DMagazine

Vbee - Chặng đường 12 năm xây dựng giải pháp ngôn ngữ cho người Việt

(Dân trí) - Chặng đường khởi nghiệp 14 năm trải qua nhiều sóng gió, CEO Vbee, với giải pháp sử dụng AI, vẫn đang len lỏi để đáp ứng từng góc cạnh của cuộc sống, từ doanh nghiệp cho đến mỗi con người Việt Nam.

Ngày 15/7 tới đây báo điện tử Dân trí chính thức tròn 15 tuổi. Cùng với đó, giải thưởng Nhân tài Đất Việt cũng vừa bước qua 15 năm tìm kiếm, tôn vinh nhân tài đầy tự hào. Trong suốt hành trình ấy, đã có hàng trăm công trình khoa học, sản phẩm công nghệ được vinh danh.

Nhân dịp đặc biệt này, Dân trí xin giới thiệu tới độc giả một sản phẩm bước ra từ Nhân tài Đất Việt, đã thành danh trên thị trường.

Vbee là một trong số những đội thi may mắn, được nhận giải cao nhất tại cuộc thi Nhân tài Đất Việt 2018. Sản phẩm này cũng vừa được Bộ TT&TT lựa chọn để hỗ trợ chuyển đổi số .

Ít ai biết, đằng sau ánh hào quang ấy, là cả một câu chuyện vượt qua khó khăn, nỗ lực không ngừng, cạnh tranh với nhiều đối thủ lớn... được CEO Vbee - ông Hồ Minh Đức đúc kết lại sau 14 năm trong lĩnh vực khởi nghiệp.

Vbee - Chặng đường 12 năm xây dựng giải pháp ngôn ngữ cho người Việt - 1

Câu chuyện bắt đầu từ 12 năm trước, khi lĩnh vực xử lý, chuyển đổi ngôn ngữ tiếng Việt vẫn còn là một khái niệm tương đối mơ hồ với hầu hết người dùng, thậm chí cả với những doanh nghiệp lớn, Hồ Minh Đức đã bắt đầu những dự án đầu tay của mình dưới mái trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, nơi đã nuôi dưỡng và hình thành nên một tập thể những con người cùng chung ý chí giải bài toán riêng của người Việt Nam.

Sau hơn 10 năm nghiên cứu và phát triển, Hồ Minh Đức cùng những người bạn chung ý chí đã đưa bài toán tập trung xử lý ngôn ngữ tiếng Việt thành startup Vbee như hiện nay.

Vbee - Chặng đường 12 năm xây dựng giải pháp ngôn ngữ cho người Việt - 2

Ít ai ngờ rằng một Vbee chuyên về chuyển đổi giọng nói ngôn ngữ thành văn bản như hiện nay lại xuất thân từ một đề tài về xử lý bộ đọc dành cho người khiếm thị.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, CEO Hồ Minh Đức của Vbee cho hay, thời còn là sinh viên, anh cùng với một vài người bạn học cùng tại ĐH Bách Khoa Hà Nội cùng chung ý tưởng xây dựng giải pháp cho những người khiếm thị ở Việt Nam có được bộ đọc tốt hơn.

Những ai từng đi sâu vào lĩnh vực ngôn ngữ học đều công nhận rằng, điểm mấu chốt là cần phải có một công ty “Made in Vietnam” xây dựng giải pháp cho người Việt Nam. Lý do rất đơn giản, đó là tiếng Việt rất phức tạp.

Vbee - Chặng đường 12 năm xây dựng giải pháp ngôn ngữ cho người Việt - 3

Theo đánh giá của List25, tiếng Việt là một trong những ngôn ngữ khó học, khó phát âm nhất trên thế giới. Bởi lẽ đó, việc xây dựng nên những phần mềm, giải pháp chuyển đổi tiếng Việt vẫn được xem là một thử thách không nhỏ đối với ngay cả những tập đoàn hàng đầu thế giới như Google, Microsoft, hay Apple khi bước chân vào thị trường Việt Nam.

Trước cơ hội ấy, Hồ Minh Đức và những người bạn của mình tự nhủ “Không phải bây giờ, thì là bao giờ”. Xuất phát từ ý tưởng sẵn có, nền tảng nghiên cứu cũng đã sâu, và thị trường công nghệ chuyển văn bản, xử lý ngôn ngữ vô cùng tiềm năng, Vbee dường như là con đường duy nhất có khả năng trở thành một trong những đề tài đầu tiên sẽ thương mại hoá thành công rực rỡ. Để rồi từ đó, sản phẩm tới tay và phục vụ chính những con người Việt Nam.

Tuy nhiên, đó hoàn toàn không phải là “giấc mơ màu hồng” dành cho những chàng trai trẻ.

Trái lại, khó khăn đến từ ngày đầu, và những ai từng trải qua chặng đường startup đều hiểu điều này: Những nấc thang dưới thấp bao giờ cũng cao hơn bình thường; đoạn đường đầu tiên bao giờ cũng gập ghềnh, khó đi. Và ngay cả khi bạn có chạy thật nhanh, "ngọn đồi" cũng sẽ không bao giờ bằng phẳng.

CEO Hồ Minh Đức và chặng đường khởi nghiệp cùng Vbee
Vbee - Chặng đường 12 năm xây dựng giải pháp ngôn ngữ cho người Việt - 4
Vbee - Chặng đường 12 năm xây dựng giải pháp ngôn ngữ cho người Việt - 5

Với Hồ Minh Đức, khó khăn đến ngay từ khi dự án còn đang là một đề tài khoa học. Tại sao? Bởi vì một giải pháp công nghệ xuất thân từ một trường đại học từ trước tới nay vẫn luôn có những rào cản nhất định, khiến cho bất kỳ ai theo đuổi cũng phải chùn bước.

Quả thực không sai khi tồn tại định kiến cho rằng một đề tài khoa học sau khi ra trường hầu như rất khó có thể triển khai, và nếu có thì thành công cũng rất hạn chế.

Sở dĩ có định kiến này là bởi những sự khác nhau rất căn bản giữa khoa học và thị trường. Dưới góc độ khoa học, giải pháp luôn hướng tới mô hình vĩ mô, nhưng lại thiếu thực tế khi triển khai, khó đáp ứng được bài toán doanh số khi bước chân ra thị trường vốn dĩ khắc nghiệt. 

Từ đó, có thể thấy việc một đề tài khoa học “sống sót” đã là điều không dễ, mà để “bay cao” lại càng khó khăn hơn.

Vbee - Chặng đường 12 năm xây dựng giải pháp ngôn ngữ cho người Việt - 6

“Vbee đi lên từ giải pháp khoa học, nên khó khăn đầu tiên của chúng tôi lại chính là luôn nhìn sản phẩm dưới góc độ của các nhà khoa học”, CEO Hồ Minh Đức chia sẻ. “Điều này khiến startup của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu”.

“Tuy nhiên, càng khó khăn, các anh em càng muốn thực hiện nó, nhằm mục đích thay đổi định kiến rằng các đề tài khoa học sẽ khó mà triển khai thương mại hoá được”.

Khó khăn tiếp theo đó là về sự tiếp cận.

Rõ ràng, khi đã có sản phẩm được hoàn thiện trong tay, bạn sẽ muốn nó đến với càng nhiều người càng tốt. Nhưng làm thế nào để cụ thể hóa điều này lại là cả một vấn đề nan giải.

“Với Vbee, khi đã nỗ lực để định hình sản phẩm, chúng tôi phải tiến hành ‘educate’ thị trường - hiểu nôm na là phải "dạy" cho họ biết được sản phẩm của mình có gì, giải pháp mình đưa ra có tác dụng thế nào, dùng ra sao...”, anh kể lại.

Mất một thời gian cứ loanh quanh cái vòng lặp đi lặp lại: hoàn thiện sản phẩm, rồi giới thiệu nó, rồi lại tiếp tục hoàn thiện, giới thiệu nó... Thế rồi bất chợt, một cái “cục” chẳng biết từ đâu rơi thẳng xuống đầu bạn. Trên đó có một chữ thôi; đó là “vốn”.

“Trong khởi nghiệp, khó khăn nhất chính là nguồn vốn. Câu hỏi “vốn lấy đâu ra?” cứ đè nặng trĩu mỗi khi lên giường đi ngủ, và khi mở mắt ra thì câu hỏi ấy lại xuất hiện”, CEO Hồ Minh Đức trải lòng. 

Biết bao công đoạn cần tới vốn; như làm sao để phục vụ được một số lượng người dùng rất đông, tốn nhiều tài nguyên để duy trì hệ thống, trả lương nhân viên, cũng như nguồn lực để đóng gói sản phẩm, dịch vụ.

Thực tế cho thấy, trong bất kỳ ngành nghề nào, cái thứ này luôn là “kẻ thù” giết chết mọi ý tưởng chớm nở, và khiến doanh nghiệp phải chịu thất bại dù sở hữu trong tay nhiều sản phẩm độc đáo. Đối với startup, điều này càng khó khăn hơn, khi hầu như không có một nguồn vốn đầu tư nào ngoài trong giai đoạn đầu, trước khi họ chứng tỏ được giá trị của mình cho nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, do Vbee là startup sử dụng công nghệ lõi, nên đòi hỏi thời gian thị trường hấp thụ lâu hơn so với những sản phẩm mang tính chất thương mại. Các thành viên trong công ty buộc phải tận dụng thế mạnh của nhau, giảm bớt nguồn chi phí để tập trung giải các bài toán trước mắt.

Vbee - Chặng đường 12 năm xây dựng giải pháp ngôn ngữ cho người Việt - 7

Người ta thường nói, lúc khó khăn nhất cũng là lúc bạn dễ tìm thấy cơ hội, ý tưởng, hay đơn giản chỉ là một cú hích về tinh thần. Những điều này khi xảy ra sẽ do tùy người nắm bắt. Có những người bỏ qua nó, có người tận dụng, để biến nó thành bệ phóng hướng tới thành công. 

Vbee - Chặng đường 12 năm xây dựng giải pháp ngôn ngữ cho người Việt - 8

Nói cách khác, với một ai đó, “cú hích” chỉ đơn thuần là cái vỗ vai động viên, khích lệ, nhưng khi tận dụng tốt, “cú hích” thực sự sẽ tạo ra bước ngoặt làm thay đổi bộ mặt của chúng ta. Vbee là điển hình của một startup tận dụng tốt cơ hội ấy.

Đầu năm 2018, Vbee chính thức được giới thiệu. Tới giữa năm, Vbee “vừa kịp” là một trong những nhóm khởi nghiệp muộn nhất đăng ký dự thi Giải thưởng Nhân tài Đất Việt. Lúc bấy giờ, giải thưởng đã bước sang năm thứ 14 trong chặng đường tìm kiếm, tôn vinh tài năng, mà chủ yếu là các phần mềm, giải pháp trong nước còn chưa được nhiều người biết đến, hay chỉ tồn tại dưới mặt ý tưởng, sản phẩm tiềm năng.

“Chúng tôi là một trong những hồ sơ cuối cùng tham dự Nhân tài Đất Việt trong vòng đăng ký, nộp hồ sơ được Ban tổ chức gia hạn thêm”, CEO Hồ Minh Đức nhớ lại. “Nếu không có vòng này thì có lẽ chúng tôi đã không kịp tham gia. Và mãi đến sau này, tôi mới thực sự cảm ơn chính mình vì quyết định ấy”.

“Bạn biết đấy, sự tự ti của startup là có thật”

“Chúng tôi khi ấy là một startup trụ sở thì nhỏ, con người thì ít, doanh số không có, sản phẩm cũng không. Có chăng chỉ là sở hữu một ý tưởng có thể sẽ thành công, có thể thất bại. Và tất nhiên, là những con người cùng chung một ý chí sẽ theo đuổi đến cùng”.

“Nhưng rồi tới khi giải pháp của chúng tôi được xướng tên đạt giải cao nhất, chúng tôi thực sự bất ngờ và hạnh phúc. Một sự khích lệ lớn lao đã xuất hiện: À, chúng tôi chính là ‘Nhân tài Đất Việt’. 

“Chúng tôi là một trong những giải pháp được cả đất nước ghi nhận. Tại sao chúng tôi không đủ tự tin để gặp những đơn vị mà họ đang cần tới giải pháp đó”.

Vbee - Chặng đường 12 năm xây dựng giải pháp ngôn ngữ cho người Việt - 9

Tới nay, startup 2 năm tuổi đã cung cấp dịch vụ cho hơn 20.000 khách hàng cá nhân, hơn 500 doanh nghiệp, tổng công ty sử dụng rộng rãi trong 3 lĩnh vực chính, bao gồm: Tổng đài tự động, Giải pháp tương tác thiết bị thông minh, Nội dung số tự động; đạt tốc độ tăng trưởng 200% mỗi tháng.

Ngoài ra, Vbee cũng đã hợp tác với các đối lớn như Shopee, tiếp tận quỹ đầu tư của Grab, giải pháp được ứng dụng rộng rãi cho khối ngân hàng, Fintech tại Việt Nam. Mới đây, công ty cũng được quỹ của Vingroup đưa vào như một trong những giải pháp có tầm ảnh hưởng đến ngành công nghệ Việt Nam.

Thế nhưng, khi ngồi kể câu chuyện xưa, CEO Hồ Minh Đức vẫn nhớ y nguyên những hôm “thức thâu đêm” để làm tài liệu, “vã mồ hôi” tập thuyết trình, để sao cho phần thi của mình thuyết phục được Hội đồng Giám khảo tại Chung kết Nhân tài Đất Việt 2018. Để rồi khi đoạt giải thưởng cao quý, bao mệt mỏi, vất vả bỗng nhiên tan biến, chỉ còn lại niềm vui sướng, tự hào không ngơi.

“Từ Nhân tài Đất Việt, chúng tôi thực sự đã trưởng thành hơn, được nhiều người biết tới, được ghi nhận nhiều hơn. Đó thực sự là một cú hích cho chúng tôi, cũng như tất cả các thí sinh đoạt giải, và giải thưởng đã thực sự làm lan tỏa tính startup trong cộng đồng khởi nghiệp”.

CEO Hồ Minh Đức nói về giải thưởng Nhân tài Đất Việt

Giải thưởng Nhân tài Đất Việt do Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng, báo điện tử Dân trí phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đồng tổ chức thực hiện từ năm 2005 với mục tiêu ban đầu là tìm kiếm và tôn vinh các tài năng trong lĩnh vực công nghệ thông tin của Việt Nam.

Tới nay, giải thưởng Nhân tài Đất Việt đã đánh dấu chặng đường 15 năm tìm kiếm và tôn vinh nhân tài đầy tự hào, và bước sang kỳ thứ 16 với cuộc thi được phát động năm 2020. Trong suốt hành trình ấy, đã có hàng trăm công trình khoa học, sản phẩm công nghệ được vinh danh tại Giải thưởng, trở thành bệ phóng vững chắc cho hàng trăm sản phẩm được ứng dụng vào thực tế, phát triển và mở rộng thị trường, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển nền công nghệ nước nhà. Và từ đó, có hàng chục công trình, sản phẩm đã được vinh danh trên trường quốc tế, làm rạng danh non sông, đất nước Việt Nam.

Vbee - Chặng đường 12 năm xây dựng giải pháp ngôn ngữ cho người Việt - 10
Vbee - Chặng đường 12 năm xây dựng giải pháp ngôn ngữ cho người Việt - 11

“Cơ hội đến với một startup không có nhiều. Nên khi có, phải biết tận dụng, nếu không sẽ khó lòng cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường. Chính tôi là người đã nhận ra điều này sau gần 15 năm làm khởi nghiệp”.

Vào năm 2006, Hồ Minh Đức bắt đầu với dự án khởi nghiệp đầu tiên mang tên Socbay (Sóc bay), hoạt động chủ yếu ở mảng tìm kiếm từ nhạc, phim, ảnh, rao vặt, tin tức đến từ điển. Xa lộ của Tinh Vân lại nhắm tới các hướng tìm kiếm chuyên biệt như tin tức, blog, diễn đàn. Đó là thời kỳ thị trường tìm kiếm Việt vẫn còn ở trong tình thế cạnh tranh giữa Yahoo và Google, và những startup nhỏ như Socbay, Xa lộ, Tìm nhanh... đã nhanh chân tìm được những thị trường ngách để khai phá.

Tuy nhiên, tiềm lực tài chính có hạn dẫn đến vận hành cả một bộ máy và lượng dữ liệu khổng lồ mà chỉ cần tới một một vài kỹ sư là điều không thể, dự án Socbay thất bại sau một năm hoạt động, nhưng cũng đạt được thành công lớn đó là được Google đề xuất mua lại.

Đây cũng là một câu chuyện cho thấy những thách thức thực sự với các dự án khởi nghiệp của người Việt nếu có ý định cạnh tranh nhằm, giành giật thị phần với các ông lớn như Google, Amazon tại Việt Nam, chứ chưa kể đến các tập đoàn lớn trong nước.

Thế nhưng, chỉ vỏn vẹn 2 năm sau, Hồ Minh Đức quay trở lại, nung nấu ý định “trả thù” Google bằng một dự án mà sau này chính là Vbee - giải pháp chuyển đổi ngôn ngữ tiếng Việt từ văn bản sang giọng nói.

Vbee - Chặng đường 12 năm xây dựng giải pháp ngôn ngữ cho người Việt - 12

Lần này, Đức chọn cách trở thành những “chú Rùa”, đi chậm hơn, và thực tế đã mất tới 10 năm để xây dựng giải pháp, sao cho nó thật hoàn thiện, và đủ sức đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tới khi “bung” ra, Vbee ngay lập tức tạo được tiếng vang dù rất nhiều công ty, tập đoàn lớn cũng tham gia vào lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tương tự, điển hình như trong nước có FPT, Viettel; còn nói tới những “gã khổng lồ” thì luôn có Google, Amazon luôn chực chờ để thâm nhập thị trường Việt.

Theo nhận định của CEO Vbee, đây là một minh chứng cho thấy luôn có những lợi thế dành cho những startup nhỏ; đó là giải quyết các bài toán mà không phải gã khổng lồ nào cũng có thể làm được.

“Tôi tin rằng thị trường sẽ luôn có các bài toán sẵn có. Và nếu không có những startup giải quyết những vấn đề đó, thì thị trường sẽ không thể phát triển một cách toàn diện”, anh khẳng định.

“Thị trường công nghệ rất rộng, và mỗi cách đi sẽ cho kết quả khác nhau. Nếu như ngày xưa, tôi cố gắng đưa công cụ tìm kiếm trở thành số 1 thị trường, thì giờ đây, góc nhìn của chúng tôi đã khác. Bằng cách dựa trên nền tảng công nghệ lõi, Vbee sẽ làm sao “đóng gói” được những dịch vụ phù hợp với thị trường ngách càng tốt. Cần phải nói thêm rằng, mặc dù là thị trường ngách, nhưng nó là đủ lớn để một startup có thể sống, sau đó là phát triển.

Vbee - Chặng đường 12 năm xây dựng giải pháp ngôn ngữ cho người Việt - 13

Tất nhiên, để có được chiến lược ấy, chúng tôi đã chấp nhận đi chậm, đi chắc. Đằng sau Vbee là 10 năm chúng tôi nghiên cứu, xây dựng giải pháp đồng bộ. Điều này giúp chúng tôi có một nền tảng rất sâu về ngôn ngữ. Có thể nói rằng, Vbee đã đi lên từ ngôn ngữ chứ không phải áp dụng IT để giải quyết vấn đề về ngôn ngữ.”

Tựu chung lại, điều khiến những con người đang làm việc tại Vbee cảm thấy tự hào nhất - cũng là thứ đang vì nó mà cố gắng - là một sản phẩm tiên phong về xử lý ngôn ngữ tiếng Việt nói chung và giọng nói nhân tạo tiếng Việt nói riêng.

Từ nền móng ấy, một tập hợp gồm những con người trẻ tuổi, chung niềm đam mê, khát vọng, tin tưởng rằng họ sẽ thay đổi được hình thức về công nghệ nền tảng cũ ở Việt Nam, thổi hồn cho những dịch vụ mới như tổng đài AI, MC ảo..., cũng là những nét "chấm phá" hoàn toàn mới cho nền Cách mạng Công nghiệp 4.0 mà Việt Nam đang hướng tới.