Tâm điểm
Quan Thế Dân

"Con gì cũng ăn"

Khi còn là thanh niên, tôi rất hay tự hào Việt Nam mình cái gì cũng là nhất. Ngay cả cái ăn cũng nhất thế giới, rất nhiều món, phong phú nhất thế giới. Năm 1990 lần đầu tiên được ra nước ngoài, sống ở châu Âu, tôi thấy có nhiều cái lạ.

Đầu tiên là thấy thiên nhiên rất gần con người. Ven hồ ven sông gần nhà, thấy thiên nga rồi vịt trời sống từng đàn, rất dạn người, cảm giác chỉ giơ tay ra là tóm được. Tôi thắc mắc hỏi những người sang trước rằng sao vịt nhiều thế không bắt lấy ăn, thì được cảnh báo rằng chớ có bắt, bị cảnh sát phạt nặng lắm. Tôi gật gù, thì ra Tây không ăn vì sợ bị phạt.

Không chỉ vịt trời, mà rất nhiều động vật khác sống cạnh con người, cũng không hề bị bắt ăn thịt. Tôi rất ấn tượng về chim sẻ ở đây, to béo mập, hàng đàn đậu trĩu cả cành cây. Mùa đông tuyết trắng, chim sẻ đậu tránh rét đầy trong các bụi cây ở công viên. Chà bây giờ mà quăng cái lưới thì phải nói là tóm được cả đàn. Trong rừng thì nhiều thú lớn. Thỉnh thoảng chúng chạy băng qua đường bị ô tô đâm trúng. Cũng không thấy ai mang thịt về ăn, làm chúng tôi tiếc hùi hụi, mong sao có ngày mình đâm trúng được một con nai.

Con gì cũng ăn - 1

Cảnh buôn bán chim trời ở Hà Nội thời điểm tháng 11/2023 (Ảnh: Toàn Vũ).

Dưới sông thì cá nhiều vô kể. Có lẽ cá là loại duy nhất mà người ở đây được phép bắt về ăn. Mùa hè phong trào câu cá phát triển, người dân thường vào rừng hái nấm, hái lá thuốc và câu cá. Cuộc sống rất thanh bình.

Tôi để ý, trong bữa ăn của người dân châu Âu, toàn là các sản phẩm được nuôi trồng trong trang trại. Nhiều nhất là sữa, sữa tươi, các sản phẩm chế biến từ sữa như bơ, pho mát. Thịt thì có thịt lợn, gà là ăn hàng ngày. Lâu lâu mới thấy ăn thịt bò. Cá thì tuần ăn một lần, vào ngày thứ sáu. Trong bữa ăn người dân bình thường chủ yếu ăn đồ đã chế biến sẵn, gồm bánh mì, pate, xúc xích, thịt hun khói… chỉ có một món súp là nóng. Nên bữa ăn của Tây chuẩn bị rất nhanh, chỉ vài phút là xong.

Do ở cùng với Tây nên chúng tôi có dịp so sánh, bữa ăn của người Việt chế biến qua nhiều công đoạn hơn, từ thực phẩm thô, thịt tươi: vo gạo nấu cơm, kho thịt, rán thịt, nấu canh… mất cả giờ đồng hồ chiếm giữ cái bếp của chủ nhà. Người dân ở đây chỉ đun nấu làm các món cầu kỳ vào dịp lễ, còn hàng ngày bữa ăn của họ rất công nghiệp, không mất thời gian như Việt Nam.

Tôi ở Tây chừng một năm thì cảm giác "háo" thịt mất hẳn. Chắc là do ăn uống đủ chất nên cơ thể không còn thèm gì nữa. Lúc bấy giờ nhìn đàn thiên nga, vịt trời bơi lội trên hồ mới cảm nhận được nét đẹp thanh bình, không còn nhìn chúng thành những món ăn nữa. Tuy nhiên nỗi thương nhớ quê nhà không mất hẳn, mà lâu lâu cứ trỗi dậy. Tôi lặn lội vào tận lò mổ để mua lòng và xin tiết về làm món lòng lợn tiết canh, chấm với mắm tôm mua ở chợ người Việt, làm chủ nhà phải chạy ra ngoài.

Đấy là tôi ở chung với người dân sở tại, nên cũng kiềm chế bớt các thú vui ẩm thực dân tộc. Còn nhiều người Việt khác ở chung với nhau, thì vẫn giữ nguyên nếp sống quê nhà. Vào các khu chung cư của người Việt sống ở Đông Âu thời gian đó, ta có cảm giác như bước chân vào các làng quê Việt Nam. Các vụ việc vi phạm pháp luật nước sở vẫn diễn ra đâu đó: bắt chó hoang về làm món cầy tơ bảy món, bắt bồ câu về nướng, mua heo sống, vịt sống về tự thịt để lấy tiết đánh tiết canh…

Có xa Việt Nam một thời gian, mới có một khoảng lặng để nhìn lại về thói quen ẩm thực của quê nhà. Có vẻ như có một cái gì đấy khác biệt. Việt Nam có nhiều món được xếp vào dạng "kinh dị" của thế giới như tiết canh, trứng vịt lộn, các món sâu, kiến. Có những món gây ấn tượng không hay thậm chí bị phản ứng như các loại mắm, thịt chó mèo. Có thể chúng ta vin vào nét đặc thù văn hóa. Không sai. Nhưng điều đáng nói ở đây là thái độ ứng xử với thiên nhiên. Thái độ nhìn đâu cũng tìm xem có gì ăn được không. Cách sống "ăn không chừa thứ gì" như là một đặc điểm truyền thống của nhiều người Việt được truyền từ ông bà, cha mẹ, nghĩa là truyền qua nhiều thế hệ.

Điểm lại lịch sử, thì mảnh đất mà tổ tiên chúng ta sống không phải thuận lợi hoàn toàn cho cuộc sống con người. Nắng nóng, mưa nhiều, lụt lội ẩm thấp, độ ẩm không khí cao… thuận lợi cho các loại cây cỏ phát triển, nhưng lại là bất lợi cho các loài thú lớn. Khi tổ tiên chúng ta chuyển từ cuộc sống săn bắt hái lượm sang cuộc sống định cư nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi thì chủ yếu vẫn sống dựa vào trồng trọt là chủ yếu. Thức ăn chủ yếu vẫn là các loại thực vật: hạt, củ quả, lá cây. Thịt động vật, nguồn protein để cải tạo nòi giống cho cường tráng luôn thiếu thốn, nên người Việt nhìn chung có tầm vóc nhỏ, cơ bắp ít.

Sống trong hoàn cảnh không có chăn nuôi gia súc quy mô lớn, luôn thiếu protein động vật trong khẩu phần ăn hàng ngày, có lẽ là một trong những lý do từ xa xưa người Việt chúng ta bắt ăn tất cả những gì có thể. Côn trùng, ếch nhái, rắn rết, rùa, ba ba, chuột… cho đến sâu bọ, tổ ong, trứng kiến… Ăn còn là cách thể hiện cái uy quyền của loài đứng đầu chuỗi thức ăn trong tự nhiên. Để thể hiện vị trí của mình, không gì rõ ràng hơn là mình được ăn thịt các loài còn lại. Lâu dần thành một căn tính, nhìn thấy con gì chuyển động trong tiềm thức liền bật lên câu hỏi: "Có ăn được không?".

Cùng với đó là do ảnh hưởng của nền y học cổ truyền, dựa vào các niềm tin thơ ngây, rằng ăn con gì thì có thể chiếm đoạt cái tinh khí của con vật ấy, nên càng thúc đẩy một bộ phận người Việt tàn sát các động vật hoang dã. Người ta tin rằng khi ăn thịt, uống máu con vật nào thì sẽ có được sức mạnh của con vật đó. Thậm chí ăn hết thịt, uống hết máu của con vật đó rồi cũng chưa đã, phải lấy xương của chúng ninh lên thành cao, ăn nốt. Cứ thế, hươu nai cho đến hổ, báo, gấu, voi, khỉ … trong tự nhiên ngày càng hiếm, nhiều loài đã tuyệt chủng. Thậm chí cái suy diễn này nhiều khi đến mức quái gở, thấy một con côn trùng có động tác dập dềnh liên tục, gọi là con "bổ củi", liền bảo nhau bắt về ngâm rượu uống để hy vọng sẽ cải thiện được sức khỏe tình dục.

Ngày nay, cuộc sống đã có nhiều cải thiện lớn. Nhớ lại thời chưa xa, mới có mấy chục năm trước thôi, bữa cơm có thịt là một điều gì đó xa xỉ, hôm nào bất chợt có khách ở quê ra chơi là méo mặt lo lắng có cái gì để mời khách, không lẽ lại ăn rau như mọi ngày. Ngày nay các trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn như trang trại gà, trang trại lợn, các bè cá, các ao tôm… đã đáp ứng đủ nguồn protein động vật cho bữa cơm hàng ngày. Bây giờ mâm cơm gia đình bữa nào cũng có thịt, cá. Các món thịt cá còn phải thay đổi liên tục cho đỡ ngấy. Lớp trẻ sinh sau những năm 1990 có tầm vóc cao lớn vượt bậc so với thế hệ ông bà cha mẹ xưa kia.

Tuy nhiên cái tâm lý ăn không chừa một thứ gì không những không mất đi, mà thậm chí còn lan rộng. Ăn bây giờ không còn vì đói, vì thèm chất đạm nữa, mà ăn để thể hiện địa vị. Con gì càng quý hiếm, càng cấm săn bắt thì càng ăn, vì càng thể hiện là người có tiền, có quyền. Các động vật có trong sách đỏ trở thành những món ăn trong bữa tiệc sang trọng, thành những món quà đắt giá đi biếu xén.

Với tầng lớp bình dân, bất cứ con gì chuyển động cũng thành món nhậu cho vô vàn hàng quán khi đêm về. Khách nước ngoài đã nhận xét Việt Nam là một trong những nước thích ăn nhậu nhất thế giới. Các biển hiệu chứa đựng nội dung vi phạm pháp luật được trưng công khai "quán thịt rừng", "quán chim to dần"…

Để phục vụ cho nhu cầu ăn, ngoài việc tấn công các loài trong tự nhiên, nhiều khi còn dẫn đến những du nhập cả những loài động vật ngoại lai, gây nên mất cân bằng sinh thái như cá rô phi, ốc bươu vàng, và gần đây nhất là tôm hùm đất. Với tôm hùm đất mới chỉ là báo động của các nhà sinh vật học, còn cá rô phi và ốc bươu vàng thì đã để lại những thảm họa về sinh thái nhãn tiền. Bây giờ khắp các ao hồ trong cả nước đâu đâu cũng thấy cá rô phi sinh sản và phát triển, lấn át tất cả các loài cá nhỏ bản địa. Còn ốc bươu vàng nuôi thí điểm làm nguồn chất đạm cứu đói trong những năm 1980, đến nay đã lan ra khắp các cánh đồng, cắn lúa, không thể tiêu diệt nổi.

Phát triển chăn nuôi quy mô lớn, giá thành hạ, ngoài việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của nhân dân, còn là biện pháp bảo vệ tự nhiên, tránh khai thác tự nhiên quá mức, giữ ổn định cân bằng môi sinh. Đồng thời, con người cũng cần trưởng thành lên, về mặt tâm lý xã hội, để nhìn ra xung quanh thấy môi trường tự nhiên là quý giá, thấy mỗi con người là một phần của thiên nhiên tươi đẹp, chứ không chỉ nhìn tự nhiên với ánh mắt "có gì chén được không".

Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!