Cuộc chiến giữa ARM và Qualcomm ảnh hưởng nghiêm trọng thị trường di động
(Dân trí) - Nếu 2 ông lớn công nghệ là ARM và Qualcomm không thể tìm được tiếng nói chung, thị trường smartphone sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cuộc chiến này.
Những cuộc chiến pháp lý là điều rất quen thuộc trong ngành công nghệ, khi những "ông lớn" luôn tìm cách kiện tụng lẫn nhau để giành về lợi thế cạnh tranh.
Những vụ kiện tranh chấp giữa các hãng công nghệ thường xoay quanh lý do vi phạm bản quyền sáng chế, sao chép kiểu dáng thiết kế hay vi phạm hợp đồng thỏa thuận giữa hai bên…
Đôi khi, những tranh chấp pháp lý này được giải quyết một cách êm đẹp, nhưng có những cuộc chiến pháp lý có thể ảnh hưởng đến cả một ngành nghề kinh doanh. Chẳng hạn như cuộc chiến pháp lý giữa hãng chip Qualcomm và hãng thiết kế chip ARM đang diễn ra có thể làm ảnh hưởng đến cả thị trường di động toàn cầu.
Khơi nguồn của cuộc chiến giữa Qualcomm và ARM
Qualcomm là hãng chip di động lớn nhất thế giới, trong khi đó ARM là công ty nổi tiếng với các thiết kế kiến trúc vi xử lý được sử dụng trên nhiều loại chip khác nhau, trong đó có các dòng chip của Qualcomm.
ARM, hiện thuộc sở hữu của tập đoàn Softbank, Nhật Bản, không trực tiếp sản xuất chip, mà chỉ xây dựng các kiến trúc và thiết kế vi xử lý để các công ty khác dựa vào đó phát triển và sản xuất chip theo nhu cầu riêng.
Kiến trúc vi xử lý (Microprocessor Architecture) là thiết kế và cách thức tổ chức của các thành phần bên trong một vi xử lý, định hình cách vi xử lý xử lý các lệnh, quản lý dữ liệu và giao tiếp với các thành phần khác của hệ thống.
Hiện kiến trúc vi xử lý của ARM được nhiều hãng chip sử dụng để thiết kế các mẫu chip của riêng mình, có thể kể đến Apple, Samsung, MediaTek, Huawei, Nvidia, Microsoft, Qualcomm…
Từng là đối tác của nhau, tuy nhiên, mới đây quan hệ giữa Qualcomm và ARM đã trở nên căng thẳng.
Khởi nguồn cho sự căng thẳng này bắt nguồn từ đầu năm 2021, khi Qualcomm chi ra 1,4 tỷ USD để mua lại Nuvia, một công ty khởi nghiệp chuyên thiết kế kiến trúc vi xử lý.
Mới đây, Qualcomm đã cho ra mắt chip di động cao cấp Snapdragon 8 Elite sử dụng kiến trúc chip do Nuvia thiết kế, thay vì dùng kiến trúc của ARM.
ARM cho rằng động thái của Qualcomm đã vi phạm thỏa thuận giữa hai bên nên lập tức đưa ra thông báo cho biết sẽ hủy bỏ thỏa thuận cấp phép sử dụng kiến trúc chip của công ty cấp cho Qualcomm trong vòng 60 ngày tới.
Phía Qualcomm đã phủ nhận mọi cáo buộc của ARM và cho rằng việc sử dụng kiến trúc vi xử lý của Nuvia không hề vi phạm thỏa thuận ban đầu giữa 2 công ty.
Cuộc chiến giữa ARM và Qualcomm sẽ ảnh hưởng thế nào đến người dùng và thị trường di động?
Thông thường, những cuộc chiến pháp lý giữa các hãng công nghệ sẽ chỉ ảnh hưởng đến hoạt động đơn thuần của các hãng này, ít khi ảnh hưởng trực tiếp đến người dùng. Nhưng cuộc chiến giữa ARM và Qualcomm thì lại có thể ảnh hưởng đến cả người dùng lẫn thị trường di động toàn cầu.
Sở dĩ có điều này vì Qualcomm đang là hãng chip di động lớn nhất thế giới và hãng đang sử dụng kiến trúc của ARM trên hầu hết các dòng chip di động đang có trên thị trường, từ giá rẻ đến cao cấp (ngoại trừ chip Snapdragon 8 Elite mới ra mắt).
Nếu Qualcomm không thể tiếp tục sử dụng thiết kế của ARM, điều này sẽ dẫn đến sự chậm trễ trong việc phát triển và sản xuất smartphone mới do Qualcomm phải bắt tay thiết kế lại từ đầu các loại chip di động khác để thay thế cho những mẫu chip hiện có.
Qualcomm cũng sẽ phải tìm kiếm giấy phép sử dụng thiết kế chip của các công ty khác hoặc phải đầu tư để tạo ra thiết kế chip của riêng mình, điều này cũng sẽ làm tăng cao chi phí chip của Qualcomm, kéo theo làm tăng giá bán của smartphone trên thị trường.
Tranh chấp giữa ARM và Qualcomm cũng có thể làm xáo trộn thị trường chip smartphone. Nhiều công ty mới sẽ nhảy vào thay thế ARM để cung cấp thiết kế chip cho Qualcomm và sẽ buộc người dùng phải làm quen với những mẫu chip sử dụng kiến trúc mới chưa được kiểm chứng. Không có gì đảm bảo rằng mới hơn sẽ tốt hơn trong trường hợp này.
Kết cục cuộc chiến giữa ARM và Qualcomm sẽ ảnh hưởng đến người dùng như thế nào?
Mọi cuộc chiến đều sẽ có hồi kết. Dù chưa biết cuộc chiến giữa ARM và Qualcomm sẽ kết thúc như thế nào, nhưng chắc chắn đều sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến người dùng phổ thông.
- Nếu ARM và Qualcomm dàn xếp được với nhau bằng một thỏa thuận mới giữa 2 bên, nghĩa là Qualcomm sẽ tiếp tục sử dụng kiến trúc của ARM cho các mẫu chip của mình, điều này sẽ không ảnh hưởng đáng kể gì đến người dùng và thị trường di động, mọi chuyện vẫn sẽ tiếp diễn bình thường.
- Nếu ARM chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý, nhiều khả năng Qualcomm sẽ phải đầu tư tiền để xây dựng các thiết kế chip mới, điều này sẽ khiến giá chip tăng cao và làm tăng giá smartphone sử dụng chip của Qualcomm.
- Nếu Qualcomm giành chiến thắng, hãng chip này sẽ giảm được sự phụ thuộc vào ARM và có thể áp dụng kiến trúc vi xử lý của riêng mình lên nhiều mẫu chip hơn, giúp tạo ra các dòng sản phẩm chip mới của Qualcomm, tạo nên sự đa dạng trên thị trường di động.
Dĩ nhiên, cuộc chiến pháp lý giữa ARM và Qualcomm vẫn đang tiếp diễn và chưa có hồi kết. Cho đến khi thẩm phán đưa ra phán quyết cuối cùng trên tòa án, chúng ta mới biết được cuộc chiến này sẽ ảnh hưởng thế nào đến người dùng và thị trường di động, nhưng chắc chắn cuộc chiến giữa 2 "ông lớn" này sẽ gây ra những tác động không nhỏ trên toàn cầu.