, tôi cho rằng những giá trị như vậy giờ đây là chiếc áo quá rộng với đa số các cuộc thi hoa hậu, khi tính giải trí của các cuộc thi này được đề cao hơn giá trị văn hóa. 

Nhìn chung không riêng Việt Nam mà các cuộc thi hoa hậu trên toàn thế giới đều mang tính giải trí trong một chừng mực nhất định. Nhưng những năm gần đây, hành trình tìm kiếm hoa hậu, á hậu qua nhiều cuộc thi cho thấy sự tập trung vào tính giải trí hơn là đi tìm những người phụ nữ hội tụ đầy đủ tài sắc. 

Thậm chí có những cuộc thi chuyển hóa thành show truyền hình thực tế để khán giả có thể quan sát nhất cử nhất động của các thí sinh trong chương trình. Một điều thường thấy trong các gameshow (trò chơi truyền hình) là việc chương trình thường nhấn mạnh vào tính tranh đấu, giành giật của người tham gia, và ở những chương trình truyền hình thực tế về hoa hậu, người xem cũng có thể thấy rõ điều này. Tôi tự hỏi với những gameshow thực tế kịch tính như vậy, khán giả sẽ nhìn thấy những giá trị người ta thường tôn vinh ở phụ nữ hay xem cách thí sinh "đấu đá" nhau ra sao? Liệu đó có phải điều nên có ở các cuộc thi hoa hậu? Người xem, đặc biệt là các bạn trẻ sẽ học được điều gì?

Một thực tế phải chấp nhận rằng, dù công chúng kêu ca nhiều về chuyện "lạm phát" hoa hậu đã nhiều năm nay, nhưng các cuộc thi vẫn diễn ra với xu hướng ngày càng nhiều hơn, trong đó có những cuộc thi thực tế đã trở thành gameshow. Ban tổ chức các cuộc thi sắc đẹp đều khẳng định rằng họ thực hiện đúng quy định hiện hành. Các thí sinh đều có quyền tham gia bất cứ cuộc thi hợp pháp nào và có quyền tự hào về danh hiệu được trao.

Vậy thì chúng ta có gì để nói? Phải chăng khi các cuộc thi hoa hậu ngày càng thay đổi, chúng ta cũng cần thay đổi cách nhìn về những cuộc thi này.

Xem các cuộc thi sắc đẹp như các sân chơi giải trí đơn thuần, như những cuộc thi tìm kiếm người mẫu hay ca sĩ, phải chăng khán giả sẽ bớt cảm giác lấn cấn khi một năm có hàng chục cuộc thi được tổ chức, vì mỗi năm cũng có hàng chục gameshow giải trí khác xuất hiện trên truyền hình.

Có lẽ nhiều người sẽ khó chấp nhận điều này, bởi đã hình thành quan niệm hoa hậu phải là những người phụ nữ hội tụ đủ cả tài sắc lẫn trí tuệ của những cuộc thi hoa hậu thời kỳ đầu. Đâu đó, khán giả vẫn sẽ có sự kỳ vọng ở những thí sinh của các cuộc thi sắc đẹp dù hàng năm có đến cả chục cuộc thi được tổ chức, và dù thỉnh thoảng trên mạng xã hội lại xuất hiện thông tin hoa hậu bỏ học, hoa hậu có bảng điểm lẹt đẹt, hay những nhan sắc lớn có các phát ngôn vạ miệng…

Dù nhìn nhận các cuộc thi hoa hậu từ góc độ nào, chúng ta không thể lảng tránh một thực tế rằng đây đã trở thành một nền công nghiệp giải trí với nhiều lợi nhuận, nên những người tổ chức cần tìm mọi cách để tăng lượt xem, tăng tiền quảng cáo, tăng sức hút trên truyền thông. Chất lượng không thể thay đổi, số lượng không thể thay đổi, điều cần thay đổi trước tiên là cách công chúng nhìn nhận giá trị thực sự của các cuộc thi sắc đẹp và đừng coi đó là một tiêu chuẩn cho phụ nữ Việt Nam. Hãy trả các cuộc thi sắc đẹp về đúng bản chất là những chương trình truyền hình, gameshow giải trí không hơn không kém. 

Tất nhiên, tôi vẫn tin rằng sự kiểm soát các cuộc thi nhan sắc trong một chừng mực là điều cần thiết. Khác với những chương trình giải trí khác, các cuộc thi nhan sắc theo kiểu "sản xuất hàng loạt" vẫn có thể khiến nhiều bạn trẻ nghĩ rằng sở hữu nhan sắc là con đường dẫn tới thành công, coi nhẹ yếu tố khác. Cái gì nhiều quá và bị tuyệt đối hóa đều không tốt. Chúng ta không muốn các bé gái lớn lên trong một xã hội nơi vẻ đẹp - phần lớn là vẻ đẹp hình thể, liên tục được tôn vinh trong khi những phẩm chất khác của phụ nữ không được tôn vinh xứng đáng.

Nhìn xa hơn, vị thế của một quốc gia trên thế giới không đến từ việc có bao nhiêu người đẹp đăng quang trong các cuộc thi hoa hậu lớn nhỏ - hoặc chí ít đấy không phải điều mà cá nhân tôi tự hào khi bước ra ngoài thế giới. Liệu có bao nhiêu người bước ra ngoài thế giới và nói rằng "Tôi tự hào vì nước chúng tôi có nhiều hoa hậu"?

Tôi e là không có nhiều người như vậy. 

Tác giả: Bùi Minh Đức học Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark, Mỹ; anh là dịch giả với 7 cuốn sách đã xuất bản.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!