Tâm điểm
Nguyễn Thị Bích Hậu

Cử nhân, thạc sĩ vẫn dùng sai tiếng Việt: Vì đâu nên nỗi?

Một người bạn thân của tôi có nhiều năm làm công tác tuyển dụng trong một tập đoàn lớn. Khi hỏi bạn về chất lượng nhân sự, cô lắc đầu cho hay "nhiều thứ đáng ngại, trước hết là những lỗi sơ đẳng về viết tiếng Việt và hành văn của các em, các cháu đã tốt nghiệp cao đẳng hay đại học, thậm chí tốt nghiệp cao học".

Nhiều em có chung lỗi về chuyên môn theo kiểu học lý thuyết xa rời thực tế, thuần sách vở mà nhiều khi là sách vở lạc hậu. Do đó, nhà tuyển dụng đành phải cố gắng so bó đũa chọn cột cờ rồi đào tạo lại mất nhiều tháng cho những kỹ năng sơ đẳng đáng lẽ các em phải thành thạo từ trường trung học.

Cô giải thích lý do tập đoàn chú trọng kỹ năng viết và nói của nhân viên, vì trong kinh doanh nhân viên phải dùng các kỹ năng này để thuyết phục khách hàng khi gặp trực tiếp hoặc trao đổi qua email, công văn, tài liệu. Đòi hỏi tối thiểu với nhân sự là "sạch nước cản" trong việc dùng tiếng Việt. Nhưng chỉ cần bài thi đầu vào cho các em viết một đoạn văn tiếng Việt là thấy lỗi sai rất nhiều, từ hành văn, ngữ pháp cho đến chính tả. Và rất nhiều em lúng túng khi gặp một câu hỏi cơ bản, như: Câu có mấy thành phần? Hãy cho biết chi tiết về từng thành phần đó? Các em thường không trả lời được, hoặc trả lời sai và thiếu ý với các câu hỏi này.

"Nếu tìm ra ai có năng lực viết giỏi và nói giỏi thì chúng tôi rất mừng", người bạn của tôi nói.

Cử nhân, thạc sĩ vẫn dùng sai tiếng Việt: Vì đâu nên nỗi? - 1

Nhiều học sinh mất căn bản về tiếng Việt từ cấp Tiểu học (Tranh minh họa: Ngọc Diệp).

Qua tìm hiểu tôi được biết tình trạng trên không phải chỉ diễn ra với nhân sự nộp hồ sơ vào một tập đoàn. Nhiều nhà tuyển dụng đã phản ánh và kêu trời về thực tế này.

Ngay trên báo chí hay truyền hình, hoặc trong các tấm bandroll (quảng cáo trong nhà hoặc ngoài trời), backdrop (phông nền), các biểu ngữ trong nhiều sự kiện, hội nghị, hội thảo, công văn đã phát hành… đều không khó để "nhặt sạn" tiếng Việt. Có những lỗi rất buồn cười mà mạng xã hội đã bàn tán lâu nay.

Ngay cả chương trình chuyên về tiếng Việt như "Vua Tiếng Việt" trên truyền hình hay một số từ điển Tiếng Việt cũng có lỗi, một số trường hợp là sai trầm trọng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trong đó không thể không nói tới những tồn tại trong việc dạy và học tiếng Việt ở các trường học phổ thông, nhất là tiểu học - bậc học cực kỳ quan trọng để học trò nắm vững những điều cơ bản trong hành văn tiếng Việt. Mà tồn tại đầu tiên chính là chất lượng một bộ phận giáo viên không cao; kế đó là chất lượng sách giáo khoa tiếng Việt; và thứ ba là sĩ số lớp quá đông.

Về chất lượng giáo viên, nếu như một số quốc gia ban hành các chính sách ưu tiên để tuyển học sinh giỏi vào học sư phạm, thì ở ta phần lớn học sinh giỏi không chọn ngành sư phạm sau khi tốt nghiệp trung học. Nhìn vào danh sách học sinh giỏi quốc gia, hay thủ khoa trung học hàng năm sẽ thấy các em ưu tiên chọn các ngành liên quan tới kỹ thuật, y khoa, kinh doanh, ngoại thương, ngoại ngữ… Rất hiếm trường hợp học sinh giỏi, học sinh xuất sắc chọn vào đại học sư phạm.

Về chất lượng sách giáo khoa tiếng Việt cho học sinh tiểu học, có thể thấy đã có rất nhiều phản ánh, tranh luận về các lỗi sai trong những năm qua; một số cuốn sách đã phải sửa đi sửa lại những lỗi đó.

Về sĩ số lớp học và số buổi học. Hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp tiểu học yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học, mỗi tiết 35 phút.

Còn theo điều 16 Điều lệ trường tiểu học ban hành kèm Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định về tổ chức lớp học, khối lớp học, điểm trường tiểu học thì mỗi lớp học có không quá 35 học sinh do 1 giáo viên chủ nhiệm phụ trách. Tuy nhiên tại nhiều khu vực đông dân cư hay các thành phố lớn, sĩ số một lớp học tiểu học có thể lên tới 45, thậm chí 50 hay 60 em. Nếu giảm sĩ số thì lại thiếu buổi học do phòng học cần cho cả 2 buổi.

Thành ra, những địa phương nói trên khá chật vật để giải quyết vấn đề này. Sĩ số quá đông khiến cho việc dạy và rèn giũa học sinh tiểu học từng môn, trong đó có môn tiếng Việt khó mà hiệu quả.

Nếu đã mất căn bản từ tiểu học, thì việc rèn các em viết sao cho đúng tiếng Việt ở các cấp học phổ thông cao hơn, hay thậm chí tới đại học là rất khó khăn.

Đó là chưa kể tới ảnh hưởng của mạng xã hội trong dùng ngôn ngữ mạng, ngôn ngữ tuổi teen lại càng làm ảnh hưởng tới khả năng sử dụng tiếng Việt của học sinh khi đi học và trong các văn bản hành chính, chuyên môn khi các em đi làm.

Trong khi đó, tình trạng thiếu giáo viên các cấp vẫn đang là vấn đề chưa được giải quyết triệt để. Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2022-2023 cả nước thiếu 118.253 giáo viên các cấp. Đáng chú ý là so với năm học trước, số giáo viên thiếu tăng thêm 11.308 người.

Hơn nữa, quy mô đào tạo khối ngành sư phạm không những không tăng mà còn giảm. Đơn cử năm học 2022-2023 chỉ có 89.321 sinh viên, giảm hơn 62.000 so với năm trước.

Chúng ta than phiền nhiều về chất lượng sử dụng tiếng Việt của nhân sự đã tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Nhưng muốn cải thiện vấn đề này thì không phải là chuyện ngày một ngày hai, mà cần các giải pháp tổng thể, căn cơ và bài bản của ngành Giáo dục.

Tác giả: Bà Nguyễn Thị Bích Hậu tốt nghiệp Đại học sư phạm Hà Nội ngành Ngôn ngữ và Văn chương; có 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực báo chí. Bà là tác giả các cuốn sách giúp các bậc cha mẹ chuẩn bị cho con học tập trong nước và du học, lấy học bổng thành công như Đồng hành du học cùng con, Du học cho con nhà nghèo, Du học đừng để tiền mọc cánh, Cẩm nang chọn trường công, trường tư hay trường quốc tế...

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!