Tâm điểm
Nguyễn Văn Đáng

Doanh nhân ký hợp đồng làm công chức: Cách tiếp cận mới, nhiều triển vọng

Một thông tin thu hút nhiều sự chú ý, bàn luận trong thời gian gần đây là việc Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị định cho phép các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị ở nước ta được ký hợp đồng với những nhân sự đang làm việc tại khu vực ngoài Nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ của công chức.

Trên thế giới, tuyển dụng nhân sự từ khu vực tư nhân cho các vị trí việc làm trong chính quyền là hiện tượng khá phổ biến tại các nước phát triển, đặc biệt là các nước phương Tây và Mỹ. Chẳng hạn, sau khi thắng cử, các Tổng thống Mỹ có quyền bổ nhiệm với khoảng hơn 3.000 vị trí việc làm trong hệ thống các cơ quan thuộc nhánh Hành pháp của chính quyền liên bang. Điều này lý giải vì sao rất nhiều doanh nhân, nhà khoa học, nhà báo, nhà hoạt động xã hội, nhà vận động chính trị…có thể được đảm nhiệm các vị trí trong hệ thống các cơ quan công quyền của nước Mỹ.

Tất nhiên đặc thù mỗi nước khác nhau, nên kinh nghiệm từ các nước chỉ để tham khảo. Cho đến nay, việc tuyển dụng nhân sự từ khu vực tư nhân để thực hiện các nhiệm vụ của công chức vẫn là vấn đề còn khá mới mẻ ở nước ta. Với hình thức hợp đồng, các cơ quan, đơn vị Nhà nước có thể tuyển dụng nhân sự đáp ứng yêu cầu về năng lực, như các doanh nhân tiêu biểu, nhà quản lý doanh nghiệp, luật sư, luật gia, chuyên gia hoặc nhà khoa học đầu ngành…Đây là những người có kiến thức, trình độ chuyên môn cao, có nhiều trải nghiệm và kinh nghiệm thực hiện các nhiệm vụ mà cơ quan Nhà nước đang có nhu cầu và kỳ vọng.

Doanh nhân ký hợp đồng làm công chức: Cách tiếp cận mới, nhiều triển vọng - 1

Chuyên gia, doanh nhân có thể được ký hợp đồng làm công chức lãnh đạo trong thời gian 24 tháng (Ảnh minh họa do AI tạo)

Theo dự thảo Nghị định, phạm vi các lĩnh vực chuyên môn mà các cơ quan Nhà nước có thể ký hợp đồng tuyển dụng khá rộng, bao gồm: xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng chương trình, đề án kinh tế, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số; phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo; cải cách thủ tục hành chính; xây dựng quy trình, thủ tục nội bộ…

Trong xã hội hiện đại, “hợp đồng” là một cơ chế và phương tiện chính sách phổ biến, giúp các tổ chức có thể chủ động và linh hoạt tìm được nhân sự với năng lực phù hợp, đáp ứng các nhu cầu công việc cấp bách trong một khoảng thời gian nào đó. Vì thế, sau khi ban hành, Nghị định nêu trên sẽ tạo điều kiện pháp lý để các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị ở nước ta có thêm biện pháp để nhanh chóng giải quyết những “điểm nghẽn” về năng lực thực thi nhiệm vụ thông qua tuyển dụng lực lượng lao động chất lượng cao từ khu vực ngoài Nhà nước.

Có thể thấy, những ý tưởng chính sách nêu trên khẳng định tư duy và quan điểm mới mẻ, cởi mở của Đảng và Nhà nước trong quá trình nỗ lực hành động để cải thiện chất lượng thực thi nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị. Thay vì phải thực hiện theo các nguyên tắc, quy trình nhân sự cứng nhắc, thậm chí máy móc đang áp dụng trong các cơ quan Nhà nước hiện nay, hình thức “hợp đồng” cho phép bất cứ ai đáp ứng yêu cầu về năng lực chuyên môn và phẩm chất thì đều có thể được tuyển dụng để thực hiện các nhiệm vụ của đội ngũ công chức.

Theo dự thảo, thời hạn hợp đồng làm công chức lãnh đạo hoặc công chức chuyên môn sẽ được giới hạn ở mức tối đa là 24 tháng; hợp đồng dịch vụ không quá 36 tháng. Những quy định này giúp các cơ quan, đơn vị không chỉ có thể dễ dàng kết thúc hợp đồng với những người không đáp ứng yêu cầu công việc để tìm người khác thay thế, mà còn không phải lo ngại về nguy cơ “phình to” biên chế bởi vì những người ký hợp đồng sẽ không được tính vào chỉ tiêu biên chế của đơn vị.

Trên phương diện lý thuyết, những khía cạnh tích cực của định hướng chính sách nêu trên có thể giúp các đơn vị trong hệ thống chính trị tạo sự chuyển biến rõ rệt trong thực thi nhiệm vụ thông qua việc tận dụng trí tuệ, kinh nghiệm, và kỹ năng của lực lượng lao động từ khu vực tư nhân. Cũng chính những tác động tiềm năng này giúp ý tưởng chính sách dễ dàng nhận được sự ủng hộ từ phía xã hội, thể hiện qua những ý kiến trao đổi, bàn luận rất tích cực trên các cơ quan báo chí cũng như trên mạng xã hội trong thời gian gần đây.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, hứa hẹn sẽ tiếp thêm luồng sinh khí mới, tác động tích cực đến hoạt động của các cơ quan Nhà nước, dự thảo Nghị định thu hút chuyên gia, doanh nhân thực hiện các nhiệm vụ của công chức cũng gợi ra những vấn đề cần được nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng.

Thứ nhất, đó là khả năng thích ứng với những điều kiện, yêu cầu đặc thù về động lực, ý thức, tác phong làm việc của khu vực công. Những người thành công trong khu vực tư nhân đã quen với cơ chế cạnh tranh sòng phẳng và khắc nghiệt, môi trường làm việc linh hoạt, chế độ đãi ngộ xứng đáng với năng lực và mức độ đóng góp, cũng như phong cách làm việc cá nhân, ít phải xử lý các mối quan hệ phức tạp, ràng buộc lẫn nhau. Khi làm việc cho cơ quan Nhà nước, những thế mạnh tạo nên thành công cho họ sẽ được tạo điều kiện phát huy như thế nào trong môi trường công sở vốn có những nguyên tắc vận hành khác với bên ngoài?

Thứ hai, hợp đồng chỉ kéo dài trong 24 hoặc 36 tháng nghĩa là có giới hạn rõ ràng về thời gian. Giả sử các chuyên gia hoàn thành xuất sắc công việc theo hợp đồng trong thời gian này thì cơ hội tiếp theo của họ như thế nào, ví dụ như ưu tiên ký tiếp hợp đồng hay tuyển dụng chính thức. Đây là vấn đề dự thảo Nghị định đã đề cập, nhưng nên được làm rõ hơn. Về lý thuyết thì một doanh nhân ký hợp đồng làm việc trong khu vực công sẽ không được thăng tiến trong hệ thống chính trị như các công chức khác, trừ khi họ được tuyển dụng chính thức và trở thành công chức. Quy định rõ ràng các quyền lợi sẽ tạo động lực thu hút các chuyên gia, doanh nhân có tài năng, tâm huyết gác lại cơ hội ở khu vực tư nhân để tham gia phục vụ trong khu vực công.

Vấn đề nêu trên gợi ra rằng tài chính, và phần nào đó là uy tín xã hội, sẽ là những động lực làm việc chính yếu đối với những nhân sự chất lượng cao khi họ ký hợp đồng với cơ quan Nhà nước. Trong hai động lực này, theo tôi, chế độ đãi ngộ (động lực tài chính) sẽ giữ vai trò quan trọng đối với ý thức, tinh thần cũng như khả năng làm việc của chuyên gia, doanh nhân tại các cơ quan Nhà nước.

Cũng theo dự thảo Nghị định, người được ký hợp đồng sẽ được hưởng thù lao, lương hoặc chế độ thuê khoán tương xứng với nhiệm vụ, sản phẩm đã hoàn thành, theo thỏa thuận giữa hai bên. Tuy nhiên, các cơ quan Nhà nước sẽ đối diện với nhiều thách thức khi phải bố trí nguồn lực và xác định thế nào là mức thù lao tương xứng với những nhân sự chất lượng cao, vốn là doanh nhân, nhà quản trị doanh nghiệp có uy tín trên thị trường; luật gia, luật sư, chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành có trình độ chuyên môn cao, uy tín trong lĩnh vực.

Vấn đề thứ ba cần quan tâm là nguy cơ xung đột lợi ích khi cơ quan Nhà nước tuyển dụng những người làm việc trong khu vực tư nhân. Một khả năng có thể xảy ra là sẽ có những người, bất chấp mức độ đãi ngộ chưa tương xứng với yêu cầu của công việc được giao, vẫn ký hợp đồng làm việc để từ đó sử dụng những lợi thế của vị trí việc làm để phục vụ cho những toan tính riêng của cá nhân, hoặc nhóm thân hữu. Đây là tình huống không như mong muốn cho nên cần được xem xét kỹ lưỡng để đề ra các giải pháp kiểm soát phù hợp, hữu hiệu.

Thu hút và tuyển dụng những nhân sự với năng lực nổi bật từ khu vực tư nhân để thực hiện những nhiệm vụ của công chức là một chính sách hứa hẹn nhiều tác động tích cực. Tuy nhiên, để có thể bảo đảm khả năng thành công, các cơ quan Nhà nước cần sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi phương diện, từ điều kiện làm việc, chế độ đãi ngộ cho đến những cơ chế và biện pháp hỗ trợ, giám sát và đánh giá sự thể hiện trong công việc để kịp thời phản ứng nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra.

Tác giả: Ông Nguyễn Văn Đáng có bằng tiến sĩ Quản trị công và chính sách từ trường Quản lý nhà nước Mark O. Hatfield, Đại học Portland State, Mỹ. Hiện ông công tác tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!