Tâm điểm
Bích Diệp

Ai dám nhận "vua" tiếng Việt?

"Trậm trễ" hay "chậm chễ" là hai phương án được đưa ra dành cho người chơi trong phần thi thuộc chương trình "Vua tiếng Việt" tại một tập phát sóng gần đây nhằm tìm ra từ viết đúng chính tả. Hầu hết chúng ta đều nhận ra chẳng có từ nào trong 2 phương án trên là đúng cả. Tuy nhiên, điều bất ngờ đã xảy ra: Khi người chơi chọn "chậm chễ", MC đã khẳng định đáp án chính xác. Bất ngờ hơn nữa, cả ekip thực hiện chương trình từ khi lên sóng đến khâu hậu kỳ đều không nhận ra sai sót.

Lỗi sai này được một khán giả phát hiện, chụp ảnh màn hình và đăng kèm bình luận trong bài viết của nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công.

Sẽ không có gì ồn ào nếu lỗi chính tả này không xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia và lại là một chương trình với cái tên rất "kêu": "Vua tiếng Việt", vốn nhằm tôn vinh ngôn ngữ dân tộc, giúp người chơi và khán giả khám phá sự phong phú, giàu có và thâm thúy của tiếng Việt thông qua các trò chơi, câu đố vui.

Một sự cố có phần trái khoáy. Bởi, đáp án của câu hỏi tìm lỗi chính tả lại… sai chính tả; chương trình đề cao khả năng trình độ sử dụng, sự hiểu biết tiếng Việt của người chơi nhưng lại mắc lỗi sơ đẳng trong tiếng Việt, vốn nằm ở mức độ kiến thức lớp 1 - lớp 2 (đầu cấp tiểu học). VTV sau đó đã đính chính, cung cấp cho khán giả đáp án chính xác là "chậm trễ".

Ai dám nhận vua tiếng Việt? - 1

Nhiều lỗi sai trong Vua tiếng Việt được chỉ ra (Ảnh chụp màn hình).

Trước đó, chương trình cũng bị cho là đã không chính xác khi giải thích nghĩa câu thành ngữ "lộng giả thành chân" hay coi "dúm dó", "lang lổ" là sai chính tả. Trả lời báo chí, tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ - thành viên ban cố vấn Vua tiếng Việt - thừa nhận rằng, những phát hiện của nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công về các lỗi của chương trình hầu hết đều chính xác.

Nhiều người bày tỏ sự không hài lòng và thất vọng, thậm chí có phần châm biếm. Tuy nhiên, trên góc độ một người có công việc phải dùng ngôn ngữ và viết lách hàng ngày, tôi cho rằng, để không hề xảy ra tranh luận nào khi sử dụng tiếng Việt thì rất khó. Phản ứng của các chuyên gia hay của khán giả bởi công tác chuẩn bị nội dung của ekip làm chương trình chưa thực sự cẩn thận, hay đúng hơn là cẩu thả… trong khi đó, ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng rất khó, khó thì không cho phép chủ quan. Mặt khác, với cách đặt tên chương trình dù với tính chất gameshow vui vẻ, nhưng dễ gây cảm giác "chối" với người nghe. Tiếng Việt khó thế, ai mà dám nhận làm "vua" tiếng Việt?!

Để làm chủ ngôn ngữ, kể cả đó là ngôn ngữ mẹ đẻ thì mỗi người đều phải nỗ lực học hỏi và góp nhặt mỗi ngày. Bất cứ ai cũng đều phải học, nhà báo, nhà văn càng phải vậy!

Tôi nhớ, trong quá trình viết bài, tôi từng có lúc sử dụng từ ngữ gây tranh cãi. Chẳng hạn có lần khi đưa tin về lạm phát, do tốc độ tăng CPI của tháng đó tuy "hạ nhiệt" so với tháng trước nhưng vẫn ở mức cao, nên tôi viết "lạm phát neo cao". Nhiều độc giả và người quen đã nhắn tin nhắc nhở tôi "viết ngọng", phải là "leo cao" chứ sao lại "neo cao". Tôi cũng không thể đi giải thích với từng người rằng "neo" ở đây được dùng trong ngữ cảnh "neo lại", "neo tại mức cao" và rằng, CPI tăng cao nhưng vẫn thấp hơn tháng trước nên cũng không thể dùng từ "leo cao" mang xu hướng tịnh tiến.

Sau này, tôi rút kinh nghiệm là sẽ viết bài với sự cân nhắc kỹ hơn trong lựa chọn, sử dụng từ ngữ, làm sao để mọi độc giả đều hiểu được ý mà mình truyền đạt.

Thực tế là, các sản phẩm báo chí được phổ biến tới rất nhiều người đọc, nếu viết sai chính tả, viết sai ý nghĩa thì sẽ góp phần nhân rộng cái sai đó, nhất là với những đối tượng độc giả đang học tiếng Việt (học sinh, người nước ngoài). Cũng bởi vậy, tòa soạn chúng tôi rất nghiêm túc và chặt chẽ trong quy trình tác nghiệp để làm sao hạn chế đến mức thấp nhất các lỗi chính tả. Chúng tôi hiểu rằng, trách nhiệm của bản thân mình với những gì được đăng tải là rất lớn, trong đó có giữ gìn ý nghĩa, sự trong sáng của tiếng Việt.

Dù vậy, để có thể đạt được sự chuẩn mực và chính xác tuyệt đối trong ngôn ngữ là rất khó. Một đồng nghiệp của tôi kể, khi dùng từ chị đã "google" để xem về mức độ phổ biến của từ đó trên mạng và yên tâm sử dụng. Tuy nhiên, khi tra từ điển thì hóa ra cách dùng lại sai.

Ngôn ngữ gắn với giao tiếp và sự tương tác ngôn ngữ giữa con người với nhau khiến bản thân ngôn ngữ luôn vận động. Khoảng hơn 10 năm trước, khi điện thoại nút bấm còn phổ biến, để thao tác nhanh hơn, nhiều người trẻ đã phát triển một hệ thống ký tự riêng gọi là "teen code" mà chỉ cùng độ tuổi đó mới đọc hiểu được.

Ngày nay, với sự phát triển của internet, ngoài phương ngữ của các vùng miền, địa phương thì ngôn ngữ còn được du nhập từ nước ngoài, biến hóa với tốc độ chóng mặt, bên cạnh những "từ mới" thú vị cũng lại có vô số từ ngữ thiếu văn hóa được dùng một cách vô tội vạ có thể vô tình hoặc cố ý. Trào lưu "Chú bé loắt choắt" cùng với một đoạn nhạc chế về bài thơ "Lượm" trên TikTok gần đây là một ví dụ. Những hiện tượng như vậy đang gây ra rất nhiều phản ứng trái chiều trong cộng đồng mạng. Thách thức đối với việc phát triển, gìn giữ sự trong sáng của tiếng Việt theo đó ngày càng lớn hơn, phức tạp hơn.

Vì những lẽ trên, tôi vẫn ủng hộ những chương trình tôn vinh tiếng Việt, vấn đề chỉ là chúng ta cần cẩn trọng và cầu thị hơn. Mỗi một nỗ lực, dù lớn hay nhỏ, có thể gieo tình yêu, sự hứng thú của mọi người đối với tiếng Việt đều đáng được trân trọng và cổ vũ. Tương tự với những trang mạng xã hội, những kênh học tập, trao đổi mang lại hiệu ứng tốt đẹp cho người xem, người đọc về tiếng Việt, chúng ta đều nên ủng hộ và khuyến khích.

Những sự phản biện, trao đổi trên góc độ góp ý lẫn nhau, nói cho cùng cũng để hoàn thiện hơn kho tàng tiếng Việt tươi đẹp của chúng ta. Hãy cứ say mê, học hỏi từng ngày để hiểu và yêu mến tiếng nói, ngôn ngữ của dân tộc mình, đất nước mình…

Còn "vua" tiếng Việt ư, có chăng chỉ là cách nói vui thôi, không ai tự tin mình giỏi đến vậy đâu! Nếu có góp ý với chương trình, thì tôi nghĩ nên thay đổi tên gọi là "Yêu tiếng Việt".

Chao ôi,

"Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói 

Vầng trăng cao đêm cả lặn sao mờ 

Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa 

Óng tre ngà và mềm mại như tơ 

(…)

Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ

Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn

Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá

Tiếng Việt ơi tiếng Việt ân tình.

(Tiếng Việt, Lưu Quang Vũ).

Tác giảBích Diệp tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại trường Đại học Ngoại thương; gia nhập báo Dân Trí từ năm 2012 và chuyên đưa tin về kinh tế, hoạt động doanh nghiệp, thị trường chứng khoán.

Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!