1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Đã tiêm vaccine phòng bạch hầu, có phải tiêm nhắc lại?

Nam Phương

(Dân trí) - PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, với vaccine phòng bệnh bạch hầu, kháng thể trong máu sẽ giảm theo thời gian vì thế người dân nên tiêm nhắc lại sau 10 năm.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết, trong bối cảnh hiện nay, với những nơi đang có dịch bạch hầu, người dân tiêm theo hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương. Với những người thuộc các nơi khác nếu thấy mình có yếu tố nguy cơ thì nên đi tiêm vaccine. 

Các yếu tố nguy cơ này gồm: 

- Trẻ em chưa tiêm chủng đầy đủ, chưa tiêm mũi nhắc lại theo quy định của Bộ Y tế.

- Người lớn chưa từng tiêm vaccine bạch hầu. 

- Không nhớ rõ lịch tiêm đã được tiêm đủ mũi hay chưa. 

- Người lớn đã 10 năm chưa tiêm nhắc lại vaccine bạch hầu.

- Bản thân có đi lại nhiều tới vùng sâu, vùng xa nơi có dịch đang lưu hành. 

Lịch tiêm các mũi cơ bản và nhắc lại theo Hướng dẫn của Bộ Y tế. Theo ông, với vaccine phòng bệnh bạch hầu, kháng thể trong máu sẽ giảm theo thời gian vì thế người dân nên tiêm nhắc lại sau 10 năm. 

"Dù vậy, người dân không nên quá lo lắng mà đổ xô đi tiêm vaccine phòng bạch hầu hay nghe theo các thông tin đồn thổi mà xếp hàng chờ đợi tiêm vaccine giá cao, điều này là không cần thiết. Hiện nay, Việt Nam đã sản xuất được vaccine bạch hầu, đó là vaccine  của Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế Nha Trang IVAC, giá thành cũng không quá cao", PGS Phu nói. 

Bên cạnh đó, PGS Phu cũng đặc biệt lưu ý đến đối tượng trẻ em thuộc nhóm nguy cơ cao dễ mắc bệnh. Vì thế, nếu trẻ chưa tiêm vaccine, tiêm chưa đủ liều, kể cả những mũi cơ bản và những mũi nhắc lại theo lịch tiêm chủng của Bộ Y tế, cha mẹ cần đưa con đi tiêm. 

Đã tiêm vaccine phòng bạch hầu, có phải tiêm nhắc lại? - 1

Hiệu quả bảo vệ của vaccine phòng bạch hầu giảm dần theo thời gian nên chúng ta cần tiêm nhắc lại (Ảnh minh họa: Gettyimages).

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết thêm, vaccine phòng bệnh bạch hầu DTaP (phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván) đã sẵn có trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Tác dụng bảo vệ của vaccine kéo dài ít nhất 10 năm. Sau 10 năm, hiệu quả bảo vệ có thể giảm dần và có thể cần tiêm nhắc lại với vaccine bạch hầu riêng DT.

Dấu hiệu nhận biết bệnh bạch hầu

Theo BS Cấp, bệnh bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheria gây ra. Những người chưa được tiêm chủng, nếu nhiễm bệnh tỷ lệ tử vong có thể lên tới 10-20%.

Diphtheria gây nhiễm ở vùng hầu họng và phát tán, lây lan qua đường hô hấp thông qua các giọt bắn. Khi nhân lên ở hầu họng bệnh nhân, chúng có thể tiết ra ngoại độc tố. 

Khi vi khuẩn bạch hầu tiết độc tố sẽ gây chết tế bào, tạo ra các mảng hoại tử, lắng đọng fibrin tại hầu họng thành các màng giả ở vùng hầu họng bệnh nhân. Nếu độc tố đi vào máu có thể xâm nhập và gây tổn thương tế bào cơ tim, ống thận theo cơ chế tương tự. 

Một trường hợp bệnh bạch hầu điển hình thường qua giai đoạn ủ bệnh 2-5 ngày, sau đó khởi phát với các triệu chứng đau và viêm họng nhẹ. Khám họng bệnh nhân, bác sĩ có thể thấy vết loét có giả mạc màu trắng xám, khó bóc bám ở vùng amidan, thành bên và sau họng hoặc thậm chí lan rộng xuống thanh môn và khí quản. 

Các triệu chứng thường gặp khác bao gồm: Đau họng, sốt nhẹ và ớn lạnh, mệt mỏi, suy nhược, đau đầu, viêm hạch cổ thành hình ảnh cổ bạnh to. Giả mạc đường hô hấp gặp ở khoảng 50% số bệnh nhân, khàn tiếng, khó nuốt và nuốt đau gặp ở 26-40%.

Ngoài ra bệnh nhân có thể có chảy dịch mũi huyết thanh hoặc mủ, giả mạc lan lên lỗ mũi sau. Khó thở, thở rít, thở khò khè xảy ra ở những bệnh nhân có giả mạc thanh quản. Giả mạc này có thể nhanh chóng gây suy hô hấp do tắc nghẽn đường thở hoặc hít phải màng giả vào khí quản phế quản.

Những diễn biến trầm trọng như viêm cơ tim, tổn thương thận thường xảy ra sau khi mắc bệnh 1-2 tuần, là lúc các triệu chứng ở hầu họng có thể đã lui. 

Theo BS Cấp, trường hợp nghi mắc bạch hầu phải được vào viện để cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn hai lần âm tính. Nếu không có điều kiện làm xét nghiệm, cơ sở cần cách ly bệnh nhân trong 14 ngày và điều trị kháng sinh.

Những người phải tiếp xúc gần với bệnh nhân cần áp dụng các biện pháp phòng lây truyền qua đường hô hấp: Giữ khoảng cách với bệnh nhân, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, vệ sinh bề mặt. Người bệnh cần đeo khẩu trang và che miệng khi ho, hắt hơi… 

Người đã tiếp xúc không có phương tiện phòng hộ với người bệnh cần theo dõi và xét nghiệm vi khuẩn trong vòng 7 ngày, có thể dùng kháng sinh dự phòng như penicillin, erythromycin, azithromycin.

Sở Y tế Hà Nội vừa có công văn yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát toàn bộ đối tượng tiêm chủng nhằm tránh bỏ sót đối tượng trong diện tiêm chủng mở rộng, tiêm bổ sung ngay đối với các trường hợp trì hoãn tiêm chủng trong ngày tiêm chủng hàng tháng.

Đồng thời, tiêm vét cho tất cả các đối tượng thuộc diện tiêm chủng mở rộng chưa được tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt là đối với các loại vaccine có chứa thành phần bạch hầu.

Các trung tâm y tế tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống bệnh bạch hầu.