(Dân trí) - Trong một cuộc đua đầy sự cạnh tranh và thử thách như lĩnh vực di động, rõ ràng "tốt" là chưa đủ. Mà phải có những sự sự đổi mới, sáng tạo, từ đó tiếp tục dẫn đầu những xu thế mới.
Cách đây tròn 2 năm, Apple khiến làng công nghệ bất ngờ khi giới thiệu mẫu iPhone X với thiết kế đặc biệt gồm màn hình tràn viền và cụm "tai thỏ" - hay cách gọi khác của phần viền được làm nhô lên ở cạnh trên, chứa camera, loa thoại và các cảm biến.
"Tai thỏ" khi ấy đón nhận nhiều ý kiến trái chiều. Có người đã chỉ trích nó thậm tệ, cho rằng Apple khiến màn hình iPhone trở nên mất cân đối, kém hoàn thiện. Một số người thì thấy nó cũng "khá thú vị". Số khác lại cho rằng đây sẽ là điểm trừ khiến Apple bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua của các hãng di động.
Kiểu thiết kế truyền thống của những chiếc điện thoại cách đây 4-5 năm.
Thế nhưng điều mà chẳng ai ngờ tới đã xảy ra, khi "tai thỏ" chính thức trở thành một trào lưu được gần như mọi nhà sản xuất học theo - như một giải pháp duy nhất để làm smartphone tràn viền.
Từ những chiếc điện thoại thấp cấp - có giá rẻ, cho tới những smartphone cao cấp với giá hàng chục triệu đồng. "Tai thỏ" cứ thế xuất hiện, biến điều "không thể" trở thành "có thể", từ những thứ tưởng như là "lỗi thiết kế" trở thành xu thế rộng rãi.
"Tai thỏ" đã tạo ra được cuộc cách mạng lớn.
LG G7 ThinQ...
Huawei P20 Pro...
Asus Zenfone 5...
Google Pixel 3 XL...
OnePlus 6T cải tiến với "tai thỏ" hình giọt nước.
Samsung Galaxy S10 cải tiến với "tai thỏ" nay chỉ còn là một lỗ được khoét trên màn hình.
Thế mới thấy sự cạnh tranh trong lĩnh vực di động là khốc liệt như thế nào, khi mà chỉ một vài centimet trên màn hình - vốn chỉ có thể đặt các ký tự thông báo thời gian, ngày tháng, tình trạng pin, mạng di động,... lại có thể khiến các nhà sản xuất "phát điên" như thế.
Nhưng cũng chính trong bối cảnh đó, một cuộc cách mạng, một sự bứt phá đầy ngoạn mục đã xảy ra khi Apple - khi ấy vẫn đang thống trị mọi xu thế, dần mất đi lợi thế của chính mình vì thiếu đổi mới sáng tạo.
Cơ hội vàng để các hãng điện thoại Android bứt phá
Người ta thường nói rằng "Xây dựng thương hiệu đã khó, giữ còn khó hơn". Apple đã vô cùng thành công khi ra mắt iPhone X như một sự đột phá đáng kể về thiết kế trong suốt nhiều năm.
Nhưng ở một khía cạnh nào đó, "tai thỏ" vẫn được xem là một khiếm khuyết của công nghệ, vì mặc dù cho phép màn hình được mở rộng lớn hơn so với kiểu truyền thống, nhưng lại khiến khung hình trở nên không hoàn thiện.
Oppo Find X.
Apple - với vị thế của một công ty "siêu thiết kế", luôn đề cao sự tinh tế trên các dòng sản phẩm của mình, ắt hẳn thấy rõ hơn bất kỳ ai hết.
Sẽ là thiếu hợp lý nếu xem "tai thỏ" là một điểm trú chân an toàn cho điện thoại thông minh, và các nhà sản xuất hiểu được điều này. Ngay trong nửa cuối 2018 và đầu 2019, hàng loạt giải pháp để thay thế cho "tai thỏ" đã được trình làng.
Đầu tiên phải kể tới OPPO - một thương hiệu tới từ Trung Quốc, đã tích hợp cả camera trước và sau vào một mô-đun trượt lên trên dòng Find X, sẽ chỉ xuất hiện khi có nhu cầu chụp ảnh. Điều này giúp màn hình điện thoại trở nên tràn viền một cách trọn vẹn.
Meizu với thiết kế không có nút, không có lỗ, không có cổng kết nối, và tất nhiên là cũng không có "tai thỏ".
Tiếp đến tháng 1/2019, Meizu - nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ 11 trên thế giới đã giới thiệu một mẫu điện thoại không có nút, không có lỗ, không có cổng kết nối, và tất nhiên là cũng không có "tai thỏ". Mặc dù sự thành công của điện thoại Meizu vẫn còn là một dấu hỏi, nhưng nỗ lực để "làm mới" của họ là đáng ghi nhận.
Asus Zenfone 6 với thiết kế camera lật ấn tượng.
Tới quý 2, một nhà sản xuất khác là Asus đã trình làng Zenfone 6 cũng với thiết kế tràn viền tương tự. Để làm được điều này, hãng sử dụng một mô-đun lật ở phía sau, cho phép biến cụm camera sau trở thành camera trước một cách đầy sáng tạo.
Điều đáng nói là mức giá của Zenfone 6 chỉ dừng lại ở 500 USD (khoảng 11,6 triệu đồng), tức rẻ hơn phân nửa so với đa số những chiếc điện thoại cao cấp khác.
Samsung Galaxy A80 với mô-đun camera trượt/xoay.
Gã khổng lồ Samsung cũng bắt đầu tạo ra những bước đi vững chắc trong việc phá vỡ xu thế "tai thỏ" của Apple. Tháng 4, hãng giới thiệu Galaxy A80 với camera trượt xoay - với cụm 3 camera có thể lật ngược ra phía trước để làm máy ảnh selfie.
Kết hợp với công nghệ cảm biến vân tay siêu âm đặt dưới màn hình, Samsung giờ đây tự tin tuyên bố rằng hãng đã không còn là "cái bóng" của Apple, mà tự tay xây dựng nên những xu thế riêng.
Khi trào lưu đã không còn là trào lưu
Nhắc đến Apple, chúng ta chỉ còn lại nỗi thất vọng khi hãng dự kiến sẽ tiếp tục duy trì "tai thỏ" trên mẫu iPhone 2019, và chỉ đổi thiết kế cụm camera sau. Với việc chỉ ra mắt duy nhất một đời iPhone mỗi năm, và đặc biệt là với cái giá cao "ngất ngưởng", người tiêu dùng rõ ràng có quyền kỳ vọng nhiều hơn ở Apple.
Không thể phủ nhận rằng điện thoại iPhone vẫn mượt mà, vẫn đem lại những trải nghiệm tốt. Nhưng Apple giờ đây giống như một kẻ khổng lồ bước đi dù rất chắc chắn, nhưng lại vô cùng chậm chạp, và chẳng bao lâu nữa sẽ bị bỏ lại một mình phía sau.
Câu nói nổi tiếng của Steve Jobs - cho thấy khát vọng muốn tạo ra sự đột phá không chỉ trên thế giới, mà còn có tầm ảnh hưởng tới cả vũ trụ.
Trong một cuộc đua đầy sự cạnh tranh và thử thách như lĩnh vực di động, rõ ràng "tốt" là chưa đủ. Mà phải có những sự sự đổi mới, sáng tạo, từ đó tiếp tục dẫn đầu những xu thế mới.
Đã từ rất lâu rồi, sự kiện ra mắt iPhone mới của Apple đã không còn giữ được sự hồi hộp, phấn khích thủa nào. Chỉ còn lại những ánh mắt chán chường, những cái ngáp vặt, hay bận bịu "cắm cúi" vào chiếc điện thoại trên tay.
Thế nhưng dưới góc độ người tiêu dùng, có lẽ chúng ta nên mừng vì điều này. Vì nếu Apple sản sinh ra quá nhiều đột phá thiết kế như các hãng Android, thì có lẽ mức giá của iPhone sẽ không chỉ dừng lại ở hai con số thôi đâu.
Nguyễn Nguyễn