"Gia cảnh" và thuế thu nhập cá nhân
Đó là một buổi trưa hè cuối tuần nắng gắt, ngột ngạt nơi một quận vùng ven thành phố, nhưng không ngột ngạt bằng thứ tôi đang phải trao đổi với khách hàng của mình - Bản báo cáo tài chính sơ bộ của gia đình.
Thói quen của nghề nên tôi thường đánh giá thu nhập của khách hàng dưới dạng thu nhập gộp để tìm cách tối ưu hóa và giải thích sự khác biệt giữa thu nhập gộp và thu nhập ròng giữa các loại thu nhập từ các nguồn khác nhau cho khách hàng.
Gia đình khách hàng có hai con, một bé tám tháng tuổi, một bé đang học lớp ba. Anh đi làm và chị ở nhà trông con nhỏ vì cả hai bên nội ngoại đều ở xa. Lương của anh trên hợp đồng là 37 triệu đồng/tháng và hàng tháng cầm về còn tầm 32 triệu đồng, có thể xếp vào nhóm thu nhập cao.
Nhưng, thực tế với mức thu nhập trên của gia đình thì gần như không có tháng nào dư dả, và đôi khi là thiếu hụt. Nhìn qua bảng báo cáo tôi thấy chi phí "Cần" (những chi phí cố định và cần thiết cho cuộc sống) hàng tháng của gia đình là 26 triệu đồng, trong đó chi phí thuê nhà, ăn uống, đi lại và các tiện ích… hết 17 triệu đồng; tiền chi phí cho con nhỏ là 5 triệu đồng/tháng và học phí cho con lớn ở một trường tư thục là 4,2 triệu đồng/tháng.
Nhưng đó mới chỉ là chi phí "Cần". Cuộc sống đâu thể chỉ là cố gắng tồn tại qua ngày, đôi khi sẽ phát sinh những chi phí "Muốn".
Đặc thù công việc làm quản lý bán hàng, nên người chồng không tránh khỏi được việc thỉnh thoảng cũng phải ngồi cà phê, bia bọt với đồng nghiệp hoặc đối tác. Mặc dù cố gắng hạn chế nhưng một tháng anh cũng phải ngồi ít nhất 2 lần, tổng hết tầm 1,5 triệu đồng/tháng. Họ cũng muốn đầu tư cho việc học tiếng Anh cho con lớn ở một trung tâm, chi phí 2 triệu đồng mỗi tháng, và gửi tiền về quê phụ giúp ba mẹ chồng với số tiền 2 triệu đồng mỗi tháng. Chưa gì tổng sơ sơ đã hơn 30 triệu đồng.
Anh chị nhìn bảng báo cáo và tỏ rõ sự căng thẳng khi mọi thứ phơi bày rõ ràng qua các số liệu. Mặc dù vậy tôi vẫn phải thẳng thắn chia sẻ là những con số vừa rồi chưa phản ánh hết chi phí của gia đình. Vì chi phí hàng tháng được tính đúng phải là tổng chi phí của một năm chia cho 12 tháng. Vậy điều khác biệt là gì? Đó chính là những chi phí gia đình phát sinh trong năm nhưng ta quên phân bổ cho hàng tháng. Ví dụ chi phí hiếu hỉ, ma chay, chi phí sửa chữa, chi phí bảo hiểm nhân thọ, chi phí sách vở, quần áo ngày mùa tựu trường, chi phí Tết, vaccine… Tổng các chi phí này phân bổ thì hàng tháng chi tiêu gia đình sẽ đội lên tiếp ít nhất 15% nữa. Đây là mức chi tiêu mà theo tôi là đã khá chắt chiu, thắt lưng buộc bụng so với các gia đình khác cùng mức.
Gần như dòng tiền của gia đình này là âm. Họ không còn phần dư nào để tích lũy hay chí ít là xây dựng quỹ dự phòng tài chính phòng khi bất trắc. Thế nhưng hàng tháng họ vẫn phải đóng thuế thu nhập cá nhân gần 1,3 triệu đồng, mặc dù đã có giảm trừ gia cảnh hai người phụ thuộc.
Theo số liệu báo cáo của ngành thuế, tính từ sau Covid-19, mức thu thuế từ thu nhập cá nhân năm sau luôn cao hơn năm trước, quý sau luôn cao hơn quý trước và trong đó có đóng góp rất lớn từ những người làm công ăn lương.
Thuế thu nhập cá nhân là công cụ tốt để tạo ra sự công bằng, góp phần thúc đẩy an sinh xã hội, tuy nhiên với biểu thuế như hiện tại, cả hai mục tiêu này không dễ đạt được; ngược lại không ít người lao động, nhất là những người làm công ăn lương - nhóm nhạy cảm và dễ bị rủi ro bởi các tác động kinh tế xã hội, đang phải đóng khoản thuế đáng kể so với thu nhập và mức sống khiêm tốn ở đô thị.
Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, thiết nghĩ thu thuế thì phải "khoan sức dân", phải chừa cho người dân một mức để có thể tái tạo cũng như phát triển sức lao động.
Biểu thuế hiện nay được nghiên cứu ban hành lần đầu vào năm 2007 và có hiệu lực vào năm 2009 với mức giảm trừ gia cảnh dành cho người nộp thuế là 4 triệu đồng/ tháng, người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/ tháng; đến năm 2012 nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng/ tháng, người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/ tháng; đến năm 2020 nâng lên 11 triệu đồng/ tháng, người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/ tháng.
Nhìn vào số liệu bên trên ta có thể thấy kể từ khi ban hành đến nay, mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế và người phụ thuộc chỉ tăng 2,75 lần. Trong khi đó lương tối thiểu vùng của Chính phủ đã tăng 9,1 lần từ năm 2007 đến nay để bù cho lạm phát! Chưa kể giá xăng dầu, điện, lương thực phẩm, y tế, giáo dục tăng không ngừng.
Vậy làm thế nào để một gia đình có thể nuôi con ăn học được với số tiền 4,4 triệu?. Và cho chính mình với chi phí ít ỏi 11 triệu đồng/tháng?. Áp lực lên đời sống là quá lớn, căng thẳng âu lo chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự tập trung, năng suất của người lao động và rộng hơn là của quốc gia.
Theo số liệu của trang Numbeo, mức trung bình để sống gọi là khá ở TPHCM thì gia đình bốn người cần chi phí là 41,7 triệu đồng một tháng chưa kể chi phí thuê nhà, và mỗi người cần là 11,8 triệu đồng một tháng.
Trải qua 17 năm ban hành nhưng chúng ta mới chỉ có ba lần điều chỉnh thuế, có thể thấy được biểu thuế hiện tại đang quá lạc hậu và bất cập.
Bên cạnh đó Việt Nam là nước nằm trong nhóm có thu nhập trung bình thấp. Thế nhưng biểu thuế suất thu nhập cá nhân Việt Nam lại tương ứng với nhóm những nước có thu nhập cao cũng là một bất cập khác.
Tất cả những điều này không có gì mới và đã được nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội nêu ra vừa qua và cho thấy đây là vấn đề vô cùng bức thiết cần phải thay đổi ngay. Thế nhưng đại diện ngành Tài chính cho hay phải đợi đến 2025 sửa đổi tổng thể Luật thuế thu nhập cá nhân thì mới xem xét và đến tận 2026-2027 mới có thể thực hiện.
Nhìn sang láng giềng Trung Quốc, cuộc khủng hoảng bất động sản ở nước này có rất nhiều nguyên nhân gây ra, tuy nhiên có một nguyên nhân trọng yếu mà theo các chuyên gia, Trung Quốc khó có thể sửa chữa được một sớm một chiều. Đó là tốc độ gia tăng dân số chậm đi rõ rệt và già hóa dân số dẫn đến nhu cầu với bất động sản giảm đi nhanh chóng. Vì các áp lực quá lớn về kinh tế nên nhiều bạn trẻ Trung Quốc chọn sống độc thân, không kết hôn, không có con.
Tương lai không xa khi Việt Nam sẽ nằm trong nhóm quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới (người già chiếm 30% vào 2035), chúng ta càng cần phải áp dụng chính sách thuế linh hoạt và công bằng hơn, tạo điều kiện cho sự phát triển bền vững và đồng thời giảm thiểu áp lực cho các gia đình và doanh nghiệp.
Trước thực tế khó khăn, áp lực cuộc sống với người lao động hiện nay, chính sách thuế cần phải được xem xét và điều chỉnh một cách phù hợp và thường xuyên, kịp thời hơn. Chỉ khi chúng ta có một hệ thống thuế linh hoạt và công bằng, mới có thể tạo ra một môi trường kinh doanh và lao động lành mạnh, tăng năng suất và tính cạnh tranh quốc gia, thu hút lao động trình độ cao…, từ đó thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đất nước.
Tác giả: Đức Nguyễn là chuyên gia huấn luyện tài chính được chứng nhận Certified Professional Coach của Liên đoàn Huấn luyện Quốc tế (ICF). Ông có 10 năm kinh nghiệm đào tạo, tư vấn & quản lý đội ngũ tư vấn tài chính tại Citibank, Standard Chartered bank và Vndirect; 13 năm kinh nghiệm giảng dạy, huấn luyện tài chính.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!