Tâm điểm
Quan Thế Dân

Cảnh giác với những "bệnh xưa cũ"

Vừa rồi trong khoa Nhi của bệnh viện nơi tôi làm việc có sự kiện làm xôn xao toàn bệnh viện. Đó là việc khoa đột nhiên phát hiện ra chùm ca bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ em do trùng roi. Thật là bất ngờ. Căn bệnh tưởng chừng như đã được thanh toán từ lâu lắm rồi, nay lại xuất hiện. Nhiều bác sĩ trẻ trong khoa lần đầu tiên chứng kiến bệnh này ngoài thực tế.

Chúng tôi lập tức cho làm xét nghiệm tầm soát diện rộng thì phát hiện thêm một số ca mới, thậm chí ở cả những bệnh nhi mới có mấy tháng tuổi. May mắn sau khi phát hiện ra bệnh, áp dụng kháng sinh đặc hiệu thì tất cả các bé đều nhanh chóng ổn định. Sự việc này khiến cho nhân viên khoa tôi thêm cảnh giác, cứ có cháu bé tiêu chảy nào vào viện là lại tự động nhắc nhau: "Xem có trùng roi không đấy".

Trên truyền thông đại chúng gần đây liên tiếp đưa tin về một số căn bệnh đã lâu ít được nhắc đến, thậm chí có một thời tưởng như thanh toán xong cùng với tiêm chủng và miễn dịch cộng đồng, chẳng hạn như bạch hầu, sởi, ho gà…

Cảnh giác với những bệnh xưa cũ - 1

Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế là biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống các bệnh truyền nhiễm (Ảnh minh họa: CV)

Nhiều người hỏi tôi vì sao các "bệnh xưa cũ" xuất hiện?

Thực ra những năm qua từng xuất hiện một số ca bệnh bạch hầu và những ca bệnh khác mà có thể nhiều người trong chúng ta tưởng đã lãng quên. Liên quan đến những ca bạch hầu vừa qua ở Bắc Giang, Nghệ An, hiện tổng số người mắc và người tiếp xúc đã lên tới con số hàng trăm; rồi nhiều ca bị ho gà rải rác trong toàn quốc; hay là đã có những báo cáo về ca mắc viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm ở Hà Nội, Đắc Lắk... Những thông tin này thêm một lần nữa cho thấy một số bệnh vẫn chưa được loại trừ hoàn toàn ở Việt Nam và chúng ta không được phép chủ quan.

Sự xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm có thể được lý giải bởi một số nguyên nhân sau:

Giảm tỷ lệ tiêm chủng: Tỷ lệ tiêm chủng ở một số quốc gia và khu vực đang có xu hướng giảm sút, vì nhiều nguyên nhân như tiêm chủng chưa bao phủ hết; thời gian miễn dịch cộng đồng với một số dịch bệnh cũ đã yếu đi rất nhiều hoặc đã hết song nhiều người dân không tiêm mũi nhắc lại (ví dụ người lớn đã 10 năm chưa tiêm nhắc lại vaccine bạch hầu); ảnh hưởng của phong trào bài trừ vaccine, cho dù phong trào này là không có cơ sở khoa học…

Ở một số quốc gia, khi thu nhập bình quân đầu người tăng lên và được ra khỏi nhóm những nước thu nhập thấp, thì đồng thời bị cắt mất những khoản viện trợ vaccine, có thể dẫn đến thiếu vaccine cục bộ, tại một thời gian nhất định.

Biến đổi khí hậu và thay đổi môi trường sống, gia tăng giao lưu quốc tế, di chuyển liên tục, cùng với thay đổi thói quen sinh hoạt, hoặc thói quen sinh hoạt thiếu vệ sinh, thiếu an toàn..., cũng có thể góp phần thúc đẩy sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm.

Việc sử dụng kháng sinh bừa bãi, thiếu hợp lý dẫn đến tình trạng vi khuẩn, virus, ký sinh trùng ngày càng đề kháng với thuốc. Điều này khiến cho việc điều trị các bệnh truyền nhiễm trở nên khó khăn và phức tạp hơn.

Sự tái xuất hiện của các bệnh truyền nhiễm gây ra nhiều hậu quả, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Một số bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là ở trẻ em, có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như suy hô hấp, viêm não, thậm chí tử vong. Và thực tế là gần đây đã có người tử vong vì bạch hầu.

Ở đây chúng ta phải "cảnh giác kép". Trước hết là cảnh giác với sự quay trở lại của các căn bệnh xưa cũ làm tăng gánh nặng cho hệ thống y tế. Đồng thời cảnh giác với những lời khuyên phòng hoặc điều trị bệnh không có căn cứ khoa học.

Có địa phương mấy ngày gần đây số người tiêm vaccine bạch hầu tăng đột ngột, khiến cho việc cung ứng gặp khó khăn. Theo Bộ Y tế thì hiện nay đã có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh bạch hầu. Trong thực tế dù việc xuất hiện các ca mắc bệnh bạch hầu là đáng lo ngại song tỷ lệ mắc bệnh hiện ở mức thấp, hệ thống y tế có thể kiểm soát được.

Người dân không nên vì tâm lý hoang mang dẫn đến tiếp nhận thông tin sai lệch; không tự ý tiêm chủng vaccine chứa thành phần bạch hầu khi chưa có hướng dẫn, khuyến cáo cụ thể của cơ quan y tế trong vùng có dịch và theo hướng dẫn của từng loại vaccine có chứa thành phần bạch hầu.

Một câu hỏi khác được quan tâm lúc này là làm thế nào để phòng chống sự quay trở lại của các "bệnh xưa cũ"?

Để ngăn chặn sự lây lan và quay trở lại của các bệnh truyền nhiễm, bên cạnh vai trò nòng cốt của ngành Y tế, cần có sự chung tay góp sức của mỗi cá nhân và cộng đồng.

Nâng cao tỷ lệ tiêm chủng: Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế là biện pháp hiệu quả nhất để phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Việt Nam đã triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng (miễn phí) từ hàng chục năm nay, thông tin có đầy đủ trên Cổng thông tin chính thức của Bộ Y tế hoặc các bậc cha mẹ có thể ra trạm y tế xã, phường nơi gần nhất để tìm hiểu, sẽ được tư vấn đầy đủ.

Ngoài ra, về tiêm chủng dịch vụ, với các bậc cha mẹ đang đắn đo về số tiền bỏ ra tiêm chủng cho con mình thì nên biết Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã tính trung bình cứ 1 đồng đầu tư vào tiêm chủng tiết kiệm được hàng chục đồng chi phí bỏ ra để điều trị bệnh và các chi phí y tế liên quan. Thực tế, nhiều khi lơ là việc tiêm vaccine cho trẻ có khi dẫn đến những tổn thất không thể bù đắp nổi.

Thực hành lối sống vệ sinh, sử dụng thuốc hợp lý: rửa tay thường xuyên, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, ăn uống hợp vệ sinh,... là những thói quen đơn giản nhưng góp phần quan trọng trong việc phòng chống lây nhiễm. Như các ca bệnh tiêu chảy cấp do trùng roi ở khoa chúng tôi, sau khi hỏi kỹ đều phát hiện do cha mẹ cho con uống nước chưa nấu chín, rồi không rửa tay cho trẻ trước khi ăn.

Nâng cao ý thức cộng đồng, củng cố hệ thống y tế, sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý mua và sử dụng thuốc, đặc biệt là kháng sinh.

Các địa phương cũng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục về tác hại của các bệnh truyền nhiễm, nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh trong cộng đồng.

Sự xuất hiện của các ca "bệnh xưa cũ" là lời cảnh tỉnh cho tất cả chúng ta về tầm quan trọng của việc phòng, chống dịch bệnh. Mỗi cá nhân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh để cuộc sống của mình, của người thân và cộng đồng ngày càng an toàn hơn.

Tác giả: Tiến sĩ, bác sĩ Quan Thế Dân tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội 1983, từng công tác điều trị và giảng dạy tại một số cơ sở y tế ở TP HCM và Hà Nội, sau khi nghỉ hưu hiện đang tiếp tục công tác trong lĩnh vực y tế tư nhân.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!