Tâm điểm
Vân Thiêng

Cần xử lý mạnh tay nạn bạo lực đường phố!

Chỉ vì mâu thuẫn với một nhóm khách khi uống bia, Cao Văn Hùng đã dùng xăng phóng hỏa cả quán karaoke trên đường Phạm Văn Đồng, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội đêm 18/12/2024, làm 11 người chết oan. Đã mấy tuần đi qua, dư luận xã hội vẫn chưa hết bàng hoàng.

Chỉ vì "đã uống rượu rồi nên không uống bia" mà bạn bè cự cãi, thách thức nhau, Nguyễn Tài Bảo (Long An) đã đâm Thái Hoàng Nhật (quê Kiên Giang). Bữa nhậu của những công nhân xa quê tưởng thêm thân tình, hóa ra thành cuộc tương tàn người chết, kẻ đi tù.

Trong quán đã vậy, ngoài đường phố còn loạn hơn. Hở một tí là đụng tay đụng chân. Hôm 9/12/2024, chỉ vì va quẹt trên đường Khánh Hội, quận 4 (TPHCM) mà Bùi Thanh Khoa đã đánh một cô gái bị thương. Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội gây bất bình dư luận.

Một ngày sau, xã hội lại tiếp tục thất kinh với việc tài xế và nhân viên xe buýt rượt đuổi một người giao hàng ở quận 3, TPHCM. 

Cần xử lý mạnh tay nạn bạo lực đường phố! - 1

Hình ảnh đôi nam nữ hành hung tài xế xe ôm công nghệ, ngày 31/12/2024 tại đường Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM (Ảnh cắt từ clip).

Tương tự, ngày 15/12/2024, chỉ vì bị chiếc xe tải chạy qua mặt mà nhóm 3 người đàn ông ở Bình Phước đã lao vào hành hung tài xế, bất kể trên ghế phụ lúc đó có một phụ nữ đang bế con nhỏ.

Hôm 30/12/2024, chỉ vì muốn thể hiện mình mà Nguyễn Thùy Trang đã xông vào đánh nhân viên gác chắn đường sắt tại Thủ Đức bị thương.

Mới đây, một người phụ nữ ở Cần Thơ đã lao vào đánh đập, lột đồ một người phụ nữ khác vì ghen tuông. Nhưng ở cơ quan công an thì chị này khai rằng… không có bằng chứng chứng minh mối quan hệ bất chính giữa chồng và người phụ nữ bị đánh.

Không thể kể hết những vụ dùng bạo lực để "xử nhau" xảy ra hàng ngày. Nhưng chỉ cần nêu một số vụ việc như trên có lẽ cũng đủ khiến chúng ta suy nghĩ về nạn dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn cá nhân.

Những người liên quan trong các vụ bạo lực đường phố trước đó hầu hết không có mâu thuẫn, hận thù gì, thậm chí chẳng hề quen biết nhau. Nhưng chỉ vì một va chạm nhỏ hoặc một ánh nhìn không thiện cảm, một lời nói trong lúc nóng giận, thiếu kiềm chế, họ đã trở nên manh động, sẵn sàng sử dụng hung khí, gây ra những hậu quả thật đáng tiếc, thậm chí là rất nghiêm trọng.

Nhìn lại những vụ bạo lực đường phố thời gian qua, có thể thấy xuất phát từ nhiều lý do, thậm chí là có những lý do "chả giống ai", như vô tình giẫm chân nhau chốn đông người, hay bị nhắc nhở vì dắt chó phóng uế bừa bãi. Hoặc có khi chỉ là sáng sớm ra chợ mở hàng rồi không mua hay vào quán cà phê bị phục vụ chậm trễ… Những lý do nghe như chuyện đùa!

Tôi đã tự hỏi vì sao người ta manh động như vậy? Và chỉ có thể tự trả lời rằng do coi thường pháp luật hoặc cái tôi quá lớn, nên thay vì hòa giải, họ đã chọn cách giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, dùng bạo lực để khẳng định cái tôi cá nhân mà không lường hậu quả, dẫn đến phải trả giá đắt, thậm chí là vướng vòng lao lý. 

Dùng bạo lực để giải quyết những vấn đề trong cuộc sống thường ngày là thói quen sai trái, không thể dung túng. Những kẻ thích dùng bạo lực để thể hiện sức mạnh của mình, gây tổn hại đến người khác, dĩ nhiên là phải bị pháp luật trừng trị.

Việc cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, điều tra, khởi tố, bắt khẩn cấp, xử lý nghiêm, kịp thời các đối tượng hung hăng có hành vi bạo lực đường phố thời gian gần đây là vô cùng cần thiết. Điều đó cho thấy tinh thần trách nhiệm của ngành chức năng trong việc giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ bình yên cuộc sống, mang lại niềm tin rất lớn cho nhân dân.

Nhưng đó chỉ là việc chẳng đặng đừng. Mong rằng qua hàng loạt vụ việc gần đây, những ai có cái đầu nóng sẽ rút ra được bài học.

"Một câu nhịn là chín câu lành"; "Lùi một bước biển rộng trời cao, nhẫn một chút sóng yên gió lặng"… kinh nghiệm ngàn đời của ông cha ta tuy có "xưa" nhưng chưa bao giờ "cũ". Rèn luyện kỹ năng quản lý cảm xúc, cách ứng xử văn minh, văn hóa nơi đông người; bớt cố chấp, biết hợp tác và giải quyết xung đột một cách ôn hòa, mềm mỏng, khéo léo luôn là điều cần thiết với mỗi cá nhân.  

 Để dẹp bỏ bạo lực đường phố, cái gốc vẫn là nền tảng giáo dục của gia đình và xã hội. Trẻ em hôm nay sẽ là những thanh niên, là người lớn của ngày mai. Muốn các em trở thành những người lớn, sống có đạo đức, lối sống lành mạnh, thì ngay từ bây giờ, ngành giáo dục cần nỗ lực hơn nữa trong việc giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho học sinh.

Việc giáo dục kỹ năng ứng xử trên đường phố có thể thông qua các buổi học trên lớp, cũng có thể những buổi ngoại khóa, các hoạt động trải nghiệm… Phải để các em được đắm mình trong môi trường sống lành mạnh từ gia đình đến nhà trường và xã hội. Trẻ em không nghe người lớn nói gì, nhưng chúng sẽ mở căng mắt ra nhìn xem người lớn làm gì và chúng sẽ làm theo. Cha mẹ phải là tấm gương cho con cái, người lớn phải là tấm gương cho trẻ nhỏ noi theo… Ngay từ bé, trẻ em cần được giáo dục lòng nhân ái, hướng thiện, lòng vị tha, sự chia sẻ, thông cảm và đức tính khoan dung.

Phải để cả xã hội cùng tham gia giám sát, lên án những hành vi côn đồ xấu xí, thông qua việc sử dụng công nghệ (như hệ thống giám sát của camera), mạng xã hội … song song với các biện pháp xử lý nghiêm khắc từ phía các cơ quan bảo vệ pháp luật. Có như vậy mới dẹp được nạn côn đồ đường phố, không để nạn côn đồ đường phố nhờn thuốc, gây bất ổn cho cuộc sống người dân.

Tác giả: Ông Nguyễn Vân Thiêng là nhà báo với hơn 30 năm trong nghề, hiện công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!