Một đêm có thêm 2 hoa hậu: Loạn thi nhan sắc, khán giả không nhớ nổi tên
(Dân trí) - Nhiều chuyên gia văn hóa, chuyên gia sắc đẹp và công chúng đều cho rằng, tình trạng "loạn" cuộc thi sắc đẹp khiến cho ngôi vị hoa hậu, á hậu mất đi giá trị mà nó vốn có.
"Mỗi nhà có một hoa hậu" cũng chẳng để làm gì?
Tối 3/8, tại thành phố Phan Thiết, cuộc thi Miss Grand Vietnam 2024 đã xướng tên Võ Lê Quế Anh - cô gái sinh năm 2001 đến từ Quảng Nam - là hoa hậu. 4 người đẹp khác nhận danh hiệu Á hậu gồm Lê Phan Hạnh Nguyên (á hậu 1), Vũ Thị Thu Hiền (á hậu 2), Lâm Thị Bích Tuyền (á hậu 3) và Phạm Thị Ánh Vương (á hậu 4).
Cũng vào tối 3/8, chung kết cuộc thi Hoa hậu Du lịch Việt Nam khép lại với chiến thắng thuộc về người đẹp Phạm Thị Ngọc Quỳnh, sinh năm 1998, quê Hải Dương. Ngôi vị á hậu 1, á hậu 2 lần lượt được trao cho Huỳnh Kim Anh và Lê Thị Ánh Tuyết.
Vậy là chỉ trong một đêm, Việt Nam đã có thêm 2 hoa hậu và 6 á hậu, chưa kể còn hàng loạt những giải thưởng phụ như: Người đẹp được yêu thích nhất, Người đẹp tài năng, Người đẹp có gương mặt khả ái, Người đẹp truyền cảm hứng, Người đẹp dạ hội, Người đẹp hình thể, Người đẹp áo dài, Người đẹp nhân ái, Người đẹp thời trang…
Trước đó, vào chiều ngày 6/7, cuộc thi Miss Universe Vietnam 2024 cũng họp báo công bố sẽ có một danh hiệu hoa hậu cho người được xướng tên ở ngôi vị cao nhất và có tới 4 danh hiệu á hậu.
Chỉ tính riêng năm 2024, hiện Việt Nam đã có 5 cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia bao gồm: Miss Universe Vietnam, Miss Grand Vietnam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam Toàn cầu, Hoa hậu Quốc gia Việt Nam. Đó là chưa kể còn có vô số các cuộc thi hoa khôi vùng miền nhiều đến mức không ai đếm nổi.
Kể từ khi cuộc thi hoa hậu toàn quốc đầu tiên được tổ chức vào năm 1988, đã 2 thập kỷ trôi qua, vương miện hoa hậu luôn được xem là một biểu tượng cao quý.
Trước đây, các cuộc thi hoa hậu được tổ chức như một hoạt động văn hóa có ý nghĩa và các người đẹp đăng quang đều để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng.
Họ không dễ dàng để quên đi những cái tên như Bích Phương, Thu Thủy, Kiều Anh… và dấu ấn riêng mà họ tạo dựng cho cộng đồng.
Thế nhưng, đó đã là "chuyện xưa". Bây giờ, tình trạng "ra ngõ gặp hoa hậu", "loạn hoa hậu", "bội thực người đẹp", "lạm phát cả hoa hậu" đã trở nên quen thuộc, khiến không chỉ công chúng ngán ngẩm mà còn làm giảm giá trị của chiếc vương miện mà các hoa hậu giành được.
Nhiều chuyên gia văn hóa, chuyên gia sắc đẹp và công chúng thở dài: "Đến khi "mỗi nhà có một hoa hậu" cũng chẳng để làm gì.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhà thơ Dương Kỳ Anh - "cha đẻ" cuộc thi Hoa hậu Việt Nam - lo ngại, có nhiều cuộc thi sắc đẹp sẽ làm khán giả nhàm chán, dẫn đến tình trạng khó kiểm soát trong công tác tổ chức, chất lượng nhan sắc, tài năng của thí sinh.
"Thời tôi tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam chỉ có mục đích là tôn vinh cái đẹp của người phụ nữ Việt Nam, là ngày hội văn hóa hấp dẫn, lý thú và bổ ích để định hướng cái đẹp cho tuổi trẻ, chứ không nghĩ đến việc kiếm tiền.
Tôi thấy hiện nay, nhiều cuộc thi không rõ mục đích và quy mô tổ chức nhưng vẫn dùng danh xưng hoa hậu. Điều này đã làm mất đi tính chất nghiêm túc của những cuộc thi và gây ra những hiểu lầm với công chúng", nhà thơ Dương Kỳ Anh nói.
Theo ông Dương Kỳ Anh, thi sắc đẹp không phải là việc… "chạy sô". Trong 2 ngày có 2 hoa hậu, 6 á hậu thực sự là… loạn hoa hậu, loạn danh hiệu.
Các cuộc thi sắc đẹp nên tổ chức 2 năm 1 lần, nếu không chất lượng khó đảm bảo, việc tìm kiếm, lựa chọn các gương mặt mới, xứng đáng với các tiêu chí cuộc thi cũng trở nên khó khăn.
NSND Lê Tiến Thọ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du Lịch (VH-TT&DL) - nói, ngày trước, Bộ VH-TT&DL chỉ cho phép một số cơ quan làm văn hóa mới được tổ chức các cuộc thi, nhưng từ khi có Nghị định 144/2020/NĐ-CP thì việc cấp phép các cuộc thi sắc đẹp "thoáng" hơn, dẫn đến "nhà nhà, người người" tổ chức thi sắc đẹp, khiến cho công chúng "hoa mắt, chóng mặt".
"Với nghị định này thì địa phương có thể cấp phép các cuộc thi dẫn đến các cuộc thi cứ đủ hồ sơ là được tổ chức. Tổ chức thi hoa hậu là hoạt động văn hóa, mà văn hóa phải nghiêm túc, kế hoạch rõ ràng.
Với việc tổ chức ồ ạt như vậy, các cơ quan chức năng nên xem xét lại. Ví dụ tổ chức các hội thảo nhà nước để xem xét lại có nên "thả lỏng" vậy không? Chúng ta cần định hướng cho giới trẻ những hoạt động văn hóa luôn phải văn minh, nghiêm túc…", ông Thọ nói.
"Thi hoa hậu như thi... văn nghệ"
Thực tế cho thấy, các cuộc thi hoa hậu từ lâu đã không còn nhận được nhiều sự quan tâm ở các quốc gia phát triển. Thay vào đó, cuộc thi này được xem như là sân chơi của các nước đang phát triển.
Mục đích của việc tổ chức ra các cuộc thi sắc đẹp, chọn ra các cô gái đăng quang hoa hậu cũng ngày càng trở nên lệch lạc.
Nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Tiến Thọ thẳng thắn, một số cuộc thi hoa hậu được tổ chức là một hình thức làm… kinh tế khi ban tổ chức kêu gọi doanh nghiệp, công ty quảng cáo để kiếm tiền, không chú trọng đến chất lượng cuộc thi.
"Nếu lạm dụng, làm hơi quá, sẽ dẫn đến nhiều dư luận và hệ hụy không hay. Vì thế chúng ta cũng nên nghiêm khắc hơn khi đánh giá các cuộc thi sắc đẹp", nguyên Thứ trưởng Lê Tiến Thọ bày tỏ.
Ông Dương Kỳ Anh cũng nói về lý do gần đây không ngồi "ghế nóng" các cuộc thi sắc đẹp: "Có khá nhiều các cuộc thi sắc đẹp mời tôi làm giám khảo, nhưng tôi không tham gia.
Có 2 lý do: Tôi đã ngồi ghế "nóng" nhiều cuộc thi rồi. 20 năm ngồi giám khảo cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, rồi cuộc thi Hoa hậu Asean và đi các nước Bắc Âu chấm thi nữa,… đã đến lúc tôi nghỉ ngơi.
Thứ 2 là với những cuộc thi mới, tôi không biết họ tổ chức thế nào, nhỡ họ không tôn vinh cái đẹp mà tổ chức với mục đích khác thì sao?".
Chia sẻ với phóng viên Dân trí về việc một loạt cuộc thi nhan sắc ra đời, Hoa hậu Việt Nam 2010 Ngọc Hân cho rằng, đó đơn giản là xu thế của thị trường, đáp ứng quy luật cung - cầu hiện có.
"Tại một đất nước mà người dân ưa chuộng các cuộc thi sắc đẹp thì ắt hẳn sẽ có những người kinh doanh, phát triển thị trường này.
Có thể trên truyền thông hay mạng xã hội, chúng ta hay nói về việc nở rộ các cuộc thi hoa hậu. Nhưng nếu không ai quan tâm thì những cuộc thi đó liệu có xuất hiện và tồn tại", người đẹp chia sẻ.
NSND Vương Duy Biên - nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL cũng cho rằng, các cuộc thi sắc đẹp được tổ chức là do quy luật cung - cầu, nếu pháp luật không cấm và có quy định riêng thì nên làm theo quy định.
"Cũng không sợ "loạn" hoa hậu đâu, tất cả các cuộc thi đều hoạt động theo kiểu đào thải kinh tế thị trường. Cuộc thi nào tốt sẽ được đánh giá cao, cuộc thi nào dở sẽ bị tẩy chay.
Gần đây, tôi có ngồi ghế giám khảo một số cuộc thi hoa hậu và thấy rằng, chất lượng của một số cuộc thi được nâng cao, tổ chức rất chuyên nghiệp. Tôi thấy những cuộc thi sắc đẹp đang đi đúng lộ trình, có dáng dấp của việc phát triển công nghiệp văn hóa, đến một mức độ nào đó, các sự kiện văn hóa cũng sẽ được sàng lọc tự nhiên thôi", ông Biên nói.
NSND Vương Duy Biên kể thêm, ở nước ngoài, khán giả coi các cuộc thi hoa hậu như một sự kiện giải trí, như một buổi trình diễn văn nghệ xong rồi thôi. Theo ông, mọi người nên đưa các cuộc thi sắc đẹp về đúng chỗ, không nên "tâng bốc" hoặc kỳ vọng quá nhiều vào trách nhiệm xã hội của các người đẹp đăng quang.
"Đôi khi khán giả và truyền thông làm cho các người đẹp có danh hiệu rất áp lực. Như với cuộc thi Miss Grand Vietnam 2024 mà tôi ngồi ghế giám khảo tối 3/8 mới đây.
Tôi thấy tân Hoa hậu Quế Anh giỏi giang, tài giỏi, hát hay. Chúng tôi chấm cả quá trình cô ấy tham gia thi chứ không phải chỉ một đêm chung kết. Có thể khán giả "ném đá" vì một phút cô ấy chưa làm tốt trên sân khấu, nhưng chúng tôi luôn đánh giá công bằng với các thí sinh", NSND Vương Duy Biên nói.