Tâm điểm
Ngô Tiến Long

Chuyến công du mang tinh thần ngoại giao tâm công

Ngoại giao "tâm công" nói một cách vắn tắt, khái quát nhất là tranh thủ trái tim của đối tác cho các mục tiêu của mình và cơ sở để thực hành ngoại giao tâm công là lịch sử, văn hóa, chính sách đối ngoại và năng lực của những người làm đối ngoại.

Trong quan hệ quốc tế, ở các mức độ khác nhau, nước nào cũng sử dụng ngoại giao tâm công nhưng mỗi nước một khác, mỗi người một khác. Một trong những đặc điểm nổi bật của ngoại giao Việt Nam là ngoại giao tâm công thu phục lòng người bằng chính nghĩa, tình người, lẽ phải và đạo lý. Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người kế thừa và khéo léo vận dụng truyền thống ngoại giao tâm công của các thế hệ cha ông, phát triển nâng lên một tầm cao mới thành nghệ thuật ngoại giao tâm công khi đưa vào đó rất nhiều yếu tố lịch sử và đặc biệt là văn hóa để có thể dễ dàng động đến trái tim của mọi người.

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên trên cương vị cao nhất của Đảng và Nhà nước Việt Nam tới Cuba từ 26-27/9, dù đây là một trong những người bạn thủy chung, son sắt nhất của Việt Nam như lời của lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã từng làm rung động trái tim của mỗi người dân Việt Nam: "Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đã vận dụng và phát huy rất tốt truyền thống ngoại giao tâm công Hồ Chí Minh.

Chuyến công du mang tinh thần ngoại giao tâm công - 1

Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cuba, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz Canel Bermudez trao tặng Huân chương Jose Marti cho Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm (Ảnh: TTXVN)

Kết quả là đã góp phần làm cho các cuộc hội đàm, tiếp kiến hết sức thực chất và thân tình với các nhà lãnh đạo cao nhất của Cuba, đưa đến kết quả hai bên nhất trí cùng nhau viết tiếp trang sử hào hùng Việt Nam - Cuba và đưa quan hệ 2 nước bước sang một giai đoạn mới.

Trước hết, đó là việc nhắc đậm đến đóng góp của các nhà lãnh đạo tiền bối của Cuba cho phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước là Jose Marti và Fidel Castro - hai nhân vật huyền thoại của Cuba; và dành thời gian gặp gỡ, thăm hỏi thân tình với nguyên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cuba Raul Castro.

Tiếp theo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã thể hiện cả chính nghĩa lẫn tình người để thu phục trái tim và tình cảm của người Cuba khi tuyên bố: "Đoàn kết, ủng hộ Cuba là lương tâm và trách nhiệm của những người cộng sản và nhân dân Việt Nam"; thẳng thắn kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm vận chống Cuba...

Ngoài ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ta còn dành thời gian dự cuộc gặp mặt thân mật với đại biểu nhân dân và thế hệ trẻ Cuba; còn Phu nhân thì đi thăm động viên các cháu trường tiểu học Võ Thị Thắng, những hoạt động để lại rất nhiều tình cảm trong lòng nhân dân, đặc biệt là các thế hệ trẻ, chủ nhân tương lai của Hòn đảo Anh hùng.

Không chỉ áp dụng ngoại giao tâm công với bạn bè đồng chí thân thiết, chí cốt như Cuba mà với cả phía Hoa Kỳ, cựu thù xưa và cũng là nước đã cùng chúng ta nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện đúng 1 năm trước. Trước khi đến thăm Cuba, trong chuyến đi New York dự Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 và làm việc tại Mỹ từ 22-25/9 vừa qua, một chuyến đi được cả dư luận trong và ngoài nước đánh giá là 'lịch sử", những hoạt động song phương với phía Mỹ và nội dung phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm để giới thiệu về con đường hướng tới "Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam" và tầm nhìn để xây dựng một tương lai tốt đẹp cho toàn nhân loại, đã mang đậm tinh thần ngoại giao tâm công.

Điều này thể hiện sự tiếp nối liên tục trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, đồng thời cũng cho thấy khả năng vận dụng linh hoạt các nguyên tắc cốt lõi của Ngoại giao Việt Nam vào bối cảnh hiện đại hôm nay.

Đặc biệt, trong các bài viết/nói của mình. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã sử dụng nhiều yếu tố văn hóa, lịch sử; trích dẫn nhiều từ các sự kiện và nhân vật nổi tiếng của cả 2 bên trong các thông điệp của mình để dễ đến và đọng sâu được trong không chỉ trong trí nhớ mà cả trái tim của đông đảo người nghe/đọc mà ông muốn hướng tới.

Trước hết, trong các phát biểu song phương với phía Mỹ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhắc lại ngay việc Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi Cách mạng tháng Tám thành công đã sử dụng hai câu trích từ Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp trong Tuyên ngôn Độc lập của Việt Nam 2/9/1945.

Trong phát biểu tại Hội châu Á (Asia Society) nhân kỷ niệm 1 năm quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ được nâng cấp lên mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhắc lại một chi tiết lịch sử: "Gần 80 năm trước, Việt Nam Độc lập đồng minh hội, theo lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã chủ động tìm cách hỗ trợ các phi công Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ II"… và "Trong Cách mạng Tháng 8, những người bạn Mỹ là lực lượng nước ngoài duy nhất bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã được mời tham dự Lễ Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 và chứng kiến Hồ Chủ tịch trích dẫn Tuyên ngôn độc lập Mỹ. Hôm đó, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, trên khán đài nổi bật khẩu hiệu "Hoan nghênh phái đoàn Mỹ".

Đây là những chi tiết lịch sử có lẽ còn rất ít người không chỉ ở Mỹ mà ngay ở Việt Nam chưa biết đến, nhưng khi được nghe Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhắc lại hẳn bất cứ ai cũng rất xúc động về tình cảm gần gũi, thân tình giữa hai nước ngay từ những ngày đầu của cách mạng Việt Nam.

Thông qua việc nhắc lại lịch sử và nhấn mạnh những điểm chung gắn kết giữa hai quốc gia, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tạo nên cảm giác gần gũi và kết nối với người Mỹ và đây chính là cách tiếp cận thông minh nhằm xây dựng nền tảng cho mối quan hệ hợp tác sâu rộng hơn trong tương lai.

Cũng tại Lễ kỷ niệm nói trên và hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ Ngoại giao hai nước vào năm 2025, sự kiện có sự tham dự của cựu Ngoại trưởng John Kerry, Thượng nghị sĩ Dan Sullivan cùng nhiều quan chức, cựu quan chức cấp cao trong chính quyền cùng đông đảo bạn bè Hoa Kỳ và cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trích câu nói của Tổng thống Abraham Lincoln: "Cách tốt nhất để dự đoán tương lai là tạo ra nó".

Trích dẫn câu nói nổi tiếng này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ta hàm ý muốn nhắc nhở mạnh mẽ rằng tương lai của quan hệ Việt - Mỹ không phải là thứ tự nhiên xảy ra, mà là thứ chúng ta, trước hết là các nhà lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ hôm nay, có khả năng chủ động định hình và uốn nắn.

Ngoài ra, cũng ở Asia Society, khi đề cập đến bước phát triển vượt bậc trong quan hệ hợp tác giữa hai nước từ 1995 đến nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đánh giá thành tựu quan hệ đạt được trong 30 năm qua kể từ khi có bình thường hóa quan hệ Mỹ - Việt là nhờ công chung của cả hai bên, từ những nhà lãnh đạo cao cấp đến những người dân thường ít ai biết đến: "30 năm qua chúng ta đã cùng chung tay tạo nên một điểm nhấn lịch sử về một hình mẫu trong quan hệ quốc tế, ví như một bức tranh đẹp được dệt nên bởi sự đóng góp, công lao của rất - rất nhiều người, cả những nhà lãnh đạo tiêu biểu và cả biết bao con người, cả những người âm thầm mà chúng ta chưa thuộc hết mặt, biết hết tên".

Phát biểu trên thể hiện sự khiêm nhường và tinh tế của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ta trong thu phục rộng rãi lòng người trong chuyến đi Mỹ lần này.

Chuyến công du mang tinh thần ngoại giao tâm công - 2

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Đại học Columbia. Ảnh: TTXVN

Tại trường Đại học Columbia, một lần nữa Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhắc đến công lao của những nhà lãnh đạo đã đóng góp cho sự phát triển mà 30 năm trước khi nêu rất cụ thể: "Bên cạnh đó phải kể đến nhiều bạn bè, đối tác Mỹ như Tổng thống Bill Clinton và các tổng thống kế nhiệm, các Thượng nghị sĩ John McCain, John Kerry, Patrick Leahy… cùng nhiều người khác. Đặc biệt, tôi đánh giá cao sự ủng hộ lưỡng Đảng mạnh mẽ ở Mỹ đối với quan hệ Việt Nam - Mỹ. Đây là một trong những nền tảng quan trọng để đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước chúng ta ngày càng đi vào chiều sâu ổn định, bền vững, thực chất hơn thời gian tới"…

Dù toàn bộ các hoạt động tại New York với phía Mỹ trong chuyến đi này thể hiện sự chân tình và tích cực của Việt Nam cùng với Hoa Kỳ tiếp tục củng cố và thúc đẩy quan hệ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng không né tránh những rào cản thực tế vẫn còn tồn tại, nhưng chọn cách đề cập rất tự nhiên và dễ đi vào lòng người như đã thể hiện trong phát biểu tại Asia Society: "Nhìn nhận một cách thẳng thắn, dẫu chúng ta đã đạt được những bước tiến lớn trong quan hệ, Việt Nam và Mỹ vẫn còn một số khác biệt quan điểm nhất định về vấn đề quyền con người trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và tôn giáo… Nhưng điều quan trọng là chúng ta đã chọn đối thoại thay cho đối đầu. Không những vậy, chúng ta còn đối thoại trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn và xây dựng".

Vận dụng kiến thức uyên sâu về lịch sử và văn hóa của nước Mỹ, tại Đại học Columbia, Tổng Bí thư, Chủ nước Tô Lâm đã khéo léo mở đầu bài phát biểu bằng việc đưa ra những nhận xét về ngôi trường vào loại lâu đời và nổi tiếng nhất nước Mỹ bằng những lời khiến người Mỹ nào cũng thấy tự hào: "Hẳn các bạn rất tự hào về Đại học Columbia, ngôi trường với bề dày lịch sử 270 năm và một trong những cái nôi giáo dục hàng đầu của Mỹ đã đào tạo nên những người đã góp phần làm thay đổi tương lai. Trong đó, có tới 4 Tổng thống Mỹ, 2 Tổng Thư ký Liên Hợp quốc, 103 người đoạt giải Nobel và nhiều nhà khoa học lỗi lạc. Tôi được biết nhiều cựu sinh viên Đại học Columbia hiện giữ các cương vị lãnh đạo, quản lý cấp cao tại Việt Nam. Tôi đánh giá cao đóng góp của Đại học Columbia vào việc thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam cũng như quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ".

Thủy chung và biết ơn bạn bè cũng là một truyền thống và đã đi vào nội hàm của ngoại giao tâm công Hồ Chí Minh được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vận dụng xuyên suốt trong cả chuyến đi.

Trước Ban lãnh đạo Trường, nhiều quan chức chính quyền và tập thể các giáo sư và sinh viên Đại học Columbia, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói: "Truyền thống của người Việt Nam là "Giàu vì bạn… Chúng tôi không thể thực hiện các mục tiêu của mình nếu thiếu sự đoàn kết quốc tế trong sáng, sự ủng hộ quý báu và hợp tác hiệu quả của cộng đồng quốc tế. Thành công của chúng tôi là thành công của các bạn".

Để duy trì được truyền thống đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, với hiểu biết sâu sắc về ngoại giao tâm công Hồ Chí Minh, đã đề xuất như sau: "Tôi cho rằng để một mối quan hệ phát triển, các bên cần đẩy mạnh nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, con người, hệ thống chính trị, kinh tế - xã hội của nhau. Do đó, tôi đánh giá cao Chương trình Việt Nam học của Đại học Columbia và việc ký thỏa thuận hợp tác giữa trường và Đại học Vin. Nhìn rộng ra, tôi cho rằng nếu các quốc gia hiểu, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau, cùng nhau xây dựng lòng tin thì thế giới sẽ thêm hòa bình, bớt xung đột. Trong thời đại khoa học công nghệ, chúng ta có thể tranh thủ những phương thức mới như nền tảng và công cụ số để thúc đẩy sự kết nối rộng rãi và hiểu biết sâu sắc hơn giữa các dân tộc.

Khi kết thúc bài phát biểu tại cơ sở giáo dục đào tạo danh giá này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lại nhắc đến sự tương đồng giữa hai nước khi từng có những nhà lãnh đạo vĩ đại đã nhìn thấy và đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo con người.

Và cuối cùng, một điều không thể không nhắc tới nữa là dù rất bận rộn với lịch trình hoạt động dày đặc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm vẫn dành thời gian để trực tiếp trao Huân chương Hữu nghị của Việt Nam cho một số bạn bè Mỹ có nhiều đóng góp vào việc xây dựng và củng cố quan hệ hữu nghị giữa 2 nước (dù ông hoàn toàn có thể ủy quyền cho một quan chức khác trong Đoàn trao vì ông chính là người đã ký các Huân chương đó).

Điều này thể hiện sự quan tâm của người đứng đầu Đảng và Nhà nước Việt Nam đến từng cá nhân mỗi con người như thế nào và muốn đề cao sự đóng góp của những người bạn Mỹ cho sự phát triển quan hệ hợp tác Việt - Mỹ hiện nay.

Về các vấn đề quốc tế và toàn cầu, vẫn là để cho thấy Việt Nam đang cố gắng định vị mình như một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, trong các phát biểu tại Liên Hợp Quốc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có cách đề cập theo đúng tinh thần ngoại giao tâm công; thể hiện rõ tầm nhìn của Việt Nam về một thế giới hòa bình, phát triển bền vững và công bằng trong đó con người phải luôn được coi là yếu tố trung tâm.

Chuyến công du mang tinh thần ngoại giao tâm công - 3

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (Ảnh: TTXVN)

Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hoa Kỳ đã kết thúc bằng cuộc gặp rất quan trọng với Tổng thống Joe Biden, trong đó lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta đã khẳng định: "Quan hệ Việt - Mỹ có nhiều nét rất đặc biệt, trong 50 năm qua, từ cựu thù trở thành đối tác, Đối tác toàn diện và bây giờ đạt mức quan hệ cao nhất - Đối tác chiến lược toàn diện. Quan hệ hai nước đang bước sang trang sử mới và thực sự là hình mẫu trong quan hệ quốc tế về nỗ lực hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh".

Bằng cách kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, hài hòa giữa phấn đấu cho lợi ích quốc gia và quan tâm thích đáng đến bạn bè đối tác và có tầm nhìn toàn cầu, chuyến công du tại Hoa Kỳ vừa kết thúc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là một đóng góp to lớn và bước phát triển mới về ngoại giao tâm công Hồ Chí Minh, đồng thời là một hoạt động quan trọng để triển khai tầm nhìn đưa Việt Nam vào một "Khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam".

Tác giả: Ông Ngô Tiến Long là nhà ngoại giao đã nghỉ hưu; nguyên là Cục trưởng Cục Cơ yếu Bộ Ngoại giao. Ông cũng từng là Phó Tổng Biên tập báo Quốc tế (nay là Báo Thế giới & Việt Nam).

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!