Ảo ảnh từ những cuộc tranh luận trực tuyến
Trước và sau Tết âm lịch luôn là thời điểm sôi động nhất của các cuộc tranh luận trực tuyến. Đến hẹn lại lên, những chủ đề, dù quen thuộc, vẫn gây bùng nổ giữa hai phe "thuận" và "chống": mua đào ngày 30 Tết, bánh chưng là truyền thống lạc hậu, đi du lịch ngày Tết… Năm nay có thêm hai chủ đề thương chiến toàn cầu và cấm dạy thêm học thêm làm tăng độ nóng thêm vài phần.
Để khích động tinh thần sinh viên sau đợt nghỉ dài, tôi thường tổ chức tranh biện, chia lớp thành hai phe "thuận" và "chống" với chủ đề "phim Việt chiếu rạp ngày Tết toàn hài nhảm". Như một mạng xã hội thu nhỏ, lớp học từ tranh luận quan điểm sớm biến thành tranh cãi kịch liệt (chỉ đôi ba sinh viên tỏ ra thờ ơ với "đám đông" đang sục sôi).
Khi mọi việc dần mất kiểm soát, tôi không đưa ra kết luận cuối, mà chỉ hỏi thêm vài câu hỏi vượt ra khỏi cuộc tranh luận:
- Đã có những cuộc tranh luận tương tự từ gần hai mươi năm trước, vậy hóa ra suốt thời gian dài, chất lượng của nền điện ảnh của Việt Nam, hay khả năng tiếp nhận mỹ học của công chúng vẫn đứng yên?
- Với các nước Đông Á có ngày Tết tương tự, tình trạng phim ngày Tết của họ ra sao? Nguyên nhân nào dẫn đến sự thành công/thất bại ở nước họ? Có thể so sánh gì với Việt Nam không?
- Yếu tố gì quyết định cho một bộ phim được quyền ra rạp ngày Tết, ngoài bản thân chất lượng điện ảnh của phim đó? Có dễ dàng can thiệp, thay đổi (các) yếu tố đó không?
- Bạn có thể vẽ lại chân dung nhân khẩu học (tuổi, nghề nghiệp, địa bàn sống, tình trạng thu nhập,…) điển hình của nhóm phản đối bạn không? Liệu có mối liên hệ rõ nét nào giữa tình trạng xã hội với nhu cầu xem phim Tết không? Giả sử, thu nhập tăng lên, thì nhu cầu xem phim cũng sẽ "cao cấp" lên?
Cuộc chiến ngôn từ lập tức lắng xuống. Sinh viên bắt đầu vật lộn với tri thức của bản thân thay vì dễ dàng chọn một trong hai phe. Dù chưa có câu trả lời, nhưng ít nhất các bạn cũng có cơ hội tìm hiểu rộng hơn về cơ chế thương mại của điện ảnh, các nguyên lý tiếp nhận mỹ học, phân tích xã hội học công chúng… Đây là một mê cung các vấn đề thay vì một "đối thủ tranh luận" hiện hữu trong lớp học.

Người dùng mạng xã hội dễ bị cuốn vào những tranh luận mang tính chất phân cực, tất cả năng lượng đều tập trung vào một "kẻ thù" tưởng tượng (Tranh minh họa: Ngọc Diệp).
Với mạng xã hội, việc lật ngược lại hành vi không hề dễ dàng như vậy. Nó được thiết kế theo nguyên tắc phân cực, đẩy người dùng thành hai phe đối lập rõ ràng để đảm bảo tối ưu tương tác. Chẳng có gì thu hút bạn phải truy cập liên tục bằng việc có một "kẻ thù" nào đó đang tác oai tác quái (trên mạng) và hành động của bạn có thể góp phần vạch mặt hay chặn đứng kẻ đó.
Trong Báo cáo Rủi ro Toàn cầu 2025 được Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã công bố ngày 15/1, phân cực (cả trực tuyến lẫn trực tiếp) được xếp hạng thứ 4 trong 30 rủi ro tác động toàn diện đến kinh tế, môi trường, địa chính trị, xã hội và công nghệ quốc tế. Nó có quan hệ trực tiếp với hai rủi ro hàng đầu khác: thông tin sai lệch và bất ổn xã hội.
Lớp học tranh biện trên minh họa cho hệ quả dễ thấy nhất của mối quan hệ giữa phân cực trực tuyến và trực tiếp: người dùng đánh đồng cuộc tranh luận trắng đen rõ ràng trên mạng (thứ được thiết kế bởi thuật toán kích thích và duy trì tương tác lượt xem) với các vấn đề trái chiều ngoài cuộc sống (một mạng lưới chủ điểm kinh tế - văn hóa đan cài vào nhau, không hề dễ có kết quả cuối cùng nếu thiếu các nghiên cứu chuyên sâu).
Thói quen đánh đồng này ngày càng được củng cố (tỉ lệ thuận với thời gian sử dụng mạng xã hội) thì công chúng dần bị cuốn vào quán tính đơn giản hóa vấn đề thành dạng "ta - địch": thay vì suy nghĩ đa chiều, củng cố tri thức bản thân để tạo tiền đề cho đối thoại và giải quyết vấn đề; công dân có xu hướng tìm một phe trái quan điểm để lên án và đổ lỗi.
Khi vòng xoáy tranh cãi càng quyết liệt, vấn đề càng bị bỏ ngỏ, và tất cả năng lượng đều tập trung vào một "kẻ thù" tưởng tượng, tạo tâm thế hằn học cho tất cả các bên.
Trong cuốn sách kinh điển "Giải trí đến chết", học giả Neil Postman lo ngại truyền thông thuần giải trí sẽ làm người dân bỏ mặc những xung đột hệ trọng của cuộc sống. Nhưng với thời đại mạng xã hội, người dân càng quan tâm đến "vấn đề" trên mạng xã hội thì họ càng có nguy cơ phân cực vào những ảo ảnh được dựng lên chỉ nhằm mục đích duy trì lượt xem. Tôi gọi đó là hiện tượng "nghiêm túc đến chết", thứ còn nguy hiểm hơn cả giải trí đến chết ở những năm đầu (1980-2000) của truyền thông đại chúng.
Lập luận như vậy không phải để phủ định nhu cầu lên tiếng trên mạng xã hội. Điều cần thiết phải làm là xây dựng môi trường tranh luận lành mạnh và một tâm thế tranh luận có trách nhiệm.
Đầu tiên, các công ty công nghệ, trong cả sức ép lẫn sự cộng tác với định chế xã hội (nhà nước, pháp luật, doanh nghiệp, cộng đồng,…), phải kiểm soát thuật toán lựa chọn chủ đề sao cho không đuổi theo nhu cầu lợi nhuận (càng nhiều lượt xem càng nhiều doanh thu) một cách mù quáng. Các cỗ máy tìm kiếm và hiển thị không hề trung tính và vô hại với công chúng, mà chúng đang thực sự là những lực lượng hữu hình tham gia vào việc duy trì hay phá hủy chất lượng trao đổi thông tin của công chúng.
Tiếp theo, các tổ chức giáo dục và truyền thông cần tăng cường nhận thức cho người dân về tình trạng phân cực: bản chất và hệ lụy của nó trên cả môi trường trực tuyến và trực tiếp. Việc lên tiếng trên mạng xã hội không phải một câu nói vô thưởng vô phạt. Giống như việc hét to lên giữa nơi công cộng, không ai cấm bạn, nhưng nó ảnh hưởng đến môi trường sống chung và nó phản ánh phẩm giá của cá nhân. Tham gia mạng xã hội một cách có trách nhiệm, trước hết là tốt cho lối sống của chính mình, sau là tạo nền tảng cho một khí quyển thông tin lành mạnh cho bạn bè, cho cộng đồng và cho tương lai.
Hãy cẩn thận với những gì bạn (tưởng như là) căm ghét, nó phần nhiều phản ánh chính bạn. Đó là nhận định tôi dùng để kết thúc bài giảng về phân cực truyền thông khi những "làn sóng" tranh luận dấy lên trong tháng Giêng.
Tác giả: Lang Minh (Nguyễn Minh) là nhà tư vấn giáo dục cao cấp cho Hệ sinh thái giáo dục khởi nghiệp MindX. Anh cũng là dịch giả - tác giả cộng tác với nhiều nhà xuất bản: Trẻ, Giáo dục, Tri thức...
Lang Minh ứng dụng lý thuyết ngành nhân văn vào việc giảng dạy tư duy phản biện và các năng lực của thế kỷ XXI: tri tạo truyền thông và tri tạo kỹ thuật số (media & digital literacy). Về định hướng nghiên cứu, Lang Minh tập trung vào phân ngành Nhân học phê phán (Critical Anthropology), hướng tới việc phê phán các mối quan hệ bất bình đẳng trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!