DNews

Các cường quốc sắc đẹp ngày càng "hờ hững" với thi hoa hậu

Mi Vân

(Dân trí) - Ấn Độ, Venezuela, Mỹ vốn được xem là cường quốc sắc đẹp thế giới khi sở hữu nhiều vương miện Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ, nhưng giờ đây họ cũng không còn mặn mà với những cuộc thi nhan sắc.

Các cường quốc sắc đẹp ngày càng "hờ hững" với thi hoa hậu

Hàng năm, trên thế giới, rất nhiều cuộc thi nhan sắc quốc gia và quốc tế được tổ chức nhằm tìm kiếm những người đẹp đại diện cho tổ chức, theo đuổi sứ mệnh hòa bình, tích cực hoạt động từ thiện, đại diện cho tiếng nói của phụ nữ hiện đại. Tuy nhiên, việc tràn lan các cuộc thi nhan sắc khiến người xem dần trở nên "bão hòa".

Hiện tại, chỉ có 6 cuộc thi sắc đẹp quốc tế vẫn được khán giả theo dõi. Đó là Hoa hậu Hoàn vũ (Miss Universe), Hoa hậu Hòa bình (Miss Grand International), Hoa hậu Trái đất (Miss Earth), Hoa hậu Thế giới (Miss World), Hoa hậu Quốc tế (Miss International), Hoa hậu Siêu Quốc gia (Miss Supranational). 

Tranh cãi về chất lượng của các cuộc thi nhan sắc quốc tế

Năm 2022, thí sinh của cuộc thi Miss Planet International 2022 (Hoa hậu Hành tinh Quốc tế) đã đăng đàn tố Ban Tổ chức lừa đảo, bỏ rơi 35 thí sinh tại Uganda. Thí sinh của cuộc thi đã đăng đàn kêu cứu trên trang cá nhân và nhờ cơ quan chức năng vào cuộc. 

Cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2022 (Miss Grand International) đối mặt với khủng hoảng truyền thông lớn khi thí sinh tố Ban Tổ chức bào mòn sức khỏe, miệt thị ngoại hình thí sinh, dàn xếp kết quả…

Người đẹp Lu Juan Mzyk - thí sinh của Nam Phi tại cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2022 (Miss Grand International) - đã lên tiếng tố cáo Ban Tổ chức cuộc thi bào mòn sức khỏe và không bảo vệ thí sinh. Được biết, 4 ngày trước đêm chung kết, người đẹp Lu Juan Mzyk đã phải nhập viện vì kiệt sức.

Sau chung kết năm 2022, fanpage cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2022 mất 2,4 triệu fan và bị khán giả chê trách. Hậu cuộc thi, Top 10 của cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2022 không có các hoạt động xã hội ý nghĩa mà chỉ tổ chức livestream (phát sóng trực tiếp) bán hàng, tổ chức các sự kiện nhỏ lẻ. 

Các cường quốc sắc đẹp ngày càng hờ hững với thi hoa hậu - 1

Hình ảnh tại cuộc thi Hoa hậu Hòa bình 2023 (Ảnh: MGI).

Cuộc thi Hoa hậu Trái đất (Miss Earth) bị khán giả quay lưng sau gần 20 năm tổ chức. Phóng viên tờ Komsomolskaya Pravda từng giả danh khách hàng để thương lượng với Lorraine Schuck - chủ tịch Hoa hậu Trái đất, về chuyện "đi cửa sau", và cái giá bà này đưa ra cho vương miện là 4 triệu USD.

Theo Manila Times, các cô gái tham dự Hoa hậu Trái đất phải chi 2.000 USD phí tham gia nhưng chỉ được ở khách sạn 3 sao, đứng chen nhau trên tàu điện ngầm để di chuyển đến địa điểm ghi hình. Họ phải chụp ảnh trước backdrop nhàu nát, catwalk trên sân khấu ọp ẹp, các bữa ăn dành cho thí sinh bị tố không đảm bảo dinh dưỡng. 

Từ một cuộc thi nhan sắc được đánh giá cao về chất lượng và lượng thí sinh tham dự lớn, cuộc thi Hoa hậu Trái đất đang dần mất khán giả. Nhiều người dùng mạng từng kêu gọi tẩy chay cuộc thi khi cho rằng ban giám khảo ưu ái "gà nhà", các đại diện của Philippines. Bằng chứng là trong lịch sử hơn 20 năm của Hoa hậu Trái đất, Philippines giữ kỷ lục cả về số lần đăng cai cuộc thi và số vương miện (4 lần đăng quang vào 2008, 2014, 2015 và 2017).

Các cường quốc sắc đẹp ngày càng hờ hững với thi hoa hậu - 2

Cuộc thi Hoa hậu Trái đất vướng nhiều ồn ào trong những năm gần đây (Ảnh: Missosology).

Hoa hậu Mỹ bị khán giả quay lưng vì bê bối mua giải, ồn ào tình dục 

Hoa hậu Mỹ, một cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia, có sức hút lớn và uy tín cũng không tránh khỏi những bê bối, thị phi suốt thời gian qua. Sau 71 năm tồn tại và phát triển, cuộc thi Hoa hậu Mỹ được xếp ngang hàng với cuộc thi quốc tế lớn như Hoa hậu Thế giới, Hoa hậu Hoàn vũ. 

Mỹ cũng là quốc gia có nhiều người đẹp đăng quang tại Hoa hậu Hoàn vũ nhất hiện nay với 9 lần chiến thắng. Mỹ cũng nằm trong Top các quốc gia nhiều hoa hậu nhất thế giới hiện nay với 3 lần chiến thắng tại đấu trường Hoa hậu Thế giới.

2 năm gần đây, cuộc thi liên tục đối mặt với những chỉ trích từ công chúng. Năm 2002, người đẹp R'Bonney Gabriel đăng quang Hoa hậu Mỹ 2022. Tuy nhiên, nhiều thí sinh đã lên tiếng tố cáo ban tổ chức và người điều hành tổ chức Hoa hậu Mỹ Crystle Stewart, thiên vị R'Bonney Gabriel.

Các cường quốc sắc đẹp ngày càng hờ hững với thi hoa hậu - 3

Người đẹp Alma Cooper đăng quang Hoa hậu Mỹ 2024 (Ảnh: Getty Images).

Trước những cáo buộc, tháng 8/2023, tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ đã đình chỉ ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Mỹ do Crystle Stewart đứng đầu. Sau đó, Crystle Stewart đã từ chức chủ tịch của Hoa hậu Mỹ. Cô được thay thế bởi nhà thiết kế thời trang Laylah Rose.

Sau khi lên thay Crystle Stewart, nhà thiết kế thời trang Laylah Rose tiến hành nhiều cải cách để vực dậy uy tín của cuộc thi Hoa hậu Mỹ. Tuy nhiên, những hậu quả nặng nề mà người tiền nhiệm Crystle Stewart để lại khiến danh tiếng của cuộc thi tiếp tục bị ảnh hưởng.

Bộ phim tài liệu How to fix a pageant do tờ New York Times sản xuất năm 2023 cũng phơi bày những mặt tối của cuộc thi Hoa hậu Mỹ khiến công chúng ngỡ ngàng. Theo đó, nghi vấn dàn xếp kết quả, mua giải hay scandal quấy rối tình dục của Max Sebrechts (chồng của Crystle Stewart, đồng thời từng là Phó chủ tịch Hoa hậu Mỹ) liên tiếp được phơi bày, khiến công chúng phẫn nộ. 

Những mặt tối của cuộc thi Hoa hậu Mỹ đã khiến cuộc thi không còn giữ được uy tín và phải đối mặt với sự xuống cấp trầm trọng. Mùa giải năm 2024 kết thúc hồi đầu tháng 8 không tạo được hiệu ứng lớn với khán giả. 

Người Ấn Độ ngày càng thờ ơ với danh xưng hoa hậu

Thập niên 1990, 2000 được xem là quãng thời gian nở rộ của nhan sắc Ấn Độ tại các cuộc thi nhan sắc quốc tế. Những người đẹp làm rạng danh Ấn Độ tại các cuộc thi sắc đẹp quốc tế có thể kể đến như Aishwarya Rai, Sushmita Sen, Diana Hayden, Yukta Mookhey, Lara Dutta, Priyanka Chopra… 

Họ chính là những cái tên chiến thắng tại hai đấu trường nhan sắc quốc tế đình đám thế giới là Hoa hậu Hoàn vũ và Hoa hậu Thế giới. Bước ra khỏi cuộc thi nhan sắc này, họ có cơ hội đóng phim, lập nghiệp tại Hollywood.

Hình mẫu đăng quang tại các cuộc thi nhan sắc rồi bước chân vào showbiz trở thành ước mơ của nhiều cô gái Ấn Độ. Tuy nhiên, theo truyền thông Ấn Độ, 10 năm qua, sự quan tâm của công chúng Ấn Độ với các cuộc thi sắc đẹp và sức hút của các đấu trường sắc đẹp không còn mạnh mẽ như trước. 

Các cường quốc sắc đẹp ngày càng hờ hững với thi hoa hậu - 4

Người đẹp Harnaaz Sandhu của Ấn Độ đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ 2021 (Ảnh: MU).

Anoop Chauhan - người đẹp tham gia cuộc thi Miss North India Princess (một cuộc thi nhan sắc địa phương của Ấn Độ) - cho biết: "Tinh thần chiến đấu của các thí sinh không hề giảm đi nhưng số lượng người đăng ký thi hoa hậu đã giảm 10-15%. Ngoài ra, chất lượng của các ứng viên cũng giảm".

Nói về lý do các cuộc thi sắc đẹp ngày càng mất đi sự hấp dẫn, một cây bút nổi tiếng của Ấn Độ - Kiran Manral - nêu ý kiến: "Tôi nghĩ phần lớn liên quan đến thực tế là các cuộc thi hoa hậu đánh giá phụ nữ qua vẻ đẹp bên ngoài của họ. Thế hệ này có thể sẽ thấy không ổn với việc mọi người đánh giá, xếp hạng vẻ đẹp của ai đó.

Bên cạnh đó, chiến thắng cuộc thi nhan sắc được xem là bước đầu giúp họ tiến vào nền công nghiệp điện ảnh Ấn Độ. Do vậy, việc tham gia các cuộc thi nhan sắc chỉ còn tạo hứng thú với những người muốn bước chân vào Bollywood". 

Hoa hậu Ấn Độ 2001 - Celina Jaitly - cũng nhận định: "Sự xuất hiện của mạng xã hội, toàn cầu hóa và tôi ghét phải nói điều này nhưng chất lượng và sự đầu tư, chỉn chu của các thí sinh đã giảm. Việc lựa chọn thí sinh cũng thiếu sự đa dạng và ở hầu hết các cô gái, niềm đam mê và khát vọng đại diện cho Ấn Độ đã không còn bùng cháy như xưa".

Sushmita Sen - Hoa hậu Hoàn vũ 1994 - tin rằng, những cô gái ngày nay dường như không hiểu những điều cần để trở thành hoa hậu. Với họ, tham gia các cuộc thi nhan sắc đồng nghĩa với việc muốn vẻ đẹp của mình được tôn vinh và đặc biệt là tìm cơ hội đổi đời.

Cường quốc nhan sắc Venezuela không còn mặn mà với các cuộc thi sắc đẹp 

Theo The Brooklyn Rail, Venezuela từng là một trong những cường quốc về nhan sắc với chiến thắng đáng nể như 6 danh hiệu Hoa hậu Thế giới, 7 vương miện Hoa hậu Hoàn vũ, 8 lần đăng quang tại Hoa hậu Quốc tế…

Venezuela cũng có những lò đào tạo hoa hậu. Nhiều phụ nữ xem việc trở thành hoa hậu là một nghề nghiệp triển vọng, mang lại cơ hội đổi đời cho họ.

Tuy nhiên, một báo cáo của AP News nhận định nền kinh tế Venezuela đang lao dốc, lạm phát gia tăng khiến nhiều cuộc thi sắc đẹp của nước này đình trệ. Các công ty truyền hình, thương hiệu thời trang cũng thắt chặt tối đa khoản tài trợ, đầu tư.

Hơn 10 năm gần đây, Venezuela mất đi vị thế độc tôn tại các cuộc thi nhan sắc. Họ vướng phải sự cạnh tranh khủng khiếp từ các quốc gia châu Á, đặc biệt là Philippines, Thái Lan và cả Việt Nam trong các cuộc thi nhan sắc quốc tế.

Các cường quốc sắc đẹp ngày càng hờ hững với thi hoa hậu - 5

Dayana Mendoza của Venezuela đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ 2008 tổ chức tại Việt Nam (Ảnh: MU).

Năm 2018, cuộc thi Hoa hậu Venezuela gây xôn xao dư luận vì các cáo buộc mại dâm liên quan đến các thí sinh. Nhiều thí sinh bị tố đổi tình lấy xe sang, những chuyến du lịch đẳng cấp, nhận tài trợ trang phục dự thi, chi phí phẫu thuật thẩm mỹ hay các phần thưởng giá trị khác từ các quan chức. 

Sau đó, một trung tâm chuyên đào tạo thí sinh thi hoa hậu tại Caracas (Venezuela) đã bị đóng cửa. Bê bối này đã khiến công ty đứng sau cuộc thi phải dừng hoạt động và đình chỉ các cuộc tuyển chọn. Sau scandal, danh tiếng của cuộc thi Hoa hậu Venezuela đã giảm sút đáng kể. 

Giselle Reyes, người điều hành 4 trường đào tạo hoa hậu dành cho phụ nữ trẻ ở Venezuela, cho biết trong suốt 10 năm qua, có khoảng 70% học viên của bà đã rời khỏi đất nước để tìm kiếm công việc người mẫu ở các quốc gia khác.

"Vào những năm 1990, việc tham gia cuộc thi sắc đẹp ở Venezuela gần như đảm bảo cho bạn một công việc vững chắc trong ngành giải trí. Nhưng bây giờ mọi chuyện khó khăn hơn nhiều", bà Rafael Briceno nói. 

Nhiều quốc gia châu Á không còn bận tâm tới thi hoa hậu 

Trong khi tại Thái Lan, Philippines, các cuộc thi hoa hậu vẫn có sức hút mạnh mẽ thì tại Trung Quốc, danh xưng hoa hậu giờ không còn là điều mà các cô gái trẻ khát khao.

Trung Quốc cũng là một quốc gia châu Á có thành tích tại các cuộc thi nhan sắc quốc tế không "phải dạng vừa". Họ từng có Lý Băng lọt top 5 Hoa hậu Thế giới 2001, Ngô Anh Na lọt top 10 Hoa hậu Thế giới 2002, Quan Kỳ giành Á hậu 2 tại Hoa hậu Thế giới 2003, Trương Tử Lâm sở hữu vương miện Hoa hậu Thế giới 2007, Vu Văn Hà giành vương miện Hoa hậu Thế giới 2012. Đây cũng là thời điểm mà các cuộc thi nhan sắc tại Trung Quốc rất thịnh hành. 

Tuy nhiên, sau giai đoạn thành công rực rỡ, các thí sinh của Trung Quốc không còn gây ấn tượng tại các đấu trường nhan sắc quốc tế. Chất lượng thí sinh Hoa hậu Trung Quốc bị đánh giá giảm sút trong những năm qua vì sức hấp dẫn của các cuộc thi không còn. 

Các cường quốc sắc đẹp ngày càng hờ hững với thi hoa hậu - 6

Trương Tử Lâm là người đẹp đầu tiên của Trung Quốc giành danh hiệu Hoa hậu Thế giới vào năm 2007 (Ảnh: Weibo).

Thập niên 1990, các cuộc thi hoa hậu bùng nổ tại Trung Quốc, việc xem thi hoa hậu cũng là niềm đam mê của khán giả quốc gia tỷ dân. Tuy nhiên, hiện tại, các cuộc thi nhan sắc không còn là mối quan tâm của khán giả Trung Quốc, phải xếp sau các sự kiện âm nhạc, điện ảnh, thông tin giải trí… 

Lý giải sự sụt giảm sức hút của thi hoa hậu tại Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng, chất lượng thí sinh, công tác tổ chức và sự tràn lan các danh xưng hoa hậu chính là nguyên nhân. Hầu hết các người đẹp tham dự các cuộc thi nhan sắc để tìm bệ phóng bước vào làng giải trí. Với năng lực hạn chế, dù có cơ hội gia nhập làng giải trí họ cũng nhanh chóng bị đào thải. 

Theo Korea Times, khoảng 10 năm gần đây, cuộc thi Hoa hậu Hàn Quốc đánh mất giá trị sau bê bối mua giải, thí sinh mặc phản cảm, tiêu chuẩn ngoại hình quá cao, phi thực tế. Năm 2019, đấu trường sắc đẹp này vấp tranh cãi khi để thí sinh mặc quốc phục cách tân hở hang phản cảm trong đêm chung kết.

Năm 2013, mẹ của một thí sinh từng dự thi Hoa hậu Hàn Quốc 2012 gây chấn động mạng xã hội và truyền thông khi tố cáo hành vi lừa đảo của ban tổ chức. Theo người này, ban tổ chức đã chủ động liên lạc với bà và đề nghị mua bán giải. Sau đó, ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hàn Quốc 2012 giải thích rằng đây là vấn đề cá nhân và nhân viên nhận tiền đã bị sa thải.

Bên cạnh những bê bối về khâu tổ chức hay nghi vấn mua giải, cuộc thi Hoa hậu Hàn Quốc còn giảm sức hút vì chất lượng thí sinh. Nhiều người đẹp vướng nghi vấn phẫu thuật thẩm mỹ, kỹ năng trình diễn hạn chế. Nhan sắc của các tân hoa hậu cũng là chủ đề bàn tán của cộng đồng mạng.

Kết: Việc tổ chức ồ ạt, thiếu đầu tư trong khâu lựa chọn chất lượng thí sinh, thiếu chỉn chu trong công tác tổ chức và những ồn ào hậu cuộc thi khiến khán giả ngày càng ngao ngán, quay lưng với các cuộc thi nhan sắc quốc tế.

Những hoa hậu có khả năng lan tỏa, truyền cảm hứng đi ra từ các cuộc thi ngày càng ít. Thay vào đó, khán giả chỉ còn nhớ những scandal xuất phát từ các cuộc thi sắc đẹp. Với sự phát triển của mạng xã hội và truyền thông, những bê bối trong khâu tổ chức các cuộc thi nhan sắc quốc tế ngày càng dễ dàng bị bóc trần.

Thông điệp của các cuộc thi nhan sắc đều mang ý nghĩa to lớn như tìm kiếm đại diện cho sắc đẹp, trí tuệ và có sức ảnh hưởng trong một lĩnh vực cụ thể. Nhưng giờ đây, hiếm có cuộc thi nào khiến khán giả hài lòng vì đi đúng mục đích, khẩu hiệu. Sự lan tỏa hay đóng góp của các người đẹp đăng quang sau cuộc thi ngày càng mờ nhạt. 

Thập niên 1990 và đầu những năm 2000 là thời điểm mà hầu hết các thiếu nữ đều khao khát trở thành hoa hậu. Các hoa hậu được ngợi ca là "đại sứ thương hiệu" cho đất nước, được ngưỡng mộ, tung hô. Tuy nhiên, theo Youth Inc, các cuộc thi sắc đẹp dường như đang trở thành nơi kiếm bộn tiền cho ban tổ chức. 

"Nếu các cuộc thi sắc đẹp chấp nhận những người ở mọi tầng lớp, với mọi hình dáng cơ thể, đó sẽ là một thay đổi mang tính cách mạng và thật sự tạo nên một xã hội hạnh phúc lành mạnh", tờ Youth Inc nhận định.