Dẹp vỉa hè và chuyển đổi số
Hai việc tưởng chừng như ít liên quan, nhưng chuyển đổi số trong quản trị đô thị ở thành phố bên bờ sông Hương lại cho thấy hỗ trợ rất tốt cho việc giữ trật tự, văn minh vỉa hè.
"Quán nhậu bên hông cầu Trường Tiền lấn chiếm vỉa hè, kính mong cơ quan chức năng xử lý. Tôi xin cảm ơn", một dòng phản ánh ngắn gọn kèm hình ảnh gửi về ứng dụng đô thị thông minh Hue-S. Ít ngày sau, chính quyền phường Đông Ba nơi quản lý địa bàn có sự phản ánh của người dân đã cho lực lượng đến kiểm tra, giám sát. Mọi việc đúng như phản ánh, cơ quan chức năng xử lý và lập biên bản.
"Sau khi nhận được phản ánh của quý ông/bà, UBND phường đã mời hộ kinh doanh lên làm việc và cho làm cam đoan cam kết không lấn chiếm vỉa hè bỏ bàn ghế để kinh doanh. UBND phường xin trả lời cho công dân được biết (kèm theo file bản cam kết). UBND phường chân thành cảm ơn phản ánh của quý ông/bà và mong tiếp tục nhận được phản ánh trong thời gian tới", chính quyền phường trả lời về phản ánh của người dân.
Những thông tin trên được đăng tải đầy đủ và công khai trên ứng dụng Hue-S để không chỉ những ai liên quan mà người dân toàn thành phố đều có thể theo dõi. Thông tin này được người dân gửi phản ánh đánh giá "hài lòng" trên ứng dụng sau khi chính quyền vào cuộc giải quyết.
Hue-S là ứng dụng xây dựng theo hướng super App (siêu ứng dụng trên nền tảng di động), giúp triển khai các dịch vụ đô thị thông minh phục vụ người dân, doanh nghiệp và chuyển đổi số trong quản lý nhà nước của chính quyền địa phương.
Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, sau hơn 3 năm triển khai, Trung tâm Giám sát và điều hành Đô thị thông minh (IOC) Huế với hạt nhân là Hue-S đã tạo nên bước tiến vượt bậc trong việc chuyển đổi số tại địa phương, góp phần lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong hai năm liên tiếp (2021 và 2022), Thừa Thiên Huế xếp thứ hai toàn quốc về chỉ số chuyển đổi số (DTI) do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố.
Trong các ứng dụng của Hue-S, có mục đã trở nên quen thuộc với người dân địa phương là "Phản ánh hiện trường", nơi bất cứ ai cũng có thể phản ánh đến chính quyền những điều "chướng tai gai mắt" nhìn thấy trên đường phố hoặc ngõ xóm.
Nếu bạn vào ứng dụng Hue-s, gõ từ khóa "lấn chiếm vỉa hè" trên thanh công cụ tìm kiếm ở mục "Phán ánh hiện trường", sẽ có hàng trăm kết quả là những kiến nghị của người dân về tình trạng này. Các phản ánh sau đó được chính quyền ghi nhận, triển khai lực lượng chức năng xuống kiểm tra, nhắc nhở, xử lý và yêu cầu tổ chức, cá nhân liên quan ký biên bản không tái phạm.
Ứng dụng công nghệ trở thành cánh tay nối dài giúp chính quyền nắm bắt nhanh các vấn đề trật tự đô thị muôn hình vạn trạng, và có thể phát sinh bất cứ lúc nào mà lực lượng chức năng mỏng nên không thể kiểm soát hết. Từ việc xe máy, ôtô đậu đỗ không đúng quy định, buôn bán lấn chiếm vỉa hè, cho đến nạn xả rác bừa bãi…
Từ lâu thành phố Huế đã ra văn bản quy định: Xe máy khi dựng trên vỉa hè phải dựng mép bên ngoài đường và tất cả đều quay đầu ra, phía bên trong dành cho người đi bộ. Hue-S giúp thành phố và mỗi người dân duy trì cách thức đậu xe ngăn nắp này, bởi bất cứ hàng quán nào làm sai thì sẽ bị phản ánh và xử phạt ngay.
Tất cả phản ánh hiện trường trên ứng dụng Hue-S đều công khai, trở thành sức ép đòi hỏi chính quyền địa phương và lực lượng chức năng phải phản ứng nhanh và trả lời để người dân biết, đánh giá mức độ hài lòng hay không. Từ góc nhìn một người Huế, tôi có thể thấy dù còn nhiều việc cần làm để hoàn thiện, Hue-S đã bước đầu trở thành công cụ chuyển đổi số hữu hiệu của chính quyền thành phố nói chung, và trong những việc cụ thể như dẹp vỉa hè nói riêng.
Nhìn ra các tỉnh, thành khác trên toàn quốc, từ vài năm nay, nhiều địa phương đã xây dựng các ứng dụng chuyển đổi số phục vụ công tác quản lý nhà nước và tương tác với người dân, ví dụ Hà Nội có ứng dụng "Hà Nội Smart City", một số tỉnh cũng có ứng dụng tương tự Hue-S… Với sự phát triển của công nghệ hiện nay việc xây dựng ứng dụng có lẽ không phải quá khó, vấn đề khó hơn là làm sao để ứng dụng đó hoạt động liên tục và tạo ra sự tương tác thực sự giữa người dân và chính quyền địa phương. Nghĩa là phải làm cho ứng dụng đó "sống", trở thành phương thức kết nối hàng ngày, hàng giờ giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Hiện nhiều địa phương triển khai chiến dịch dẹp vỉa hè, lập lại trật tự, văn minh đô thị với các cuộc ra quân rầm rộ. Tuy nhiên nhiều người lo ngại nếu không duy trì quyết tâm này thường xuyên mà chỉ là các chiến dịch như trước đây thì rất dễ trở thành "đánh trống bỏ dùi". Điều đáng tiếc là khi chúng tôi truy cập vào ứng dụng của một số địa phương thấy giao diện rất giống với Hue-S, song ở mục "phản ánh hiện trường" thì trống không, không có bất cứ thông tin và tương tác nào giữa người dân và chính quyền; hơn nữa, hầu như các mục khác cũng chẳng có thêm thông tin nào. Với thực tế như vậy, đây không thể là các ứng dụng "sống"!
Quả thực, chúng ta đã nói quá nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, về chuyển đổi số, nhưng để hiện thực hóa trong những việc cụ thể như ứng dụng Hue-S thì không phải dễ dàng và không phải địa phương nào cũng đang làm tốt.
Kinh nghiệm từ thành phố Huế cho thấy điều quan trọng nhất để duy trì và phát triển hoạt động của ứng dụng, đó là trách nhiệm tham gia của chính quyền địa phương, lực lượng chức năng trong việc tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân và vào cuộc giải quyết, trả lời để người dân biết. Cuối cùng, người dân có thể đánh giá hài lòng hay không đối với kết quả giải quyết từng phản ánh cụ thể.
Như đã nêu ở trên, không phải tự nhiên mà hai năm liên tiếp Thừa Thiên Huế xếp thứ hai toàn quốc về Chỉ số chuyển đổi số, Trong các chỉ số được đánh giá, Thừa Thiên Huế có nhiều chỉ số dẫn đầu và xếp hạng cao như: hoạt động chính quyền số (xếp thứ nhất), An toàn thông tin mạng, hạ tầng số (xếp thứ 2), Nhận thức số (xếp thứ ba)...
Theo các đánh giá chính thức, điểm cốt lõi trong việc áp dụng công nghệ vào quản lý đô thị của Huế là mô hình lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để thiết kế mọi hoạt động. Đơn cử, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh, có kết nối internet, người dân có thể tham gia vào giám sát giúp chính quyền trong việc gìn giữ trật tự đô thị.
Tất nhiên, chuyển đổi số không chỉ góp phần giúp chính quyền và người dân giữ gìn trật tự vỉa hè mà còn nhiều việc hữu ích khác; điều quan trọng hơn là chuyển đổi số thành công và đảm bảo ứng dụng hoạt động thường xuyên thì nó sẽ trở thành công cụ để duy trì những nền nếp của cộng đồng.
Tác giả: Nguyễn Đắc Thành học báo chí tại Đại học Huế; hiện anh là công tác viên của nhiều tờ báo ở Trung ương và địa phương về các đề tài bảo tồn động vật hoang dã, bảo vệ rừng và môi trường.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!